Chiến sự 16/5: Nga, Ukraine đàm phán trực tiếp ở Istanbul

Phái đoàn của Nga và Ukraine ngày 16/5 đã có cuộc gặp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài hơn 3 năm qua.

Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các cuộc giao tranh trên tiền tuyến vẫn diễn ra hết sức ác liệt. Bộ quốc phòng Nga cho biết, lực lượng phòng không đã bắn hạ 930 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine và 35 quả bom thông minh JDAM do Mỹ sản xuất trong tuần qua.

Ông Trump nói sẵn sàng gặp ông Putin sớm nhất có thể

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 tuyên bố rằng, ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay khi có thể, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột ở Ukraine.

Phát biểu với các phóng viên tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong chuyến công du Trung Đông, sau khi được yêu cầu bình luận về thời điểm ông có thể gặp ông Putin, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố “đã đến lúc chúng tôi phải làm điều đó”. Dù chưa xác định thời điểm cụ thể cho cuộc gặp tiềm năng với ông Putin, ông Trump bày tỏ hy vọng tình hình an ninh toàn cầu sẽ trở nên “an toàn hơn nhiều” trong vòng hai đến ba tuần tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump họp báo ở UAE ngày 16/5 (Ảnh: Reuters)

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng, một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Mỹ chắc chắn là điều cần thiết. Tuy nhiên, ông Peskov khẳng định rằng, cuộc đàm phán như vậy đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ.

"Bất kỳ cuộc họp cấp cao nhất nào cũng luôn diễn ra sau các cuộc đàm phán chuyên gia, tham vấn và chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt nếu chúng ta đang nói về một cuộc họp cấp cao nhất giữa Tổng thống Liên bang Nga và Mỹ", ông Peskov cho biết thêm.

Nga, Ukraine đàm phán trực tiếp lần đầu kể từ năm 2022

Phái đoàn Nga và Ukraine ngày 16/5 đã gặp nhau tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn hai nước kể từ lần đàm phán cách đây hơn 3 năm cũng diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đàm phán 3 bên Nga-Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul (Ảnh: Reuters)

Phát biểu sau cuộc đàm phán, trợ lý của Tổng thống Nga, ông Vladimir Medinsky, người đứng đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Istanbul cho biết, Moscow hài lòng với kết quả và sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Kiev. Ông Medinsky cũng thông báo rằng, Nga và Ukraine đã đồng ý trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên trong những ngày tới. Đây là một trong những cuộc trao đổi lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu nổ ra vào năm 2022.

Thông tin về trao đổi tù binh cũng được người đứng đầu đoàn đàm phán của Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov xác nhận trong cuộc họp báo sau hội đàm. Ngoài ra, ông Umerov cũng cho biết, phía Ukraine đã yêu cầu một cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Vladimir Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói thêm rằng, các cuộc đàm phán mới giữa Kiev và Moscow có thể sẽ sớm được công bố.

Ngay trước cuộc gặp giữa Nga và Ukraine, các quan chức Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine cũng đã có cuộc hội đàm kéo dài khoảng 1 giờ. Tham gia cuộc gặp tại Cung điện Dolmabahce về phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, phía Thổ Nhĩ Kỳ là Ngoại trưởng Hakan Fidan và phía Ukraine là Ngoại trưởng Andriy Sybiga, cùng một số quan chức cấp cao khác của ba nước. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nhận định cuộc đàm phán ba bên giữa các quan chức của nước này với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul diễn ra “hiệu quả”.

Tổng thống Ukraine nêu các ưu tiên trong đàm phán với Nga

Ngày 16/5, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, ưu tiên hàng đầu của Ukraine trong các cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul là đạt được lệnh ngừng bắn vô điều kiện để tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Trong cuộc họp của Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Tirana, Albania, ông Zelensky nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin trong quá trình đàm phán cũng rất quan trọng thông qua việc thả tù binh chiến tranh và đưa trẻ em Ukraine từ Nga trở về. Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Ưu tiên số một của chúng tôi là lệnh ngừng bắn toàn diện, vô điều kiện và chân thành. Điều này phải diễn ra ngay lập tức để chấm dứt việc giết chóc và tạo nền tảng vững chắc cho ngoại giao".

EU sẵn sàng trừng phạt bổ sung đối với Nga

Các nhà lãnh đạo từ khắp châu Âu ngày 16/5 đã tới Tirana, Albania để tham dự Hội nghị thượng đỉnh cộng đồng chính trị châu Âu, nơi quy tụ các nguyên thủ quốc gia châu Âu, lãnh đạo EU, cũng như các nhà lãnh đạo từ các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ và Gruzia.

Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu lần thứ 6 ở Albania (Ảnh: Reuters)

Cuộc họp ​​tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine, song các nước ở khu vực Balkan hy vọng cuộc thảo luận về việc mở rộng EU cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị. Trước hội nghị này, các nhà lãnh đạo EU bày tỏ ý định về việc sẽ thông qua gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga nhằm phản ứng trước việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự cuộc hòa đàm trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu được thông qua vào ngày 20/5 như dự kiến, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga.

