Những bảo vật của mùa Xuân đại thắng

50 năm đã qua kể từ ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975, nhưng những chứng tích sống động vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay như những bảo vật của lịch sử, của quốc gia. Chúng không chỉ ghi dấu chiến công mà còn truyền lửa cho thế hệ hôm nay.

Tấm bản đồ quyết tâm 

Bản đồ quyết tâm chiến dịch nằm trang trọng trong không gian trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là không gian được thiết kế và trưng bày hiện đại, hấp dẫn tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Bản đồ quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được thực hiện từ ngày 15 đến 21/4/1975 tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đóng tại Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Trước đó, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn đề nghị đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh và thông qua phương án chiến dịch lần cuối cùng. Một ngày sau, các cán bộ tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến dịch bắt tay thực hiện tấm bản đồ này. Các đơn vị lần lượt đến sở chỉ huy nhận nhiệm vụ tiến công theo từng hướng.

Những mũi tên đỏ trên bản đồ thể hiện đường tiến công của các cánh quân để “hợp điểm” giữa Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Thượng úy Nguyễn Đại Việt, thuộc Phòng Trưng bày Tuyên truyền, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Có chữ ký của Chính uỷ chiến dịch là đồng chí Phạm Hùng và Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Văn Tiến Dũng. Đây là một tấm bản đồ được cố đại tướng Văn Tiến Dũng rất trân trọng, luôn mang theo bên mình trong hành trình công tác. Đến năm 1990, Đại tướng đã trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cùng một số hiện vật khác".

Trên bản đồ có chữ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh". Phía dưới góc bên phải có chữ viết tay “Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22/4/1975”; bên dưới có chữ ký của Tư lệnh chiến dịch là Đại tướng Văn Tiến Dũng và Chính ủy Phạm Hùng. Đây là tấm bản đồ quyết tâm duy nhất có chữ ký của Tư lệnh và Chính ủy chiến dịch.

Tấm bản đồ mang trong mình nhiều nếp gấp và áng màu thời gian, in đậm dòng chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” - như muốn khẳng định về một Việt Nam rạng danh, hùng cường, với nghệ thuật quân sự đỉnh cao, quyết tâm thực hiện khát vọng vì hòa bình thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Những cỗ xe tăng lịch sử

Trưa ngày 30/4/1975, khoảnh khắc hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng cho chiến thắng oanh liệt, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Chiếc xe tăng 390 do Quân Giải phóng điều khiển đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập. Người chỉ huy chiếc xe ấy - ông Vũ Đăng Toàn, khi đó là Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 - vẫn nhớ như in từng chi tiết của cuộc tiến công lịch sử.

Ông Vũ Đăng Toàn kể: “Anh Thận là Đại đội trưởng đi xe 843, còn tôi là chính trị viên đi xe 390. Hai xe giao nhau cùng một lúc, anh Thận tiếp cận cổng Dinh Độc Lập trước, nhưng anh không vào cổng chính mà rẽ sang cổng phụ rồi dừng lại. Lái xe 390 thấy xe đại đội trưởng dừng lại thì hỏi tôi thế nào anh Toàn? Tôi ra lệnh tông thẳng vào”.

Trước khi tiến vào Sài Gòn, chiếc xe tăng 843 đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng: từ Huế, Đà Nẵng đến các tỉnh ven biển miền Trung. Với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, xe tăng 843 đã bắn cháy ba xe tăng và xe bọc thép địch trên đường tiến công.

Đúng 11 giờ trưa ngày 30/4, xe tăng 843 húc vào cổng phụ Dinh Độc Lập nhưng bị chết máy. Ngay sau đó, xe tăng 390 xông lên, húc đổ cánh cổng chính, mở lối cho đoàn quân Giải phóng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận lập tức lao lên nóc Dinh cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - đánh dấu thời khắc thiêng liêng: đất nước hoàn toàn thống nhất.

Sau ngày thống nhất, xe tăng 843 được đưa trở lại Lữ đoàn 203 làm nhiệm vụ huấn luyện. Năm 1979, chiếc xe được chuyển về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và được công nhận là Bảo vật quốc gia từ ngày 1/10/2012. Điều đặc biệt, dù đã qua gần 50 năm, xe tăng vẫn có thể hoạt động. Đây là minh chứng đặc biệt cho sức sống của lịch sử.

Những hiện vật góp phần làm nên chiến thắng

Trưa ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Trung đoàn 1, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 treo tại Bộ Tổng Tham mưu ngụy đã kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Nửa trên của lá cờ mang màu đỏ đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới với màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Với những người lính tăng thiết giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lá cờ ấy là biểu tượng thiêng liêng không thể phai mờ trong ký ức ngày toàn thắng.

Mỗi lần ghé thăm lại Đài điều khiển tên lửa Dvina do Liên Xô thiết kế hay có tên gọi khác là Sam-2, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Mạnh Hiến - nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không - không quân lại dâng trào cảm xúc cùng ký ức hào hùng về khoảnh khắc cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ.

“Trận đánh B57 ở Lào khác biệt lắm, chứng minh cho tên lửa có thể vượt Trường Sơn, có thể lập chiến công. Tên lửa này, người ta bảo làm sao bắn được Mỹ, nhưng chưa ai làm được như Việt Nam”, nguyên Phó Giám đốc Học viện Phòng không xúc động nói.

Đài điểu khiển tên lửa Dvina đã tham gia cơ động chiến đấu trên các chiến trường và trở thành một trong những hệ thống phòng không được triển khai rộng rãi nhất trong chiến tranh. Hiện tại, đài điều khiển này đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng Không không quân.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Đại thắng Mùa Xuân 1975, những hiện vật từng đồng hành trong một thời chiến tranh khốc liệt nay vẫn tiếp tục kể những câu chuyện lịch sử sống động như những chứng nhân thời gian, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hun đúc tình yêu nước và khát vọng độc lập trong trái tim các thế hệ mai sau.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức triển lãm “Con đường thống nhất” tại di tích cách mạng Nhà và Hầm D67.

Tranh cổ động không chỉ dừng lại ở chức năng tuyên truyền trực quan mà còn trở thành một thể loại hội họa đặc sắc của nền mỹ thuật cách mạng.

Làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) là nơi sản xuất ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc, nơi những người thợ vẫn từng ngày “thổi hồn” vào từng sản phẩm với lòng yêu nghề và niềm tự hào.

Hơn 200 đại biểu từ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã tham dự chương trình Giao lưu hữu nghị chúc mừng Tết cổ truyền vào ngày 26/4.

Sau quá trình xét chọn và bình chọn, danh sách 50 tác phẩm xuất sắc đã được công bố vào sáng 25/4, nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của đội ngũ văn nghệ sĩ cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật thành phố trong thời gian qua.

Tiếng gọi của lịch sử, tiếng vọng của tinh thần dân tộc, khát vọng độc lập, hòa bình và phát triển đã được tái hiện sống động qua triển lãm tranh cổ động của họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức.