Trước các kỳ thi chuyển cấp

Áp lực từ các kỳ thi chuyển cấp đối với học sinh, phụ huynh là có, nhưng cách đối diện và vượt qua áp lực hiện nay đã thay đổi.

Bên con qua mùa thi

Học sinh Trần Hiếu Ngân (lớp 9, trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chọn trường THPT Trần Phú là nguyện vọng 1 trong Kỳ thi vào lớp 10 công lập năm nay. Kết quả học tập học kỳ 2 của em khá tốt, nhưng Hiếu Ngân vẫn còn lo lắng và áp lực trước kỳ thi quan trọng này.

Em Hiếu Ngân chia sẻ: "Áp lực tạo nên kim cương, con cần phải luyện tập nhiều hơn nữa để có kiến thức tốt cho kỳ thi sắp tới".

Những ngày trước kỳ thi, gia đình cũng luôn cố gắng tạo không khí thoải mái cho Ngân, động viên và tránh gây thêm áp lực cho em.

Anh Trần Viết Nguyên, phụ huynh học sinh cho biết: "Trước ngày thi là thời khắc quan trọng, ngoài việc học thì cần đảm bảo duy trì sức khỏe. Quan trọng nhất là mình phải thường xuyên động viên và nhắc nhở con nghỉ ngơi, để có tâm thế tốt nhất vào kỳ thi".

Mùa thi dù căng thẳng nhưng vẫn có thể dịu lại nhờ sự đồng hành của gia đình. Để rồi, dù kết quả ra sao, các em đều hiểu rằng, sau cánh cổng trường thi, luôn có mái ấm chờ đón bằng tất cả niềm tin và yêu thương.

Đồng hành cùng học sinh lớp 9

Nhằm giúp học sinh có tinh thần thoải mái và được vận động, giáo viên trường THCS Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) đã tổ chức tiết học như một trò chơi, với mong muốn tạo sự sảng khoái, vui vẻ cho các học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Anh, giáo viên trường THCS Trần Duy Hưng chia sẻ: "Để giảm tải áp lực cho học sinh thì trong một số tiết học, cô cũng lồng ghép các trò chơi để cho các bạn thay đổi không khí. Có những buổi cô có thể nói chuyện, tư vấn thêm cho các con, hỏi han thêm về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, học tập. Lớp cũng có những hoạt động trao thưởng cho các bạn có thành tích tốt trong các bài kiểm tra, đó cũng là một động lực để các bạn có thể cố gắng phấn đấu hơn nữa".

Bên cạnh sự đồng hành của các thầy cô giáo và các nhà trường, thì việc Hà Nội tăng 4.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học tới cũng góp phần giảm áp lực cho kỳ thi này. Đây là cố gắng rất lớn của toàn ngành trong việc tham mưu đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng trường, lớp và các điều kiện học tập.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: "Năm học này, Thành phố đã cố gắng để có thêm trường, thêm chỗ học cho học sinh. Cụ thể đã tăng 3% so với năm ngoái".

Việc đầu tư xây dựng trường trung học phổ thông công lập luôn được thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư triển khai. Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ có thêm từ 30 đến 35 trường trung học phổ thông công lập mới. Tại nhiều quận, huyện đã rà soát, ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường. Theo kế hoạch, trên địa bàn quận Cầu Giấy sẽ xây thêm 3 trường trung học phổ thông công lập; quận Hoàng Mai, huyện Đông Anh cũng đã có kế hoạch bổ sung trường.

Giảm áp lực, sớm lập nghiệp từ trường nghề

Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều con đường lập nghiệp. Thay vì dồn áp lực vào các kỳ thi căng thẳng để vào trường phổ thông hay đại học, ngày càng nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn hướng đi khác - học nghề. Đây không chỉ là giải pháp giảm áp lực học tập, mà còn là cánh cửa vào những nghề nghiệp ổn định, thu nhập tốt.

Không đủ điểm đỗ vào lớp 10 công lập, học sinh Trần Lê Quỳnh Trang (lớp 12C2, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) đã quyết định vừa học nghề, vừa tiếp tục theo học văn hóa. Hiện tại Trang cảm thấy thoải mái, hài lòng với lựa chọn này.

Trang cũng có chia sẻ với những em học sinh lớp 9 trước kỳ thi vào lớp 10 công lập vào tháng 6 tới đây: "Các em cứ cố gắng hết năng lực, nếu không được thì có thể đi học nghề, vì nó vẫn tốt và có lợi ích".

Nhiều gia đình cũng phân vân khi cho con học nghề sau bậc THCS. Nhưng sau khi tìm hiểu, thấy học nghề vừa giảm áp lực thi cử vừa giúp con có công việc sớm, quan điểm này đã đang dần thay đổi.

TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ là nhiều người trong gia đình phản đối việc học nghề thay vì đi học phổ thông. Nhưng thực tế chứng minh rằng, khi con tốt nghiệp, đi làm, nhiều phụ huynh đã quay trở lại cảm ơn nhà trường".

Chọn nghề phù hợp, làm chủ tương lai, giờ đây đang là suy nghĩ tích cực của nhiều bạn trẻ.

Gap year - học kỳ khám phá bản thân

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các chính sách linh hoạt sau mỗi cấp học phổ thông, nhằm giảm áp lực thi cử và mở rộng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh. Ví dụ như thay vì bắt buộc thi đại học ngay sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể lựa chọn một năm tạm nghỉ để trải nghiệm, làm việc, học nghề hoặc khám phá bản thân trước khi quyết định con đường học tập tiếp theo. Hoặc với học sinh chuyển tiếp từ cấp 2 lên cấp 3, học sinh có quyền lựa chọn một năm học không theo chương trình truyền thống.

