Bản hòa âm của đất trời
Thế nhưng để ngắm được cơn mưa thì cũng có phần nhọc nhằn bởi mùa hè rất biết cách đòi hỏi và tạo ra những cao trào. Nó đòi hỏi người ta phải biết chịu đựng cái nắng, phải thèm khát giọt mưa. Rồi khi ta không còn thiết tha nghĩ về cái nóng đang nung mình đến bốc hơi trong từng nhịp thở thì những đám mây đen mang nặng những hạt không khí ẩm, sẵn sàng bay nhảy thỏa thuê trong bản hòa ca của nhân gian.
Đối với tôi, mưa là lúc trời, đất và vạn vật dung hòa trong cùng một thời khắc. Những chuyển biến từ giai đoạn sắp mưa, đang mưa và sau mưa tạo nên một chuỗi những cảnh tượng huyền ảo trong trí tưởng tượng của một người có tâm hồn phong phú. Mưa là chất xúc tác cho tâm tư của biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ nói chung và cũng là hạt giống cho những suy tư của chính tôi.
Vừa nghe mưa rơi lộp bộp ngoài cửa sổ, tôi đã lao ra sân với tốc độ của một người vừa trúng tuyển đại học đang ăn mừng kết quả bằng màn chạy đua nước rút. Tôi ngước mắt mình lên bầu trời trắng xóa, tạm ngưng mọi âm thanh đang lao xao trong đầu cho tâm trí mình đủ yên tĩnh để nghe được tiếng mưa rơi. Cuối cùng cũng mưa, tôi nghĩ bâng quơ. Trời đã nắng nóng lâu đến nỗi tôi không nhớ cơn mưa cuối cùng mình được ngắm, được nghe, được thưởng thức là từ hồi nào. Tiếng mưa đầu mùa chảy vào tai tôi, đọng lại thành một bản hòa âm của vạn vật dung hòa.

Mưa đầu mùa làm tôi nhớ ngày mình còn nhỏ. Tôi thường chìm đắm trong thế giới của riêng mình trên những trang nhật ký. Lần nọ, sau cơn mưa tháng năm náo nhiệt cả đất trời, tôi mang nhật ký của mình - khi ấy là cô bé mười tuổi, ra hiên nhà, ngồi ghi chép lại những cảm xúc lâng lâng bất chợt sau mưa mà bây giờ nghĩ lại có đôi phần ngớ ngẩn.
“Hôm nay trời mưa, tiếng mưa nghe lộp độp, rồi ầm ầm, rồi lộp độp, rồi lại ầm ầm…”, tôi đã viết như thế bằng tất cả sự ngây ngô của một đứa trẻ. Mặc dù tôi nghĩ mình có chút ngớ ngẩn nhưng những quan sát của cô bé mười tuổi ấy có lẽ không sai. Vốn dĩ mưa đâu có phát ra âm thanh. Những tiếng mưa mà ta nghe được chính là âm thanh phát ra khi nước mưa rơi xuống, đáp lên bề mặt của vật nào đó. Ấy là âm thanh lẹp bẹp khi mưa đáp xuống mặt đường nhựa, là tiếng lộp bộp vọng xuống từ mái hiên, tiếng lịch bịch trên mặt đất cứng, hay là đì đùng khi mưa lao mình xuống mái tôn, nghe như tiếng sấm.

