Nếu con không đỗ thì sao?
Khi nghe con hỏi rằng: Nếu con không đỗ thì sao?, người cha bỗng giật mình: tại sao con lại đưa ra câu hỏi như vậy?
"Bố ơi! Nếu con không đỗ thì sao?" - người cha nhận được câu hỏi đó từ người con của mình, trong thời điểm các thí sinh đang chờ đợi điểm chuẩn do các trường đại học công bố. Khi nghe con hỏi câu đó, anh chợt nghĩ: Đã có chuyện gì vậy? Phải chăng, gia đình đã tạo áp lực quá lớn cho con?
Trong ba năm học cấp 3, con tôi luôn xếp loại học lực giỏi, kết quả các kỳ thi gần đây, điểm số đều đạt yêu cầu. Nhưng khi nghe con hỏi rằng: Nếu con không đỗ thì sao?, tôi bỗng giật mình. Tại sao con lại đưa ra câu hỏi như vậy, có phải, con đang gặp vấn đề tâm lý, áp lực trước sự kỳ vọng của bố mẹ hay không?
Đang bất ngờ trước câu hỏi của con, vợ tôi nhanh nhảu: "Trồng cây đến ngày ăn quả, bao nhiêu năm trời, bố mẹ đầu tư cho con ăn học; nên con chỉ được phép thành công chứ không có quyền thất bại. Con phải cố gắng đỗ bằng được trường 'top' đầu mới dễ xin việc..."
Con trai tôi có vẻ không bằng lòng khi vợ tôi xen vào câu chuyện của hai cha con.
Tôi hiểu, vì sao con lại đưa ra câu hỏi ấy. Bố mẹ nào chả quan tâm tới con nhưng theo cách khác nhau. Có lẽ, ở nhà, tôi là người gần gũi với con nhất nên con tin tưởng, muốn chia sẻ tâm tư của mình với bố.
Kể từ ngày con cắp sách tới trường, tôi luôn là "tài xế xe ôm" đưa đón con. Lên cấp hai, cấp ba, áp lực học hành thi cử ngày một nhiều, tôi vẫn luôn cùng con mỗi tối, bất kể trời lạnh hay mưa gió, hai bố con không bỏ buổi học nào tại các trung tâm ôn luyện kiến thức. Có người bảo: Nó lớn rồi, mua cho cái xe đạp điện tự đi, bố đỡ vất vả. Nhưng tôi đâu thấy vất vả, tôi muốn thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm tới con như thế. Với tôi, đó lại là niềm hạnh phúc của người cha, được đồng hành, trò chuyện cùng con trên những cung đường đến lớp. Sau này con lớn, có muốn quan tâm như thế cũng không được.
Con cảm nhận được tình yêu thương đó và có lẽ, đó cũng là áp lực cho con muốn đền đáp công lao của cha mẹ, nên con rất sợ nếu không trúng trường "top" đầu thì sẽ làm cha mẹ thất vọng.
Tôi nhẹ nhàng hỏi con: So với phổ điểm chung, điểm thi của con đâu có thấp, tại sao phải lo lắng như vậy?.
Con bảo, năm nay là năm đầu tiên thi chương trình phổ thông mới; vả lại, việc quy đổi về thang điểm 30 cũng rất khó đoán... Con sợ không trúng vào ngôi trường "top" đầu như mong muốn của bố mẹ.
Tôi bảo rằng: Nếu con thích ngành học đó, không trúng tuyển được vào trường này thì xét nguyện vọng vào trường khác. Vả lại, tương lai đâu nhất thiết phải vào đại học. Con có thể học nghề và sống bằng nghề nghiệp của mình, miễn là có đam mê và giỏi nghề. Nhìn ra thế giới, những người nổi tiếng và giàu có như Bill Gates - người sáng lập Microsoft; Steve Jobs - nhà sáng lập Apple hoặc Mark Zuckerberg - nhà phát triển Facebook cũng chưa tốt nghiệp đại học... Họ học tập và rèn luyện bằng cách của riêng mình. Chỉ cần không ngừng học hỏi, không ngừng rèn luyện, không ngừng sáng tạo, không ngừng kiên trì, thì dù học tập ở bất kỳ môi trường nào, sự học không nhất thiết cứ phải là đại học, con vẫn có thể thành công.
Tôi đã nói chuyện với con như thế nhằm giảm tải áp lực cho con; đồng thời khuyên con nên đi ngủ sớm để giữ gìn sức khỏe, tăng cường vận động, thể dục thể thao, thay vì suốt ngày lo lắng, hồi hộp đợi nhà trường công bố điểm chuẩn như hiện nay.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy cứ vào mùa thi cử, tỷ lệ trẻ em mắc các hội chứng trầm cảm gia tăng. Những gia đình quan tâm, để ý tới con thì kịp thời phát hiện đưa tới bệnh viện chữa trị, nhưng cũng có những gia đình thiếu quan tâm, dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Ngay ở lớp học của con tôi, có bạn suốt ba năm học luôn dẫn đầu lớp về điểm số, nhưng đến kỳ thi quan trọng, do sức ép tâm lý nên điểm số thấp, em tỏ ra chán nản, bi quan, rơi vào tâm trạng lầm lì, sống khép kín, không muốn chia sẻ cùng bạn bè và cô giáo…
Đặt mục tiêu cho bản thân là cần thiết để quyết tâm vươn tới mục tiêu đã đặt ra. Với những đứa trẻ đã có ý thức trong học tập, cần động viên con hơn là cắm một cột mốc buộc con phải leo tới. Tôi đã trao đổi với vợ mình như thế. Là cha mẹ, ai cũng tự hào khi con mình giỏi giang, nhưng những đứa trẻ sinh ra không phải ai cũng là thiên tài và đừng bắt con mình phải thông minh, đỗ đạt bằng "con người ta". Giờ đây, khi kỳ thi đã qua, điều quan trọng nhất là để con được nghỉ ngơi, cảm nhận sự yêu thương và tin tưởng - đó mới là hành trang quý giá nhất cho chặng đường phía trước.
Trần Minh