Chiến sự 28/5: Nga, Ukraine cân nhắc vòng đàm phán tiếp theo
Nga cân nhắc Istanbul là nơi đàm phán tiếp theo với Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga đang xem xét Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những địa điểm có thể tổ chức vòng đàm phán tiếp theo với Ukraine.

"Chẳng hạn như nơi đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên", ông Peskov trả lời khi được phóng viên hỏi về địa điểm ưu tiên của Nga. "Tất cả những điều còn lại sẽ phụ thuộc vào sự đồng thuận giữa hai bên", ông nói thêm. Trả lời câu hỏi liệu Istanbul có được coi là địa điểm cho vòng đàm phán tiếp theo hay không, ông Peskov khẳng định: "Chắc chắn là có".
Trước đó, Nga và Ukraine đã tiến hành cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022 vào ngày 16/5 tại Istanbul. Đây được xem là sự nối lại tiến trình đối thoại vốn bị gián đoạn từ năm 2022.
Ngày 26/5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, Nga vẫn đang nghiêm túc xây dựng dự thảo đề xuất về thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn cho cuộc xung đột với Ukraine. Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh: “Đây là một dự thảo nghiêm túc, đòi hỏi quá trình kiểm tra và chuẩn bị kỹ lưỡng”. Ông cũng nói rõ, hiện chưa có dự thảo nào được chính thức đệ trình và tiến trình xây dựng thỏa thuận hòa bình sẽ dựa trên những thỏa thuận đạt được tại Istanbul, trong đó thỏa thuận trao đổi tù binh là bước đi đầu tiên.
Ngoại trưởng Nga đề cập nội dung vòng đàm phán mới với Ukraine
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế của các đại diện cấp cao phụ trách an ninh, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga sẽ tiếp tục nhấn mạnh việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Ukraine trong vòng đàm phán mới với Kiev, dự kiến sẽ được công bố trong thời gian tới.
Để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng, điều cốt yếu là phải loại bỏ các nguyên nhân sâu xa, ông Lavrov nhấn mạnh. “Đàm phán vẫn tốt hơn chiến tranh. Tuy nhiên, để đạt được kết quả lâu dài và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào điều này thì các nguyên nhân cốt lõi của xung đột phải được giải quyết”.
Ông cho rằng, cuộc xung đột Ukraine bùng phát do “quá trình mở rộng về phía Đông của NATO, bất chấp những cam kết nhiều lần từ phía Mỹ và châu Âu.
Ngoại trưởng Nga khẳng định, việc Ukraine giữ lập trường trung lập, không liên kết quân sự và không sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn là một trong những "yêu cầu thiết yếu của Nga và cần phải được đưa vào bất kỳ thỏa thuận nào, như đã nêu tại các cuộc đàm phán ở Istanbul vào tháng 4/2022".
Tại cuộc đàm phán nối lại ở Istanbul ngày 16/5 vừa qua, Moscow một lần nữa yêu cầu “bãi bỏ toàn bộ các đạo luật mang tính phân biệt”, ông Lavrov nói. “Chúng tôi sẽ duy trì lập trường này trong vòng đàm phán trực tiếp sắp tới”, ông khẳng định.
Nga cho rằng, lập trường của phương Tây trong xung đột Ukraine nhấn mạnh đến “nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ” mà bỏ qua quyền tự quyết của các dân tộc, là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Theo ông Lavrov, phương Tây đã công khai thúc đẩy việc gia tăng hỗ trợ cho Ukraine với lý do “bảo vệ các giá trị châu Âu”. “Và đây chính là bản chất thực sự của những giá trị đó - xóa bỏ bản sắc dân tộc, đặc biệt là của người Nga và cộng đồng nói tiếng Nga”.
Tổng thống Ukraine đề xuất họp ba bên
Theo tờ The Kyiv Independent, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất họp ba bên với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời nhận định Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm thực tế nhất để tổ chức vòng đàm phán tiếp theo.

