Đằng sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh

Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại đầu tiên kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng. Đây là thỏa thuận đầu tiên được ký kết dưới chiến lược thương mại “Đàm phán song phương - Thuế suất cao” của chính quyền Tổng thống Trump, với mục tiêu tái định hình trật tự thương mại thế giới và tạo áp lực lên các nền kinh tế lớn khác.

Quốc gia đầu tiên “về đích”

Ngày 8/5, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Thỏa thuận mang tính “nguyên tắc chung” này là bước khởi đầu trong hàng loạt hiệp định giảm thuế mà ông Trump kỳ vọng sẽ đạt được trong những tuần tới, sau khi thực hiện chiến lược áp thuế nhập khẩu mạnh tay nhằm thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng hóa trị giá 1.200 tỷ USD của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vậy, thỏa thuận này bao gồm những nội dung gì?

Trong một sự kiện tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với Thủ tướng Anh Keir Starmer, liên lạc từ London thông qua điện thoại loa ngoài, đã cùng công bố thỏa thuận thương mại khung giữa hai nước.

Tổng thổng Mỹ Donald Trump cho biết đây là thỏa thuận đột phá, ca ngợi Anh là một trong những đồng minh lớn của Mỹ.

"Thỏa thuận bao gồm hàng tỷ USD để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho hàng xuất khẩu của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng đáng kể khả năng tiếp cận đối với thịt bò, ethanol của Mỹ và hầu như tất cả các sản phẩm do những người nông dân của chúng ta sản xuất".

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhà Trắng ca ngợi rằng thỏa thuận đạt được sau nhiều tuần đàm phán này đem đến cho các công ty Mỹ sự tiếp cận "chưa có tiền lệ" đối với thị trường Anh, đồng thời củng cố an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng ca ngợi thỏa thuận được cho là phản ánh nỗ lực hợp tác nghiêm túc giữa Washington và London. Thủ tướng Starmer cho biết thỏa thuận đặc biệt quan trọng và mang tính lịch sử khi hai bên có thể hoàn tất.

"Thỏa thuận này sẽ thúc đẩy thương mại xuyên quốc gia của chúng ta. Thỏa thuận này không chỉ bảo vệ việc làm mà còn tạo ra việc làm, mở ra khả năng tiếp cận thị trường".

Thủ tướng Anh Keir Starmer

Theo thỏa thuận, hầu hết hàng hóa của Anh vẫn phải chịu mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ áp dụng cho tất cả các quốc gia vào tháng 4. Một trong những điểm quan trọng trong thỏa thuận này là việc Mỹ dỡ bỏ thuế 25% đối với thép và nhôm xuất khẩu từ Anh. Đây là con số tương đối nhỏ về mặt thương mại nói chung, chỉ bao gồm khoảng 925 triệu USD/năm. Bộ Thương mại Mỹ cho biết thỏa thuận này nhằm thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung giữa hai quốc gia và tạo dựng một liên minh mới trong lĩnh vực thép và nhôm. Tuy nhiên, mức thuế 0% đối với thép và nhôm vẫn chưa được xác nhận một cách chính thức.

Ngoài ra, thuế ô tô của Anh sẽ được giảm từ 25% xuống 10% đối với hạn ngạch 100.000 chiếc mỗi năm. Sau mức này, các lô hàng bổ sung sẽ phải chịu thuế 25%. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Anh dường như được hưởng lợi nhiều nhất, bởi số lượng 100.000 xe gần như bằng tổng số ô tô mà Anh đã xuất khẩu sang Mỹ trong năm trước.

Thỏa thuận này cũng mang lại cơ hội mới trị giá 5 tỷ USD cho các nông dân và nhà sản xuất nông sản của Mỹ, trong đó có 700 triệu USD từ xuất khẩu ethanol và 250 triệu USD từ các sản phẩm nông sản khác, đặc biệt là thịt bò. Nếu như trước đây, việc xuất khẩu thịt bò từ Mỹ sang Anh đã gặp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt là về các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, thì thỏa thuận mới này đảm bảo rằng thịt bò Mỹ có thể được xuất khẩu sang Anh mà không vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hiện hành. Đồng thời, Anh cũng được miễn thuế đối với 13.000 tấn thịt bò.