Ngoài ra, ở nơi có nhiều cây, tiếng mưa sẽ hòa cùng âm thanh của những tán lá đang xô vào nhau trong cơn gió nghe xào xạc. Khi tất cả những âm thanh ấy reo lên cùng lúc, mọi dây thần kinh trong cơ thể tôi bắt đầu hưởng ứng và rung lên theo nhịp mưa. Nếu dây thần kinh có thể gảy được như dây đàn thì tôi sẽ dùng suy nghĩ để đánh một bản hòa tấu thật êm tai.
Sự phức tạp của tiếng mưa không chỉ có thế, nó còn thay đổi theo từng loại mưa khác nhau. Mưa phùn như lớp màn mỏng bay phấp phới trong không khí, là kiểu mưa lãng mạn thường xuất hiện trên phim truyền hình và gần như không phát ra âm thanh vì giọt nước rất nhỏ. Đứng dưới cơn mưa phùn, người ta ướt từ hồi nào chẳng hay. Mưa rào thì nặng hạt, trút xuống vạn vật bỗ bã và ồn ào hơn. Mưa rào khiến người ta phải chạy tán loạn tìm chỗ trú nếu lỡ quên mang ô khi ra ngoài.

Tiếng mưa rơi, khi vắng thì thấy nhớ, nghe nhiều thì có phần e ngại. Nhỡ đâu mưa dai, mưa làm chậm lại những cuộc gặp gỡ, làm dang dở những chuyến đi. Nhỡ đâu mưa to kéo dài, mưa chẳng dứt nước, mưa trôi trọc mảnh đồi, mưa làm lụt con sông. Mưa làm ta trông chờ những ngày nắng quay lại.
Cơn mưa giúp tâm hồn tôi tĩnh lặng nhưng cũng làm tôi nghĩ nhiều. Vậy nên, tôi chỉ mong mình ngây ngô như hồi mười tuổi, chỉ đơn giản là nghe tiếng mưa bên tai và cảm thấy vui ở hiện tại. Làm người lớn đôi khi hơi khó khăn nên tôi luôn nhắc nhở mình phải dành một góc tâm hồn cho đứa trẻ mười tuổi ngày ấy, để nhìn thế giới bằng đôi mắt trong veo đầy tò mò, để giữ cho trí tưởng tượng luôn bay bổng. Tôi nhắc mình nhìn đời bằng đôi mắt lên mười, dành trọn tâm hồn để nghe những giai điệu của mưa hòa vào nhau như đang nghe một bản nhạc du dương của trời đất.
Tròn 50 năm non sông thu về một mối, người dân từ Đất Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái được hân hoan sống trong độc lập, tự do. Tháng Tư, nhớ lại câu chuyện đã được nghe trong chiến tranh và hòa bình, thấy thêm yêu “Nước của những người không bao giờ khuất”.
Đất nước mình có rất nhiều những dòng sông. Nhưng chắc chắn, trong thời hiện đại, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải. Những ngày tháng 4 lịch sử này đánh dấu tròn nửa thế kỷ đất nước thống nhất, cây cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương.
Trưa nay, ngồi ăn cơm cùng các anh chị đồng nghiệp, câu chuyện rôm rả xoay quanh dịp lễ 30/4 sắp tới. Ai cũng háo hức chia sẻ dự định, ai cũng mong chờ một kỳ nghỉ thật đặc biệt – không chỉ vì được nghỉ, mà bởi đây là một ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam.
Sau cái rét nàng Bân, Hà Nội lại bắt đầu bước sang một mùa kỳ lạ khác trong năm, gây cảm giác khó chịu dai dẳng, đó chính là mùa nồm.
Mọi sự sống trên đời này suy cho cùng đều phấn đấu hướng đến nơi có nhiều ánh sáng để trở nên mạnh mẽ, tốt đẹp hơn. Dù cho có trải qua bao nhiêu chông gai thử thách, chỉ cần ta không bỏ cuộc thì ánh sáng luôn ở cuối đường hầm.
Người ta lập gia đình không chỉ để có một tờ giấy đăng ký kết hôn, mà để tìm một nơi gọi là nhà. Nhưng có bao nhiêu người thật sự mong muốn trở về nhà sau một ngày dài? Có bao nhiêu người khi chồng rời đi, lòng vợ đầy nuối tiếc vì chưa đủ thời gian bên nhau? Hạnh phúc không phải là một điểm đến, mà là hành trình mà vợ chồng cùng nhau bước qua mỗi ngày.
0