Đức bác khả năng sớm chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết, hiện Berlin không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, do cần quá trình đào tạo đặc biệt và dài hạn để vận hành loại vũ khí này. Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, ông Merz khẳng định, vấn đề này hiện không nằm trong chương trình nghị sự, đồng thời cho rằng việc tranh luận công khai trong nước về khả năng chuyển giao Taurus là “không cần thiết”.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz (Ảnh: Reuters)

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn giữa tháng 4, ông Merz từng để ngỏ khả năng chuyển giao tên lửa này nếu đạt được thỏa thuận với các đối tác châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sau đó nhấn mạnh có “nhiều lập luận” phản đối việc cung cấp Taurus cho Kiev.

Phản ứng trước diễn biến này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng nếu tên lửa Taurus do Đức cung cấp được sử dụng để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Nga, Moscow sẽ xem đây là bằng chứng cho thấy Berlin đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Tiêm kích F-16 thứ ba của Ukraine bị rơi

Một chiếc tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất của Không quân Ukraine đã gặp sự cố và rơi sau cuộc tấn công quy mô lớn từ Nga vào rạng sáng ngày 16/5. Theo thông tin từ Không quân Ukraine, chiếc F-16 gặp nạn khi đang thực hiện nhiệm vụ đánh chặn trong một đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Trong quá trình tác chiến, máy bay gặp sự cố kỹ thuật, buộc phi công phải phóng ghế thoát hiểm. Phi công sau đó được tìm thấy và đưa về căn cứ an toàn, trong tình trạng sức khỏe ổn định. Nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra. Đây là vụ rơi F-16 thứ ba được ghi nhận kể từ khi Ukraine bắt đầu triển khai loại máy bay này vào tháng 8/2024. Trước đó, hai vụ tai nạn tương tự đã xảy ra, trong đó có một vụ vào tháng 4/2025 khiến phi công thiệt mạng.

Phòng không Nga tiêu diệt 930 UAV của Ukraine trong tuần qua

Bộ quốc phòng Nga cho biết, lực lượng phòng không đã bắn hạ 930 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine và 35 quả bom thông minh JDAM do Mỹ sản xuất trong tuần qua. Cũng theo báo cáo của Bộ quốc phòng Nga, quân đội nước này đã giải phóng 6 cộng đồng ở khu vực Donetsk trong tuần từ ngày 10-16/5. Tổng cộng, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 662 máy bay chiến đấu của Ukraine, 283 trực thăng, 57.436 máy bay không người lái, 605 hệ thống tên lửa đất đối không, 23.354 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.563 bệ phóng tên lửa nhiều nòng, 24.950 pháo dã chiến và súng cối và 35.545 xe cơ giới quân sự đặc biệt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.

Nga tấn công UAV vào khu vực Odesa

Trong ngày 16/5, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga vào khu vực Odesa đã khiến ba người bị thương, phá hủy nhà cửa, xe cộ và cơ sở hạ tầng dân sự. Người đứng đầu Cơ quan quản lý quân sự khu vực Odessa, ông Oleh Kiper cho biết, lực lượng Nga cũng đã tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV vào Ovidiopol, một ngôi làng cách Odesa 40 km.

Quang cảnh sau cuộc tấn công bằng UAV của Nga vào Odesa (Ảnh: Reuters)

Cùng ngày, không quân Ukraine cho biết, lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 73 trong số 112 UAV tấn công và mồi nhử được Nga phóng trong đêm. Theo tuyên bố, 36 UAV mồi nhử đã biến mất khỏi radar mà không gây ra thiệt hại.

Tại Tỉnh Donetsk, các cuộc tấn công của Nga ở Oleksandro-Kalynove đã khiến 1 người thiệt mạng và làm bị thương 6 người khác. Trong khi đó, tại tỉnh Kharkov, lực lượng Nga đã tấn công 4 khu định cư.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nga và Ukraine ngày 16/5 đã công bố kết quả cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2022, diễn ra tại Cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc vừa tổ chức một cuộc thi vô cùng đặc biệt mà người tham gia chỉ cần ngồi yên và không làm gì cả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra cảnh báo sẽ áp đặt mức thuế cao hơn đối với những quốc gia không đạt được thỏa thuận với Washington.

Quân đội Israel ngày 16/5 đã tiến hành các cuộc không kích vào hai cảng Hodeidah và as-Salif của Yemen, nhằm đáp trả việc lực lượng Houthi phóng tên lửa về phía Israel.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/5 tuyên bố rằng, ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngay khi có thể.

Trợ lý của Tổng thống Nga, ông Vladimir Medinsky cho biết, Nga và Ukraine đã đồng ý trao đổi 1.000 tù binh mỗi bên trong những ngày tới.