Các mối đe dọa về việc áp thuế đối với dược phẩm không được đề cập trong thỏa thuận này. Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã cam kết sẽ tạo ra một “chuỗi cung ứng an toàn” cho các sản phẩm dược phẩm giữa hai quốc gia.

Thỏa thuận này cũng không đề cập đến vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Anh đã áp dụng đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google và Meta. Thay vào đó, hai quốc gia đã đồng ý hợp tác để phát triển một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số nhằm giảm bớt thủ tục giấy tờ đối với các công ty Anh muốn xuất khẩu sang Mỹ.

Ngành công nghiệp phim ảnh Anh trước đó đã bày tỏ lo ngại về lời đe dọa của Tổng thống Trump đối với các bộ phim sản xuất ở nước ngoài. Mặc dù đây chỉ là một tuyên bố từ Tổng thống trên các phương tiện truyền thông, nhưng nếu thực sự được áp dụng, điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp phim ảnh trị giá hàng tỷ USD của Anh.

Việc trở thành nước đầu tiên đạt được thỏa thuận với Mỹ là một chiến thắng ngoại giao mang tính biểu tượng đối với Anh trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu. Đối với Mỹ, đây cũng là một chiến thắng của Tổng thống Trump ở thời điểm ông đang đứng trước nhiều áp lực với ván cược thuế quan của mình nhằm xóa bỏ thâm hụt thương mại hàng năm với nhiều quốc gia mà ông cho là đã lợi dụng Mỹ.

Kỳ vọng tháo gỡ áp lực thuế quan

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh vừa được công bố mang đến tín hiệu tích cực giữa lúc căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã tăng mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh đến những lợi ích của thỏa thuận thương mại vừa đạt được với Anh và bày tỏ hy vọng sẽ có thêm các thỏa thuận thương mại với các đối tác khác, tháo gỡ áp lực thuế quan với thương mại toàn cầu trong những ngày tới.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5 với sắc xanh lan tỏa sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh được công bố. Một số nhà phân tích nhận định, các nhà đầu tư kỳ vọng rằng thỏa thuận này mở ra triển vọng sẽ có thêm nhiều thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác trong tương lai.

"Thị trường đang có phản ứng tuyệt vời và điều đó chủ yếu là do thuế quan. Nước Mỹ đã đi đến một giải pháp với Vương quốc Anh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn nhiều biến động trong tương lai, nhưng tôi nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã qua đối với thị trường. Tôi nghĩ rằng mức thấp nhất đã được thiết lập".

Bà Mary Ann Bartels - Chuyên gia đầu tư chiến lược, Quỹ đầu tư Sanctuary Wealth, Mỹ

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh được công bố trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị bước vào cuộc đàm phán thương mại với đối thủ "rắn" nhất là Trung Quốc, do đó, việc Washington đạt được thành quả bước đầu trong đàm phán thuế quan có thể tạo ra những tham chiếu cho một thỏa thuận tiềm năng với Bắc Kinh.

Tại Anh, người dân xứ sở sương mù cũng hoan nghênh thỏa thuận thuế quan mà London và Washington vừa đạt được.

"Với một người có nhiều quyền lực như ông Trump, một người thức dậy mỗi sáng và có nhiều ý tưởng thay đổi, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu được khi tình hình có thể thay đổi liên tục và ngày mai có thể một quyết định khác sẽ đến".

Anh Shaan Mahrotri - Chuyên gia tư vấn tài chính

Tâm lý thận trọng này cũng được Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey chia sẻ. Theo ông Bailey, dù thỏa thuận Mỹ - Anh là một tín hiệu tích cực, nhưng với độ mở lớn của nền kinh tế Anh, nước này vẫn sẽ chịu nhiều tác động khi thương mại toàn cầu bị biến đổi do thuế quan của Mỹ.

