Mỹ rời UNESCO: Sự suy yếu ‘sức mạnh mềm’
Mỹ vừa chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) với lý do việc tiếp tục tham gia không còn phục vụ lợi ích quốc gia của nước này. Việc rút khỏi UNESCO có thể được xem là một bước lùi đối với Washington trong chiến lược sử dụng sức mạnh mềm để quảng bá hình ảnh và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.
Ngày 23/7 vừa qua, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Đây là động thái được đánh giá là sẽ tác động mạnh tới cơ quan được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ hai với nhiệm vụ bảo tồn các di sản thế giới và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rút khỏi UNESCO. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là lần này chính quyền Washington viện dẫn lý do nào cho quyết định vừa được đưa ra?
Nước Mỹ rút khỏi UNESCO lần thứ ba
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết, quyết định rút khỏi UNESCO là do việc tiếp tục tham gia không còn phục vụ lợi ích quốc gia của nước này.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích rằng quyết định của UNESCO vào năm 2011 "công nhận Nhà nước Palestine” là một quốc gia thành viên là trái ngược với chính sách của Mỹ. Sau quyết định vừa được đưa ra, Mỹ sẽ chính thức không còn là thành viên của UNESCO từ ngày 31/12/2026.
Hồi tháng 2, Nhà Trắng đã thông báo sẽ tiến hành rà soát trong 90 ngày về tư cách thành viên của Mỹ tại UNESCO, tuyên bố rằng tổ chức toàn cầu này đã không thể tự cải cách, liên tục thể hiện lập trường chống Israel trong suốt thập kỷ qua và không giải quyết được những lo ngại về các khoản nợ tồn đọng ngày càng tăng.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã rút cường quốc số một thế giới khỏi UNESCO, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran mang trên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Sau đó, Tổng thống Joe Biden khi lên nắm quyền đã đảo ngược các quyết định trên, đưa Mỹ trở lại UNESCO vào năm 2023 và công bố kế hoạch trả hơn 600 triệu đô la tiền hội phí còn nợ, với lý do rằng sự vắng mặt của Mỹ đã cho phép Trung Quốc lấp đầy khoảng trống còn lại trong việc hoạch định chính sách của UNESCO, đặc biệt là trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu về công nghệ, giáo dục và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Trump quay trở lại nắm quyền nhiệm kỳ hai từ tháng 1/2025, nước Mỹ lại một lần nữa rút khỏi các tổ chức toàn cầu.
Mỹ là thành viên của UNESCO ngay từ khi tổ chức này thành lập vào năm 1945 nhưng lần đầu rút khỏi vào năm 1984 do phản đối quản lý tài chính kém và thành kiến chống Mỹ. Đến năm 2003, dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ tái gia nhập UNESCO sau khi tổ chức này tiến hành các cải cách cần thiết.
Năm 2011, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên của Palestine, quốc gia không được Mỹ và Israel chính thức công nhận trong Liên hợp quốc. Điều này đã khiến chính quyền Tổng thống Barack Obama khi đó quyết định cắt giảm các khoản tài trợ cho UNESCO, khiến UNESCO mất gần 1/5 ngân sách, buộc tổ chức phải cắt giảm nhiều chương trình.
Đòn giáng mạnh vào UNESCO
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO được dự báo sẽ gây ra những hậu quả cả về mặt tài chính lẫn biểu tượng đối với tổ chức có trụ sở ở Paris, Pháp. Là một trong những quốc gia đóng góp lớn nhất cho UNESCO, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các nỗ lực của tổ chức này. Nếu không có sự hỗ trợ đó, UNESCO có thể buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tái cấu trúc các sáng kiến bảo tồn.
UNESCO là tên viết tắt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, được thành lập sau chiến tranh thế giới thứ hai nhằm thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác quốc tế. Hiện nay, gần 200 quốc gia là thành viên của UNESCO, cùng với 12 thành viên liên kết. Cơ quan này có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc bảo tồn di sản văn hóa thông qua chương trình Di sản Thế giới của UNESCO, công nhận 1.248 địa danh lịch sử ở 170 quốc gia cần được bảo vệ.
