Tiếng nói từ Hà Nội

LỜI TÒA SOẠN: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã đi qua nửa thế kỷ nhưng thanh âm về cuộc chiến vẫn còn vang vọng như vừa mới ngày hôm qua. Những sự kiện, những hình ảnh, những nhân chứng, những thời khắc lịch sử…vẫn còn đó - hòa quyện trong dòng huyết quản anh hùng cách mạng. Trong cuộc kháng chiến ấy, Hà Nội – trái tim của cả nước cũng là nơi bắt nguồn cho mạch đập ấy. Và hôm nay, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay từng ngày, từng giờ song ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình thì không gì có thể lấy đi được.
‘Hà Nội, ngày chiến thắng’ gồm 4 bài: Điện mật từ tổng hành dinh; Miền Nam trong lòng Hà Nội; Tin chiến thắng; Tiếng nói từ Hà Nội sẽ là những lát cắt của thanh âm hào hùng ấy. Từ những khắc khoải, từ những hy sinh đợi chờ ngày đất nước thống nhất, tới những bức điện mật gấp gáp gửi chiến trường đã nói lên những khát vọng mãnh liệt về một tương lai hòa bình, thống nhất.
- Bài 1: Điện mật từ tổng hành dinh
- Bài 2: Miền Nam trong lòng Hà Nội
- Bài 3:Tin chiến thắng
- Bài 4: Tiếng nói từ Hà Nội
TIẾNG NÓI TỪ HÀ NỘI

Hôm nay, Hà Nội đang vững tâm bền chí, đưa giá trị nội sinh thành điểm tựa tinh thần, tạo nên khối gắn kết, đắp xây thành tựu trong kỷ nguyên mới. Hà Nội sẽ biến khát vọng thành hành động, đưa ý tưởng vào thực tiễn để xứng tầm vị thế Thủ đô. Đó là vị thế rồng bay, chứa chan khát vọng của tiền nhân để bừng sáng trên bầu trời thời đại mới.
Hà Nội, ngày hòa bình, ngày thống nhất


Hà Nội, 11 giờ 50 phút, ngày 30/4/1975
Tiếng chuông điện thoại đổ dồn trong Văn phòng Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại số 46 phố Tràng Thi. Phía đầu dây bên kia, là trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo tin chiến thắng, cờ giải phóng đã cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Người đón nhận cuộc điện thoại là ông Nguyễn Túc - nguyên trợ lý của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông Nguyễn Túc cũng là người chắp bút cho bài diễn văn của Lãnh tụ chào mừng ngày Quốc tế lao động 1/5 dự kiến sẽ được đọc vào chiều 30 tháng 4 hôm đó.
Chiều ngày 30/4/1975, tại phố Nguyễn Cảnh Chân
Một cuộc họp khẩn với sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Duẩn với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng. Có nhiều điều quan trọng chắc chắn đã được quyết định sau cuộc họp này, trong đó nội dung bài diễn văn chào mừng ngày 1/5 đã được định hướng lại hoàn toàn phần sau Chiến thắng 30/4. Toàn văn thông điệp đã được Báo Nhân Dân đăng tải ngày 2 tháng 5 năm 1975.
Báo Nhân Dân đăng ngày 2/5/1975.
"Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ; nhân dân Việt Nam cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mong rằng từ nay quan hệ giữa hai nước bước sang một trang sử mới".
Thông điệp của người thắng trận được xây dựng từ cốt lõi truyền thống hòa hiếu của tổ tiên ta, với sự phát triển, kế tục ở một tầm vóc mới đường lối ngoại giao hòa hiếu của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông điệp đó thể hiện nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta đối với hòa bình; sự thủy chung với bạn bè đã sát cánh, giúp đỡ trong cuộc kháng chiến trường kỳ gian khó. Thông điệp đó cũng thể hiện sự hòa hiếu, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc của Việt Nam.
Bài diễn văn trên không chỉ khiến phía Mỹ bất ngờ, thông điệp đó còn khiến những cường quốc khác là Liên Xô và Trung Quốc ngỡ ngàng trước đối sách xoay chuyển thế cục của Việt Nam.
Chiến thắng 30 tháng 4 là chiến thắng của cả dân tộc, là ngày đoàn tụ, khi non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp trong niềm vui thống nhất. Không chỉ đối với người Hà Nội mà với mỗi người dân Việt Nam, cảm xúc đó được dồn nén, tích tụ trong lòng mỗi người con đất Việt.
Niềm vui của ngày thống nhất - đó là điều mà năm 1954 chúng ta đã từng mong muốn. Đó cũng là điều mà những năm 1945 - 1946 chúng ta chưa thể làm được. Và Hà Nội là chứng nhân của những khúc ngoặt lịch sử khắc nghiệt ấy.

