Chiếc máy khâu của mẹ
Có bao giờ bạn ngồi lặng yên giữa ráng chiều lặng lẽ, bất chợt nhớ về những vật dụng xưa cũ từng gắn bó với gia đình mình? Một chiếc tủ gỗ cót két, một tấm chăn len vá chằng chịt… hay một miền ký ức dịu dàng gắn liền với chiếc máy khâu cũ đạp bằng chân.
Ở nơi đó có dáng mẹ miệt mài suốt canh thâu, có bàn tay mẹ khéo léo, có tình yêu trao gửi qua từng thước vải, từng bộ đồ Tết, từng chiếc áo cũ chỉnh sửa lại cho con…Có những điều giản dị thôi, nhưng lại là những di sản vô giá, những ký ức không bao giờ quên mà mỗi gia đình đều đang gìn giữ theo cách riêng của mình…
Ngày nhà tôi rậm rịch chuyển đến nơi ở mới, những vật dụng cũ kỹ hoặc không dùng đến đều được bố tôi thanh lý gọn gàng. Lặng im nằm nơi góc nhà, cạnh cửa sổ, là chiếc máy khâu hiệu Standard cổ xưa, đạp bằng chân của mẹ. Bố định đem bán đồng nát thì mẹ vội vàng gạt đi bảo chiếc máy khâu như người bạn thân thiết của gia đình, bán đi tiếc, xót và buồn lắm.
Ngày trước, mẹ vốn khéo tay hay làm lại trót say mê may vá, thêu thùa nên quyết tâm theo đuổi nghề may đến cùng. Chiếc máy khâu là thứ của hồi môn, bà ngoại ưu ái dành cho mẹ trước khi lấy chồng. Những ngày đầu tập tành, mẹ thường cắt may cho cả gia đình từ chiếc quần đùi đến áo ba lỗ, những chiếc quần loe ống rộng, hay áo sơ mi tay bồng,... Ai nấy đều vui. Tết đến, mọi người trong nhà đều xúng xính trong những bộ đồ mới do chính tay mẹ may, khiến mẹ hãnh diện lắm!
Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì mẹ đã trở thành thợ may chuyên nghiệp. Những chiếc tã lót, quần áo, yếm dãi, tất chân, tất tay,…đều được bàn tay khéo léo, tài hoa của mẹ thiết kế, khâu may.
Tôi vẫn nhớ hồi mình 3 - 4 tuổi, thường nghịch ngợm dùng bút màu tô vẽ vào những cuốn sách dạy cắt may dày cộp mẹ vẫn nâng niu, trân trọng. Mẹ chỉ cười xoà mà không nói gì. Tôi như bị hớp hồn bởi những cô người mẫu xinh đẹp diện trên người những bộ váy áo duyên dáng, rực rỡ sắc màu, phong cách hiện đại. Phải chăng vì thế mà sau này tôi mê luôn nghề cắt may?
Tôi thường diện những trang phục mẹ may đến trường. Từng đường may đều nắn nót, tỉ mỉ, thấm đượm tình yêu thương vô bờ bến mẹ dành cho. Tôi thường đem khoe những trang phục ấy với bạn bè khiến chúng vừa thích thú, vừa ngạc nhiên và đôi phần ganh tị.
Mẹ thường trích một khoản thu nhập từ việc cắt may, mua cho tôi những cô búp bê người mẫu với thân hình đồng hồ cát, mắt xanh, mũi cao, môi đỏ, tóc vàng gợn sóng, óng ánh khiến tôi mê mẩn. Kể từ đó, tôi bắt đầu trở nên gắn bó với chiếc máy khâu, học thiết kế quần áo, váy, túi,…nho nhỏ, xinh xinh từ những mụn vải thừa của mẹ để làm đồ chơi cho mình.
Mẹ thường dùng những tờ giấy báo, giấy xi măng hoặc bìa các – tông để làm mẫu cắt may. Hồi ấy, những lúc rảnh thời gian, mẹ vẫn nhận thêm những mảnh vải thủ công đã cắt sẵn, mang về nhà, máy ráp thành quần áo. Cuối tuần, mẹ trả hàng. Tôi lại có thêm đồng quà, tấm bánh. Trong ký ức của tôi, chiếc máy khâu đạp chân của mẹ hiện về rõ nét trong trí nhớ như một thước phim quay chậm.
Đến tuổi chọn nghề, tôi chọn sư phạm. Mẹ khuyên, học cắt may nên là nghề tay trái. Mẹ bảo, nghề may có học vẫn hơn, nếu không may được cho người thì may được cho mình. Vì thế, mẹ vẫn dạy tôi thiết kế từ những đồ bộ giản dị mặc trong nhà đến các mẫu đầm dự tiệc cầu kỳ, sang trọng…
Bạn bè tôi thường hỏi thăm địa chỉ, khen ngợi người cắt những bộ đầm đó khiến tôi tự hào lắm. Cảm giác hạnh phúc vô ngần khi bộ đồ mình mặc trên người do chính mình tạo ra. Lời mẹ dạy năm xưa quả là hiệu nghiệm. Nghề may giúp tôi có thêm nguồn thu thứ hai bên cạnh nghề giáo, cải thiện phần nào cuộc sống.
Bây giờ, những chiếc máy khâu đạp bằng chân như chiếc máy khâu của mẹ đã được xếp vào hàng cổ lỗ sĩ. Trên thị trường xuất hiện các loại máy khâu chạy điện hiện đại, nhỏ gọn với nhiều mẫu mã đa dạng. Các loại quần áo may sẵn hiện nay đều đẹp và rẻ nên là lựa chọn số một của khách hàng. Họ thường đến tiệm may để sửa sang lại một vài chi tiết trên trang phục cho vừa vặn với cơ thể mà thôi. Vì thế, chiếc máy khâu đạp chân của gia đình tôi ít được sử dụng hơn trước. Nó trở thành một vật kỷ niệm gợi lên biết bao kí ức đẹp của gia đình.
Mẹ tôi giờ tuổi cao, mắt đã kém đi nhiều nên không còn cắt may. Thỉnh thoảng, cần đến chiếc máy khâu lúc quần áo sứt chỉ hay cắt gấu quần, gấu áo,…mẹ lại đeo kính và nhờ con gái tôi xâu kim. Cô bé có vẻ đặc biệt thích thú, tròn xoe mắt ngạc nhiên đứng bên ngắm nhìn từng đường kim, mũi chỉ khéo tay của bà ngoại. Bất ngờ nhất là cô bé hào hứng tuyên bố ước muốn sau này sẽ trở thành nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.
Chiếc máy khâu của mẹ đã trở thành một kỉ vật đặc biệt đi qua bao biến cố thăng trầm của gia đình tôi. Khách đến chơi nhà vẫn thường ngạc nhiên hỏi rằng tại sao có một chiếc máy khâu đã cũ lại được đặt ngay gần cửa ra vào của phòng khách, nơi ánh sáng chan hoà nhất? Và chúng tôi lại bắt đầu câu chuyện về thứ kỷ vật gắn bó với gia đình mình: Chiếc máy khâu Standard cổ lỗ…
Minh Minh