Ông Zelensky nói: “Chúng tôi sẵn sàng gặp nhau ở cấp lãnh đạo. Phía Mỹ biết điều này, phía Nga cũng biết. Chúng tôi sẵn sàng cho cuộc gặp giữa ông Trump, ông Putin và tôi, hoặc giữa ông Trump và ông Putin, giữa ông Trump và tôi, rồi sau đó là cả ba cùng gặp”.
Ông Zelensky nói thêm: “Nếu Tổng thống Putin không thoải mái với một cuộc gặp song phương, hoặc nếu mọi người muốn có cuộc gặp ba bên, tôi không ngại. Tôi sẵn sàng với bất kỳ hình thức nào”.
Tổng thống Ukraine cho biết đang xem xét một số địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán trong tương lai giữa Ukraine, Nga và Mỹ, đặc biệt là Istanbul, Thụy Sĩ và Vatican.
Ông nói: “Phía Thổ Nhĩ Kỳ biết rằng, chúng tôi đang thảo luận về một số địa điểm. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt kỹ thuật tại Vatican và Thụy Sĩ”. Theo ông Zelensky, ý tưởng tổ chức đàm phán tại Vatican đã được tất cả các bên ủng hộ, trừ Nga.
Đáp lại, Điện Kremlin đã bác lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về việc tổ chức cuộc gặp ba bên với sự tham gia của ông Trump và ông Putin nhằm chấm dứt chiến tranh.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, bất kỳ cuộc gặp nào có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ chỉ diễn ra sau khi mỗi bên đạt được “thỏa thuận cụ thể”.
“Cuộc họp như vậy phải là kết quả của các thỏa thuận cụ thể giữa hai phái đoàn (Ukraine và Nga)”, ông Peskov nêu rõ, đồng thời khẳng định Nga sẽ không thay đổi lập trường về điều kiện tổ chức một cuộc gặp như vậy.
Ngoài ra, Moscow cũng bác bỏ lời kêu gọi chung của phương Tây về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Đức cam kết hỗ trợ Ukraine sản xuất vũ khí tầm xa
Chính phủ Đức sẽ hỗ trợ Ukraine trong việc phát triển và sản xuất vũ khí tầm xa ngay tại nước này, Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Berlin.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ đó”, ông Merz khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức “sẽ làm điều này cho đến khi nào cần thiết”.
“Ngày hôm nay, các Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước sẽ ký một biên bản ghi nhớ về việc cung cấp các hệ thống chiến đấu tầm xa do Ukraine sản xuất”, ông Merz cho biết. “Đây sẽ là sự hợp tác ở cấp độ công nghiệp quốc phòng, có thể được triển khai cả tại Ukraine và tại Đức”, Thủ tướng Merz nói thêm. Ông nhấn mạnh rằng, đây là “sự khởi đầu của một hình thức hợp tác quân sự - công nghiệp mới giữa hai quốc gia, với tiềm năng rất lớn”, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Theo tờ Bild, chính phủ Đức dự kiến sẽ phân bổ hàng triệu euro để hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, đặc biệt là trong việc phát triển tên lửa hành trình với tầm bắn lên tới 2.500 km.
Ukraine tấn công Belgorod bằng hơn 40 UAV
Quân đội Ukraine đã tiến hành hơn 40 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào khu vực Belgorod của Nga trong 24 giờ qua, Thống đốc Vyacheslav Gladkov thông báo trên kênh Telegram.
“Một UAV bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Belgorod, tuy nhiên không gây thiệt hại gì”, ông Gladkov cho biết. “Tại huyện Belgorodsky, các làng Nechayevka, Nikolayevka, Repnoye, Solokhi và Ustinka hứng chịu tổng cộng 11 UAV, trong đó 8 chiếc đã bị lực lượng phòng không bắn hạ. Các cuộc tấn công đã làm hư hại ba ngôi nhà dân tại làng Solokhi và hệ thống đường dây điện tại các làng Nechayevka và Ustinka”.

Trong 24 giờ qua, huyện Borisovsky cũng bị tấn công bằng hai UAV, gây vỡ kính một tòa nhà trong khuôn viên cơ sở xã hội, đồng thời làm cháy cỏ khô và rác thải trên mặt đất trong rừng. Lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt đám cháy. Hai nhân viên Bộ Tình trạng khẩn cấp đã phải đến cơ sở y tế điều trị sau khi bị thương trong khi làm nhiệm vụ do UAV Ukraine tấn công làng Borisovka hôm 25/5. Cả hai được đưa đến Bệnh viện số 2 tại thành phố Belgorod.
Tại huyện Volokonovsky, hai UAV của Ukraine tấn công khu trang trại Zelyony Klin, làm hư hỏng đường dây điện. Lực lượng ứng cứu đã kịp thời khôi phục nguồn điện. Trong khi đó, quân đội Ukraine còn tấn công huyện Graivoronsky bằng hai quả đạn pháo và hai UAV.
Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 6 UAV Ukraine trên địa bàn các huyện Gubkinsky, Starooskolsky và Yakovlevsky. Tại làng Pokrovka, huyện Ivnyansky, một UAV Ukraine đã gây cháy tại một cơ sở sản xuất. Đám cháy nhanh chóng được dập tắt, tuy nhiên tòa nhà đã bị hư hại.
Riêng huyện Krasnoyaruzhsky hứng chịu tổng cộng 8 đợt pháo kích với 25 đầu đạn và 6 UAV tấn công. Hiện chính quyền đang xác minh mức độ thiệt hại.
Báo cáo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga
Bộ Quốc phòng Nga thông báo, trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát hai khu định cư và gây tổn thất lớn cho quân đội Ukraine ở tất cả các khu vực tiền tuyến trong vòng 24 giờ qua.
Nhóm tác chiến phía Bắc đã giành quyền kiểm soát khu định cư Konstantinovka ở vùng Sumy. Trong khi Nhóm tác chiến phía Đông đã giải phóng khu định cư Zelyonoye Pole tại Cộng hoà nhân dân Donetsk. Tổn thất của Ukraine trên toàn chiến tuyến là hơn 1.140 binh sĩ.
Nga tiến hành hơn 140 đòn tấn công bằng không quân, UAV, pháo binh và tên lửa nhắm vào: nhà máy UAV tấn công, bến đỗ tàu không người lái, khu phóng UAV, kho đạn và vị trí triển khai quân Ukraine.
Phòng không Nga bắn rơi 339 UAV và 6 bom thông minh JDAM của Mỹ.


Bộ Ngoại giao Nga cho biết Ngoại trưởng nước này Sergey Lavrov đã thông báo cho người đồng cấp Mỹ Marco Rubio về việc Moskva đang chuẩn bị các đề xuất cụ thể cho vòng đàm phán thứ hai với Ukraine tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một máy bay tuần tra của Hải quân Hàn Quốc chở 4 người đã gặp nạn trong chuyến bay huấn luyện chiều 29/5 và rơi xuống sườn núi ở thành phố Pohang, miền Đông Nam nước này.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ngày 28/5 đã tái khẳng định lập trường kiên định của nước này về vấn đề hạt nhân.
Trung Quốc đã bắt đầu sứ mệnh thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh Thiên Vấn-2 bằng cách phóng một trong những tàu thăm dò robot tân tiến nhất.
Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào ba khu phức hợp công nghiệp - quân sự quan trọng ở Nga.
Hoạt động bỏ phiếu trước thời hạn để bầu tổng thống thứ 21 của Hàn Quốc đã được tiến hành đồng loạt tại các khu vực bầu cử của nước này từ 6h ngày 29/5.
0