Triển vọng nào cho thỏa thuận hòa bình giữa Nga - Ukraine?
Cuộc họp ngoại giao bị hạ cấp
Cuộc họp tại London được xem là bước tiếp nối phiên họp tương tự ở Paris hồi tuần trước, nơi các quan chức Mỹ, Ukraine và châu Âu đã thảo luận về các phương án đạt được hòa bình. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, mục tiêu cuộc họp tại Paris là xây dựng một lập trường chung giữa Mỹ, châu Âu và Ukraine, trong đó thúc đẩy Washington tiến gần hơn với quan điểm của Kiev và châu Âu. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin tiết lộ, một số đề xuất từ phía Mỹ đã bị các nước châu Âu và Ukraine bác bỏ, dẫn đến tình trạng chia rẽ trong nội bộ đàm phán.
Ngay trước thềm cuộc đàm phán tiếp theo tại London, cả Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff, đều quyết định không tham dự. Thay vào đó, chỉ có Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, đại diện cho Washington trong các cuộc thảo luận tại London. Bộ ngoại giao Mỹ biện minh cho sự rút lui này là vì vấn đề lịch trình của ông Rubio.
“Trong khi các cuộc họp ở London vẫn diễn ra, Bộ trưởng Marco Rubio sẽ không tham dự. Nhưng đó không phải là vì các cuộc họp. Đó là vì các vấn đề hậu cần trong lịch trình của ông ấy.”
Bà Tammy Bruce - Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ
Lý do được đưa ra là vậy, nhưng theo giới quan sát, trên thực tế, Mỹ quyết định không tham dự hội nghị vì biết rằng cuộc gặp sẽ không đem lại kết quả gì. Tại sự kiện này, Mỹ muốn thương thảo những nội dung cốt lõi của dự thảo giải pháp mà nước này đã nhất trí được với Nga, trong khi các nước châu Âu ngay trước đó lại chuyển cho Mỹ hẳn một danh sách “những lằn ranh đỏ” mới mà Mỹ biết trước và chắc chắn rằng, phía Nga sẽ không chấp nhận.
Sau động thái của Mỹ, Pháp, Đức và Anh cũng giảm mức độ tham gia, khiến các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng trở thành các cuộc tham vấn kỹ thuật giữa các chuyên gia. Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - Andriy Yermak, các bên đã cam kết ủng hộ nỗ lực hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhất trí tiếp tục đối thoại sau khi kết thúc cuộc họp tại London.
Sau cuộc gặp với các quan chức châu Âu, phái đoàn Ukraine đã có cuộc hội đàm với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg, trong đó Kiev khẳng định bước đầu tiên hướng tới hòa bình phải là “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện” và bày tỏ hy vọng rằng “điều này phù hợp với tầm nhìn” của Tổng thống Trump.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho giai đoạn này. Chúng tôi cũng sẵn sàng tuyên bố rằng sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, chúng tôi sẵn sàng đàm phán hoà bình theo bất kỳ hình thức nào.”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ hy vọng một thỏa thuận hòa bình có thể được đạt được “trong tuần này”. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên đã tiến gần đến một lệnh ngừng bắn.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 22/4 nói rằng, cuộc xung đột quá “phức tạp” khiến việc đạt được một lệnh ngừng bắn nhanh chóng trở nên khó khăn. “Không thể đặt ra bất kỳ khung thời gian cứng nhắc nào cho việc cố gắng đạt được một thỏa thuận khả thi”.
Những điểm nghẽn trong đàm phán
Theo giới quan sát, việc hội nghị hoà bình tại London bị hạ cấp cho thấy cơ hội đạt được bước đột phá tại sự kiện này là rất hạn chế. Điều đó cũng cho thấy giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu, cùng với Ukraine, hiện có bất đồng quan điểm rất sâu sắc và cơ bản, liên quan đến kế hoạch hoà bình mới nhất của chính quyền Mỹ.
Tờ Axios ngày 22/4 đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất với Ukraine một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Được gọi là “lời đề nghị cuối cùng”, tài liệu dài một trang này được soạn thảo sau cuộc gặp kín kéo dài 4 giờ đồng hồ giữa đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng. Bản đề xuất đã được trình bày với các quan chức Ukraine trong một cuộc gặp tại Paris vào tuần trước, trong đó bao gồm các điều khoản liên quan đến lãnh thổ, an ninh và tương lai quan hệ giữa phương Tây với Kiev.
Theo các tài liệu mà tờ The Telegraph có được, kế hoạch hoà bình của Mỹ bao gồm 7 điểm chính. Hai điều kiện đầu tiên yêu cầu Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán trực tiếp. Điểm thứ ba yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, trong khi vẫn duy trì khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine đã được Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Nga, Ukraine đề cập trước khi cuộc đàm phán tại London diễn ra.
