Kỳ nghỉ lễ đặc biệt
Hơn 5h sáng trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, rất đông người dân đã có mặt xung quanh Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh để đón chờ và được hòa mình vào không khí trang nghiêm của Lễ thượng cờ.
6h sáng, trong tiếng nhạc Quốc ca hào hùng, với hàng loạt nghi thức trang trọng của đội tiêu binh, trước sự dõi theo của nhân dân, lá cờ Tổ quốc đã tung bay trên quảng trường Ba Đình lịch sử. Một Lễ chào cờ như rất nhiều Lễ chào cờ khác diễn ra vào buổi sáng mỗi ngày tại Lăng Bác, nhưng những người có mặt tại đây vẫn vẹn nguyên niềm tự hào dân tộc. Bởi thế, với nhiều người, dậy sớm và tham gia Lễ thượng cờ là một cách hoàn hảo để khởi đầu cho một ngày nghỉ lễ.
Sau khi Quốc kỳ được kéo lên cũng là lúc Lăng Bác bắt đầu mở cửa. Từng đoàn người chậm rãi, từ tốn cùng vào thăm lăng. Phía bên ngoài lăng cũng rất đông đúc. Trong suốt kỳ nghỉ lễ, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, khu vực này có rất nhiều người dân và khách du lịch đến chụp ảnh. Thường ngày bận rộn đi học, đi làm nên trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người cũng không muốn vội vã bon chen tới các khu du lịch đông đúc, mà lựa chọn ở lại Hà Nội, tận hưởng những khoảnh khắc bình yên sáng sớm.
Chị Nguyễn Thị Việt Ngọc (Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ: "Mình rất tự hào vì ông cha ta đã đánh đổi cả một đời để có được hôm nay. Mình và gia đình sẽ đi thăm Lăng Bác. Mình đến đây sớm để chụp ảnh kỷ niệm 30/4 - 1/5 và xem Lễ Thượng cờ. Mình muốn lưu giữ lại kỷ niệm".
Không chỉ các bạn trẻ, chụp ảnh với lá quốc kỳ tại lăng Bác là hoạt động thu hút khá nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau. Chị Ngô Thị Thu Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng cả đại gia đình đến đây chụp ảnh, cho biết: "Mình cùng gia đình và bạn bè, người thân đến đây để hưởng ứng, hoà chung với không khí. Mình muốn tích góp ý nghĩa của dân tộc để truyền lại cho con, vì sao chúng ta có được đến hoà bình ngày hôm nay".
Cũng dậy từ rất sớm trong ngày nghỉ lễ, nhiều bạn trẻ lại có mặt tại hồ Gươm, quanh trụ sở Báo Nhân dân, chậm rãi, kiên nhẫn xếp hàng để chờ nhận phụ san đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bạn Trần Ngọc Anh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: "Em muốn ở đây để nhận được tờ báo mới của Báo Nhân dân. Tờ báo khá đẹp, em cũng muốn có một tờ để mang về treo lên trưng bày. Mình là người Việt Nam, mình có lòng yêu nước nên đây là một trong những kỷ niệm quan trọng mình muốn lưu giữ".
Không dành ngày nghỉ lễ để vui chơi, rất nhiều người trẻ dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc, tạo hiệu ứng lan tỏa tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Khung cảnh yên bình như thế ở hồ Gươm trong buổi sáng ngày nghĩ lễ, là một trong những khung cảnh đẹp về hòa bình và tiếp nối tình yêu Tổ quốc.
Có một điều đặc biệt ở Hà Nội, là bất kỳ dịp lễ Tết nào, lá cờ Tổ quốc luôn luôn được người dân lựa chọn trang hoàng nhà cửa, phố phường, quán xá. Những con đường rợp bóng cờ bay, những ngõ nhỏ đỏ thắm màu cờ đã là một nét đặc trưng của Hà Nội lâu nay mỗi dịp lễ. Chụp hình, check-in với cờ Tổ quốc cũng trở thành xu hướng được mọi người, đặc biệt là giới trẻ ủng hộ mạnh mẽ, thể hiện tình đoàn kết, thống nhất và niềm tự hào dân tộc.
Trong đợt nghỉ lễ kéo dài tới năm ngày, nhiều khu chợ vẫn hoạt động, tuy có đôi phần thưa vắng hơn so với ngày thường. Người đi chợ cũng không vội vàng với lịch làm, lịch học. Thành phố vẫn vận động không dừng, nhưng nhịp độ đã nhiều phần chậm rãi và thư thái.
Hà Nội ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, đường cũng thưa vắng người, tiếng ồn đô thị thường ngày cũng đôi phần lắng lại, mọi góc phố đều trở nên quá đỗi dịu dàng. Bởi thế, không ít người Hà Nội trong ngày nghỉ lễ này cũng không rời thành phố. Họ đi du lịch trong chính thành phố của mình. Tận hưởng một Hà Nội rất đặc biệt và thiêng liêng so với thường ngày.


Từ những sợi tre, mây mềm mại, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (xã Phú Vinh, Chương Mỹ, Hà Nội) đã dệt nên những bức ảnh chân dung Bác Hồ bằng đôi bàn tay khéo léo và lòng tôn kính của mình.
Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình đã trở thành một nghi lễ thiêng liêng. Đây cũng là thời khắc đầy xúc động mà nhiều người dân Thủ đô và du khách luôn mong chờ.
Trên phố Hồ Hoàn Kiếm - con phố ngắn nhất của Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày đều ghi dấu biết bao kỷ niệm của một nhóm những người lính nay đã ở lứa tuổi 70-80.
“Món ngon Hà Thành” là một series giới thiệu về đời sống ẩm thực phong phú ở Hà Nội sẽ được phát sóng hàng ngày vào lúc 19h50 trên Kênh H2 và 17h25 trên kênh H1 cùng các nền tảng số của Đài, bắt đầu từ 1/5.
Phố phường Thủ đô đang được trang hoàng rực rỡ để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Ở đâu cũng rộn ràng không khí vui tươi, phấn khởi. Cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi nhân thêm niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân Việt Nam.
Những con phố Hà Nội ngập tràn sắc cờ đỏ sao vàng vẫy gọi trong gió, như một lời chào mừng nồng nhiệt, trở thành điểm đến không thể thiếu của các bạn trẻ vào dịp tháng Tư thiêng liêng.
0