Hẹn ước tình yêu ngày thống nhất

Câu chuyện tình yêu và hẹn ước ngày thống nhất của bà Phan Thị Kim Song với người thương binh Cao Văn Thành đã viết nên bản tình ca đẹp, dành cho ngày sum họp và dựng xây đất nước.

Hơn 50 năm trước, để hiện thực khát vọng đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, cả triệu người con ưu tú đã ngã xuống, biết bao người bị địch bắt, tù đày. Giữa sự khốc liệt đó, có những tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc cảm xúc đã vượt qua bom đạn chiến tranh để đơm hoa kết trái.

Không chỉ có lý tưởng, hẹn ước và ý thức trách nhiệm, tình yêu đó còn có cả sự đồng cảm, sẻ chia của người phụ nữ trước những mất mát, thương tổn của người thương binh trở về từ chiến tuyến. Câu chuyện về tình yêu của bà Phan Thị Kim Song và người thương binh Cao Văn Thành, cùng lời hẹn ước ngày thống nhất, đã viết nên bản tình ca cho ngày sum họp và dựng xây đất nước.

Sau những trận chiến đấu ác liệt tại mặt trận Quảng Trị, cảng Cửa Việt, A Sầu, A Lưới cho đến chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng năm 1975, ông Cao Văn Thành không nghĩ rằng mình còn sống để trở về. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, ký ức về những ngày đầu ra trận chiến đấu gian khổ vẫn còn nguyên vẹn.

Vào năm 1972, khi cuộc chiến đấu tại chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt, theo lệnh tổng động viên, hàng chục nghìn thanh niên, sinh viên, trí thức đã nô nức lên đường ra trận. Trong đội ngũ thanh niên ấy, ông Thành đang là sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách khoa.

Cựu chiến binh Cao Văn Thành, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: "Chỉ được huấn luyện có 2 tháng, bởi vì thời gian gấp lắm, chiến dịch đang mở ra ở Quảng Trị, chúng tôi cần phải vào đó để tiếp sức cho đồng đội. Khí thế sục sôi của những năm đó đòi hỏi những thanh niên, kể cả chúng tôi đang học đại học cũng lên đường nhập ngũ".

Trong trận đánh ác liệt tại cứ điểm Bạch Mã - vị trí chiến lược quan trọng của địch ở phía nam Huế, ông Thành bị hơn 100 mảnh đạn bắn vào người, vào mắt với thương tích rất nặng, buộc phải chuyển ra tuyến sau. Thời điểm này, người ông nghĩ tới đầu tiên chính là người bạn, người thầm yêu trộm nhớ từ thời sinh viên.

Cựu chiến binh Cao Văn Thành hồi tưởng: "Tôi nhờ một người ở Viện 43 Quân đoàn 2 khi đó chuyển thương ra Cam Lộ, từ Thừa Thiên Huế tôi chuyển ra đến Cam Lộ thì chờ chuyển ra Bắc. Tôi nhờ một người cho tôi giấy và bút, viết mấy chữ là 'Song ơi anh bị thương rồi, bị vào mắt phải và vai phải nặng lắm'".

Bà Phan Thị Kim Song, quận Đống Đa, Hà Nội, bày tỏ: "Đến với anh ấy thì toàn thân băng bó, từ đầu, từ mắt cho đến chân đều băng bó hết. Có người bạn nói Thành có khách, Thành hỏi ai đấy, bảo Song. Anh nhổm dậy rồi lại nằm xuống, bảo 'Không, Song không đến đây được, các đồng chí đừng lừa tôi'. Tôi đứng lặng người, bảo 'Ô, em đây mà, không nhận ra em à', lúc ấy vừa nói vừa khóc nên tiếng lạc đi".

Những ngày ở trong viện, được người yêu động viên và biết nhiều đồng đội khác còn đáng thương hơn mình, ông Thành dần lấy lại niềm tin và nghị lực sống. Đầu năm 1976, họ quyết định làm đám cưới dù phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều.

"Tôi có nói với anh là cứ yên tâm điều trị cho khỏi, dù thế nào nữa em vẫn ở bên anh. Trong quá trình ấy, thực sự với một sinh viên mới ra trường phải đấu tranh rất gay go, khổ sở, bởi bố mẹ không phải vì ngăn cản mà vì thương con, sợ sau này cuộc sống vất vả. Tôi cũng đấu tranh và quyết tâm xin bố mẹ, xin gia đình để được lấy anh và gia đình cũng đồng ý", bà Phan Thị Kim Song chia sẻ thêm.

Kết quả của ngày hẹn ước giữa ông Thành và bà Song là câu chuyện đẫm nước mắt nhưng đầy quả ngọt, niềm vui và hạnh phúc. Gần 50 năm qua, bà Kim Song không chỉ là người vợ mà còn là người bạn tâm giao, người y tá tận tâm của thương binh Cao Văn Thành, cùng chồng vượt qua những cơn đau thể xác lẫn tinh thần, hỗ trợ ông trong cuộc sống và công việc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo ước tính ban đầu, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn quốc sẽ giảm từ 10.035 xã phường xuống còn khoảng 3.300 đơn vị; sẽ không giữ lại tên thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

UBND TP. Hà Nội sáng 28/4 đã ban hành công văn chỉ đạo về công tác khắc phục hậu quả của vụ cháy tại phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai.

Những năm 70 của thế kỷ XX đã ghi dấu ấn đẹp của một thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam với phong trào "Xếp bút nghiên lên đường ra trận". Khi đó, hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội lên đường nhập ngũ.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp bao gồm xã, phường và 11 đặc khu; trong đó, sẽ thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công ở cấp xã.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân thăm Việt Nam vào sáng nay (28/4).