Stablecoin - hai mặt của một đồng xu
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký Đạo luật GENIUS – văn bản pháp lý liên bang đầu tiên quy định cụ thể về stablecoin (một loại tiền điện tử neo theo đồng USD) và tiền điện tử nói chung. Thế nhưng, đạo luật này cũng đối mặt với không ít thách thức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành Đạo luật GENIUS – văn bản pháp lý liên bang đầu tiên quy định cụ thể về stablecoin và tiền điện tử nói chung. Stablecoin, nghĩa đen là "tiền số có giá trị ổn định", được hiểu là những loại tiền điện tử luôn được neo giữ vào một loại tiền pháp định, phổ biến nhất là USD, chứ không biến động giá nhanh chóng như những loại tiền số khác. Việc ký đạo luật về tiền điện tử ổn định đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cách nước Mỹ tiếp cận và quản lý lĩnh vực tài sản số đang phát triển nhanh chóng.
Ngay sau khi đạo luật được ký, thị trường tiền điện tử đã phản ứng tích cực, với tổng giá trị tài sản số vượt mốc 4.000 tỷ USD. Phát biểu sau lễ ký, Tổng thống Trump gọi đây là “cuộc cách mạng công nghệ tài chính lớn nhất kể từ khi Internet ra đời”. Tuyên bố này phản ánh kỳ vọng của chính quyền Mỹ đối với vai trò chiến lược của stablecoin trong hệ thống tài chính tương lai. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về việc nên kiểm soát hay thúc đẩy tiền điện tử, việc Mỹ chính thức ban hành một khung pháp lý liên bang đang mở ra một chương mới: vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng, vừa củng cố vị thế dẫn đầu của Mỹ trong cuộc đua đổi mới tài chính toàn cầu.
Kỳ vọng thống trị tài chính toàn cầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký ban hành Đạo luật “Hướng dẫn và Thiết lập Đổi mới Quốc gia đối với Stablecoin của Mỹ”, gọi tắt là đạo luật GENIUS, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực xây dựng khung pháp lý liên bang đầu tiên dành riêng cho tiền điện tử tại Mỹ. Đạo luật này không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho stablecoin mà còn thể hiện chiến lược lâu dài của chính phủ Mỹ nhằm khẳng định vai trò dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tài chính.
Chúng ta thực hiện một bước tiến lớn để củng cố sự thống trị của nước Mỹ trong lĩnh vực tài chính toàn cầu và công nghệ tiền điện tử, khi chúng ta ký ban hành Đạo luật GENIUS mang tính bước ngoặt này. Đạo luật GENIUS cung cấp cho các ngân hàng, doanh nghiệp và tổ chức tài chính một khuôn khổ pháp lý để phát hành tài sản tiền điện tử được bảo chứng 1:1 bằng USD thật, trái phiếu chính phủ và các tài sản tương đương tiền khác. Điều này thực sự đang củng cố sức mạnh của đồng USD và nâng tầm vị thế của nó".
Đạo luật GENIUS đặt ra một hệ thống quy định chặt chẽ đối với các tổ chức phát hành stablecoin, yêu cầu họ phải đăng ký và được cấp phép bởi một cơ quan mới mang tên Ủy ban Ổn định Tài chính Kỹ thuật số Quốc gia, trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động phát hành, lưu hành và thanh toán liên quan đến stablecoin trên phạm vi toàn quốc. Một trong những quy định quan trọng nhất của đạo luật này là yêu cầu tỷ lệ dự trữ 1:1 – nghĩa là mỗi đồng stablecoin phát hành phải được bảo chứng hoàn toàn bằng USD hoặc các tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Điều này nhằm đảm bảo khả năng quy đổi và hạn chế rủi ro tài chính trong trường hợp thị trường biến động mạnh.
Ngay sau khi đạo luật được ban hành, thị trường tiền điện tử toàn cầu đã phản ứng mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ CoinGecko, tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ tài sản điện tử đã vượt ngưỡng 4.000 tỷ USD – mức cao nhất kể từ năm 2021. Nhiều tổ chức lớn trong ngành như Circle, Paxos hay Tether đều ra tuyên bố hoan nghênh đạo luật, cho rằng đây là một bước tiến cần thiết để thị trường trở nên minh bạch, đáng tin cậy và đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia nhận định đạo luật GENIUS có thể trở thành nguồn tham khảo cho các quốc gia khác đang tìm cách xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, trong bối cảnh các đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) như e-CNY của Trung Quốc hay euro kỹ thuật số của châu Âu đang bước vào giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn.
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ sang các nền tảng tài chính số, đạo luật GENIUS không đơn thuần là một đạo luật công nghệ – nó là tuyên bố chính trị, là nền tảng pháp lý và là chiến lược kinh tế số của một cường quốc trong kỷ nguyên tài chính mới.