Điểm thứ tư và thứ năm trong đề xuất hòa bình của Mỹ, cũng là nội dung gây nhiều tranh cãi nhất vì liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Theo đó, Mỹ sẽ công nhận “trên danh nghĩa pháp lý” bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời thừa nhận “trên thực tế” quyền kiểm soát của Moscow tại các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia.
Điểm thứ sáu liên quan đến việc ký kết thỏa thuận tài nguyên giữa Mỹ và Ukraine - mà Washington cũng coi là một phần của kế hoạch hòa bình. Cuối cùng, điểm thứ bảy mở đường cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga và hợp tác năng lượng giữa Moscow và Washington.
Kế hoạch của Mỹ cũng bao gồm đề xuất biến khu vực quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia thành “vùng trung lập” do Mỹ quản lý. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được một “cam kết bảo đảm an ninh mạnh mẽ” từ châu Âu, liên minh các quốc gia EU và các nước đồng minh khác. Tuy nhiên, kế hoạch không nêu rõ cách thức hoạt động của lực lượng đảm bảo an ninh này. Nga trước đó đã nhiều lần phản đối mọi hình thức triển khai lực lượng NATO tại Ukraine, dù với bất kỳ danh nghĩa nào.
Kế hoạch cũng đề cập đến việc đảm bảo cho Ukraine tiếp cận không giới hạn với sông Dnepr và khả năng được hỗ trợ tái thiết sau chiến tranh, dù chưa rõ nguồn kinh phí sẽ đến từ đâu. Ngoài ra, quân đội Nga sẽ rút khỏi khu vực Kharkiv mà họ đang kiểm soát ở Ukraine.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Ukraine Zelensky đã chấp nhận 2 điểm đầu tiên của kế hoạch. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán với Moscow chỉ có thể diễn ra sau khi ngừng bắn hoàn toàn và tư cách thành viên NATO là “quyền bất khả xâm phạm của Ukraine”. Ông cũng khẳng định Crimea là lãnh thổ của Ukraine.
Ngoài vấn đề Crimea, các điểm nghẽn lớn khác giữa các bên vẫn còn tồn tại, bao gồm yêu cầu của Nga về việc EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước khi đàm phán được hoàn tất - điều mà các nước châu Âu kịch liệt phản đối. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot cho biết trong tuần qua, các nước châu Âu đã trình bày rõ với phía Mỹ những điều khoản mà họ xem là “không thể thương lượng” trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào giữa Nga và Ukraine, đồng thời hạ thấp kỳ vọng về khả năng đạt được đột phá trong tuần này.
Về phía Nga, một số ý tưởng từ Washington vẫn được cho là khó làm hài lòng Moscow. Hai nhà ngoại giao cho biết Mỹ không thúc đẩy yêu cầu của Nga về việc phi quân sự hóa Ukraine, đồng thời không phản đối việc triển khai quân đội châu Âu tới lãnh thổ của Kiev như một phần của các đảm bảo an ninh tương lai cho nước này.
Nguồn tin của Financial Times mới đây tiết lộ rằng Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất ngừng chiến sự theo đường giới tuyến hiện tại, cho thấy Moscow sẵn sàng cân nhắc một thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian. Tuy nhiên, Điện Kremlin vẫn tỏ ra thận trọng. Người phát ngôn Dmitry Peskov cảnh báo công chúng không nên tin vào các thông tin chưa chính thức và nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải giải quyết được “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột.
“Nga vẫn phản đối việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine. Bởi vì trên thực tế, đó sẽ là lực lượng NATO trên lãnh thổ Ukraine. Và đó là một trong những lý do khiến 'chiến dịch quân sự đặc biệt' bắt đầu.”
Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn Điện Kremlin
Tổng thống Putin khẳng định, lệnh ngừng bắn chỉ khả thi nếu phương Tây chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine. Moscow cũng nhiều lần tái khẳng định lập trường rằng chủ quyền của Crimea sáp nhập vào Nga từ năm 2014 sau cuộc trưng cầu dân ý, cùng với bốn vùng lãnh thổ khác đã bỏ phiếu gia nhập Nga năm 2022, không phải là chủ đề có thể đem ra đàm phán.
Đàm phán đổ vỡ, Mỹ sẽ rút khỏi xung đột Nga - Ukraine?
