Xung đột Ấn Độ-Pakistan ngày càng leo thang

Vụ không kích của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan ngày 7/5 cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đang leo thang nhanh chóng, bất chấp các lời kêu gọi kiềm chế từ quốc tế.

Ấn Độ tấn công sâu nhất vào Pakistan kể từ năm 1971

Sáng 7/5, Ấn Độ đã tiến hành một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào nhiều mục tiêu bên trong lãnh thổ Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Đây được xem là hành động xâm nhập quân sự sâu nhất của New Delhi vào vùng lãnh thổ không tranh chấp của Islamabad kể từ cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước năm 1971. Vụ việc đánh dấu một bước leo thang nghiêm trọng trong bối cảnh căng thẳng song phương đang gia tăng nhanh chóng giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát một cuộc xung đột toàn diện.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, chiến dịch lần này nhằm vào “các cơ sở hạ tầng khủng bố” tại tổng cộng 9 địa điểm. Trong khi đó, phía Pakistan xác nhận 5 vị trí bị trúng đạn gồm 3 ở Kashmir do nước này kiểm soát và 2 ở tỉnh Punjab, bao gồm các thành phố Ahmadpur East và Muridke.

Ít nhất 8 dân thường thiệt mạng, trong đó có phụ nữ và trẻ em, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Pakistan. Islamabad gọi đây là “hành động chiến tranh trắng trợn và không bị khiêu khích”. Bộ này nhấn mạnh rằng, dù các máy bay Ấn Độ chưa xâm phạm không phận Pakistan, nhưng việc sử dụng vũ khí tầm xa để bắn phá các mục tiêu dân sự từ bên kia biên giới quốc tế là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.

Tài khoản chính thức của Quân đội Ấn Độ viết trên mạng xã hội X sau cuộc không kích rằng “Công lý đã được thực thi. Jai Hind!”, khẳng định đây là hành động chính đáng để “trả đũa chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới”.

Một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết New Delhi đã thông báo trước với các nước đồng minh, bao gồm Mỹ, Anh, Ả Rập Xê Út, UAE và Nga về chiến dịch lần này.

Ngay sau cuộc không kích, Pakistan đã thực hiện các hành động trả đũa. Theo nguồn tin từ các cơ quan an ninh và chính phủ Pakistan, lực lượng phòng không nước này đã bắn rơi 5 máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ, trong đó có một số chiếc rơi trong lãnh thổ Ấn Độ. Một máy bay không người lái Heron của Ấn Độ cũng bị bắn rơi.

“Các lực lượng vũ trang, bao gồm lục quân, không quân đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Pakistan. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi có thể xác nhận rằng năm máy bay Ấn Độ đã bị bắn rơi, bao gồm ba tiêm kích Rafale, một chiếc Su-30, một chiếc MiG-29 và một máy bay không người lái Heron. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả các hành động này đều là biện pháp phòng vệ, được thực hiện sau khi các máy bay Ấn Độ tấn công và nã đạn vào lãnh thổ Pakistan.”

Trung tướng Ahmed Sharif Chaudhry, người phát ngôn quân đội Pakistan

Trước nguy cơ tiếp tục bị không kích, chính quyền Pakistan đã ra thông báo khẩn tối thứ Ba, đóng cửa không phận quanh hai thành phố lớn là Lahore và Karachi từ 16h30 ngày hôm đó (giờ ET) đến 14h30 ngày hôm sau. Thông báo này đã buộc nhiều chuyến bay quốc tế phải chuyển hướng, theo dữ liệu từ FlightRadar24. Tại Ấn Độ, các hãng hàng không như IndiGo và SpiceJet cũng thông báo tạm hoãn hoặc chuyển hướng nhiều chuyến bay đến các thành phố như Jammu, Srinagar, Leh, Amritsar và Chandigarh.

Phản ứng trước diễn biến mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy làm tiếc về vụ việc và bày tỏ hy vọng “mọi việc sẽ kết thúc nhanh chóng.”Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang “theo dõi sát sao các diễn biến”. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm với giới chức cấp cao của cả Ấn Độ và Pakistan để kêu gọi kiềm chế.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan, một cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ, đã trở nên căng thẳng hơn trong những năm gần đây, đặc biệt là khi vấn đề Kashmir – khu vực tranh chấp chiến lược giữa hai quốc gia này tiếp tục là điểm nóng trong quan hệ song phương. Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia Nam Á có lịch sử xung đột sâu sắc, đặc biệt xoay quanh vấn đề Kashmir - vùng đất tranh chấp đã châm ngòi cho ba cuộc chiến tranh toàn diện kể từ năm 1947. Cả hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân và duy trì lực lượng quân sự lớn mạnh, khiến mối quan hệ song phương luôn tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột quân sự quy mô lớn.