Hà Nội, 30 năm khắc khoải

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị. Chính quyền nhân dân vừa thành lập đã đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Núp dưới danh nghĩa Đồng minh có nhiệm vụ tước vũ khí của quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, đế quốc Anh và bọn phản động Tưởng Giới Thạch kéo vào Việt Nam hòng bóp chết chế độ dân chủ nhân dân ngay từ khi còn trứng nước. Các tập đoàn đế quốc xâm lược đều muốn nắm lấy Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo đầu não của cách mạng Việt Nam để thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: "Ngày 6/3/1946, Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt được ký kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh phải chấp nhận ký, tạm gác lại “cái độc lập hoàn toàn” ấy. Đó là một ứng biến cần thiết, một bước đi, một chiến thuật như sau này chúng ta nói là lùi một bước để tiến hai bước."
GS.TS Hà Minh Hồng – Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM: "Nhường cho Pháp một số quyền lợi. Còn nếu không là đánh. Nó phản ảnh cái thiện chí của chúng ta đã đành, nó còn cho thấy sự sự táo bạo của Chính phủ Hồ Chí Minh trong giai đoạn này, để đánh đổi lấy hoà bình."

Trong 2 năm 1945 – 1946, từ Hà Nội, trên cương vị là Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Người đã có 8 thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, 3 thư và điện gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao James Byrnes.
Đó là thông điệp quan trọng của Hà Nội. Nội dung của các bức thư, bức điện này thể hiện rõ mong muốn được độc lập, hòa bình của Việt Nam và thiện chí muốn được “hợp tác đầy đủ” với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển.

Lịch sử cho thấy, tiếng nói cất lên từ Hà Nội, đó là tiếng nói yêu chuộng hòa bình, muốn giành độc lập, thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình, tránh đổ máu. Thế nhưng, với dã tâm của các nước thực dân đế quốc và bè lũ tay sai, sự đáp lại chỉ là sự im lặng, là khủng bố, là súng đạn và máu! Và Hà Nội, được chọn là nơi chúng ta nổ súng vì khát vọng hòa bình.

Vậy chúng ta buộc lòng cầm súng bảo vệ. Con đường phải sử dụng chiến tranh, phải sử dụng bạo lực, phải trả giá bằng xương máu là con đường mà không ai muốn cả, bất đắc dĩ thôi.
Chúng ta nhìn lại lịch sử, nhất là lịch sử hiện đại kể từ khi chúng ta giành được độc lập thì mục tiêu cuối cùng là phải thống nhất đất nước, cũng có nghĩa là toàn vẹn lãnh thổ. 60 ngày đêm chiến đấu của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô là bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, mà phải tới 30 năm sau, những khát vọng về một đất nước thống nhất, hòa bình mới trở thành hiện thực
Hà Nội của hòa bình dựng xây

Hà Nội, 9 giờ sáng ngày 31 tháng 12 năm 1976
Sân ga Hàng Cỏ ngập tràn cờ, hoa và những nụ cười… Người dân Thủ đô hân hoan hòa mình vào một sự kiện trọng đại: Chuyến tàu Thống nhất Bắc Nam đầu tiên lăn bánh. Nhiều cảm xúc trực trào, nhất là với những người đã trực tiếp tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngay khi có mệnh lệnh, hàng vạn cán bộ, quân, dân Hà Nội và cả nước đã nô nức lên đường. Vẫn những cuốc xẻng đào hào giao thông đánh Pháp, đánh Mỹ năm xưa, nay đào đất làm đường. Nhiều chiến sĩ vừa tham gia giải phóng, lại có mặt xây dựng đường tàu Thống nhất.
Hơn một năm sau đó, tuyến đường sắt Bắc Nam - dải lụa thép nối liền đất nước đã hoàn thành. Sau 80 giờ lăn bánh, ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống nhất Bắc Nam đầu tiên tiến vào thành phố mang tên Bác. Những cái ôm, những giọt nước mắt ngày đoàn tụ, niềm vui sum họp của những người con sau nhiều năm xa cách một lần nữa đã chứng minh nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: "Thống nhất quốc gia, nó không chỉ là kết thúc một cuộc chiến tranh hay thống nhất về hình thức mà quan trọng là xây dựng một quốc gia thống nhất."

TS. Mai Liêm Trực - Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vẫn khắc ghi cái ngày khó tin ấy: "Ngày trở về miền Nam, tôi không biết đường về nhà, cũng không có thể nhận ra được bất cứ ai. Phải mất 21 năm mới có ngày hội ngộ, được gặp lại phần lớn anh chị em nhưng có người đã hy sinh, có người đã mất. Niềm vui rất lớn nhưng cũng có những day dứt."

