Nga kỷ niệm 80 năm chiến thắng: Thông điệp và sức mạnh

Ngày 9/5/2025 đánh dấu tròn 80 năm chiến thắng phát xít Đức – mốc son lịch sử làm nên bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc của người dân Liên Xô trước đây và người dân Nga ngày nay.

Dấu ấn 80 năm ngày chiến thắng

Ngày 9/5/1945 - một trong những cột mốc trọng đại nhất của thế kỷ XX – đã ghi dấu chiến thắng quyết định của Liên Xô trước phát xít Đức trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Kể từ đó, Ngày Chiến thắng 9/5 trở thành biểu tượng thiêng liêng của người dân Liên Xô trước đây và người dân Nga ngày nay, được tái hiện qua các hoạt động tưởng niệm lan tỏa trên khắp đất nước.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng, nước Nga tiếp tục duy trì truyền thống này với lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Đỏ. Sự kiện không chỉ để tôn vinh những hy sinh của thế hệ đi trước, mà còn là dịp để khẳng định lòng tự hào dân tộc trong thời khắc lịch sử mới. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những xáo trộn địa chính trị sâu sắc, lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm, mà còn gửi đi một thông điệp toàn cầu về quá khứ, vị thế hiện tại và khát vọng tương lai của nước Nga.

Lễ duyệt binh ngày 9/5 tại Quảng trường Đỏ - trái tim của nước Nga - tiếp tục là điểm nhấn lớn nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay. Hàng chục nghìn người đã đổ về trung tâm Thủ đô Moscow để chứng kiến các nghi thức quân lễ, diễu binh danh dự, cũng như các màn trình diễn mang đậm bản sắc quốc gia.

Đối với nhân dân Liên Xô, đây không chỉ là một cuộc chiến tranh, mà là một thảm kịch lớn lao của cả dân tộc và cũng là bản anh hùng ca kháng chiến vang lên từ đường phố, bầu trời cho đến tận sâu trong trái tim mỗi con người. Chiến thắng ấy đã phải đánh đổi bằng những hy sinh to lớn, hơn 27 triệu người dân Liên Xô đã ngã xuống. Hôm nay, chúng ta cùng tưởng nhớ tất cả họ.

Đại sứ Nga tại Nam Phi Roman Ambarov.

Không chỉ diễn ra ở Moscow, lễ duyệt binh còn đồng loạt tổ chức tại nhiều thành phố lớn như St. Petersburg, Kazan, Vladivostok... Ở mỗi nơi, không khí trang nghiêm và lòng thành kính hướng về quá khứ như được hòa làm một, tạo nên sức mạnh gắn kết rộng khắp trên toàn lãnh thổ Nga.

Hôm nay, tất cả chúng ta cùng chung cảm xúc – vừa vui mừng, vừa xúc động, tự hào và biết ơn, đối với thế hệ đã chiến đấu và đánh bại phát xít, giành lại tự do và hòa bình, dù cái giá phải trả là hàng triệu sinh mạng. Chúng ta mãi ghi nhớ những bài học của Thế chiến thứ hai và sẽ không bao giờ chấp nhận sự bóp méo lịch sử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một điểm nhấn cảm xúc khác trong lễ kỷ niệm là sự tham gia của lực lượng đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Bên cạnh giá trị tưởng niệm, lễ kỷ niệm còn có một vai trò quan trọng trong việc củng cố lòng yêu nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sự gắn kết giữa các thế hệ. Người dân Nga, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người sinh ra sau cuộc chiến - vẫn có thể cảm nhận được sự hy sinh và nỗ lực của thế hệ đi trước. Việc tổ chức duyệt binh cũng là một cách để bảo vệ những giá trị lịch sử, đồng thời truyền tải thông điệp về một đất nước mạnh mẽ, kiên cường và luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc trước mọi thử thách.

Dịp này, nước Nga cũng tổ chức màn pháo hoa truyền thống tại Moscow, dự kiến kéo dài khoảng 10 phút tại các địa điểm biểu tượng.