"Các mức thuế quan mới và sự bất ổn gia tăng trong chính sách thương mại đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu. Chúng tôi dự kiến thương mại toàn cầu sẽ yếu hơn đáng kể với những thay đổi chính sách thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu có khả năng làm giảm nhu cầu xuất khẩu của chúng tôi và tác động đến hoạt động kinh tế tại Vương quốc Anh". 

Ông Andrew Bailey - Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh

Trong báo cáo chính sách tiền tệ vừa được Ngân hàng trung ương Anh công bố, sự "không chắc chắn" đã được nhắc lại nhiều lần, là cơ sở cho việc cơ quan này hạ lãi suất 0,25% trong cuộc họp ngày hôm qua. Đây là đợt giảm lãi suất thứ hai của ngân hàng này trong năm nay và lần thứ tư kể từ tháng 8/2024, khi lãi suất đạt mức đỉnh 5,25%.

Thỏa thuận đột phá hay mang tính biểu tượng?

Đây là thỏa thuận đầu tiên được ký theo chiến lược thương mại "đàm phán song phương" của chính quyền ông Donald Trump, mở ra cơ hội để Mỹ tái định hình trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, thỏa thuận này mang tính "ngách", khó có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia khác. Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng dấy lên một số lo ngại. Chí ít là việc Mỹ vẫn giữ mức thuế 10% với phần lớn hàng hóa Anh cũng cho thấy quan điểm không ủng hộ tự do thương mại của ông Trump.

Dù được cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh ca ngợi là bước đột phá, nhưng với phạm vi tương đối hạn chế, thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh được đánh giá chỉ là "chiến thắng" nhỏ của chính quyền Tổng thống Trump. Trong bối cảnh đang đối mặt với áp lực phải đạt được những kết quả cụ thể, Tổng thống Trump cho rằng, thỏa thuận này sẽ mở khóa hàng tỷ USD cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Ông cũng khẳng định đây là sự kiện lịch sử và tự tin trong việc đạt được thỏa thuận với các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

"Chúng tôi có rất nhiều thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent sẽ tới Thụy Sĩ đàm phán với Trung Quốc. Họ sẽ có thể đạt được thỏa thuận. Chúng tôi có thể làm việc với mọi đối tác. Ai gọi điện trước, ai gọi điện sau, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là những gì xảy ra trên bàn đàm phán và tôi sẽ nói rằng Trung Quốc rất muốn đạt thỏa thuận".

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Với vai trò là thỏa thuận thương mại đầu tiên được ký kết trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump, các chi tiết của thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Anh đang được thị trường tài chính và các quốc gia khác theo dõi chặt chẽ để có thể hiểu được cách nghĩ và mức độ sẵn sàng của chính quyền Tổng thống Trump trong việc ký kết các thỏa thuận tương tự. Khung thỏa thuận này cũng được cho là sẽ gửi tín hiệu đến các nhà lãnh đạo khác trên thế giới về cách tốt nhất để ứng phó với Tổng thống Mỹ, hạn chế thiệt hại từ các cuộc chiến thương mại của ông Trump. Với hơn 50 quốc gia đã liên hệ Nhà Trắng để đàm phán, thỏa thuận Mỹ - Anh được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng domino, có thể buộc Mỹ cũng như các nước còn lại phải điều chỉnh chiến lược đàm phán để đạt thỏa thuận.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thực tế, thỏa thuận Mỹ - Anh có phạm vi hạn chế và tập trung vào các vấn đề cụ thể liên quan đến hai quốc gia. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích lo ngại rằng, dù được công bố nhanh chóng, nhưng thỏa thuận thương mại Mỹ -Anh vẫn còn thiếu nhiều chi tiết quan trọng và đây không phải là một thỏa thuận hoàn chỉnh như ban đầu được mô tả. Điều này khiến nó khó có thể trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Vương quốc Anh, trong khi Mỹ lại có thâm hụt thương mại lớn với nhiều quốc gia khác. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Mỹ, Mỹ đã đạt được thặng dư thương mại hàng hóa 11,9 tỷ USD với Vương quốc Anh vào năm 2024. Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai quốc gia là 148 tỷ USD, đưa Vương quốc Anh trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.