Việc Kiev và châu Âu từ chối chấp nhận kế hoạch hoà bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra câu hỏi về tương lai của quá trình đàm phán. Cả ông Trump và Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đều từng tuyên bố rằng Washington sẽ “từ bỏ các nỗ lực hòa giải” nếu các bên không đồng ý với các điều kiện được đề xuất. Tuy nhiên, theo giới quan sát, những lời đe dọa như vậy thể hiện “sự mệt mỏi về mặt cảm xúc” hơn là sự thay đổi về chiến lược.
Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine trước tháng 5, với lập luận rằng Mỹ cần chấm dứt một cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới đối đầu trực diện giữa Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông Trump ngày càng tỏ ra thất vọng với tiến trình hòa đàm thiếu đột phá.
“Cả cuộc đời tôi là một chuỗi những cuộc đàm phán lớn, và tôi biết khi nào người ta đang giở chiêu trò với chúng tôi, khi nào thì không. Tôi phải thấy được sự thành tâm để kết thúc chuyện này. Tôi nghĩ, tôi đang thấy điều đó từ cả hai phía”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Một tuần trước đó, khi trả lời phóng viên trên chuyên cơ Không lực 1 vào ngày 12/4, ông Trump đã phát tín hiệu rằng ông không có ý định kéo dài vô tận các vòng đàm phán, nói rằng “sẽ đến lúc bạn phải hoặc hành động hoặc im lặng”.
Sau khi kết thúc chuyến công du tới Paris ngày 18/4, nơi các nhà đàm phán Mỹ gặp gỡ đại diện từ châu Âu và Ukraine, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết Tổng thống Trump có thể đưa ra quyết định rút lui nếu trong vài ngày tới không có tiến triển rõ rệt hướng đến hòa bình.
Chúng tôi đã dành phần lớn 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ này để theo đuổi hòa bình với sự nỗ lực ở cấp cao nhất. Nếu có cơ hội, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Nhưng nếu không, chúng tôi cần biết ngay bởi vì còn nhiều việc khác cần được giải quyết”.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio
Dường như sự kiên nhẫn của Tổng thống Mỹ đang tiến gần đến giới hạn. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Ivan Loshkarev tại Đại học MGIMO, Mỹ sẽ chưa rút khỏi tiến trình đàm phán trong tương lai gần vì hai lý do.
Thứ nhất, hiện không có tiến triển nào trong các vấn đề quốc tế khác như Greenland, Dải Gaza, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc; và Mỹ cần phải có một số thành công rõ ràng, ít nhất là ở Ukraine. Do phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Mỹ nên Kiev sẵn sàng nhượng bộ hơn Đan Mạch, Hamas hoặc Trung Quốc.
Thứ hai, để chuyển hướng chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cần phải chuyển hướng nguồn lực từ các khu vực khác, bao gồm cả Châu Âu. Điều này chỉ có thể thực hiện được sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết.
Phát biểu ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông cảm thấy khó khăn hơn dự kiến khi làm việc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng cũng nghĩ rằng, ông đã có thỏa thuận với cả Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Ukraine để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.
Tờ Newsweek cho rằng cả Nga và Ukraine đều đang thể hiện thiện chí tham gia vào một tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, để đạt được một giải pháp lâu dài, hai bên sẽ cần vượt qua những nhượng bộ không hề dễ dàng, đặc biệt là về vấn đề lãnh thổ. Trong khi đó, Mỹ - với vai trò trung gian - vẫn là một nhân tố then chốt trong tiến trình này. Việc giữ Washington ở lại bàn đàm phán sẽ giúp Ukraine và cả Nga duy trì sự hậu thuẫn quốc tế.


Những quyết định vào phút chót của các bên liên quan đã khiến cho thoả thuận giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra không như dự định. Điều đó cũng cho thấy, vẫn còn những chia rẽ khó dung hòa giữa Mỹ, Nga, Ukraine và châu Âu liên quan đến cách thức kết thúc cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm.
Lễ tang của Giáo hoàng Francis dự kiến được cử hành vào ngày 26/4 tại Vatican. Hàng nghìn tín hữu, cùng nhiều nguyên thủ và lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới, có thể sẽ đến tiễn đưa ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể tái áp đặt các mức thuế cao với nhiều quốc gia trong vòng vài tuần tới, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và thế giới.
Xưởng Master Hatters Texas (Garland, bang Texas) là một trong những nơi góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa của nghề thủ công truyền thống Mỹ suốt hơn 60 năm qua.
Hàng chục robot hình người đã tham gia thi chạy cùng các vận động viên trong cuộc đua bán marathon đặc biệt tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Toà thánh Vatican có thể kéo dài thời gian viếng Giáo hoàng Francis cho đến sau nửa đêm, do số lượng tín đồ Công giáo hành hương đến Vương cung thánh đường Thánh Peter quá lớn.
0