Điện mật từ tổng hành dinh

LỜI TÒA SOẠN: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đã đi qua nửa thế kỷ nhưng thanh âm về cuộc chiến vẫn còn vang vọng như vừa mới ngày hôm qua. Những sự kiện, những hình ảnh, những nhân chứng, những thời khắc lịch sử…vẫn còn đó - hòa quyện trong dòng huyết quản anh hùng cách mạng. Trong cuộc kháng chiến ấy, Hà Nội – trái tim của cả nước cũng là nơi bắt nguồn cho mạch đập ấy. Và hôm nay, Thủ đô Hà Nội đang đổi thay từng ngày, từng giờ nhưng ký ức về một thời đạn bom, một thời hòa bình thì không gì có thể lấy đi được.
‘Hà Nội, ngày chiến thắng’ gồm 4 bài: Điện mật từ tổng hành dinh; Miền Nam trong lòng Hà Nội; Bản tin 58 từ; Tiếng nói từ Hà Nội sẽ là những lát cắt của thanh âm hào hùng ấy. Từ những khắc khoải, từ những hy sinh đợi chờ ngày đất nước thống nhất, tới những bức điện mật gấp gáp gửi chiến trường đã nói lên những khát vọng mãnh liệt về một tương lai hòa bình, thống nhất.

Những căn hầm “tuyệt mật” nằm trong khuôn viên Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội là minh chứng cho một thời đầy hào hùng của quân và dân ta. Tổng hành dinh trở thành linh hồn chỉ đạo của cuộc chiến - nơi mỗi quyết định, mỗi chỉ thị, mỗi bức điện khẩn…đều thể hiện khát vọng thống nhất đất nước, khát vọng cho ngày Toàn thắng.
Tròn nửa thế kỷ trước, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa, đánh dấu khoảnh khắc lịch sử kết thúc hai thập kỷ chia cắt đất nước.
Chiến thắng ấy không chỉ là kết quả trận đánh cuối cùng khi năm cánh quân thần tốc tiến vào đô thành Sài Gòn mà còn từ một công trình quân sự bí mật nằm dưới những bức tường đá cổ của Hoàng thành Thăng Long - đã tham gia vào cuộc chiến dù cách xa mặt trận hơn 1.700 cây số.
Đây là câu chuyện về Tổng hành dinh và những bức điện mật đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
ĐẦU NÃO CUỘC KHÁNG CHIẾN

Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất đạt đỉnh điểm. Hà Nội phải gồng mình trước những đợt đánh phá nặng nề từ không quân Mỹ trong chiến dịch Sấm Rền - Rolling Thunder. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm, đã có hơn 75.500 đợt không kích được đối phương thực hiện trên bầu trời miền Bắc.
Tại Hoàng thành Thăng Long, trên nền cũ của điện Kính Thiên thời Lê, hai công trình tuyệt mật đã được xây dựng: Hầm Chỉ huy tác chiến (T1) và Hầm Quân ủy Trung ương (D67) - trở thành một hệ thống phòng thủ, một pháo đài bí mật giữa lòng Hà Nội.



Cố Thiếu tướng Nguyễn Ích, Nguyên Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Kỹ thuật bật mí: “Lúc ấy chiến tranh đẩy mạnh cả ngoài Bắc lẫn trong Nam. Bởi vậy, Trung ương có một kế hoạch xây Sở chỉ huy Trung ương, đấy là Tổng hành dinh. Yêu cầu được đặt ra là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối; đảm bảo hoạt động dễ dàng và có thể là trung tâm chỉ huy trong Nam, ngoài Bắc".


Bất chấp những trận ném bom của không lực Hoa Kỳ, Tổng hành dinh luôn giữ vững vai trò là trung tâm chỉ huy chiến lược. Đây là nơi theo dõi tình hình chiến sự, chính trị và chỉ đạo lực lượng cách mạng ứng phó kịp thời với chiến trường. Tới đầu thập niên 70, tại đây đã diễn ra hàng trăm cuộc họp cùng hàng ngàn điện mật được gửi đến và chuyển đi, giúp tạo dựng thế và lực vững chắc, xây dựng nền tảng chiến lược cho cách mạng miền Nam.