Hai mặt của một đồng xu
Tuy khởi đầu có vẻ may mắn, nhưng đạo luật GENIUS cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc kiểm soát stablecoin tập trung là một chuyện, nhưng việc quản lý các đồng stablecoin phi tập trung như DAI – vốn không có tổ chức phát hành rõ ràng – lại là vấn đề hoàn toàn khác. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng sẽ phải đối mặt với áp lực trong việc duy trì sự cân bằng giữa kiểm soát pháp lý và thúc đẩy đổi mới. Nếu quy định quá chặt chẽ, ngành công nghiệp có thể bị kìm hãm; nhưng nếu quá lỏng lẻo, sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính và gian lận ở quy mô lớn. Cùng với đó là bài toán phối hợp giữa nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang (Fed), Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) và các tổ chức tài chính quốc tế trong việc áp dụng và triển khai đạo luật một cách đồng bộ, nhất quán.
Stablecoin xuất hiện vào năm 2014 và kể từ đó đã trở nên phổ biến, đặc biệt nhờ tiềm năng sử dụng trong các giao dịch kỹ thuật số. Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Hagerty cho rằng stablecoin có thể giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện thanh toán “gần như tức thì”, trái ngược với hệ thống hiện tại có thể mất hàng tuần.
Sự phát triển nhanh chóng của stablecoin – loại tiền điện tử được neo giá theo đồng tiền pháp định – đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới tài chính truyền thống, đặc biệt sau khi Mỹ chính thức thông qua đạo luật GENIUS. Theo Viện Brookings, tổng giá trị stablecoin đang lưu hành hiện vượt 250 tỷ USD, với gần như toàn bộ được neo theo đô la Mỹ, phản ánh nhu cầu toàn cầu về một hình thức chuyển tiền kỹ thuật số linh hoạt, ổn định.
Tranh cãi xung quanh vấn đề này thực sự có hai khía cạnh – một là yếu tố bên ngoài, hai là yếu tố nội tại. Về phía bên ngoài, vì hầu hết stablecoin hiện nay vẫn được neo theo đồng USD, nên việc sử dụng stablecoin một cách tự nhiên đồng nghĩa với việc phải mua vào trái phiếu nợ của Mỹ để bảo chứng cho các đồng stablecoin này. Việc đạo luật này được thông qua là rất tích cực từ góc độ minh bạch pháp lý. Nhưng nếu ngày càng có nhiều người sử dụng stablecoin – đặc biệt ở các quốc gia khác – thì sẽ nảy sinh câu hỏi liệu các trung tâm tài chính ở nước ngoài có đang gián tiếp tài trợ cho nợ công của chính phủ Mỹ hay không. Đó là một khía cạnh. Khía cạnh thứ hai là việc gia đình ông Trump và tổ chức của ông cũng đã công bố rằng họ có ý định phát hành stablecoin của riêng mình neo theo USD. Rõ ràng, đây là một dự án kinh doanh cá nhân, nhưng lại gắn chặt với việc thông qua đạo luật này. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có ý nghĩa đặc biệt hay mối liên hệ đáng kể nào giữa hai sự việc đó hay không."
Ở một số nước đang phát triển, nơi USD không dễ tiếp cận, các doanh nghiệp có đối tác quốc tế đang chuyển sang dùng stablecoin để tăng tốc quá trình chuyển tiền mà nếu thực hiện qua ngân hàng truyền thống sẽ mất vài ngày hoặc vài tuần.
Tuy nhiên, stablecoin cũng mang theo nhiều mối lo ngại gia tăng. Một trong những rủi ro lớn nhất là nguy cơ mất giá neo. Nếu tài sản dự trữ mất giá hoặc thiếu thanh khoản, stablecoin có thể phá vỡ mối liên kết với đồng tiền cơ sở. Điều này có thể gây thiệt hại trong giao dịch hoặc rủi ro hệ thống về khả năng vỡ nợ và thanh khoản, như đã thấy trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023, theo báo cáo của S&P Global Ratings.
Một rủi ro khác là thiếu minh bạch. John Reed Stark, cựu quan chức cao cấp về tài chính và từng giữ chức Trưởng phòng Thực thi Internet của SEC, cho biết: “Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không thể thấy được bất kỳ thông tin nào về stablecoin, không có kiểm toán công khai, không có kiểm tra hay giám sát – ai biết điều gì thực sự đang diễn ra?”.
Mối quan ngại khác liên quan đến khả năng stablecoin bị các đối tượng bất hợp pháp lợi dụng, như những kẻ buôn bán ma túy và lừa đảo. Zhao Yao, nhà nghiên cứu tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng tính ẩn danh và phi tập trung của stablecoin có thể tạo điều kiện cho việc rửa tiền và các giao dịch bất hợp pháp khác.
Câu chuyện của Bolivia
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, tiền điện tử đang nổi lên như một lựa chọn thay thế đầy tiềm năng – không chỉ ở các quốc gia phát triển, mà đặc biệt là tại những nền kinh tế đang gặp khó khăn như Bolivia. Sự trỗi dậy của Bitcoin và stablecoin giữa khủng hoảng tài chính không chỉ phản ánh nhu cầu cấp thiết của người dân mà còn đặt ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách. Khi Mỹ vừa ban hành đạo luật GENIUS nhằm quản lý và thúc đẩy phát triển tiền điện tử một cách bền vững, câu hỏi đặt ra là: liệu các quốc gia khác có thể học hỏi gì từ mô hình này? Và đâu là con đường phù hợp để cân bằng giữa đổi mới công nghệ và sự ổn định kinh tế?