Tiềm lực quốc phòng của Liên bang Nga

Kể từ sau Ngày Chiến thắng năm 1945, đã có 34 cuộc duyệt binh lớn được tổ chức, trong đó cuộc duyệt binh đầu tiên diễn ra ngày 24/6/1945, với sự tham gia của 40.000 Hồng quân và gần 2.000 khí tài quân sự. Cuộc duyệt binh năm nay tại Moscow có sự góp mặt của hơn 10.000 quân nhân và hàng trăm phương tiện, khí tài quân sự hiện đại – từ hệ thống bảo vệ bộ binh, kiểm soát đô thị đến các loại hỏa lực mang tính răn đe chiến lược. Đây không chỉ là nghi thức tưởng niệm chiến thắng, mà còn là màn thể hiện tiềm lực quốc phòng của một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Liên bang Nga, với bề dày lịch sử quân sự và vị thế là cường quốc hậu Xô Viết, luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh. Sức mạnh quân sự của Nga không chỉ thể hiện ở số lượng và chất lượng vũ khí, mà còn nằm ở tư duy chiến lược, nền tảng khoa học - công nghệ, cũng như kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn được tích lũy qua nhiều cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử hiện đại.

Kinh nghiệm của nước Nga trong việc triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, cả về chiến thuật lẫn phát triển vũ khí, hiện đang được các lực lượng vũ trang trên toàn thế giới theo dõi và nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nhưng chúng ta phải luôn đi trước một bước, và tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ tiếp tục làm được điều đó trong tương lai.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quân đội Nga được tổ chức thành ba nhánh chính: Lục quân, Hải quân và Không quân, kèm theo đó là Lực lượng Tên lửa chiến lược, Lực lượng Phòng không – Vũ trụ, và Lực lượng Đổ bộ đường không. Hiện nay, quân đội Nga có khoảng 1 triệu quân thường trực, cùng với khoảng 2 triệu binh sĩ dự bị, tạo nên một hệ thống phòng thủ có chiều sâu và linh hoạt.

Trong đó, Lục quân Nga sở hữu hơn 12.000 xe tăng các loại, với các dòng chủ lực như T-72, T-80, T-90. Gần đây, Nga cũng giới thiệu dòng xe tăng thế hệ mới T-14 Armata – được đánh giá là bước đột phá trong thiết kế xe tăng hiện đại, với tháp pháo không người lái và lớp giáp phản ứng nổ tiên tiến.

Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm nay có sự góp mặt của các dòng xe tăng chủ lực như T-34 huyền thoại, T-72B3M và T-90M đến pháo tự hành bánh lốp và hệ thống phóng vũ khí hành trình.

Hải quân Nga có phạm vi hoạt động toàn cầu, với các hạm đội đóng tại biển Bắc, biển Đen, biển Baltic, và Thái Bình Dương. Trong biên chế có hơn 60 tàu ngầm, bao gồm các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) như lớp Borei – xương sống của răn đe hạt nhân trên biển.

Không quân Nga sở hữu hơn 3.000 máy bay các loại, trong đó có nhiều chiến đấu cơ hiện đại như Su-30SM, Su-35S, và đặc biệt là Su-57 – tiêm kích thế hệ thứ 5 do Nga tự phát triển với khả năng tàng hình và tác chiến đa nhiệm.

Trong lễ duyệt binh năm nay, các dòng máy bay này đều tham gia, thể hiện sức mạnh không quân hiện đại của Nga. Đặc biệt, đội hình máy bay trực thăng vũ trang Ka-52 và Mi-28N bay thấp qua Quảng trường Đỏ, tái hiện hình ảnh yểm trợ hỏa lực hiệu quả trên chiến trường hiện đại. Đáng chú ý là màn bay đội hình nghệ thuật đặc sắc của phi đội “Hiệp sĩ Nga” và “Chim én” bay theo đội hình đồng bộ, để lại những dải khói mang màu cờ nước Nga tung bay trên bầu trời Moscow – biểu tượng của chiến thắng, của niềm tự hào và hòa bình.

Về năng lực hạt nhân, Nga đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với gần 6.000 đầu đạn, trong đó hơn 1.500 đầu đạn đang triển khai. Lực lượng Tên lửa Chiến lược vận hành các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM hiện đại như Yars, Topol-M và đang đưa vào trang bị mẫu Sarmat – tên lửa siêu nặng có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ.

Tại lễ duyệt binh năm nay, nhiều khí tài chiến lược được phô diễn, từ tổ hợp Pantsir-SMD-E, Iskander-M, đến UAV Lancet, phản ánh xu hướng chiến tranh hiện đại. Nga cũng đầu tư phát triển UAV tấn công như Orion, Forpost, Sirius và Okhotnik để tác chiến phối hợp với Su-57, mở ra hướng đi mới cho mô hình không quân tương lai.

