Tín hiệu tái định hình bản đồ học thuật toàn cầu

Việc Tổng thống Donald Trump cấm Đại học Harvard tuyển sinh sinh viên quốc tế đe dọa vị thế của Harvard và các trường đại học Mỹ nói chung trong hệ thống giáo dục toàn cầu.

Cắt giảm tài trợ cho nghiên cứu khoa học

Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF), cơ quan tài trợ chính cho nghiên cứu khoa học cơ bản tại các trường đại học Mỹ, hiện đang cấp phát các khoản tài trợ mới với tốc độ chậm nhất trong ít nhất 35 năm qua.

Việc cắt giảm ngân sách này ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực khoa học, không chỉ giới hạn ở các chương trình đa dạng mà chính quyền của ông Trump cho là cần cắt giảm. Điều này đồng nghĩa với việc giảm hỗ trợ cho các nghiên cứu giai đoạn đầu, vốn là nền tảng cho các tiến bộ công nghệ trong tương lai và khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực như khoa học máy tính và kỹ thuật, vật lý và hóa học, khoa học khí hậu và dự báo thời tiết, cũng như đổi mới trong vật liệu và sản xuất.

Ngoài ra, việc cắt giảm này còn đồng nghĩa với việc giảm tài trợ cho sinh viên đại học và sau đại học, các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và các giáo sư mới vào nghề, có thể làm gián đoạn lực lượng lao động khoa học tương lai của quốc gia. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng, việc cắt giảm tài trợ liên bang cho nghiên cứu khoa học có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ trong dài hạn tương đương với một cuộc suy thoái lớn.

Mức tài trợ năm nay đã giảm hơn 1 tỷ USD so với mức trung bình 10 năm, chủ yếu là cho các khoản tài trợ nghiên cứu mới, nhưng chính quyền Trump đã đi xa hơn. Họ cũng đã chấm dứt hơn 1.600 khoản tài trợ đang hoạt động cho các dự án nghiên cứu hiện có, tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ USD (trong đó ít nhất 40% đã được chi tiêu). Và họ muốn loại bỏ gần 5 tỷ USD trong tổng ngân sách 9 tỷ USD của cơ quan này cho năm tới.

Trong số các khoản tài trợ đang thực hiện đã bị chấm dứt, các khoản tập trung vào giáo dục trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) chiếm phần lớn số tiền bị hủy bỏ. Nhiều khoản tài trợ này tập trung vào việc mở rộng sự tham gia của các nhóm sinh viên chưa tham gia đầy đủ vào nghiên cứu khoa học và kỹ thuật.

Các cơ sở học thuật như trường chúng ta, ngay lúc này, là những trụ cột của một quốc gia dân chủ lành mạnh và vận hành tốt. Chúng là nền tảng cho sự đổi mới của nước Mỹ trong mọi lĩnh vực và cho sự vượt trội về khoa học, công nghệ. Chúng phải được bảo vệ và đồng thời cũng phải tự bảo vệ mình bằng cách duy trì tính liên quan và vai trò thiết yếu đối với các thách thức hiện tại.

Bà Claire Shipman - Quyền Hiệu trưởng Đại học Columbia.

Việc cắt giảm ngân sách cho Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) sẽ tác động nghiêm trọng đến chất lượng nghiên cứu và vị thế khoa học của Mỹ trên toàn cầu. NSF là nguồn tài trợ chính cho các nghiên cứu cơ bản và đào tạo nhà khoa học trẻ ở nhiều lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo, năng lượng, y sinh và khoa học vật liệu. Khi ngân sách bị thu hẹp, số lượng dự án được tài trợ sẽ giảm, làm chậm quá trình khám phá và đổi mới. Đồng thời, việc hạn chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ có thể dẫn đến suy giảm nguồn nhân lực khoa học trong tương lai. Trên bình diện quốc tế, Mỹ có nguy cơ đánh mất vai trò lãnh đạo trong các hợp tác khoa học toàn cầu và dễ bị các quốc gia đầu tư mạnh vào R&D như Trung Quốc vượt qua. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, duy trì đầu tư cho nghiên cứu là thiết yếu để bảo vệ năng lực khoa học, công nghệ và vị thế chiến lược của Mỹ.