Vào tháng 4 năm 2025, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đạt mức độ nghiêm trọng khi một vụ tấn công khủng bố lớn xảy ra tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khiến 26 du khách Ấn Độ thiệt mạng. Các tay súng được cho là có liên hệ với các nhóm phiến quân hoạt động tại Pakistan, và chính phủ Ấn Độ đã cáo buộc Islamabad tiếp tay cho các nhóm này. Vụ tấn công này đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ Ấn Độ, bao gồm các biện pháp trừng phạt ngoại giao và quân sự như trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan, đình chỉ các hiệp định hợp tác xuyên biên giới và tăng cường các hoạt động quân sự tại vùng Kashmir.

Đáp trả lại, Pakistan không chỉ phủ nhận mọi liên quan mà còn chỉ trích Ấn Độ về các hành động vi phạm quyền lợi của người Hồi giáo tại Kashmir, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để giảm căng thẳng.

"Vụ việc của họ có quá nhiều mâu thuẫn. Có quá nhiều điểm bất thường khiến họ không thể chứng minh được lập luận của mình. Còn chúng tôi thì chủ động có mặt tại một trong những địa điểm mà Ấn Độ cáo buộc là có trại khủng bố. Quý vị có thể thấy rõ,– không hề có trại khủng bố nào ở đây. Đúng là chúng tôi có những dãy núi tuyệt đẹp, cỏ xanh mướt, con người thân thiện và ai nấy vẫn đang sinh sống, làm ăn như bình thường.”

Ông Attaullah Tarar - Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh Truyền hình Pakistan

Trong bối cảnh đó, cuộc đối đầu giữa hai quốc gia hạt nhân này ngày càng trở nên nguy hiểm và có nguy cơ bùng phát thành một cuộc xung đột toàn diện, đặc biệt khi cả hai bên đều tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự dọc theo Đường Kiểm soát (LoC), nơi đã chứng kiến các cuộc đụng độ vũ trang liên tiếp trong những năm qua.

Theo các nguồn mở, Ấn Độ hiện sở hữu khoảng 160 đầu đạn hạt nhân, cùng các dòng tên lửa như Agni-IV và Agni-V có tầm bắn từ 3.500 đến 5.000 km. Ấn Độ áp dụng học thuyết “răn đe tối thiểu” và cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, dù học thuyết này đang có dấu hiệu được điều chỉnh trong bối cảnh địa chính trị thay đổi. Trong khi đó, Pakistan sở hữu khoảng 165 đầu đạn hạt nhân, một số tên lửa tầm trung như Shaheen-II, Shaheen-III và Nasr – loại tên lửa chiến thuật tầm ngắn được thiết kế để đối phó với các đơn vị quân đội Ấn Độ trong các tình huống chiến tranh cục bộ.

"Mỗi khi xảy ra xung đột ở Kashmir, tôi nghĩ có hai yếu tố quan trọng cần phải xem xét. Thứ nhất là yếu tố răn đe hạt nhân, liệu hai quốc gia có thể đi tới một cuộc chiến tranh toàn diện hay không? Yếu tố thứ hai là bối cảnh quốc tế hiện nay, đặc biệt sau khi chính phủ Mỹ thay đổi, ông Donald Trump trở lại, cùng với sự suy yếu của chủ nghĩa đa phương, bao gồm cả Liên Hợp Quốc. Trong trường hợp xung đột leo thang, vấn đề là: liệu có một trọng tài quốc tế trung lập và đủ mạnh nào để kiểm soát và ngăn chặn hai nước này? Trước đây, Mỹ từng đóng vai trò trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột, điều này đã xảy ra nhiều lần, kiểm soát các cuộc đụng độ, đảm bảo rằng sau những đợt tấn công đầu tiên, các bên sẽ im lặng hoặc ngồi lại đàm phán. Nhưng với bối cảnh địa chính trị quốc tế thay đổi, đặc biệt là sự thay đổi vai trò của Mỹ, câu hỏi đặt ra là: có còn ai – một trọng tài quốc tế trung lập, đủ sức mạnh có thể ngăn chặn xung đột kịp thời, trước khi nó biến thành một cuộc chiến toàn diện có thể giết chết hàng triệu người ở Nam Á?"