Ở thành phố Cochabamba của Bolivia, tiền điện tử đang dần trở thành một giải pháp tài chính được nhiều người dân và doanh nghiệp địa phương lựa chọn. Với sự suy giảm dự trữ ngoại tệ, lạm phát tăng cao và đồng boliviano mất giá, người dân Bolivia đang tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình qua việc sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Đây không chỉ là một xu hướng công nghệ mà còn phản ánh nhu cầu cấp thiết của xã hội trước những áp lực kinh tế ngày càng gia tăng.
Ngày càng nhiều người hiểu rằng nếu họ kiếm tiền bằng đồng Boliviano và giữ lâu trong tài khoản tiết kiệm, thì số tiền đó sẽ mất sức mua. Vì vậy, họ đang chuyển sang một mô hình mới, trong đó có thể chịu một số biến động trong ngắn hoặc trung hạn, nhưng về lâu dài, đây trở thành khoản tiết kiệm có giá trị cho tất cả các doanh nhân, dù lớn hay nhỏ.”
Tại Cochabamba, các máy ATM Bitcoin xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với việc một số nhà hàng, cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, cho thấy sự lan rộng của hình thức giao dịch mới này.
Các yếu tố của nền kinh tế như suy thoái kinh tế vĩ mô, tỷ giá hối đoái và tiền tệ khiến người dân phải tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đây chính là môi trường lý tưởng để công nghệ mới phát triển và được áp dụng. Người ta tìm cách bảo vệ giá trị thu nhập, tiết kiệm và tài sản của mình. Tiền điện tử cho phép họ làm điều đó. Khả năng giao dịch cũng rất quan trọng, nhất là khi hệ thống tài chính bị hạn chế bởi tỷ giá chính thức không còn phản ánh đúng thực tế. Vì vậy, những phương thức thanh toán và công nghệ này cung cấp các lựa chọn thay thế, ở một mức độ nào đó, phản ánh thực tế hơn so với hệ thống chính thức.”
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử tại Bolivia cũng kéo theo những thách thức về mặt pháp lý và quản lý. Đến nay, Ngân hàng Trung ương Bolivia vẫn duy trì lệnh cấm đối với việc sử dụng tiền điện tử trong hệ thống tài chính chính thức. Điều này tạo ra một “vùng xám” pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này phải đối mặt với rủi ro pháp lý, khiến họ khó có thể phát triển bền vững trong một môi trường minh bạch và ổn định. Chuyên gia kinh tế Jose Gabriel Espinoza cũng cảnh báo rằng việc người dân chuyển sang sử dụng tiền điện tử không phải là dấu hiệu cho sự ổn định kinh tế, mà ngược lại, đó có thể là biểu hiện của sự suy giảm nghiêm trọng về sức mua của các hộ gia đình.
Ngoài ra, chuyên gia toàn cầu Peter Howson chỉ ra rằng, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, thị trường tiền điện tử non trẻ ở Bolivia có thể bị các tổ chức nước ngoài lợi dụng, làm gia tăng sự mất cân bằng và gây thiệt hại cho người dân địa phương.
Trước thực tế này, Bolivia có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia khác để xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp, vừa khuyến khích đổi mới công nghệ, vừa bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế. Một trong những mô hình tiêu biểu mà Bolivia có thể tham khảo là đạo luật GENIUS của Mỹ. Mặc dù đạo luật này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng nó đã đặt nền móng cho một cách tiếp cận cân bằng giữa phát triển công nghệ số và quản lý rủi ro hiệu quả.
Đạo luật GENIUS hướng đến việc tạo ra một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain và tiền điện tử. Một trong những điểm quan trọng của luật là thiết lập các “hộp cát” – nơi các dự án và công ty có thể thử nghiệm công nghệ mới dưới sự giám sát linh hoạt của cơ quan quản lý. Điều này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn giúp hạn chế những rủi ro tiềm tàng khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Ngoài ra, đạo luật GENIUS cũng chú trọng đến việc bảo vệ người tiêu dùng bằng cách yêu cầu các công ty công khai đầy đủ thông tin về rủi ro, phí giao dịch và các cảnh báo về khả năng mất vốn. Các quy định này nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo và thao túng thị trường – vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong lĩnh vực tiền điện tử vốn còn non trẻ và thiếu minh bạch.
Giới quan sát đánh giá Đạo luật GENIUS về stablecoin là bước ngoặt giúp tiền điện tử tiến gần hơn đến việc được công nhận như một loại tài sản chính thống. Hiện tại, stablecoin chủ yếu được sử dụng để giao dịch trong thế giới tiền điện tử. Tuy nhiên, với một khuôn khổ pháp lý rõ ràng mà đạo luật GENIUS hướng tới, nước Mỹ hy vọng stablecoin vừa có thể được sử dụng rộng rãi hơn cho các khoản thanh toán nhanh và tiện lợi, vừa có thể bảo vệ người dân khỏi các rủi ro của thị trường tiền điện tử, tạo điều kiện cho sự phát triển công nghệ và tài chính số.