Cú sốc với Harvard và hệ sinh thái giáo dục toàn cầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Đại học Harvard, bao gồm việc đình chỉ chương trình trao đổi học thuật và cấm tuyển sinh sinh viên quốc tế mới. Quyết định này ảnh hưởng đến hơn 6.800 sinh viên đến từ 140 quốc gia, gây ra sự bất ổn về tình trạng pháp lý và tương lai học tập của họ. Đại học Harvard cho rằng, các hành động này là sự trả đũa vì không nhượng bộ trước các áp lực về mặt ý thức hệ, nhằm làm suy yếu tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, truyền thông và các tổ chức pháp lý. Một số học giả cho rằng đây là một cuộc tấn công vào tự do học thuật. Mặc dù cộng đồng học thuật đã thể hiện sự kiên cường, nhưng thiệt hại đã xảy ra, và có lo ngại rằng các sinh viên quốc tế tiềm năng sẽ xem xét lại việc đến Mỹ học, thay vào đó sẽ chọn các trường đại học ở châu Âu và Trung Quốc.

Công chúa Elisabeth, người kế vị ngai vàng tương lai của Vương quốc Bỉ, năm nay 23 tuổi, đang theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách công tại Harvard kéo dài hai năm và cô vừa hoàn thành năm học đầu tiên tại đây. Công chúa là người thừa kế ngai vàng của Bỉ, là con cả trong bốn người con của Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde. Trước khi vào Harvard, Elisabeth đã có bằng đại học chuyên ngành Lịch sử và Chính trị tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh.

Việc học tập của cô ở Harvard đang bị đe dọa bởi chính quyền của ông Trump đã thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard, đồng thời buộc các sinh viên nước ngoài đang theo học phải chuyển sang các trường khác hoặc mất tình trạng cư trú hợp pháp tại Mỹ. Chính quyền cũng đe dọa sẽ mở rộng cuộc trấn áp này sang các trường đại học khác.

Việc chính quyền của ông Trump áp đặt lệnh cấm Đại học Harvard tiếp nhận và duy trì sinh viên quốc tế là một cuộc tấn công vô cùng nghiêm trọng, không chỉ nhằm vào Harvard mà còn đối với tính độc lập và liêm chính trong học thuật. Xét về quy mô, Harvard là một trường đại học có khoảng hơn 20.000 sinh viên, cụ thể là khoảng 22.000, trong đó khoảng 6.000 đến 7.000 là sinh viên quốc tế. Điều này đồng nghĩa gần một phần ba sinh viên của Harvard sẽ đột nhiên phải đối mặt với câu hỏi liệu họ có thể tiếp tục học tại Harvard hay không. Và dĩ nhiên, tác động đến tài chính của Harvard sẽ là rất nghiêm trọng.

Ông Steve Tsang - Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Soas.

Harvard là một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới, nơi đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và ngoại giao. Trong số đó, nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cấp cao của nhiều nước và vùng lãnh thổ từng học tập tại đây, góp phần định hình tư duy và chiến lược điều hành của họ.

Việc Tổng thống Donald Trump cấm Đại học Harvard tuyển sinh sinh viên quốc tế gây ra những tác động sâu rộng không chỉ đối với chính ngôi trường này mà còn đối với toàn bộ hệ thống giáo dục đại học Mỹ và cộng đồng học thuật toàn cầu.

Lệnh cấm ảnh hưởng trực tiếp đến gần 7.000 sinh viên quốc tế hiện đang theo học tại Harvard, chiếm khoảng 27% tổng số sinh viên. Nhiều sinh viên sẽ phải chuyển trường hoặc rời khỏi Mỹ, làm gián đoạn nghiêm trọng việc học tập và nghiên cứu của họ. Trong số đó có cả những nhân vật quan trọng như Công chúa Elisabeth của Bỉ.

Về tài chính, Harvard có thể đối mặt với tổn thất lớn. Sinh viên quốc tế thường đóng học phí cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách của nhà trường thông qua học phí, nhà ở và chi tiêu sinh hoạt. Việc mất đi một phần ba sinh viên sẽ gây áp lực lớn đến tài chính, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế không ổn định.