Bà Ayesha Siddiqa - Tác giả kiêm chuyên gia cao cấp tại Đại học King’s College London

Trước vụ việc này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp khẩn về tình hình căng thẳng giữa hai nước.

"Hiện nay là thời điểm cần kiềm chế tối đa và tránh đẩy tình hình đến bờ vực xung đột. Đó là thông điệp tôi liên tục gửi đến cả hai quốc gia trong các cuộc tiếp xúc gần đây. Hãy hiểu rõ: quân sự không phải là giải pháp. Tôi sẵn sàng làm trung gian cho cả hai chính phủ để đạt mục tiêu hòa bình. Liên Hợp Quốc sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào nhằm giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và tái cam kết với hòa bình."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Tranh chấp Kashmir - Ngòi nổ chưa bao giờ tắt

Tranh chấp Kashmir – ngòi nổ lịch sử giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á là Ấn Độ và Pakistan chưa bao giờ thật sự tắt. Từ những cuộc chiến đẫm máu trong quá khứ đến những vụ đụng độ quân sự gần đây, vùng núi này luôn là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ leo thang thành xung đột toàn diện. Tranh chấp Kashmir không chỉ là vấn đề biên giới mà là biểu hiện của xung đột lịch sử, tôn giáo và bản sắc dân tộc giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong khi giải pháp quân sự tiềm ẩn rủi ro khôn lường, một giải pháp chính trị thực sự vẫn xa vời nếu không có bước đột phá về ngoại giao, thiện chí song phương và vai trò trung gian hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay đang gia tăng trở lại, không chỉ an ninh khu vực bị đe dọa mà nền kinh tế của cả hai quốc gia, cũng như các chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, đang đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng.

Khu vực Kashmir – một vùng núi hiểm trở nằm giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc từ lâu đã là tâm điểm của một trong những cuộc xung đột lãnh thổ phức tạp và kéo dài nhất thế giới. Đối với Ấn Độ và Pakistan, Kashmir không chỉ là tranh chấp biên giới, mà còn là biểu tượng của chủ quyền, lòng tự tôn dân tộc và sự đối đầu sâu sắc về tôn giáo và chính trị. Trong hơn 75 năm kể từ khi giành độc lập, hai quốc gia Nam Á này đã ba lần phát động chiến tranh vì Kashmir, và hàng chục lần đứng bên bờ xung đột toàn diện.

Nguồn gốc tranh chấp bắt đầu vào năm 1947, khi Anh trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ, dẫn đến sự chia tách thành hai quốc gia: Ấn Độ với đa số dân theo Ấn giáo, và Pakistan được thành lập dành cho người Hồi giáo. Trong bối cảnh đó, hơn 560 bang được yêu cầu lựa chọn gia nhập một trong hai quốc gia. Bang Jammu và Kashmir, nơi có đa số dân Hồi giáo nhưng được cai quản bởi một tiểu vương theo Ấn giáo là Hari Singh, đã chọn đứng ngoài cả hai trong thời gian đầu. Tuy nhiên, sau khi quân nổi dậy Hồi giáo từ Pakistan tràn vào tháng 10/1947, Hari Singh đã ký hiệp ước gia nhập Ấn Độ để đổi lấy sự bảo vệ quân sự.

Ấn Độ nhanh chóng điều quân vào Kashmir, dẫn đến cuộc chiến tranh Ấn - Pakistan lần thứ nhất (1947–1948). Kết thúc cuộc chiến, khu vực Kashmir bị chia cắt: khoảng 2/3 thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ (gọi là Jammu & Kashmir), và 1/3 thuộc về Pakistan (gọi là Azad Jammu & Kashmir và Gilgit-Baltistan). Đường ranh giới ngừng bắn, được gọi là Line of Control (LoC), do Liên Hợp Quốc giám sát, vẫn là giới tuyến chia cắt hai bên cho đến ngày nay. Tuy nhiên, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ lãnh thổ Kashmir.