Ngoài việc bảo tồn di sản văn hóa, UNESCO cho biết sứ mệnh của tổ chức là đặt ra các tiêu chuẩn, tạo ra các công cụ và phát triển kiến thức để tìm ra giải pháp cho một số thách thức lớn nhất của thời đại, và thúc đẩy một thế giới bình đẳng và hòa bình hơn. Bên cạnh đó, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, bảo vệ di sản và đảm bảo quyền tiếp cận thông tin đáng tin cậy là một số ví dụ về công việc mà UNESCO đang thực hiện với 194 quốc gia thành viên trên toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết cơ quan này rất lấy làm tiếc về quyết định rút lui của Mỹ nhưng nói thêm rằng thông báo này đã được dự đoán trước.
Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thực hiện những cải cách cơ cấu lớn và đa dạng hóa các nguồn tài trợ. Nhờ những nỗ lực của tổ chức kể từ năm 2018, xu hướng giảm đóng góp tài chính của Mỹ đã được bù đắp, hiện chiếm 8% tổng ngân sách của tổ chức, so với mức 40% của một số cơ quan Liên hợp quốc; đồng thời, ngân sách chung của UNESCO cũng tăng đều đặn".
Tổng Giám đốc UNESCO cũng bác bỏ cáo buộc có thành kiến chống Israel, cho rằng tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump trái ngược với thực tế về những nỗ lực của UNESCO, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục về nạn diệt chủng Holocaust và cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo việc Mỹ rút khỏi tổ chức này có thể ảnh hưởng đến các đối tác của UNESCO tại Mỹ, đặc biệt là các cộng đồng đang tìm kiếm sự công nhận các địa danh vào danh sách Di sản Thế giới, danh hiệu thành phố sáng tạo.
Trong những năm qua, UNESCO đã tăng cường nỗ lực hành động ở bất cứ nơi nào sứ mệnh của tổ chức này có thể đóng góp cho hòa bình. Và, tất nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng lấy làm tiếc sâu sắc về quyết định này của Mỹ".
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng chỉ trích, tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển đối với UNESCO và nhấn mạnh vai trò của tổ chức này trong việc bảo vệ khoa học, đại dương, giáo dục và di sản văn hóa.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn ngày 23/7 bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rút khỏi UNESCO.
Tài chính UNESCO được xây dựng từ hai nguồn ngân sách. Một nguồn từ ngân sách thường xuyên thu từ đóng góp tài chính bắt buộc của các nước thành viên. Mức đóng góp của các nước căn cứ tiềm năng kinh tế của mỗi quốc gia. Các quốc gia thành viên nghèo nhất thậm chí chỉ phải đóng góp 0,001% ngân sách thường xuyên của UNESCO. Vài chục quốc gia khác đóng góp ở mức cao hơn một chút, chiếm 2% ngân sách thường xuyên. Ngoài ra nhiều chương trình hoạt động của UNESCO được triển khai nhờ các nguồn đóng góp ngoài ngân sách từ các quốc gia hoặc các tổ chức, cá nhân khác hoặc do UNESCO tiến hành vận động để giúp các quốc gia thực hiện các dự án ngoài ngân sách. Đây là một nguồn tài chính đáng kể hàng năm bổ sung vào ngân sách của UNESCO để triển khai các chương trình và dự án ở các quốc gia thành viên.
Theo thống kê của UNESCO, trong năm 2024, Mỹ đóng góp khoảng 156 triệu USD, chiếm khoảng 8% ngân sách của tổ chức này. Dù con số này đã giảm mạnh so với mức gần 20% vào thời điểm Tổng thống Trump rút khỏi tổ chức này trong nhiệm kỳ đầu tiên, song bước đi của Mỹ khiến UNESCO, vốn trong quá trình cải tổ toàn diện, phải đánh giá lại các chương trình và sáng kiến cốt lõi, cũng như lên kế hoạch cho một tương lai không có nhà tài trợ lớn nhất.
Sự suy yếu “sức mạnh mềm”
Quyết định rút khỏi UNESCO là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm giảm bớt sự hỗ trợ cho các cơ quan Liên hợp quốc trong một chiến dịch lớn hơn để định hình lại chính sách ngoại giao của Mỹ. Với phương châm "Nước Mỹ trên hết", chính quyền Washington đã rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine, và rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây đều được coi là một phần trong quá trình đánh giá lại sự tham gia của Mỹ vào các cơ quan của Liên hợp quốc, qua đó phản ảnh sự ngờ vực sâu sắc và thái độ không hài lòng của Trump đối với chủ nghĩa đa phương và các thể chế quốc tế.