Trong một số ngành, sinh viên quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với công việc nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, đặc biệt là trong các lĩnh vực STEM và nhiều ngành kỹ thuật công nghệ cao. Ở một số ngành, số lượng học viên sau đại học đến từ nước ngoài có thể chiếm tới một nửa, thậm chí hơn. Tác động thứ hai là về tài chính, vì sinh viên quốc tế thường phải trả toàn bộ học phí. Do đó, việc loại bỏ sinh viên quốc tế sẽ gây ra những hệ lụy rõ rệt về ngân sách đối với nhiều cơ sở giáo dục này.

Ông Matthew Wilson - Phó Giáo sư tại Đại học Southern Methodist.

Về lâu dài, quyết định này đe dọa vị thế của Harvard và các trường đại học Mỹ nói chung trong hệ thống giáo dục toàn cầu. Lệnh cấm tuyển sinh quốc tế tại Harvard không chỉ là một cú sốc cho riêng trường này mà còn có nguy cơ gây ra hiệu ứng dây chuyền trong hệ sinh thái giáo dục và khoa học toàn cầu.

Dịch chuyển trên bản đồ học thuật toàn cầu

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục có các hành động bị cho là kìm hãm cộng đồng nghiên cứu khoa học, khiến nhiều nhà khoa học cảm thấy bất an và cân nhắc rời khỏi nước Mỹ. Điều này được xem là cơ hội để các nước khác thu hút nhân tài từ Mỹ. Ủy ban châu Âu đã cam kết đầu tư 500 triệu euro từ năm 2025 đến 2027 nhằm biến châu Âu trở thành điểm đến hấp dẫn cho giới nghiên cứu khoa học. Các trường đại học và viện nghiên cứu ở châu Âu cũng đã triển khai các biện pháp nhằm thu hút các nhà khoa học Mỹ đang chịu áp lực lớn từ chính sách của ông Trump, tuy nhiên theo chia sẻ của một hiệu trưởng đại học tại Bỉ, họ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về tài chính.

Ông Jan Danckaert, Hiệu trưởng Đại học Tự do Brussels - một trường đại học quốc tế với gần 200 năm lịch sử nhấn mạnh rằng, chuỗi hành động của chính phủ Mỹ, bao gồm cắt giảm ngân sách nghiên cứu khoa học và sa thải các nhà khoa học, cũng đã ảnh hưởng đến trường ông.

Ông Danckaert nói rằng, việc các dự án nghiên cứu bị đình chỉ khiến trường đại học của ông càng thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các nhà khoa học Mỹ và trường sẵn sàng chào đón những người có ý định rời nước Mỹ. Để thu hút các nhà khoa học Mỹ, Đại học Tự do Brussels đã triển khai nhiều biện pháp đa chiều nhằm xây dựng một nền tảng tuyển dụng quốc tế ấm áp và hấp dẫn, như triển khai một số chương trình di cư quốc tế.

Chúng tôi tin rằng hiện tại có thể có sự quan tâm đặc biệt từ các nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ. Chúng tôi có 19 căn hộ sẵn sàng dành cho các nhà khoa học muốn đến Brussels làm việc trong thời gian dài. Chúng tôi cũng mở một địa chỉ email để các nhà nghiên cứu có thể liên hệ và tìm hiểu thêm thông tin. Đã có hơn 100 yêu cầu, chủ yếu đến từ Mỹ.

Ông Jan Danckaert - Hiệu trưởng Đại học Tự do Brussels.

Một phân tích gần đây của Bruegel - Viện nghiên cứu chính sách uy tín tại Brussels cho thấy, nền tảng giáo dục của các nhà nghiên cứu Mỹ có thể trở thành yếu tố then chốt trong quyết định tương lai của họ. Dữ liệu cho thấy trong số các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ đang làm việc tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, có từ 7 đến 19% đã từng lấy bằng tại châu Âu và khi gặp khó khăn ở Mỹ, họ có thể sẽ trở về châu Âu.

Tuy vậy, châu Âu vẫn gặp phải nhiều thách thức trong việc thu hút những tài năng hàng đầu trong nghiên cứu khoa học, trong đó lớn nhất là vấn đề tài trợ. Tại châu Âu, cơ chế tài trợ rất phân mảnh. Nguồn tài trợ cơ bản cho nghiên cứu đến từ các quốc gia thành viên, sau đó Liên minh châu Âu mới bổ sung thêm một lớp tài trợ. Nhưng sự phân mảnh này cần được khắc phục thông qua việc tăng cường điều phối giữa các quốc gia thành viên và điều phối ở cấp độ EU.

