Mỹ - Trung và cuộc đấu trên 'chiến trường bán dẫn'

Cạnh tranh chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những vấn đề địa chính trị quan trọng nhất hiện nay, mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước.

Bước ngoặt trên “chiến trường bán dẫn” Mỹ - Trung

Cuộc cạnh tranh AI giữa Mỹ và Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn mới, phức tạp và nguy hiểm hơn từ đầu tháng 5/2025. Sự kiện quan trọng đầu tiên đánh dấu bước ngoặt này là phiên điều trần Thượng viện Mỹ với tiêu đề "Chiến thắng trong cuộc đua AI". Tại đây, các nhà lập pháp bày tỏ lo ngại sâu sắc rằng, lợi thế công nghệ của Mỹ trước Trung Quốc đang bị thu hẹp nhanh chóng.

“Trung Quốc đã đưa AI trở thành trọng tâm trong chiến lược quốc gia của mình và Trung Quốc đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Vì vấn đề an ninh kinh tế, vì vấn đề an ninh quốc gia, Mỹ phải đánh bại Trung Quốc trong cuộc đua AI”. 

Ông Ted Cruz - Thượng nghị sĩ Mỹ

Phiên điều trần cũng đề cập đến sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng bán dẫn từ Đông Á, đặc biệt là TSMC Đài Loan (Trung Quốc). Đây không chỉ là lời cảnh báo mà còn là lời kêu gọi Mỹ chuyển hướng từ phòng thủ sang chủ động xây dựng liên minh và thúc đẩy đổi mới trong chính sách đối với lĩnh vực AI. Báo cáo từ Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ cho thấy, Trung Quốc không chỉ bắt kịp về số lượng nghiên cứu AI mà còn vượt trội trong việc triển khai thực tiễn, với hơn 70% đơn đăng ký sáng chế AI toàn cầu thuộc về các công ty Trung Quốc.

Căng thẳng trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi vào hôm 13/5, Bộ Thương mại Mỹ công bố lệnh cấm toàn cầu đối với dòng chip AI Ascend của Huawei, gồm 910B, 910C và 910D. Theo bộ này, việc sử dụng các chip trên ở bất kỳ đâu trên thế giới đều vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ do chúng có khả năng chứa hoặc được sản xuất bằng công nghệ Mỹ. Đây là động thái chưa từng có, là hành động mạnh mẽ nhất nhằm vào Huawei, một trong những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc.

Cần nhắc lại sơ bộ các biện pháp kiềm chế đối với chip AI đã được chính phủ Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc trong những năm gần đây. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ hạn chế xuất khẩu chip AI năm 2022 và sau đó cập nhật quy định vào năm 2023 để cấm bán các loại chip AI tiên tiến hơn. Để đáp ứng các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, hãng công nghệ NVIDIA đã thiết kế chip H20 dành riêng cho Trung Quốc. Ngày 9/4, chính quyền Mỹ đã thông báo rằng chip H20 sẽ cần giấy phép xuất khẩu và đến ngày 14/4, quy định này được xác nhận sẽ có hiệu lực vô thời hạn. Trong bối cảnh các công ty Trung Quốc bị cấm tiếp cận chip AI tiên tiến từ NVIDIA, họ buộc phải chuyển sang dùng chip nội địa như Ascend 910B, 910C và 910D của Huawei. Chip Ascend là bộ vi xử lý AI mạnh nhất của Huawei, dùng để huấn luyện các mô hình AI và cạnh tranh trực tiếp với chip cao cấp của đối thủ Mỹ NVIDIA. Tuy nhiên, hướng dẫn mới từ Bộ Thương mại Mỹ đã “dội một gáo nước lạnh” vào mục tiêu này của Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách mới của Washington, gọi đây là hành vi “bắt nạt đơn phương và đi ngược với quy tắc thị trường”.

“Chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ lập trường của mình. Mỹ đã lạm dụng kiểm soát xuất khẩu để kiềm chế và đàn áp Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế, làm suy yếu nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc và gây nguy hiểm cho lợi ích phát triển của Trung Quốc”.

Bà Hà Vịnh Tiền - Người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đồng thời cảnh báo các doanh nghiệp toàn cầu, đe dọa sẽ có hành động pháp lý đối với bất kỳ ai giúp sức cho nỗ lực của Mỹ nhằm cấm sử dụng chip tiên tiến của Trung Quốc trên toàn cầu.

Sự kiện thứ ba đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn là việc Mỹ tăng cường củng cố liên minh công nghệ với các đồng minh. Chuyến công du mới đây của Tổng thống Donald Trump tới 3 nước Trung Đông là Ả rập Xê út, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là một ví dụ. Trong chuyến đi, nhà lãnh đạo Mỹ đạt được các thỏa thuận cung cấp hàng trăm nghìn chip AI tiên tiến của NVIDIA cho các quốc gia này, nhằm xây dựng các trung tâm dữ liệu AI lớn nhất thế giới. Đổi lại, các quốc gia trên cam kết đảm bảo an ninh bán dẫn, cho phép Mỹ giám sát vị trí, mục đích sử dụng và đầu tư ngược lại vào hạ tầng AI tại Mỹ. Các thỏa thuận này không chỉ là giao dịch thương mại mà còn là bước đi chiến lược để củng cố liên minh công nghệ với các đồng minh của Washington.

Nếu như giai đoạn trước, Mỹ tập trung vào ngăn chặn đối thủ qua các lệnh cấm xuất khẩu và hạn chế công nghệ, thì trong giai đoạn mới này, đây sẽ là cuộc chiến giành quyền kiểm soát hệ sinh thái số toàn cầu.

Chiến lược kiềm chế của Mỹ có hiệu quả?

Chip bán dẫn đóng vai trò cốt lõi trong công nghệ hiện đại, là "bộ não" của hầu hết các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, xe hơi, vệ tinh và các hệ thống AI. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, các cường quốc coi chip là nguồn lực quan trọng, đóng vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và đảm bảo an ninh, quốc phòng. Việc nhiều dự báo cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng thu hẹp khoảng cách đã khiến Mỹ phải cảnh giác hơn và tăng cường các biện pháp kiểm soát. Song, chiến lược kiềm chế xuất khẩu của họ đối với ngành bán dẫn có thể sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn, cũng như kèm theo nhiều rủi ro.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ sẽ giải phóng nền kinh tế Mỹ và đưa việc làm trở lại trong nước. Thế nhưng, trong khi Mỹ vẫn giữ vị thế dẫn đầu về nghiên cứu AI cơ bản, với số lượng bài báo được trích dẫn cao nhất thế giới, thì sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Đông Á và thiếu hụt nhân tài AI trong các nhà máy ở Mỹ đang là những điểm yếu của nước này.

“Những người chiến thắng trong cuộc Cách mạng công nghiệp gần đây nhất không phải là quốc gia phát minh ra nó mà là quốc gia áp dụng nó. Và thực tế chứng minh là Mỹ đã đi đầu các cuộc cách mạng đó nhanh hơn bất cứ quốc gia nào. Nhưng với lĩnh vực AI, Mỹ đang phải chạy theo sau. Vì vậy, để xây dựng cơ sở hạ tầng ứng dụng công nghệ này, cần xác định là không được lo sợ, phải thể hiện mong muốn tham gia và đào tạo lại lực lượng lao động để có thể áp dụng công nghệ”.

Ông Jensen Huang - Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA, Mỹ

Tập đoàn công nghệ đa quốc gia NVIDIA đã nhiều lần chỉ trích kế hoạch của chính quyền Washington áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu chip AI, cho rằng, các quy định kiềm chế mà Washington đưa ra không hề giúp tăng cường an ninh cho nước Mỹ và thậm chí còn làm lợi cho các đối thủ của họ. Mới đây, Giám đốc điều hành NVIDIA ước tính thị trường bán dẫn Trung Quốc có thể trị giá 50 tỷ USD vào năm 2026 và sẽ là tổn thất lớn nếu các công ty công nghệ Mỹ không được tham gia thị trường này.

