Cơm cháy đáy nồi của nội
Có những nỗi nhớ không nhớ thì thôi mà hễ nhớ rồi lại nhớ da nhớ diết. Có lúc nỗi nhớ ùa về khi nhìn thấy một bóng dáng thân quen. Cũng có khi bắt gặp một món ăn nào đó lại nhớ về hương vị tuổi thơ đã gieo vào ký ức.
Buổi chiều mát, khi những cơn gió luồn lách qua từng kẽ bụi tre bên hông nhà cũng là lúc lũ chim chích chòe chuyền cành nhanh nhảu chuyện trò. Ngoài hàng rào, mấy chú nghé con lững thững theo mẹ vác cái bụng no cỏ về phía cổng chuồng. Còn tôi, với cái bụng đói meo sau giờ đi học, chạy ù vào bếp, hai tay ôm choàng cổ nội, lắc lắc vai, hít hà mùi ghiền trên chiếc áo bà ba màu nâu sẫm rồi nũng nịu: "Nội ơi nội! Bữa nay có cơm cháy không nội?". Lần nào cũng vậy, vừa gõ nhẹ đầu tôi, nội vừa mắng yêu vì bữa nào cũng đòi ăn cơm cháy.
Nói thì nói vậy chứ nội chiều tôi nhất nhà, miễn là tôi thèm thì cỡ nào nội cũng nấu cho ăn. Cơm cháy cắn vào nghe rõ tiếng rộp rộp mà chấm với nước cá kho, nước thịt ram hay chén mắm kho quẹt nội làm nữa thì ngon không thể nào cưỡng được. Có khi nội còn che giấu cho tôi cái tội vì háu ăn cơm cháy mà lén đun nhiều củi khiến cho cơm bị khê nguyên một mảng giữa nồi. Tôi còn nhớ bữa đó cả nhà phải nấu mì gói ăn thay cơm. Đến bây giờ ba mẹ tôi vẫn không hề hay biết chuyện xưa kia là lỗi của tôi chứ không phải do nội bận cho gà ăn quên canh lửa như lời nội nói.
Ngày tôi nhận tin giấy báo trúng tuyển vào miền Nam nhập học, cả nhà vui mừng như Tết. Nghe tin nội đã lúi húi lựa củi, nhóm lửa làm cơm cháy. Ngày ba bữa nội bắt nồi cơm lên chiếc bếp kiềng ba chân. Ra cái lán cạnh chuồng bò, nội lựa những cây củi to như cổ tay để khi nấu than lâu bị tàn.
Lần đó nội nói sẽ làm và gửi cho tôi những túi cơm cháy đặc biệt hơn cả những ngày thường. Tôi háo hức hơn hẳn vì những ngày xa nhà sắp tới vẫn luôn có hương vị của nội kề bên. Chảo gang vừa nóng, nội thoa đều lớp mỡ mỏng cho đến khi mỡ tươm vàng rồi cho cơm cháy vào. Dùng chiếc vá gỗ dẹp, nội trải đều cơm ra thành lớp tròn mỏng, lửa than lúc già lúc non theo mỗi đợt tay nội cời than. Vừa xoay chảo, nội vừa ấn cơm cho vàng hẳn một mặt rồi lật lại để miếng cơm được giòn hẳn. Thi thoảng mẹ tôi nhìn hai bà cháu đang lúi cúi bên bếp củi, lông mày mẹ hơi nhíu lại tỏ vẻ không được vui mấy vì mẹ bảo ăn cơm cháy nhiều dễ đau dạ dày.
Nội nhìn tôi với nụ cười móm mém thương yêu, ra chiều bảo im lặng để mẹ thôi phàn nàn. Tôi cứ lẽo đẽo theo nội ngồi gần bếp củi, có khi vừa chải vừa nhổ tóc cho nội, những sợi tóc bạc hôm nào còn lơ thơ giờ đã nhiều hơn hẳn, che đi cả những sợi đen mỏng manh. Chỉ có một điều không đổi thay qua bao năm đó là chiếc lưng nội vẫn lom khom, khi đun củi, lúc cời than để có thể làm cho tôi món cơm cháy ngon nhất.
Khi những mảng cơm đã có một lớp xem xém màu vàng nâu, nội bắt chảo ra khỏi bếp. Nội cẩn thận cắt thành từng miếng vuông vức, trải ra chiếc mâm nhôm rồi đem ra đặt lên mái nhà phơi nắng cho tới khi nào miếng cơm khô và cong lên là mang vào được. Nội nói làm như vậy cơm sẽ giòn rụm và thơm hơn. Xong đâu đó, đến công đoạn thứ hai là chiên giòn. Rót dầu phộng vào chiếc chảo nóng, dầu sôi đều, nội gắp từng miếng cơm cho vào chiên. Dầu nổi bong bóng li ti, miếng cơm ban nãy ngấm đủ dầu cũng phồng rộp căng mộng. Với tay lấy chiếc rổ nhôm treo trên tấm phên sát bên bếp củi, nội gắp cơm ra cho ráo dầu.
Xong đâu đó, nội dọn dẹp lại gian bếp nhỏ, quét mớ tro đã phủ đầy nền đất vào một góc, xếp lại mấy cây củi còn đang cháy dở để lần sau đun tiếp. Nội bảo gian bếp sạch thì món ăn mới ngon, dẫu là nền đất cũng cần giữ cho tinh tươm, gọn gàng. Nội bưng rổ cơm vào nhà, chờ đến khi nguội hẳn, nội lại tỉ mẩn xếp những miếng cơm vào túi ni lông, cột dây thun kín đầu miệng bao rồi treo lên mấy cái móc ba đã chuẩn bị từ trước, nhìn từng túi cơm lủng lẳng như mấy bịch bánh kẹo mà tiệm tạp hóa bà Ba ngoài đầu ngõ hay treo.
Quãng thời sinh viên của tôi trôi qua với những thương yêu của gia đình. Thi thoảng vài tháng mẹ lại gửi vào thùng quà quê, và lần nào cũng vậy, nội gửi thêm mấy bịch cơm cháy. Bữa nào đi học về đói bụng chưa kịp vào bếp, tôi lại lấy cơm cháy ra chấm mắm ăn ngon lành. Mấy đứa bạn cùng phòng lần nào ăn cũng khen ngon tấm tắc.
Có đôi lần, ngồi trên ban công giữa chiều gió mát, nhìn về xa xăm có đống lửa nhà ai vừa đốt, khói theo cơn gió thoảng bay đưa tôi về những ngày rất xưa. Nơi ấy có dáng gầy guộc của nội tôi ngồi đó với chiếc lưng lom khom, bên bếp lửa hôm nào, tay chăm củi, tay xoay vành chảo để làm cho tôi món cơm cháy đầy vị tuổi thơ. Nhớ cả cách thi thoảng nội sẽ gõ nhẹ lên đầu tôi mỗi khi miệng còn nhai nhồm nhoàm mà tay tôi đã xòe ra xin thêm miếng nữa.
Ngọc Nữ