Tháng 1 năm 1973, những con phố hoang tàn, những mái nhà đổ nát, những vết thương chưa kịp liền da... nhưng Hà Nội không gục ngã. Người dân Thủ đô nỗ lực xây dựng lại thành phố sau những đợt ném bom rải thảm của pháo đài bay B52.
Thất bại trên bầu trời Hà Nội đã khiến Mỹ hiểu rằng họ không thể làm lung lay quyết tâm thống nhất đất nước của những người cộng sản. Và họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán bốn bên tại Paris.

Hiệp định Paris được ký kết, nhưng việc người Mỹ rút quân, chấm dứt sự can dự trực tiếp vào chiến trường không đồng nghĩa với cuộc chiến ở Việt Nam đã kết thúc.

Tại Tổng hành dinh, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị hình thành một Tổ trung tâm trong Bộ Tổng tham mưu có nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, gồm bốn người do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm tổ trưởng. Khi tình hình chiến trường miền Nam sôi động, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chủ trì các cuộc họp tổ.

Bên cạnh vấn đề lựa chọn hướng tiến công, một câu hỏi khác được Bộ Chính trị đặt ra là nếu lực lượng cách mạng đánh đổ chính quyền Sài Gòn và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thì Mỹ sẽ phản ứng như thế nào?
Trước đó, từ cuối năm 1974, phong trào phản đối chính quyền Nixon tham gia cuộc chiến Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Với Nguyễn Văn Thiệu, tình hình càng tồi tệ hơn khi Nixon phải chuyển giao chiếc ghế Nhà trắng cho Gerald Ford sau vụ bê bối Watergate, trong khi Quốc hội Mỹ từ chối viện trợ cho Sài Gòn như các năm trước. “Năm 1974, lời đề nghị viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam là 1.4 tỷ. Quốc hội đã cắt giảm xuống còn 700 triệu”, Tổng thống Mỹ Gerald Ford phát biểu ngày 22/1/1975.
Dựa vào sự phân tích thực tế trên chính trường Mỹ, cùng với những thông tin tình báo, đặc biệt sau khi tỉnh Phước Long được giải phóng vào tháng 1 - 1975, Bộ Chính trị đã nhận định rằng Mỹ không có khả năng quay lại. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam.
ĐIỆN MẬT GỬI CHIẾN TRƯỜNG

Tây Nguyên, vùng đất được biết đến với những đặc trưng địa hình núi rừng hùng vĩ, khí hậu ôn hòa và là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Với vị trí trung tâm và liên kết các khu vực Đông Dương, Tây Nguyên có vai trò đặc biệt trong việc kiểm soát và phát triển chiến lược quân sự.
Cho tới năm 1975, khi kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được hoàn thiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược đầu tiên.
Để trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên, Tổng hành dinh cử một đoàn cán bộ cao cấp vào chiến trường miền Nam, tổ chức thành bộ phận đại diện cho Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, mang bí danh đoàn A75. Dẫn đầu là Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, cùng các tướng lĩnh phụ trách tham mưu, hậu cần và tác chiến. Những chỉ thị từ Bộ thống soái tối cao đã chỉ đạo chiến trường xốc tới, nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bên kia chiến tuyến, quân lực Việt Nam Cộng hòa ban đầu dự đoán đối phương sẽ tấn công Bắc Tây Nguyên.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên kể lại: "Ta nghi binh đánh Pleiku, nghi binh bằng làn sóng điện. Tức là ta chuyển Sư đoàn 10 và 20 ở Pleiku xuống Buôn Mê Thuột, mà ta vẫn cứ để điện đài ở đó. Điện đài vẫn phát. Cho nên là địch vẫn cho là ta vẫn ở Kon Tum, Pleiku thôi."
Sự xuất hiện bất ngờ của các đoàn xe tăng quân Giải phóng tại Buôn Ma Thuột khiến lực lượng đồn trú tại đây hoàn toàn bất ngờ, suy sụp và rơi vào thế bị động.
Tại Hà Nội, sáng 13/3/1975, khi cuộc giao ban đang diễn ra thì tin tức địch có thể bỏ Pleiku - Kon Tum về giữ đồng bằng ven biển miền Trung được báo về Tổng hành dinh. Ngay lập tức Tướng Giáp chỉ thị Cục Tác chiến viết điện gửi cho Tướng Văn Tiến Dũng đang ở Tây Nguyên.
Điện Mật, 13.3.1975
“Cần bao vây ngay Pleiku bằng các thứ hoả lực, kể cả các loại pháo cao xạ, triệt đường tiếp tế của địch, chuẩn bị tiêu diệt địch trong cả hai tình huống: địch co cụm ở Pleiku, hoặc rút chạy khỏi Tây Nguyên”