“Trung Quốc không chỉ thúc đẩy sản xuất cho phần còn lại của thế giới, họ cũng sản xuất cho thị trường nội địa của riêng mình, một thị trường lớn và giàu có. Vì vậy, tôi thấy rằng NVIDIA rõ ràng rất muốn đảm bảo duy trì thị phần của mình bất chấp những hạn chế. Nhưng tôi nghĩ đây là một tín hiệu mạnh mẽ về khả năng phục hồi của thị trường nội địa Trung Quốc”.

Ông Denis Depoux - Giám đốc điều hành toàn cầu Công ty tư vấn chiến lược Roland Berger, Đức

Các công ty chip Trung Quốc không hoàn toàn bị động trước thuế quan. Chẳng hạn, tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei từng mở rộng hoạt động sang châu Âu và các thị trường mới nổi như Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út, Malaysia và nhiều nước châu Phi, trong bối cảnh bị kiểm soát xuất khẩu và áp thuế, dù lợi nhuận ở các thị trường đang phát triển vẫn còn khá thấp. Mặt khác, sự hạn chế của Mỹ đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc tập trung đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển và trong tương lai, mục tiêu sẽ là chế tạo công nghệ siêu cao cấp. Và lệnh cấm chip Ascend lần này có thể đẩy nhanh nỗ lực tự chủ công nghệ của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng toàn cầu. Các mô hình AI như DeepSeek được triển khai tại hơn 30 quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai con đường.

Trong khi đó, chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, với trọng tâm là đàm phán song phương và nới lỏng kiểm soát xuất khẩu, đang mở ra cơ hội cho các đồng minh nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Việc xuất khẩu chip AI sang Trung Đông có thể củng cố liên minh nhưng cũng gia tăng nguy cơ rò rỉ công nghệ nếu biện pháp an ninh không được thực thi chặt chẽ.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và giới công nghệ, các quy định kiểm soát của Mỹ đối với chip AI cũng có tác động nhất định đối với làn sóng đầu tư mạnh vào hạ tầng AI tại Trung Quốc.

Với việc Mỹ siết chặt kiểm soát công nghệ, con đường phát triển AI của Trung Quốc đang trở nên gập ghềnh hơn. Dù Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ và tích cực nội địa hóa chuỗi cung ứng bán dẫn, thách thức về phần cứng lẫn phần mềm vẫn còn lớn. Trong khi Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc nỗ lực phát triển giải pháp thay thế, giới đầu tư AI tại Trung Quốc phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa rủi ro pháp lý và nhu cầu phát triển công nghệ. Do đó, mặc dù kiểm soát xuất khẩu không tạo ra rào cản tuyệt đối, nhưng chúng áp đặt chi phí cũng như làm chậm đáng kể tiến trình của Trung Quốc trong lĩnh vực AI và chất bán dẫn, duy trì vị thế của Mỹ. Bất chấp những thất bại trong quá trình triển khai, biện pháp này vẫn là một công cụ chiến lược có giá trị.

Tác động đến đàm phán thương mại Mỹ -Trung

Những căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới chip AI diễn ra chỉ ít ngày sau khi hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời về việc giảm thuế quan cũng như sử dụng khung thời gian 90 ngày để thảo luận về một thỏa thuận rộng hơn. Đây là lời cảnh báo rằng, bất chấp những lời tích cực mà các nhà đàm phán đưa ra, vẫn còn nhiều mâu thuẫn khó có thể dung hòa trong mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Washington và Bắc Kinh.

