Mưa mùa hạ trên khoảng sân thóc vàng
"Bao giờ mới hết cảnh chạy giông
Hết cảnh vừa gặt vừa ngóng trông
Khỏi lo phải chạy sân thóc rộng
Nhà nhà, xóm xóm ngồi ngắm giông”
Cơn mưa bất chợt ấy đã đưa cô về với ngày xưa, về với một cơn mưa mùa hạ trên khoảng sân thóc vàng.
Mặt trời lặn, chìm dần vào nước biển, bỏ lại mây cùng những vệt nắng vàng. Vậy mà từ đâu mây đen đến vần vũ, gió ào ào thổi, cây cối chao nghiêng.
Nhanh chóng tạt xe sang một quán cà phê ven đường, tôi chọn vị trí gần cửa sổ và gọi một ly bạc xỉu đá. Đưa mắt ra bên ngoài, tôi mải nhìn những hạt mưa xiên theo chiều gió đập lộp độp vào tấm kính trước mặt mà tâm trí đã bị ướt nhòa bởi cơn mưa giữa buổi trưa hè năm xưa.

Sân gạch nóng rực, rang vàng những hạt thóc chắc mẩy. Mẹ con tôi ngồi dưới mái hiên tránh cái nắng bỏng rát, phe phẩy chiếc nón lá phành phạch để làm dịu đi không khí oi bức, ngột ngạt. Tuy không dễ chịu gì với cái nắng như đổ lửa ấy, mẹ vẫn thấy yên tâm vì chỉ cần nốt trưa nay, thóc của vụ chiêm đã có thể cho hết vào thùng nhôm trữ ăn dần tới ngày thu hoạch vụ mùa.
Vậy mà, khi đôi chân trần đang lê từng đường đảo mớ thóc chín nắng vừa nóng hổi vừa sắc dặm, tôi bỗng thấy một bóng đen khổng lồ từ từ phủ dần lên sân thóc vàng óng ả.
Vội vàng, tôi hét to gọi mẹ đang nằm hiu hiu chợp mắt: “Mẹ! Mẹ ơi! Sắp mưa rồi!”. Nhanh như cắt! Mẹ lao xuống sân, vớ lấy chiếc cào gỗ, ra sức kéo thóc về phía mình. Tôi cũng liên tục hất chổi theo từng nhát cào của mẹ.
Tiếng í ới cả làng gọi nhau, tiếng cào đập liên tục xuống sân gạch, tiếng chổi loẹt xoẹt, tất cả tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn mà thân thương chốn quê nghèo thời vụ. Nhà nhà, từ trẻ con đến người già đều tay chổi tay gầu xúc thóc. Nhà nào đông người dọn xong sớm lại chạy ngay sang nhà hàng xóm đỡ một tay một chân.

Cứ thế, trong khoảnh khắc chạy mưa ấy, ai cũng lo xúc đầy những bao thóc, không phân biệt thóc đó của nhà ai. Bởi nếu không kịp dọn trước cơn mưa, thóc dính nước mùa này chỉ sau một đêm sẽ lên mầm. Chẳng biết có phải do trời thương hay do mùa hạ tuy thất thường song vẫn giàu lòng trắc ẩn mà cố chờ tới tận lúc những bao thóc cuối cùng được chuyển vào nhà thì mưa mới ào xuống rào rào như thác đổ.
Cơn mưa trắng trời cuốn trôi đi lớp bụi ngày mùa phủ đầy sân vườn, cây cối, phủ bạc đầu những người nông dân. Trong thoáng chốc, cái nắng nóng oi bức mùa hè đã bị gió thổi bay chẳng còn dấu vết. Khẽ rùng mình bởi hơi lạnh man mác sượt qua da, tôi quay vào chợt thấy nụ cười mãn nguyện của mẹ khi thóc đã đầy chum, bất giác cả hồn tôi như vừa được tắm mát dưới cơn mưa xối xả ngoài kia.
Một lúc sau, mưa lơi dần, bầu trời bắt đầu sáng trong trở lại, những tia nắng lách qua màn mây rọi xuống. Mấy vũng nước trên mặt sân nhìn từ xa lại ngỡ hàng trăm mảnh gương vỡ phản chiếu tạo ra bức tranh đẹp lung linh và bình yên đến lạ. Vậy mà, tôi đã từng rất sợ những cơn giông khi mẹ đang còng lưng gặt hái ở ngoài đồng.

