Tin chiến thắng

Lời tòa soạn: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã đi qua nửa thế kỷ nhưng những thanh âm về cuộc chiến vẫn còn vang vọng như vừa mới ngày hôm qua. Những sự kiện, những hình ảnh, những nhân chứng, những thời khắc lịch sử…vẫn còn đó và hòa quyện trong dòng huyết quản anh hùng cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến ấy, Hà Nội – trái tim của cả nước cũng là nơi bắt nguồn cho mạch đập ấy. Và hôm nay, thời gian đã qua đi, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay từng ngày, từng giờ nhưng ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình thì không gì có thể lấy đi được.
Bài 3: Tin chiến thắng

Với người dân Hà Nội, ngày 30/4/1975 không chỉ là một ký ức, mà còn là một khát vọng, một ao ước trở thành hiện thực khi nước nhà được độc lập thống nhất, hòa bình và hạnh phúc. Hà Nội có trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hơn hai mươi năm đất nước bị chia cắt, Thủ đô Hà Nội luôn hướng về miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, hết lòng, hết sức cùng cả nước chi viện sức người, sức của cho miền Nam thân yêu để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Chiến dịch Sấm Rền: Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất

Tháng 8/1964, máy bay Mỹ lần đầu vượt vĩ tuyến 17 để bắn phá miền Bắc. Đến năm 1968, khoảng 864.000 tấn bom đã được thả xuống.

Giới cầm quyền Hoa Kỳ tin rằng việc ném bom ồ ạt miền Bắc cùng sự tham gia chiến đấu trực tiếp của bộ binh Mỹ sẽ giúp họ giải quyết chiến trường tại Việt Nam. Đánh gục ý chí kháng chiến của miền Bắc là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược của người Mỹ. Nhưng như người ta thường nói: lịch sử chứng minh họ đã sai lầm.
Ngày 17/7/1966, từ Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân (số 4484) truyền đi Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng bất hủ và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
“Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lời của Bác đã thực sự trở thành lời hiệu triệu thiêng liêng, quy tụ, đoàn kết, thôi thúc hàng triệu con tim đồng lòng hăng hái chống Mỹ, cứu nước.
Cùng thanh niên cả nước, lớp lớp thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ. Từ đất thiêng Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” như hồi kèn xung trận, giục giã bước chân tuổi trẻ tình nguyện cống hiến, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Năm 1967, Bộ Tư lệnh Thủ đô quyết định thành lập Trung đoàn 1867, sau đổi tên thành Trung đoàn 59 - quân tăng cường Thủ đô. Thanh niên Hà Nội đã được đưa vào bổ sung cho hầu khắp các mặt trận từ Quảng Trị tới đường 559 Trường Sơn, B3 Tây Nguyên, Nam Bộ và cả các chiến trường Trung, Nam Lào.
TIẾNG VỌNG TRÊN ĐỈNH CHƯ TAN KRA

Đầu năm 1968, sự xuất hiện của một đơn vị mới của quân giải phóng đã không qua được tai mắt của đối phương. Đơn vị bộ binh này được trang bị hàng loạt các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó.
Cựu chiến binh Phạm Văn Chúc, Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 Lính Mũ sắt Hà Nội tự hào khi nói về đơn vị mình: “Lúc bấy giờ Sư đoàn 312 của chúng tôi được mệnh danh là "Quả đấm thép" của Bộ Quốc phòng, cho nên được trang bị mũ sắt của Liên Xô. Giữa một chảo lửa, trong bắn ra, pháo bên khác bắn đến, pháo từ trên máy bay bắn xuống...Không còn nghĩ gì đến chuyện sợ hay là không sợ. Chỉ biết là nhiệm vụ, mục tiêu trước mắt là xả súng”.
Mục tiêu của đơn vị ông Phạm Văn Chúc khi đó là căn cứ Kleng – Kon Tum. Song để đến được đây, họ phải vượt qua chướng ngại mang tên Cao điểm 995 Chư Tan Kra.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vĩnh - Đại đội 5, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 Lính Mũ sắt Hà Nội: "Năm 2013, tôi gặp một anh bạn người Mỹ. Lúc ấy anh ở căn cứ Kleng. Tôi có nói đùa: “Thế đêm ấy ông bắn bao nhiêu quả vào đầu tôi”. Hắn mới cười bảo rằng là có 500 quả 1 khẩu thôi, mà 4 khẩu. Tức là vị chi 2.000 quả nện vào đầu chúng tôi rồi."
Rạng sáng ngày 26/3/1968, trung đoàn 209 nổ súng tấn công cao điểm 995. Một trận đánh dũng cảm của những chàng trai đất Bắc khi đối mặt với tiểu đoàn Mỹ trong công sự kiên cố sự chi viện của không quân. Quân Mỹ bị bất ngờ và cố thủ trong căn cứ. Họ gọi máy bay tiếp viện, không kích thẳng vào đội hình trung đoàn.