Từ đó đến nay, hai nước đã phát động thêm hai cuộc chiến tranh liên quan đến Kashmir vào năm 1965 và 1999 (gọi là cuộc chiến Kargil). Một bước ngoặt lớn khác xảy ra vào tháng 8/2019, khi chính phủ Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đơn phương bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp – vốn trao quy chế tự trị đặc biệt cho bang Jammu & Kashmir.

Những động thái leo thang căng thẳng mới nhất xảy ra đã ảnh hưởng sâu sắc tới khu vực này. Một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất từ xung đột là du lịch. Trước khi căng thẳng gia tăng, Kashmir – ở cả hai phía Ấn Độ và Pakistan là những điểm đến du lịch nổi bật, thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Tuy nhiên, với tình hình an ninh bất ổn hiện nay, ngành du lịch ở cả hai bên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các công ty lữ hành phải hủy bỏ các tour du lịch, và hàng nghìn du khách đã hủy chuyến đi do lo ngại về an toàn.

"Trước đây nơi này rất nhộn nhịp, đặc biệt là vào các ngày Chủ nhật. Tôi đã từng đến đây nhiều lần, nhưng giờ do căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan nên ít người lui tới hơn. Thời tiết lạnh cũng là một yếu tố, nhưng nguyên nhân chính vẫn là xung đột. Trước kia, đến đây rất vui và náo nhiệt."

Ông Zahid Bashir, du khách đến từ tỉnh Punjab của Pakistan

Ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, du lịch là một trong những ngành kinh tế chủ yếu, chiếm khoảng 7% GDP của khu vực này và tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người dân. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và các điểm tham quan du lịch đều rơi vào tình trạng vắng vẻ.

Tương tự, Pakistan cũng không thoát khỏi tác động này. Những khu du lịch nổi tiếng tại Gilgit-Baltistan, hay thung lũng Neelum, vốn từng thu hút rất nhiều du khách quốc tế, nay đang phải vật lộn với sự giảm sút mạnh mẽ trong lượng khách du lịch. Ngành du lịch của cả hai quốc gia đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, không chỉ do vấn đề an ninh mà còn do sự thiếu ổn định kéo dài trong khu vực. Hơn nữa, những bất ổn này sẽ gây tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài và làm giảm năng lực cạnh tranh của cả hai quốc gia trên trường quốc tế.

Dự báo rằng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ tiếp tục leo thang trong tương lai, với khả năng xảy ra các cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng tại khu vực Kashmir. Mặc dù có những nỗ lực quốc tế nhằm giảm căng thẳng và thúc đẩy đối thoại, song những bất đồng sâu sắc giữa hai quốc gia, đặc biệt là về vấn đề Kashmir và chính sách đối ngoại, vẫn sẽ tiếp tục là rào cản lớn trong việc đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Cộng đồng quốc tế cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại giữa Ấn Độ và Pakistan. Với tình hình hiện tại, vẫn còn quá sớm để dự đoán một giải pháp hòa bình hiệu quả. Điều quan trọng là cả hai quốc gia cần nhận thức được rằng hòa bình và ổn định là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế và thịnh vượng lâu dài của cả khu vực Nam Á.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Quân đội Ấn Độ đã triển khai một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào các địa điểm ở Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan quản lý vào sáng 7/5, trong một chiến dịch quân sự mang tên Sindoor. Vì sao Ấn Độ lại lựa chọn những địa điểm này và chúng có ý nghĩa chiến thuật như thế nào đối với chiến dịch Sindoor? Các bên liên quan đã đưa ra những tuyên bố gì về các cuộc tập kích này? Động lực nào thúc đẩy Ấn Độ phát động chiến dịch tấn công ngay từ đầu?

Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể nghi là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với người đồng cấp Cuba Miguel Diaz-Canel vào ngày 7/5 nhằm tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Moscow, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin và tham dự các hoạt động kỷ niệm 80 năm chiến thắng trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của Liên Xô.

Các quan chức chính phủ và cư dân địa phương tại miền Đông Pakistan, đã tiến hành đánh giá thiệt hại sau khi Ấn Độ không kích nhằm trả đũa vụ sát hại du khách Ấn Độ tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hồi tháng trước.

Buổi họp báo công bố sự kiện "Hội diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam toàn châu Âu lần thứ 2" sẽ diễn ra tại Thủ đô Praha, Cộng hoà Séc vào 15h chiều 8/5 (21h giờ Việt Nam).