Mỹ hiện có 26 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, dù đóng vai trò là thành viên sáng lập, quan hệ giữa Washington với tổ chức này trong những năm gần đây tương đối phức tạp. Trên trang web của mình, UNESCO nhấn mạnh: "Các di sản thế giới thuộc về tất cả mọi người trên thế giới, bất kể chúng nằm ở lãnh thổ nào".
Tuyên bố đó có thể trái ngược với phương châm "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Tổng thống Trump. Hôm 3/7/2025, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tăng phí đối với khách du lịch nước ngoài đến thăm các công viên quốc gia Hoa Kỳ, nhiều trong số đó là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Để tài trợ cho việc cải tạo và nâng cao trải nghiệm trên toàn hệ thống công viên, tôi vừa ký một sắc lệnh hành pháp tăng phí vào cửa cho du khách nước ngoài trong khi vẫn giữ giá thấp cho người Mỹ. Các công viên quốc gia sẽ đặt nước Mỹ lên trước tiên".
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ráo riết thực hiện chính sách nước Mỹ trên hết. Sau khi rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, WHO, ngừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ và việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine, và rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, việc rút khỏi UNESCO chỉ là sự nối dài kế hoạch của ông Trump. Các chuyên gia cảnh báo rằng, ông Trump có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rút lui khỏi các tổ chức quốc tế lớn, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Nếu được thực hiện, các động thái trên sẽ là sai lầm nghiêm trọng, tước đi khả năng của Mỹ trong việc định hình các quy tắc của trật tự tiền tệ quốc tế và theo đuổi các lợi ích chiến lược của mình.
Chính sách “Nước Mỹ trên hết” do Tổng thống Donald Trump khởi xướng thể hiện rõ xu hướng chủ nghĩa bảo hộ trong đường lối đối ngoại của Mỹ. Chính sách này tập trung vào cắt giảm cam kết quốc tế và ưu tiên các lợi ích kinh tế, quân sự của Mỹ nhằm mục đích phát triển nước Mỹ vĩ đại hơn, mạnh mẽ hơn, bất chấp việc điều đó tác động tiêu cực đến các vấn đề chung của toàn thế giới. Lâu nay, một số quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng việc lùi bước có thể nhường ảnh hưởng cho các đối thủ cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực phát triển nhanh như quản trị AI.
Việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực của của tổ chức này trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa và chống lại những lời lẽ thù hận. Tuy nhiên, các quan chức tại trụ sở UNESCO ở Paris đã chuẩn bị tinh thần cho khả năng Mỹ sẽ rời đi trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Do đó, tác động tài chính của việc Washington rời đi đối với tổ chức này sẽ ít nghiêm trọng hơn so với các tổ chức khác, chẳng hạn như WHO, nơi Mỹ là nhà tài trợ tài lớn nhất. Trong giai đoạn 2024 - 2025, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với số tiền ước tính là 988 triệu USD, chiếm khoảng 14% trong tổng ngân sách 6,9 tỷ USD của tổ chức này.
Dù chỉ là một trong gần 200 thành viên của UNESCO, Mỹ vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng cả về tài chính lẫn tính biểu tượng. Theo tạp chí Time, về dài hạn, việc rút khỏi các tổ chức như UNESCO cũng đặt ra câu hỏi lớn về khả năng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực "mềm" như giáo dục, văn hóa và trí tuệ nhân tạo, những chủ đề mà Trung Quốc và nhiều nước khác đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Sự vắng mặt của Mỹ trong các thể chế này có thể tạo ra những khoảng trống địa chính trị mà các đối thủ chiến lược sẵn sàng lấp đầy. Việc Mỹ đẩy mạnh chính sách “Nước Mỹ trên hết” sẽ gây ra các tác động mạnh mẽ đối với không chỉ nước Mỹ mà còn đối với các vấn đề an ninh quốc tế. Tuy nhiên, sự rút lui của Mỹ lại có thể là những cơ hội để cả thế giới cùng ngồi lại và đưa ra những quyết sách dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.