Nơi quanh năm mùi Tết
Chiều nay, mời bạn cùng Hường và Xuân Chinh về thăm làng Phú Thượng, vùng đất quanh năm nấu xôi, nơi hương vị xôi truyền thống được lưu giữ và lan tỏa, xứng danh “đất xôi kinh kỳ”…

Phú Thượng nằm ven sông Hồng, lúa nếp trồng ở đất phù sa màu mỡ cho hạt to tròn, bóng mẩy đều tăm tắp, trăm nghìn hạt như một. Nghề nấu xôi cũng vì thế mà ra đời, nhưng không ai rõ người làng nấu nhiều xôi từ khi nào. Người già kể lại, hơn nửa thế kỷ trước, một vài hộ dân gồng gánh xôi đi bộ từ Phú Thượng vào khắp ngõ ngách phố cổ bán cho người thập phương. Xôi ngon, giá bình dân nên dần dà nức tiếng khắp đất kinh kỳ. Giờ khắp ba thôn của Phú Thượng (làng Gạ, làng Bạc, làng Xù), nhà ai cũng nấu xôi như nghề chính của gia đình.
“Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát có nghề nấu xôi”
Cô Nguyễn Thị Thảo, sinh ra ở làng Gạ. Năm 16 tuổi, cô đã thành thục nấu xôi làm cỗ, phụ bố mẹ bán trong ngoài xã. Hơn 30 năm gắn bó với gạo nếp hạt xôi, cô chỉ cần nếm một miếng xôi là biết xôi đó có phải nấu ở Phú Thượng hay không. Xôi Phú Thượng có hương vị đặc trưng bởi hành trình hạt gạo thành xôi rất tỉ mỉ, kỳ công.
Cô Thảo và người dân ở Phú Thượng, mỗi ngày làm 8 - 10 món xôi khác nhau. Sự đa dạng là nét hấp dẫn đặc biệt ở các làng xôi này. Chính người làm xôi ăn xôi quanh năm cũng không chán bởi họ làm ra rất nhiều loại xôi. Ngày thường có xôi xéo, xôi vừng dừa, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi trắng, xôi đỗ đen, xôi ngô. Ngày lễ lạt cưới xin thường xôi vò, xôi gấc vò hạt sen - đây cũng là hai loại xôi nấu cầu kỳ nhất. Còn ngày Tết thì mâm cơm cúng, mâm cỗ nhà nào nhà nấy nhất định phải có xôi gấc và xôi ngũ sắc.

Giáp Tết là ngày hội của cả ba làng Phú Thượng. Lượng khách đặt xôi tăng lên gấp ba, mỗi nhà đồ cả hơn tạ gạo một ngày mới đủ bán. Nhà nhà đãi gạo thổi xôi tới tận Giao thừa để giao hàng đi khắp nơi. Chõ xôi đồ cuối cùng của năm, cũng là chõ xôi đơm dâng lên ban thờ cúng tất niên và đón năm mới của mỗi nhà làm xôi.
Nấu xôi là nghề cha truyền con nối ở Phú Thượng xưa nay. Không hiếm gia đình có ba - bốn đời cùng nấu xôi. Chiều chiều, nếu ghé Phú Thượng, bạn sẽ bắt gặp cảnh người già, người trẻ ngồi rửa lá sen, lá dong, vo gạo, đảo xôi… Mỗi người mỗi công đoạn, nồi xôi chín không phải công của riêng ai. Nghề nấu xôi đã thắt chặt tình cảm mỗi gia đình.

Ba ngày Tết là ba ngày hiếm hoi mà người dân Phú Thượng không vất vả nấu xôi bán khắp mọi miền. Nhưng mùi xôi vẫn thơm lừng khắp nhà, khắp ngõ. Thay vì dậy sớm đong xôi đi bán, ngày Tết, mỗi nhà dậy sớm đồ chút xôi mới dâng lên ban thờ tổ tiên, cầu mong một năm mới bình an, may mắn, để Phú Thượng mãi giữ được nghề nấu xôi truyền thống cho cả năm luôn có mùi xôi - Mùi Tết./.


Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.
Theo thời gian, có người dần hiểu ra rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một người hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Cô bắt đầu học cách chấp nhận chính mình giữa một thế giới vô vàn những điều không hoàn hảo. Và cô nhận ra rằng: yêu thương bản thân chưa bao giờ là đủ.
Thời gian là thứ công bằng nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Nhưng có lẽ, điều đáng sợ nhất về thời gian không phải là nó cứ trôi đi mà chẳng chờ đợi ai, mà chính là việc nó có thể đưa mọi thứ vào lãng quên.
Năm nay thời tiết thật lạ kỳ. Giữa tháng Tư mà vẫn đợt gió mùa, trời trở lạnh. Cái rét nàng Bân chạm tới đầu hè…
Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.
Có người chạm khẽ Hà Nội lần đầu vào một mùa hạ nóng rực lúc vừa kết thúc năm ba đại học. Với tính cách thích là nhích, hành trang ngày ấy của cô ngoài ví tiền thì chỉ còn vỏn vẹn một mảnh nhiệt huyết xê dịch cháy bỏng. Trong tưởng tượng của cô sinh viên Sài Gòn khi đó, Hà Nội là một khái niệm lạ lẫm vô cùng.
0