Trong lĩnh vực tác chiến điện tử và phòng không, Nga duy trì lợi thế với các hệ thống như Krasukha-4, Murmansk-BN và Divnomorye – có khả năng làm tê liệt radar, định vị vệ tinh và truyền thông đối phương. Hệ thống S-400 và S-500 cho phép Nga kiểm soát không phận nhiều lớp, sẵn sàng đánh chặn tên lửa đạn đạo, siêu vượt âm ở cự ly hàng trăm kilomet.

Khác với nhiều quân đội chỉ huấn luyện trong mô phỏng, quân đội Nga có kinh nghiệm thực chiến phong phú, từ Chechnya, Georgia, Crimea, Syria đến Ukraine. Nga hiện duy trì các căn cứ quân sự ở nhiều khu vực chiến lược như Syria, Trung Á, Nam Caucasus và Bắc Cực. Việc mở rộng hiện diện ở Bắc Cực không chỉ nhằm khẳng định chủ quyền mà còn bảo vệ tuyến vận tải và nguồn tài nguyên chiến lược trong tương lai.

Dù gặp thách thức từ cấm vận, thiếu hụt linh kiện công nghệ và áp lực từ NATO, Nga vẫn tự lực phát triển quốc phòng và mở rộng hợp tác kỹ thuật – quân sự với các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia Trung Đông.

Trung Đông là một thị trường rất hứa hẹn và quan trọng đối với chúng tôi. Tổng giá trị các đơn đặt hàng hiện tại của chúng tôi đã vượt quá 60 tỷ USD. Nhu cầu này đã tích tụ từ lâu và đương nhiên, chúng tôi sẽ đáp ứng kịp thời. Dù vậy, tất cả các đối tác đều hiểu rằng ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cung cấp đầy đủ cho quân đội. Nếu có năng lực sản xuất dư thừa, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thiết bị cho các đối tác quốc tế.

Ông Sergei Chemezov - Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nhà nước Rostec, Nga.

Tiềm lực quốc phòng của Nga là sự kết hợp giữa lịch sử truyền thống quân sự lâu đời, khoa học công nghệ tiên tiến, và tư duy chiến lược linh hoạt. Trong bối cảnh thế giới đang biến động, Nga tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những lực lượng quân sự có ảnh hưởng sâu rộng nhất toàn cầu. Dù còn nhiều thách thức, quốc phòng Nga vẫn là nhân tố then chốt trong cấu trúc an ninh quốc tế hiện nay và trong tương lai.

Sức mạnh ngoại giao của Nga

Lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng Phát xít diễn ra tại Moscow không chỉ là một sự kiện lịch sử trọng đại đối với nước Nga mà còn là một dịp để Điện Kremlin thể hiện sức mạnh ngoại giao trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine đang bước vào giai đoạn then chốt. Thông qua sự hiện diện của gần 30 nguyên thủ và lãnh đạo từ các châu lục, đặc biệt là cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính sách đối ngoại của Nga được thể hiện rõ rệt: chủ động xây dựng liên minh đa phương, chống lại trật tự đơn cực do phương Tây dẫn đầu, và tái khẳng định vai trò của Moscow trong kiến tạo trật tự toàn cầu mới.

Dịp lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng, Tổng thống Nga Putin đã đón tiếp và có các cuộc hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Tâm điểm trong lễ kỷ niệm là cuộc gặp mang tính chiến lược giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong bối cảnh Nga chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế và cuộc chiến tiêu hao tại Ukraine, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ mang tính biểu tượng chính trị, mà còn là cú hích thiết thực về kinh tế và ngoại giao.

Quá khứ anh hùng chung và tình đồng chí trong chiến đấu là nền tảng vững chắc cho sự phát triển và củng cố quan hệ giữa Nga và Trung Quốc. Mối quan hệ song phương này hiện đã đạt đến mức cao nhất trong lịch sử.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: “Trung Quốc và Nga cần tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, củng cố nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, không ngừng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và đóng góp động lực mạnh mẽ hơn cho sự phát triển toàn cầu".