Đất nước thống nhất, Hà Nội bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Thực hiện di chúc của Bác Hồ, nhân dân Hà Nội quyết tâm xây dựng một Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thành phố Hà Nội quyết tâm đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức cán bộ. Mọi việc lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu, lấy sự ấm no của nhân dân làm khát vọng. Thủ đô Hà Nội đã đứng dậy và vươn mình một cách thần kỳ. Nền tảng về một nền văn hiến nghìn năm Thăng Long - Hà Nội một lần nữa lại được nổi bật.
Hà Nội, địa chỉ tin cậy, an toàn của quốc tế

Một phần tư thế kỷ sau ngày non sông thu về một mối, ngày 16/7/1999, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cho Hà Nội.
Càng tự hào bởi Hà Nội là thành phố duy nhất của châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này và Hà Nội là điểm đến của “Thành phố Vì hòa bình”, “đến để yêu”.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: "Không phải tự nhiên mà Hà Nội được công nhận là thành phố vì hòa bình. Nhìn lại lịch sử trong 1.000 năm, chúng ta luôn lấy yếu tố văn hiến làm nền tảng. Nhà Lý chọn đất Hà Nội không chỉ vì yếu tố về phong thủy kinh điển hay quân sự mà quan trọng là xây dựng nền tảng văn hóa dân tộc."
TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Đặc biệt nhưng lại là sự thật, kỳ lạ nhưng lại là sự thật. Bởi vì đấy là truyền thống văn hóa Việt Nam - yêu hòa bình. Trên thực tế thì có lẽ, không có nơi nào mà con người lại yêu hòa bình như Hà Nội."

Hẳn người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế đều cảm nhận được sự bình yên của Hà Nội, thông qua những hình ảnh rất đỗi giản dị, hiền hòa, vun đắp cho cơ hội hòa bình và thống nhất của những dân tộc khác, của những quốc gia khác.
TS. Trần Bách Hiếu - Chuyên gia Quan hệ quốc tế, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: "Trước kia người ta nói đến Geneve, Paris là nơi được lựa chọn mang tính chất trung lập, để tạo ra sự công bằng, tạo ra sự tin cậy đối với các quốc gia trên thế giới thì giờ Hà Nội là địa chỉ tin cậy."
TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: "Hà Nội hội tụ những yếu tố của hòa bình. Không phải bỗng dưng mà Hoa Kỳ và Triều Tiên lại chọn gặp nhau ở Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên!"
Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Khi luôn là thành viên có trách nhiệm, tận tâm, tận lực với cộng đồng quốc tế, Hà Nội - Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai. Hà Nội – Việt Nam sẽ được nhớ tới với giá trị như thế. Hà Nội sẽ tiếp tục cất lên tiếng nói từ Hà Nội, tiếng nói của khát vọng hòa bình, là lời kêu gọi hòa giải xung đột quốc tế, là lời khẳng định vị thế và sức mạnh mềm Việt Nam!
TS. Trần Bách Hiếu - Chuyên gia Quan hệ quốc tế, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN: "Ở Hà Nội chúng ta nhìn thấy một điều vô cùng thú vị. Các nguyên thủ của quốc gia khi đến Hà Nội đều cảm nhận được cái không khí rất hòa bình, rất hiếu khách, rất an toàn. Và rõ ràng ngoài yếu tố an ninh thì chính là yếu tố con người. Nó rất chân thành, thân thiện và từ trái tim."

Về Hà Nội, những vị nguyên thủ của bất kỳ quốc gia nào đều được đón tiếp nhiệt thành. Kính xe chống đạn hạ xuống để thấy trọn vẹn hình ảnh người dân nô nữ cờ hoa. Cùng tản bộ, đạp xe, cùng thưởng thức cà phê tại một quán bình dân, quan sát nhịp sống yên bình, với những hàng cây xanh ngát của Hà Nội. Thảnh thơi nếm thử thức quà Hà Nội, hay tự mình ghi lại những bức ảnh với người dân nồng hậu. Sự gần gũi, thân thiện đến từ những con người làm những công việc bình thường nhất, trên những con phố yên bình đã tỏ rõ niềm tự hào, bởi họ đang sống trong một thành phố luôn rộng mở, hào phóng và bình yên.