"Chúng ta vẫn đang đối mặt với tình hình kinh tế bất ổn, bởi Vương quốc Anh là một nền kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại, giao dịch với nhiều quốc gia trên thế giới. Tác động của sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khác mà nước Anh giao dịch, đặc biệt là các thị trường gần nhất, bao gồm cả EU. Vì vậy, mặc dù việc đảm bảo loại thỏa thuận hẹp này với Mỹ là có lợi, nhưng vẫn sẽ có những tác động rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu".

Bà Olivia O’sullivan - Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, Anh

Thỏa thuận Mỹ - Anh cũng gây ra những lo ngại cho các quốc gia khác, bởi giờ đây buộc phải lựa chọn giữa đàm phán sớm hoặc chấp nhận bị đánh thuế nặng hơn. Lấy Canada và Mexico làm ví dụ. Trong khi Canada có thể gặp khó khăn hơn trong các cuộc đàm phán với Mỹ do có nhiều vấn đề chưa được giải quyết như lĩnh vực ô tô, sản xuất sữa và thuế dịch vụ kỹ thuật số, thì với mối quan hệ thương mại sâu sắc giữa Mỹ và Mexico, việc xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sẽ phức tạp và kéo dài.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNBC hôm 8/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết rằng, trong khoảng một tháng tới, Washington sẽ công bố hàng chục thỏa thuận, song mức thuế "cơ bản" 10% có thể vẫn được duy trì lâu dài. Điều này cho thấy, các quốc gia khác cần phải thận trọng và chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất, khi mà Tổng thống Trump vẫn giữ nguyên quan điểm không ủng hộ tự do thương mại, cũng như chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông vẫn đang chi phối các quyết định thương mại của Mỹ.

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh là chương đầu tiên trong chiến lược dài hạn của ông Trump nhằm tái định hình trật tự thương mại toàn cầu. Với nhiều điều khoản chưa hoàn tất và mức thuế 10% vẫn duy trì, đây không phải là tự do thương mại truyền thống mà là một hệ thống dựa trên “lợi ích quốc gia”. Trong thập niên tới, thế giới có thể chứng kiến sự phân cực thương mại, với các quốc gia phải chọn giữa liên minh với Mỹ hoặc tìm cách tự chủ kinh tế. Dẫu vậy, với vị thế cường quốc, Mỹ dưới thời ông Trump vẫn có khả năng định hình chính sách thương mại toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày hôm nay 10/5, nhằm giảm bớt căng thẳng trong cuộc chiến thuế quan kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9/5 đã thông báo về kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nga, trong đó, hai nhà lãnh đạo đã đạt được nhiều nhận thức chung mới quan trọng.

Ngày 10/5, Pakistan đáp trả việc Ấn Độ phóng thêm một loạt tên lửa nhắm vào ba căn cứ không quân quan trọng nhất của nước này, Islamabad đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Ấn Độ, nhắm mục tiêu vào nhiều căn cứ bao gồm một địa điểm lưu trữ tên lửa ở miền Bắc quốc gia láng giềng.

Trên mạng xã hội, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 10/5 cho biết Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí “ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, sự tham gia của Bình Nhưỡng vào cuộc chiến Nga - Ukraine là hoàn toàn chính đáng, gọi đây là hành động bảo vệ “quốc gia anh em”.

Các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc ngày 10/5 đã bắt đầu đàm phán cấp cao tại Geneva, Thuỵ Sĩ, nhằm giải quyết những bất đồng về thương mại và thuế quan.