Đến sáng 24/3/1975, toàn bộ quân địch rút lui theo đường số 7 đã bị tiêu diệt. Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. Hệ thống bố trí chiến lược của Mỹ - ngụy ở miền Nam đứng trước nguy cơ bị chia cắt hẳn làm đôi.
Quân uỷ Trung ương nhận định: trước mắt, Trị - Thiên - Đà Nẵng là hướng tấn công chiến lược quan trọng. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gửi điện cho các tướng Võ Chí Công và Chu Huy Mân: “Cần sử dụng ngay lực lượng của quân khu và của tỉnh đánh thẳng vào Đà Nẵng. Các binh đoàn chủ lực phía Bắc đã có kế hoạch hành quân nhanh nhất để kịp thời hiệp đồng với cánh quân phía Nam. Hành động ngay, không chậm trễ” (Điện mật ngày 27/3/19750).
Trung tá Đặng Thị Muôn, nguyên Cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu là thành viên Tổ Mã dịch của Phòng Mã dịch điện báo nhớ lại: “Năm 1975, sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Huế, thì mức độ điện rất nhiều. Theo đó, cái nào khẩn, tối khẩn thì phải ưu tiên làm trước. Có những đoạn lặp đi, lặp lại rất nhiều lần mà tôi nhớ là "tấn công" và "nổi dậy", "nổi dậy" và "tấn công", "giành đất", "giành quân dân", "giành quyền làm chủ ba vùng", "ba mũi giáp công".

Theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đối phương đang ồ ạt tháo chạy, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị đã gửi chỉ thị đến tướng Văn Tiến Dũng, yêu cầu tạm dừng truy kích địch, thay vào đó, tập trung lực lượng ở Nam Tây Nguyên và tiến thẳng xuống miền Đông Nam Bộ.
Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng đọc được bức điện thì rất ngạc nhiên, hơi bất ngờ, vì trong này chiến trường đang truy kích mà lại có bức điện của Trung ương gửi vào. Lúc đó, Đại tướng mới nói câu chuyện là đề nghị các anh cho chúng tôi chủ động và cuối cùng vẫn cứ tiếp tục là cho lực lượng truy kích các lực lượng của quân Sài Gòn chạy xuống các tỉnh ven biển miền Trung, mình giải phóng luôn các cái tỉnh ven biển miền Trung, mình chia cắt được chiến lược, cô lập được Huế, cô lập Đà Nẵng thì lúc đấy mình đánh rất dễ. Sau này rõ ràng thực tế là chúng ta đánh Huế có mấy ngày thôi, đánh Đà Nẵng chỉ có ba ngày.
Hơn một tháng liên tục tổng tiến công và nổi dậy, với hai đòn tiến công chiến lược ở chiến trường Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, ta đã kiểm soát được 16 tỉnh, năm thành phố cùng nhiều quận lỵ, chi khu, yếu khu quân sự. Giờ đây, phía trước những người lính giải phóng đã là Đông Nam Bộ và Sài Gòn.
THẦN TỐC, THẦN TỐC HƠN NỮA TÁO BẠO, TÁO BẠO HƠN NỮA