Trận đánh Chư Tan Kra ngày 26/3/1968 thuộc phạm vi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân năm 1968. Chiến cục năm đó đã mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Vừa đánh vừa đàm”. Từ giai đoạn này, Trung ương Đảng chủ trương kết hợp ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao nhằm đi đến thắng lợi cuối cùng.
Sau hai chiến thắng tại Campuchia và Lào, quân giải phóng đã giành lại thế chủ động trên chiến trường. Các chiến thuật mới cùng hệ thống vũ khí, khí tài hiện đại được bổ sung nhằm sẵn sàng cho các chiến dịch lớn.

Từ năm 1970 đến 1972, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu.
Đợt tuyển quân đông nhất là vào năm 1971. Ngày 6/9 năm đó, lễ xuất quân diễn ra ngay tại sân nhiều trường đại học, có bạn bè, thầy cô đưa tiễn. Những anh lính sinh viên tinh nghịch bắt bạn bè phải gọi là "chú bộ đội". Những khuôn mặt thư sinh, mặc nguyên áo trắng lên đường tòng quân.

Chàng trai trẻ Phạm Thành Hưng là sinh viên Khoá 15 khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1971, anh cùng hàng ngàn sinh viên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Trên đường ra chiến trường, những người lính sinh viên mang theo cả những lời hẹn ước của riêng mình.
PGS, TS Phạm Thành Hưng - Lính sinh viên Hà Nội tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị nhớ lại: "Không phải ngẫu nhiên mà có một thầy giáo không trả bài cho những sinh viên ra trận, vì đằng nào cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tất cả những bài của những người ra trận thì các em cứ yên tâm là sẽ được điểm cao nhất. Thầy sẽ giữ lại, khi nào các em quay trở về thì thầy sẽ nhận và thầy sẽ báo điểm. Cứ yên tâm đây là những bài có điểm cao nhất, vì không có một giáo trình nào, không có một môn học nào đẹp và hay bằng giáo trình của lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc…Vô tình bài thi đó như trở thành bùa hộ mệnh cho sinh viên trở về vậy."

Năm 1945, nhiều thanh niên Hà Nội đã có mặt trong đoàn quân Nam Tiến, trở thành những người lính đầu tiên chi viện cho mặt trận Nam Bộ.
Mùa xuân năm 1972, những chuyến tàu từ đây lại tiếp tục đưa các sinh viên – chiến sĩ tiến thẳng ra tiền tuyến.
Lịch sử đã ghi lại. Những chiến trường khốc liệt nhất đang chờ họ ở phía trước.
Ngày 30.3.1972. Chiến dịch Xuân hè 1972 chính thức bắt đầu. Sau cuộc bắn phá, các lực lượng binh chủng hợp thành gồm bộ binh, xe tăng đồng loạt xuất phát tiến công. Điều người Mỹ lo ngại nhất đã tới. Quân giải phóng vượt vĩ tuyến 17, tiến thẳng xuống phía Nam. Một trận chiến theo kiểu quy ước truyền thống.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon lần đầu tiên tới thăm Trung Quốc và Liên Xô. Ngoài những toan tính có tầm chiến lược toàn cầu, Nixon và cố vấn Kissinger coi đây là cơ hội để giải quyết vấn đề Việt Nam. Lợi dụng mẫu thuẫn Trung – Xô, người Mỹ kỳ vọng sẽ ép Việt Nam theo ý của mình. Nixon ra lệnh tiến hành chiến dịch Linebreaker ném bom ồ ạt miền Bắc Việt Nam, yểm trợ cho quân đội Sài Gòn phản kích, tái chiếm Quảng Trị.
Ở phía ngược lại, Hà Nội phải giữ vững Quảng Trị và các vùng đã giải phóng. Mặt trận ngoại giao được đẩy mạnh, tập trung vào yêu cầu cơ bản là Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Mùa hè năm đó, hơn 328.000 tấn bom đạn đã được ném xuống Quảng Trị, tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Thành cổ là tiêu điểm ác liệt nhất và cũng là nơi thể hiện tinh thần anh dũng hy sinh, chiến đấu phi thường của quân và dân ta.
Thiếu tá Đào Chí Thành, Chiến sĩ đại đội 14, trung đoàn 95, sư đoàn 325 Có 50 ngày đêm chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị nhớ rất rõ: "Sáng ngày 27/7/1972, bắt đầu vượt sông lúc 4 giờ. Qua sông Thạch Hãn sang đến thị xã Quảng Trị. Thị xã chỉ còn là mảnh tro gạch. Các chiến sĩ bộ binh chiến đấu vô cùng dũng cảm. Tôi còn nhớ 5-6 đồng chí, tất cả đều băng cả. Người thì băng đầu, người thì băng tay, người thì băng chân nhưng AK vẫn chắc trong tay."