Ngay sau khi cả Mỹ và Trung Quốc rút lại một loạt các hành động trừng phạt thương mại trong khuôn khổ thỏa thuận “đình chiến” đạt được ở Geneva, Thụy Sĩ, một cơ chế tham vấn đã được thiết lập giữa Washington và Bắc Kinh ở nhiều cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Trung Quốc đối với chính sách công nghiệp bền vững của Mỹ trong các công nghệ mới nổi và quan trọng cho thấy những lo ngại sâu sắc về an ninh kinh tế hiện hữu ở cả hai bên sẽ không dễ dàng được giải quyết.

“Nếu Mỹ khăng khăng theo cách riêng của mình và tiếp tục gây tổn hại đáng kể đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.

Bà Hà Vịnh Tiền - Người phát ngôn Bộ thương mại Trung Quốc

Những lời cảnh báo cứng rắn trên có thể chỉ ra sự bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về những yếu tố nào của tranh chấp thương mại đang được thảo luận. Lập luận của Trung Quốc cho rằng không có gì là không thể bàn bạc, nhưng động thái của Mỹ cho thấy cuộc chiến chip vẫn là mối quan tâm cốt lõi về an ninh quốc gia và có thể tồn tại bên ngoài khuôn khổ của bất kỳ thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ nào trong tương lai.

Giới phân tích nhận định rằng, so với "Quy tắc khuếch tán AI" được ban hành vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, hướng dẫn mới từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump cấm sử dụng chip tiên tiến của Trung Quốc mang tính chiến thuật hơn, sử dụng các công cụ thương mại và kiểm soát có mục tiêu thay vì hạn chế toàn diện. Đối với Bắc Kinh, một sự hạn chế như vậy được coi là một thách thức hiện hữu đối với các mục tiêu phát triển dài hạn của họ. Mỹ, như đã nêu rõ trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022, muốn duy trì lợi thế công nghệ so với Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc coi việc xây dựng sự tự lực về công nghệ và phát triển lực lượng sản xuất mới là trụ cột của an ninh quốc gia. Rõ ràng, cả hai bên đều có những ưu tiên chính sách xung đột với nhau. Chính vì vậy, công nghệ sẽ là điểm nóng dai dẳng, bất kể bất kỳ lệnh tạm dừng thuế quan hay nhượng bộ thương mại nào.

Chip có tác động đến hàng loạt ngành sản xuất, quyết định sức mạnh kinh tế, liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Cạnh tranh chip bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những vấn đề địa chính trị quan trọng nhất hiện nay. Nó mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước. Với sự tham gia ngày càng nhiều của các thành viên mới từ khắp nơi trên thế giới, cuộc đua AI không chỉ là câu chuyện của hai gã khổng lồ Mỹ - Trung nữa mà đã trở thành một sân chơi toàn cầu, nơi cạnh tranh, sáng tạo và thách thức cùng tồn tại, hứa hẹn định hình tương lai công nghệ trong thập kỷ tới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ông Trump khẳng định Mỹ đang “học hỏi” từ các chiến thuật của cả Nga và Ukraine, trong bối cảnh bản chất chiến tranh đang thay đổi nhanh chóng.

Malaysia đã triển khai các biện pháp an ninh nghiêm ngặt tại Thủ đô Kuala Lumpur và phong tỏa giao thông trên diện rộng trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46.

Ông Daniel Noboa đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ecuador trong nhiệm kỳ mới vào ngày 24/5 với lời hứa thúc đẩy cuộc chiến chống lại các băng đảng ma túy và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Nhiều người dân Israel đã biểu tình kêu gọi chính phủ chấm dứt chiến tranh ở Gaza và nhanh chóng đạt được thỏa thuận thả các con tin còn lại.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Thủ đô Jakarta của Indonesia vào ngày 24/5, chính thức bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Quân đội Israel đã tiếp tục thực hiện chiến dịch trên không và trên bộ tại dải Gaza trong ngày 24/5.