Tháng 4 năm 1975, ở những ngã tư lớn ở Hà Nội, nơi có nhiều người qua lại, thường có những bảng thông tin chiến sự, nhiều người dân thành phố có thói quen ngày nào cũng dừng lại ở đây một lúc, để nắm bắt diễn biến của cuộc chiến đấu ở miền Nam. Không ai biết chắc chắn rằng, bao giờ chiến tranh sẽ kết thúc nhưng dường như, tất cả mọi người đều có linh cảm rằng, ngày chiến thắng đã đến rất gần.
Những ngày cuối tháng 4, một trong những bộ phận phải làm “căng” nhất trong Tổng hành dinh là các cán bộ, chiến sĩ cơ yếu, thông tin. Mọi báo cáo từ chiến trường và mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy tới các cánh quân đều phải được giải mã bởi Tổ cơ yếu.

Tại Tổng hành dinh, tấm bản đồ toàn miền Nam nhanh chóng trở thành cũ so với tốc độ phát triển của chiến sự.
Trong bức điện số 596 lúc 14h ngày 1/4/1975 gửi các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ một ngày bằng 20 năm, do vậy, phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công, kết thúc thắng lợi chiến tranh trong thời gian ngắn nhất bằng hành động "thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Ngày 7/4/1975, từ Tổng hành dinh Sở Chỉ huy chiến dịch-Nhà D67, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã soạn bức điện lịch sử gửi tới các cánh quân với nội dung:
“Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, tiến tới Mặt trận giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
(Tối khẩn gửi 9h30 ngày 7/4/1975)

Hưởng ứng hiệu lệnh thần tốc tiến quân, nhiều đơn vị ở miền Bắc đã gấp rút hành quân vào miền Nam.

Đại tá Trần Văn Toàn, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 nhớ lại: "Khẩu hiệu “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng” được dán hết lên trên mũ cối và mũ tai bèo. Quyết tâm lúc đó của chúng tôi là phải đi nhanh nhất, về đích sớm nhất để thực hiện được nhiệm vụ chiến đấu."
Ngày 14/4/1975, thể theo đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch và nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong bức điện số 37, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị đã "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh". Kế hoạch tác chiến Sài Gòn - Gia Định được Đảng ủy và Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua, phê duyệt tại chỗ.

Với giọng điệu trách móc và cay đắng, Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức Tổng thống. Tình hình miền Nam đã trở nên rất tồi tệ. Các tàu quân sự Mỹ đang di chuyển đến biển Đông để chuẩn bị cho việc di tản khi cần thiết
MÙA XUÂN TOÀN THẮNG

Năm mục tiêu quan trọng đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh xác định là: sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, dinh Tổng thống ngụy quyền, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát. Xung quanh Sài Gòn, quân Giải phóng miền Nam đã tập trung tất cả những lực lượng mạnh nhất của mình, gần 270.000 quân chủ lực và lực lượng vũ trang hình thành tại chỗ, để chuẩn bị cho trận chiến mà họ tin chắc là sẽ đem đến toàn thắng cho cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm của đất nước.
Sau nhiều ngày chuẩn bị, 17 giờ ngày 26-4-1975, cuộc tổng công kích thành phố Sài Gòn - Gia Định bắt đầu. Từ các hướng Tây - Bắc, Đông - Bắc, Đông, Đông - Nam, Tây và Tây - Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Nước Trong, Đồng Dù, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa… Các cánh quân giải phóng hiệp đồng chặt chẽ, tiến công nhanh, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong của bộ đội và tổn thất về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Đài ABC, Hoa Kỳ:
Các mũi nhọn của họ đã tiến rất gần tới vùng thủ đô của miền Nam. Quân đội miền Nam sẽ sớm bị áp đảo về số lượng và sớm bị vượt qua. Cho dù có chống trả quyết liệt, họ cũng chỉ có thể cầm cự vài ngày.
Báo cáo CIA 28.4.1975:
Minh dự trù sẽ tuyên thệ hôm nay. Chính phủ mới của ông ta cũng không làm được gì hơn là dàn xếp để đầu hàng dưới vẻ như một ‘giải pháp chính trị’
Tại Sở chỉ huy chiến dịch, các cán bộ của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đứng xung quanh tấm bản đồ lớn Sài Gòn - Gia Định được trải rộng trên bàn. Các mũi tên đỏ thể hiện các hướng tiến công mỗi lúc lại kéo dài thêm vào hướng nội đô Sài Gòn. Từng phút, từng phút đều có tin mới báo về, dù ở cách Sài Gòn hơn 1.700 km nhưng ai cũng cảm thấy mình như đang ngoài mặt trận.