Chỉ một cơn mưa ghé qua bất ngờ thôi cũng mang tới cho con người dòng cảm xúc lên xuống thất thường. Tôi nhận ra khi tâm bình an, khi nỗi sợ không còn ngụ trong tâm trí, ta mới có thể nhìn thấy những sắc màu khác của cuộc đời vốn nhiều khắc nghiệt.
Bởi vậy đâu phải sau cơn mưa nào, ta cũng nhìn thấy cầu vồng. Nói đúng hơn, dẫu có hay không, ta cũng chẳng kịp bận lòng. Tôi nhớ như in dáng mẹ liêu xiêu, đôi mắt mẹ đỏ ngầu trong gió mưa một buổi trưa hè chạy thóc. Mẹ lê tấm bạt phủ lên đống thóc còn đang ngổn ngang giữa sân chẳng kịp dọn bởi cơn mưa bóng mây ào ào đổ xuống không một dấu hiệu nào báo trước.
Cách đó mới vài phút, sân thóc vàng ươm còn thơm mùi nắng, giờ đây đã ướt nhẹp bởi trận mưa vô tình. Mưa bóng mây ác với người nông dân ngày mùa như vậy đó. Chỉ rào rào vài phút nhưng cũng đủ phá tan công sức bao ngày tháng nhọc nhằn nơi ruộng đồng của mẹ.

Hết mưa, nắng lại chói chang, mấy mẹ con hì hục quét đi những vũng nước đọng trên sân để tiếp tục rải thóc ra phơi lại từ đầu, vừa làm vừa nuôi một hy vọng trời sẽ nắng thật to để có thể hong khô sân thóc trước khi ngày tàn, để đêm nay mẹ có thể yên giấc ngủ ngon không lo những ngày còn chưa tới. Hôm ấy, cầu vồng có hay không tôi cũng nào để ý.
Mưa trên sân thóc có khi vui khi buồn. Đời người cũng qua bao gập ghềnh dâu bể. Giờ nhìn mưa chợt thấy nhớ ngày xưa mà thương mẹ cả đời khó nhọc tảo tần. Trong những cơn mưa dường như có dáng hình của mẹ, dáng hình của chính tôi ngày thơ bé và cả cái sân đầy thóc vàng ươm dưới nắng những năm nào.
Tôi vốn không phải là người thích chạy theo xu hướng, kể cả việc thưởng thức phim. Chắc đó là lý do khi mọi người hào hứng tìm kiếm bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" trên khắp các nền tảng mạng xã hội, tôi vẫn bình thản với hiện tượng đặc biệt này. Dẫu thế, trong một ngày phố phường oi ả, cảm thấy đôi phần kiệt quệ vì đời sống, tôi đã ngồi nghiêm chỉnh xem trọn vẹn bộ phim. Có một người cũng giống như tôi.
Mùa nắng ở Hà Nội, có người thường giữ thói quen cùng người bạn thân dạo quanh những góc phố thân thuộc, ngắm nhìn phố phường Hà Nội óng ánh dưới nắng vàng.
Có một người con luôn tự hào về bố, bởi bố từng là một chiến sĩ giải phóng quân, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời bình, bố là một cựu chiến binh cần mẫn với công việc đời thường và luôn gương mẫu trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Mỗi khi đến ngày lễ 30/4, người con ấy lại nghĩ nhiều về bố, về giá trị của cuộc sống hòa bình.
Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.
Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.
Trưa nay, ngồi ăn cơm cùng các anh chị đồng nghiệp, câu chuyện rôm rả xoay quanh dịp lễ 30/4 sắp tới. Ai cũng háo hức chia sẻ dự định, ai cũng mong chờ một kỳ nghỉ thật đặc biệt – không chỉ vì được nghỉ, mà bởi đây là một ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.
0