Trong hơn 4.000 liệt sỹ nằm lại thành cổ, có những con người là lính sinh viên. Họ là một thế hệ đặc biệt. Được sinh trưởng và giáo dục trọn vẹn trong miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các sinh viên – chiến sĩ lên đường ra trận bằng sự trong sáng của tuổi trẻ, với một lý tưởng cao cả dẫn đường.
Cựu chiến binh Đào Chí Thành - Chiến sĩ đại đội 14, trung đoàn 95, sư đoàn 325 có 50 ngày đêm chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị nhớ về những năm tháng ác liệt ấy: "Chúng tôi được may mắn quá nhiều. Đang là sinh viên nên đi bộ đội tại thời điểm đấy thì trong sáng lắm. Thế hệ chúng tôi - như một viên đạn bắn thẳng, bóp cò là lao tới đích. Không suy tính, không gì cả. Chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ."

Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1968, Nixon hứa với cử tri Hoa Kỳ rằng sẽ có một kết thúc danh dự cho cuộc chiến tại Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên một ứng cử viên Tổng thống tuyên bố điều này. Kể từ khi Mỹ tham chiến trực tiếp vào năm 1965, các tổng thống Hoa Kỳ sẽ đẩy nấc thang chiến tranh lên đỉnh điểm vào năm cuối của nhiệm kỳ. Rồi trong thời gian vận động tranh cử, họ sẽ nói về việc kết thúc chiến tranh trong hoà bình.

Ngày 7/11/1972, sau khi chính thức tái cử Tổng thống, Nixon ngay lập tức gây khó khăn tại Hội nghị Paris. Trong đợt đàm phán mới bắt đầu từ ngày 20/11, Mỹ đã đòi sửa 69 điểm trong văn bản đã thỏa thuận ngày 20/10/1972, tức là hầu hết các chương của Hiệp định bao gồm nhiều vấn đề thực chất.
Tới ngày 24/11, Kissinger đã tiết lộ thông điệp của Nixon với đoàn Việt Nam: “Tôi ra lệnh cho ông đình ngay các cuộc đàm phán và nếu cần hãy trở lại những hành động quân sự cho điều mà những người có thể thương lượng của chúng ta chịu sắp xếp thương lượng”.
Cố vấn Lê Đức Thọ cứng rắn: “Chúng tôi thấy trước rằng nếu chiến tranh không được giải quyết thì cuộc chiến sẽ rất khốc liệt. Có thể ông thậm chí sẽ sử dụng các cuộc ném bom B-52 ồ ạt, thậm chí có thể san phẳng Hà Nội và Hải Phòng. Nhưng chúng tôi có thể thấy rằng nếu chúng tôi không đạt được độc lập và tự do thực sự thì bất kể đất nước chúng tôi phải chịu sự tàn phá nào, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh…. Tại sao chúng tôi có quyết tâm như vậy? Sự thật đơn giản là chúng tôi sẽ không khuất phục và chấp nhận làm nô lệ.”

Những tuyên bố của cố vấn Lê Đức Thọ là hoàn toàn có cơ sở. Hơn nửa triệu quân Mỹ cùng hàng trăm ngàn lính chư hầu đã trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Hàng triệu tấn bom đã tàn phá khắp đất nước. Người Việt Nam đã chiến đấu kiên cường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Giờ đây, thành bại trên chiến trường sẽ quyết định thành bại trên bàn đàm phán. Trận chiến đặc biệt này đã được tính toán từ nhiều năm trước.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, Trực ban tác chiến phòng không tại hầm chỉ huy tác chiến T1 kể lại: "Tôi nhớ Bác Hồ căn dặn hàng chục lần về việc chuẩn bị đánh B52. Bác khẳng định là sớm muộn gì Mỹ cũng mang B52 ra đánh Hà Nội; rồi có thua mới chịu thua. Ta phải dự kiến hết tình huống này để mà chuẩn bị."
Chiều ngày 18/12/1972, cố vấn Lê Đức Thọ về tới Hà Nội thì ngay tối hôm đó, pháo đài bay B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng với quy mô chưa từng có trong lịch sử. Ván bài đã lật ngửa. Nixon đã thực hiện bước leo thang chiến tranh cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Tâm điểm của cả cuộc chiến đã đổ dồn về Hà Nội.