Ngày 28 và 29 tháng 4, quân ta ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, tiêu diệt phần lớn các sư đoàn 5, 25, 18, 22 và 7 của địch. Tới sáng ngày 30-4-1975, quân ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong Sài Gòn. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 của Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập. Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng, cắm lá cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Thông tin thắng trận ngay lập tức được chuyển về Hoàng thành Thăng Long.

Trung tá Vũ Thị Trọng, Nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu vẫn nhớ như in cảm giác lúc ấy: “Lúc giải phóng thì chúng tôi dịch ra bức điện giải phóng đầu tiên, biết được đầu tiên. Thế là bác Võ Nguyên Giáp đứng ở đấy, thấy chúng tôi hô to, bác đi mất. Chắc là bác cũng biết rồi. Lúc ấy là 11h30 phút, các xe của Bộ Chính trị, của Quân uỷ Trung ương liên tục trở đến sân Rồng, mọi người hân hoan, phấn khởi, ôm nhau, hôn nhau, quay tròn trong sân. Ôi, lúc đó chúng tôi rất vinh dự, tự hào về công việc của mình, đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngày 30/4/1975, cả thành phố tràn ngập sắc cờ và hoa rực rỡ. Người đi chật phố, chật đường như trẩy hội, mừng ngày Nam Bắc về chung một nhà. Thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, thu non sông về một mối. Thắng lợi đó thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong bức tranh ấy, Hà Nội với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt - thông qua những điện mật từ Tổng hành dinh - đã trở thành linh hồn chỉ đạo của cuộc chiến: nơi mỗi quyết định, mỗi chỉ thị đều có thể hiện khát vọng thống nhất đất nước, minh chứng cho sợi huyết mạch gắn kết hai miền như một thể thống nhất. Bởi vì, luôn có miền Nam trong lòng Hà Nội.
Thực hiện: Trung tâm Phóng sự Tài liệu, Đài Hà Nội
Biên tập: Lê Bình
Thiết kế: Thanh Nga


Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần bất khuất, anh dũng của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các chiến sĩ lực lượng Phòng không - Không quân.
Nhân dịp cả nước hướng tới Đại lễ 30/4, cùng gặp gỡ nhân chứng lích sử, cựu binh Nguyễn Văn Thiện - người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, cũng là chủ nhân của một cuốn nhật ký chiến trường tưởng như đã thất lạc vĩnh viễn.
Trận địa pháo hoa đặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã hoàn tất công tác lắp đặt, chuẩn bị khai hỏa vào lúc 21h45 tối nay (27/4).
Lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tổ chức tại TP.HCM trong hôm nay, 27/4, sau hai buổi tổng hợp luyện và một buổi sơ duyệt cấp Nhà nước.
Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là dịp thể hiện tình hữu nghị, hợp tác quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, đã có ba quốc gia gửi quân đội đến tham gia lễ diễu binh tại Việt Nam, trong đó có quân đội nước Lào.
Việc khắc phục tồn tại PCCC của nhiều cơ sở nhà trọ và chung cư mini ở Hà Nội hiện còn chậm, tồn tại những khó khăn đặc trưng cần được cơ quan chức năng hướng dẫn xử lý.
0