Vang mãi khúc khải hoàn: Hành trình trở về quá khứ hào hùng
Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" được thực hiện tại ba điểm cầu gồm: Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội); Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) và Công viên Bờ sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh).
Chương trình nhằm lan tỏa ý nghĩa lớn lao của Đại thắng mùa Xuân 1975, khơi dậy niềm tin, lý tưởng cách mạng, tiếp thêm nội lực cho hành trình hội nhập, hiện đại hóa hôm nay.


"Vang mãi khúc khải hoàn" là bức tranh đan xen giữa quá khứ hào hùng và hiện tại, đem đến những hành trình xúc động về khát vọng thống nhất non sông. Chương trình có ba phần nội dung chính, mở đầu với thông điệp về Khát vọng hòa bình. Đó là những thước phim tư liệu quý giá tái hiện bối cảnh lịch sử đau thương nhưng kiên cường, khi cả dân tộc buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập. Các tiết mục nghệ thuật đậm chất sử thi, từ những làn điệu dân ca đến hòa tấu đương đại, khắc họa sâu sắc ý chí bất khuất của dân tộc.

Ở chương 2 - "Ý chí độc lập, thống nhất", chương trình mang đến cho khán giả một phóng sự đặc biệt về Tết Mậu Thân 1968, trận chiến Thành cổ Quảng Trị và Hiệp định Paris 1973 – những dấu mốc lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh. Những màn trình diễn nghệ thuật kết hợp công nghệ 3D mapping, tái hiện sống động khoảnh khắc quân ta tiến vào Hội trường Thống nhất, đưa người xem trở lại thời khắc lịch sử trọng đại.




Trong chương 3 - "Tự hào ta đi lên, ơi Việt Nam", đó là những thông điệp từ bài học lịch sử được kết nối với thành tựu đất nước hôm nay, khẳng định tầm vóc của sự kiện giải phóng miền Nam (30/4) trong hành trình phát triển đất nước. Tại đây, khán giả được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật hiện đại, từ hợp xướng đến màn pháo hoa rực rỡ, thắp lên niềm tự hào và khát vọng vươn tới tương lai.


Chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" đã khơi gợi niềm xúc động và lòng biết ơn sâu sắc trước những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, những con người đã ngã xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Sự mất mát ấy là nỗi đau, nhưng cũng là niềm tự hào khi nhìn lại những thành quả mà máu, mồ hôi và nước mắt đã đánh đổi. Không khí chương trình vang vọng tinh thần anh hùng ca, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, thôi thúc mỗi người tiếp nối truyền thống cha ông, chung tay dựng xây một Việt Nam ngày càng hùng cường.


Cầu truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn" tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết và thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Chương trình có ba điểm cầu tại Hà Nội, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp vào 20 giờ 10 phút ngày 27/4.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần bất khuất, anh dũng của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của các chiến sĩ lực lượng Phòng không - Không quân.
Nhân dịp cả nước hướng tới Đại lễ 30/4, cùng gặp gỡ nhân chứng lích sử, cựu binh Nguyễn Văn Thiện - người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, cũng là chủ nhân của một cuốn nhật ký chiến trường tưởng như đã thất lạc vĩnh viễn.
Trận địa pháo hoa đặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) đã hoàn tất công tác lắp đặt, chuẩn bị khai hỏa vào lúc 21h45 tối nay (27/4).
Lễ tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tổ chức tại TP.HCM trong hôm nay, 27/4, sau hai buổi tổng hợp luyện và một buổi sơ duyệt cấp Nhà nước.
Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn là dịp thể hiện tình hữu nghị, hợp tác quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, đã có ba quốc gia gửi quân đội đến tham gia lễ diễu binh tại Việt Nam, trong đó có quân đội nước Lào.
0