Dữ liệu từ Bruegel cũng chỉ ra rằng, mức lương hằng năm của các nhà nghiên cứu hàng đầu tại Đại học California có thể lên tới 500.000 USD, thậm chí hơn 1 triệu USD, trong khi mức lương của giáo sư tại các trường đại học hàng đầu ở châu Âu thường không vượt quá 75.000 euro. Sự chênh lệch thu nhập quá lớn này cũng có thể trở thành rào cản lớn đối với quyết định di cư của nhiều nhà khoa học Mỹ sang châu Âu.

Còn quá sớm để nói có bao nhiêu nhà khoa học sẽ chọn rời khỏi Mỹ. Các trường đại học sẽ cần vài tháng để xem xét hồ sơ và phân bổ nguồn tài trợ và quá trình các nhà nghiên cứu thay đổi nơi sống và làm việc cũng sẽ kéo dài lâu hơn.

Hơn nữa, vị thế dẫn đầu của Mỹ trong việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn là rất lớn - ngay cả khi có những khoản cắt giảm đáng kể, nhiều chương trình quan trọng vẫn có thể tiếp tục tồn tại. Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã là quốc gia dẫn đầu thế giới về tài trợ cho nghiên cứu và phát triển - bao gồm các khoản đầu tư từ chính phủ, đại học và khu vực tư nhân. Theo Hiệp hội Vì Sự Tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS), vào năm 2023, Mỹ đã tài trợ tới 29% tổng ngân sách R&D toàn cầu.

Tuy nhiên, một số tổ chức quốc tế đã ghi nhận sự quan tâm đáng kể từ các nhà nghiên cứu đang làm việc tại Mỹ. Gần một nửa số đơn ứng tuyển gửi đến chương trình “Nơi an toàn cho khoa học” - 139 trên tổng số 300 hồ sơ - đến từ các nhà khoa học tại Mỹ, bao gồm cả các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và vật lý thiên văn. Viện Di truyền học, Sinh học Phân tử và Tế bào của Pháp nhận được số lượng đơn ứng tuyển từ các nhà nghiên cứu tại Mỹ trong đợt tuyển chọn năm nay cao gần gấp đôi so với năm ngoái.

Lệnh cắt giảm tài trợ nghiên cứu và các chính sách hạn chế sinh viên quốc tế của chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tạo ra làn sóng lo ngại trong giới học thuật toàn cầu. Dù Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về mức tài trợ cho nghiên cứu và phát triển, song việc các trường đại học hàng đầu như Harvard bị hạn chế tuyển sinh quốc tế đã đặt ra câu hỏi về tương lai của môi trường học thuật tự do, cởi mở và mang tính toàn cầu mà nước Mỹ từng là biểu tượng. Tương lai của làn sóng dịch chuyển này vẫn chưa thể khẳng định, nhưng những tín hiệu ban đầu cho thấy một sự tái định hình của bản đồ học thuật toàn cầu đang bắt đầu hình thành.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Iran có thể cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cử các thanh sát viên Mỹ đến các cơ sở hạt nhân của nước này, nếu các cuộc đàm phán với Washington thành công.

Đức cam kết sẽ hỗ trợ Kiev phát triển tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ Ukraine.

Nhà Vua Anh Charles III đã đến Ottawa để khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa mới của Canada, một phần nỗ lực nhằm phản đối các mối đe dọa sáp nhập Canada trở thành bang thứ 51 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nga đề xuất tổ chức vòng đàm phán hòa bình tiếp theo với Ukraine vào ngày 2/6 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Israel đã hạ sát thủ lĩnh lực lượng Hamas ở Gaza, ông Mohammad Sinwar - một trong những người bị truy nã gắt gao nhất.

Một doanh nghiệp nhỏ tại Ấn Độ đã thổi luồng sinh khí mới vào những chiếc chai thủy tinh bỏ đi, biến chúng thành các món đồ trang trí hiện đại, đầy phong cách và bền vững.