Hà Nội, nơi hóa giải hận thù

Tháng 6/1970, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Cuốn nhật ký đó là của Liệt sỹ, Bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm, một người con của Hà Nội. Cuốn nhật ký đó tràn đầy chất lý tưởng và tình người của người con gái Hà Nội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
Không ai có thể ngờ rằng, cuốn nhật ký đó đã được gìn giữ suốt 35 năm, trước khi được mang trở lại Hà Nội
Cựu binh Mỹ Ted Engelmann - Người tới Việt Nam tìm kiếm và mang cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trở về Hà Nội: "Nhìn vào cuộc sống của những người đã trải qua cuộc chiến. Tôi khẳng định rằng, là một cựu binh Mỹ, tôi được những người Việt Nam đối xử tốt hơn là những người ở quê nhà. Từ Nam ra Bắc, mọi người đều đối xử thân thiện. Không hề phân biệt dù tôi đã từng là cựu binh Mỹ."
Cả hai bên chúng ta đều phải đối mặt với những mất mát từ cuộc chiến.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - “Sử nhân Hà Nội” vẫn còn nhớ một câu chuyện thời đó: "Sân khấu kịch nói Hà Nội từng diễn vở “Con tôi cả” của tác giả Mỹ Actor Miller. Mọi người mới bảo tại sao đang chống Mỹ mà tự nhiên đi diễn vở đấy? Nhưng mà lúc đó trong quan niệm của những người hoạt động văn học nghệ thuật hướng đến những tác phẩm nào mà có giá trị nhân bản, khơi cái tình, cái lòng vị tha và sự cao cả của con người. Và dựng vở “Con tôi cả” cũng là để cho người Mỹ biết rằng, người Việt chúng tôi đánh nhau với chính thể mà gây ra chiến tranh, chứ chúng tôi đối với người Mỹ, chúng tôi là rất là quý mến. Và hai dân tộc với nhau không có thù hằn gì với nhau cả."

Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: "Bác Hồ từng viết thư cho rằng, để giành được độc lập dân tộc thì rất dễ tập hợp quần chúng. Nhưng để xây dựng một quốc gia, Bác dùng chữ này: “Ồ việc này mới là khó!.” Làm sao cho hài hoà được lợi ích của mọi người, mọi tầng lớp xã hội, rồi mọi vùng miền, rồi phải hoà giải với cả quá khứ nữa. Quá khứ không phải trong nội bộ dân tộc mình, mà với cả bên ngoài..."
Từ những khắc khoải chờ ngày đất nước thống nhất, tới những bức điện mật gấp gáp gửi đi từ Tổng hành dinh đã nói lên những khát vọng mãnh liệt về một tương lai hòa bình, thống nhất. Chiến thắng ngày 30 tháng 4 là chiến thắng của cả dân tộc, là ngày đoàn tụ, khi non sông liền một dải, Bắc – Nam sum họp trong niềm vui Thống nhất.
Hôm nay, Hà Nội đang vững tâm bền chí, đưa giá trị nội sinh thành điểm tựa tinh thần, tạo nên khối gắn kết, đắp xây thành tựu trong kỷ nguyên mới. Hà Nội sẽ biến khát vọng thành hành động, đưa ý tưởng vào thực tiễn để xứng tầm vị thế Thủ đô. Đó là vị thế rồng bay, chứa chan khát vọng của tiền nhân để bừng sáng trên bầu trời thời đại mới, góp phần dựng xây quốc gia hùng cường.

Thực hiện: Trung tâm Phóng sự Tài liệu - Đài Hà Nội
Biên tập: Lê Bình
Đồ họa: Thanh Nga


Thị xã Sơn Tây tối 29/4 đã long trọng tổ chức chương trình nghệ thuật “Ký ức Trường Sơn” với những ca khúc đi cùng năm tháng, mang đến cho khán giả những giây phút vừa hào hùng, vừa lắng đọng và giàu cảm xúc.
Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định đặc xá cho hơn 8.000 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước.
Thành đoàn Hà Nội tới thăm hỏi, tặng quà và trao tặng ảnh liệt sĩ được phục dựng tới thân nhân các gia đình có công trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Hôm nay, Hà Nội đang vững tâm bền chí, đưa giá trị nội sinh thành điểm tựa tinh thần, tạo nên khối gắn kết, đắp xây thành tựu trong kỷ nguyên mới. Hà Nội sẽ biến khát vọng thành hành động, đưa ý tưởng vào thực tiễn để xứng tầm vị thế Thủ đô.
Mặc dù từ chiều và tối 29/4 lượng lớn hành khách đã kéo về các bến xe, bắt đầu lộ trình du lịch, về quê hoặc đi thăm thân. Ngày hôm nay, 30/4, lượng khách khởi hành qua bến được dự báo còn gia tăng mạnh hơn.
Sáng 30/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
0