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch song phương, thúc đẩy các thỏa thuận đầu tư, và mở rộng hợp tác công nghệ, trong đó đáng chú ý là việc Nga trở thành thị trường nhập khẩu ô tô lớn nhất của Trung Quốc. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ với Bắc Kinh đã góp phần giúp Moscow giảm nhẹ tác động của các biện pháp trừng phạt và mở rộng dư địa chiến lược trong cuộc đối đầu kéo dài với phương Tây.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của gần 30 nhà lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia, từ Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel, Tổng thống Mông Cổ Khurelsukh đến Thủ tướng Slovakia Robert Fico, cho thấy Nga vẫn duy trì được sức hút ngoại giao trên phạm vi toàn cầu. Đây là một minh chứng cho chiến lược ngoại giao linh hoạt, vượt qua giới hạn địa–chính trị truyền thống.

Một điểm đặc biệt trong lễ duyệt binh năm nay là sự hiện diện của các đơn vị quân đội nước ngoài, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan và các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu. Đây không chỉ là biểu hiện của sự đoàn kết quân sự, mà còn là cách Nga thể hiện tầm ảnh hưởng khu vực và cam kết duy trì ổn định an ninh trong không gian hậu Xô Viết, châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

Điện Kremlin còn tận dụng dịp lễ kỷ niệm để phát đi thông điệp mang tính hệ thống về vai trò toàn cầu của Nga. Trong bài phát biểu tại tiệc chiêu đãi các lãnh đạo quốc tế, Tổng thống Vladimir Putin gợi nhắc về cột mốc lịch sử năm 1945 – thời điểm đánh dấu sự hình thành của trật tự an ninh toàn cầu với nền tảng là Liên hợp quốc. Ông nhấn mạnh: “Tháng 5/1945 đã mở đường cho một kiến trúc an ninh toàn cầu mới, cho sự ra đời của một thể chế quốc tế quan trọng – Liên hợp quốc. Nhiệm vụ của chúng ta đối với thế hệ chiến thắng là tận dụng tối đa tiềm năng to lớn của nó... Ngày nay, khi một trật tự thế giới công bằng hơn đang được thiết lập, nhu cầu và tầm quan trọng của Liên hợp quốc một lần nữa lại tăng lên”.

Sự kiện kỷ niệm 80 Ngày Chiến thắng năm nay còn gửi đi một thông điệp ngoại giao đặc biệt: bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga vẫn có đủ ảnh hưởng để tổ chức một sự kiện có quy mô toàn cầu, qua đó khẳng định vị thế như một trung tâm quyền lực đối trọng trong nhiều vấn đề cốt lõi, từ ký ức lịch sử, định nghĩa về hòa bình cho đến quyền tự quyết dân tộc.

Từ Quảng trường Đỏ rực rỡ cờ hoa trong ngày kỷ niệm, đến những đội hình khí tài hiện đại và mạng lưới ngoại giao ngày càng rộng mở, nước Nga đã thể hiện một hình ảnh thống nhất: một quốc gia không ngừng kế thừa lịch sử, tăng cường sức mạnh và chủ động định hình vị thế trên thế giới. Sự kiện là tuyên ngôn sống động về một nước Nga kiêu hãnh – mạnh mẽ trong phòng thủ, vững vàng trong đối ngoại và kiên định bảo vệ những giá trị mà bao thế hệ đã hy sinh để gìn giữ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/5 đã gửi lời chúc mừng lẫn nhau nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng của Liên Xô và quân đồng minh trong Thế chiến II. Thông tin này được trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov xác nhận với báo giới.

Ngày 9/5/2025 đánh dấu tròn 80 năm chiến thắng phát xít Đức – mốc son lịch sử làm nên bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc của người dân Liên Xô trước đây và người dân Nga ngày nay.

Lầu Năm Góc thông báo sẽ bắt đầu ngay lập tức quá trình sa thải khoảng 1.000 quân nhân chuyển giới và buộc những người không tự nguyện phải rời đi vào đầu tháng 6.

Ít nhất 6 binh sĩ đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng xảy ra ngày 9/5 tại Sri Lanka.

Giáo hoàng Leo XIV ngày 9/5 đã cử hành thánh lễ và có bài giảng đầu tiên tại nhà nguyện Sistine trên cương vị mới.

Lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế hôm đã gửi lời chúc mừng tới tân Giáo hoàng Leo XIV – Giáo hoàng đầu tiên là người Mỹ sau khi ông được bầu làm người kế nhiệm Giáo hoàng Francis.