Trong hệ thống giáo dục Ireland, “Transition Year” - hay năm chuyển tiếp, được xem là một “khoảng lặng vàng” giữa giai đoạn cấp 2 lên cấp 3. Ở tuổi 15, học sinh có thể lựa chọn một năm học không theo chương trình truyền thống, thay vào đó là cơ hội khám phá bản thân, thử nghiệm nghề nghiệp và phát triển kỹ năng sống.

Các trường được tự xây dựng chương trình, nhưng vẫn duy trì 2 giờ/tuần các môn cơ bản như tiếng Anh, tiếng Ireland, Toán và Thể chất. Ngoài ra, học sinh sẽ tham gia những hoạt động đa dạng như học tiếng Trung, nghiên cứu luật, lập trình, bảo trì ô tô, các khóa học về sức khỏe tinh thần, thậm chí mô hình điều tra hiện trường trong chương trình STEM. Một phần không thể thiếu của Transition Year là thực tập nghề nghiệp (2-4 tuần mỗi năm) và định hướng nghề nghiệp.

Cũng trong quá trình nghỉ một năm này, nhiều em học sinh trở nên tự tin hơn và khám phá được đam mê thực sự. Những người nổi tiếng như diễn viên Paul Mescal hay Cillian Murphy đều từng trải qua năm chuyển tiếp trước khi bén duyên với nghệ thuật. Năm chuyển tiếp tại Ireland được xem là một sáng kiến giáo dục đáng học hỏi, nhằm giúp học sinh thực sự hiểu rõ mình là ai và muốn gì trong tương lai.

Tại Australia, kỳ nghỉ học kéo dài một năm sau khi tốt nghiệp trung học, được gọi là Gap Year - là lựa chọn phổ biến, trong đó nổi bật nhất là chương trình ADF Gap Year. Đây là sáng kiến đặc biệt do Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) tổ chức nhằm giúp thanh niên từ 18-24 tuổi trải nghiệm môi trường quân đội trong vòng 12 tháng mà không cần cam kết phục vụ lâu dài.

Tham gia chương trình, học viên sẽ được đào tạo chuyên môn, rèn luyện thể chất, hưởng lương và phúc lợi đầy đủ, đồng thời có cơ hội thử sức trong nhiều vai trò khác nhau như hậu cần, y tế, hàng không, kỹ thuật, thông tin liên lạc hoặc lực lượng hải - lục - không quân. ADF Gap Year không chỉ mang lại thu nhập mà còn giúp người trẻ phát triển kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo và kỷ luật - những phẩm chất hữu ích cho bất kỳ ngành nghề nào trong tương lai.

Với quy trình tuyển chọn nghiêm túc nhưng không quá áp lực, chương trình thu hút hàng ngàn bạn trẻ Úc mỗi năm, đặc biệt là những người chưa xác định rõ hướng đi nghề nghiệp. Đây được xem là mô hình Gap Year có tổ chức và định hướng rõ ràng nhất tại Úc, mang lại trải nghiệm trưởng thành đáng giá trước khi bước tiếp vào đại học hoặc thị trường lao động.

Vốn phổ biến ở châu Âu và Úc, Gap Year đang ngày càng được giới trẻ Mỹ lựa chọn như một cách để khám phá bản thân, tích lũy trải nghiệm và nâng cao kỹ năng sống. Theo Hiệp hội Gap Year Mỹ, số lượng học sinh tham gia các chương trình này đang tăng kỷ lục và nhiều nhà giáo dục cũng đánh giá đây là giải pháp giúp tăng động lực học tập, phát triển tư duy công dân toàn cầu.

Thay vì vào đại học ngay, học sinh có thể trì hoãn nhập học để tham gia tình nguyện, thực tập hoặc các chuyến đi khám phá, trong và ngoài nước. Nhiều trường đại học lớn như Princeton, Tufts hay UNC-Chapel Hill không chỉ cho phép bảo lưu kết quả tuyển sinh, mà còn cấp học bổng hỗ trợ tài chính cho các chương trình Gap Year được tổ chức bài bản. Đáng chú ý, các chương trình như “Năm của công dân toàn cầu” Omprakash EdGE đang nỗ lực giảm chi phí và mở rộng cơ hội tiếp cận cho học sinh có thu nhập thấp, thông qua miễn phí ăn ở, hoặc cấp học bổng.

Tuy nhiên, vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ chính phủ. Ví dụ, mở rộng chương trình học bổng Gilman của Bộ Ngoại giao Mỹ để áp dụng cho các chương trình Gap Year. Các nhà tuyển dụng cũng bắt đầu đánh giá cao kỹ năng mềm và tư duy độc lập mà sinh viên có được sau Gap Year. Trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng cạnh tranh, Gap Year đang dần trở thành một bước đệm vững chắc giúp người trẻ Mỹ trưởng thành và sẵn sàng hơn cho cả học tập lẫn sự nghiệp.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo nhằm giải quyết những bất cập trong sử dụng và quản lý đội ngũ nhà giáo trong thời gian qua.

Một dự án của học sinh Hà Nội sẽ tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2025, diễn ra tại Mỹ.

Cùng với nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tích cực hợp tác, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.

Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 26/6 là hạn cuối để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường THPT tư thục trên địa bàn Thành phố.

Chủ đề: Phân tích dạng bài Đọc hiểu số 2 và Luyện tập. Giáo viên Nguyễn Bảo Trâm - Trường THPT chuyên Chu Văn An - Hà Nội.

Học sinh Hà Nội sẽ được phân tuyến tuyển sinh theo vị trí thực tế nơi ở, thay vì theo địa giới hành chính như hiện nay.