Ý chí của quân và dân Thủ đô đã không bị đè bẹp trước sức mạnh bom đạn của không quân Mỹ. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội sát cánh cùng các lực lượng, các địa phương bắn hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc pháo đài bay B52, tạo nên bản hùng ca Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến kể lại: "Nhiều lần máy bay rơi, người ta đứng ra ngoài đường nhìn máy bay rơi hoặc là nhìn quả tên lửa bắn cái máy bay ấy như thế nào. Khi chúng ta có kinh nghiệm chiến đấu rồi thì đâu có sợ nữa."
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: "Hà Nội là trái tim của cả nước. Hà Nội là biểu tượng, niềm tin, hy vọng. Mặc dù bị B52 ném bom trực tiếp nhưng cuối cùng Hà Nội chiến thắng. Rõ ràng là cái sức sống của người Hà Nội và cái niềm tin người Hà Nội lan tỏa cho nhân dân cả nước là chúng ta chắc chắn sẽ thắng."
Năm 1972, âm vang chiến thắng trên bầu trời Hà Nội đã lan ra toàn thế giới. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris chính thức được ký kết. Hiệp định đã mở ra giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 30/4/1975, sau khi quân đội ta chiếm được Dinh Độc Lập, khoảng 15 phút sau, một bản tin chiến thắng được phát thanh trên toàn quốc. Bản tin phát đi những dòng tin phấn chấn mà muôn triệu con tim Việt Nam đang đón đợi: "Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Bản tin chiến thắng, đã trở thành ký ức không phai mờ trong tâm trí nhiều người dân thủ đô Hà Nội.

PGS, TS Phạm Thành Hưng, lính sinh viên Hà Nội - Mặt trận Quảng Trị bồi hồi: "Khi có tin giải phóng Sài Gòn, tất cả reo hò. Có những anh reo hò đến mức khản cả tiếng. Còn tôi, cứ ngửa mặt lên trời mà nhìn, rồi bắt đầu mình nhớ tới đồng đội của mình. Những người đã hi sinh, rồi cả những người đã sống sót như tôi để chứng kiến giờ khắc cuối cùng."

Chiến tranh lùi xa.
Tháng 3 – Tây Nguyên, năm nào cũng vậy, các cựu chiến binh trung đoàn 209 lại vượt chặng đường xa xôi từ Hà Nội vào huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum để tiếp nối hành trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ đã nằm lại ở dãy núi Chư Tan Kra. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, lời hứa đưa các anh trở về vẫn vẹn nguyên, sáng trong như ngày đầu ra trận.

Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn, với trên 800.000 người. Trong đó, có hơn 6.500 Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 60.000 thương bệnh binh; hơn 80.000 liệt sĩ.
Hôm nay, Hà Nội luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp các ngành và vận động toàn dân tham gia thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Lời thề độc lập từ Quảng trường Ba Đình năm 1945 đã đồng hành, thôi thúc bao thế hệ lên đường ra trận, chiến đấu, hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thực hiện: Trung tâm Phóng sự Tài liệu - Đài Hà Nội
Biên tập: Lê Bình
Đồ họa: Thanh Nga


Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng đoàn đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sáng 29/4.
Nhằm bảo đảm an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người dân tham gia sự kiện diễu binh, Bộ Y tế đã có những khuyến cáo chi tiết, cụ thể.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng do nhóm đối tượng 31 người Trung Quốc kết hợp với người Việt Nam thực hiện.
Một tài xế xe đầu kéo đi ngược chiều trên đường gom đại lộ Thăng Long đã bị lực lượng CSGT lập biên bản xử lý.
Hà Nội sẽ tăng hơn 3.200 tỷ đồng đối với 39 dự án, trong đó có nhiều dự án giao thông quan trọng.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, công tác thi công đường cất, hạ cánh sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành.
0