Hai bệ phóng tên lửa HIMARS của Ukraine đã bị phá hủy

Hai bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine đã bị phá hủy tại khu vực Kherson, truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết.

Theo kênh Telegram “Iznanka”, một trong các hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS) HIMARS đang khai hỏa vào các vị trí của quân đội Nga đã bị phát hiện bởi máy bay không người lái trinh sát (UAV) của nhóm quân sự Dnepr. Sau khi bắt đầu tiến hành giám sát để xác định vị trí của hệ thống, một hệ thống MLRS khác cũng được phát hiện đang phóng tên lửa. Một máy bay không người lái trinh sát thứ hai đã được điều đến hiện trường để tham gia giám sát.

Hai bệ phóng tên lửa HIMARS của Ukraine đã bị phá hủy tại khu vực Kherson bởi một cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander OTRK

Dù phía Ukraine đã khai hỏa và bắt đầu rút lui về căn cứ, nhưng các UAV Nga vẫn theo dõi từ xa tuyến đường rút lui và điểm đến cuối cùng của hai hệ thống HIMARS. Cả hai đã cùng di chuyển vào một nhà kho gần làng Chereshenki thuộc khu vực Kherson. Sau khi xác định được vị trí, tên lửa Iskander OTRK đã được phóng tới nhà kho này.

Kênh này viết: "Chúng đã bị đốt cháy, máy bay không người lái đang bay làm nhiệm vụ khác thì phát hiện ra một vụ phóng. Họ quyết định theo dõi thêm thì thấy một bệ phóng khác đang khai hỏa! Một UAV trinh sát khác đã ngay lập tức được điều động để kết nối với tình hình, nhưng không bay lên để tránh làm đối phương sợ hãi. Các UAV đã bám theo đến nhà kho nơi đối phương ẩn náu, rồi sau đó, một tên lửa ngay lập tức được phóng đến".

Hệ thống pháo phản lực HIMARS có gì?

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do hãng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất từ lâu đã được Kiev ca ngợi là một trong những vũ khí tầm xa hiệu quả nhất để tấn công các mục tiêu quân sự của Nga, như sân bay, kho đạn dược và điểm chỉ huy.

Hệ thống phóng của HIMARS có thể phóng được nhiều loại pháo phản lực, tên lửa dẫn đường và không dẫn đường, thậm chí là tên lửa phòng không SLAMRAAM - biến thể của tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM. Vào năm 2017, Thủy quân lục chiến Mỹ đã thử nghiệm dùng M142 HIMARS trên biển để tấn công một mục tiêu trên đất liền. HIMARS được đặt trên tàu vận tải USS Anchorage và đã đánh trúng mục tiêu bằng tên lửa dẫn đường chính xác. Thử nghiệm này mở ra khả năng triển khai mới cho HIMARS.

Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết, HIMARS là hệ thống pháo phản lực có khả năng "bắn và chuồn" nhằm ám chỉ tính di động cao của nó. So với M270, hệ thống phóng của M142 HIMARS chỉ bằng một nửa và nó lại được lắp trên nền tảng xe tải bánh lốp cơ động cao M1140 6x6 - một biến thể của dòng xe tải quân sự FMTV. Nó được trang bị động cơ diesel C7 7,2 lít 6 xy-lanh của Caterpillar kèm hộp số 7 cấp, có thể đạt tốc độ tối đa 94 km/h và phạm vi hoạt động 483 km. Thêm vào đó, hệ thống HIMARS có thể nạp lại đạn trong chỉ vài phút.

Nhà sản xuất Lockheed Martin cho biết, HIMARS là hệ thống pháo phản lực có khả năng "bắn và chuồn" nhằm ám chỉ tính di động cao của nó. Nguồn: Reuters

Các tên lửa và ống phóng được thiết kế dạng module tháo rời với dàn phóng, sẽ không phải nạp lại từng tên lửa, rocket như các hệ thống pháo phản lực phóng loạt khác. Cơ chế nạp lại đạn cũng như việc dàn phóng được lắp trên nền tảng bánh lốp như XM1140 mang lại cho HIMARS sự linh hoạt cao về tốc độ di chuyển, tầm hoạt động, khả năng tái trang bị, triển khai, bắn và tháo chạy nhanh hơn rất nhiều so với M270 MLRS.

Danh sách các loại tên lửa mà HIMARS có thể phóng

Sức mạnh của HIMARS tùy thuộc vào loại tên lửa, rocket được dùng. Danh sách các loại tên lửa mà HIMARS có thể phóng rất dài, chia làm 3 danh mục gồm MLRS - phóng loạt với các loại pháo phản lực M28 không dẫn đường; GMLRS - pháo phản lực có tầm bắn mở rộng và dẫn đường bằng GPS gồm M30/M30A1/A2, M31/M31A1/A2 tầm bắn 15 - 84 km, ER GMLRS với tầm bắn đến 150 km; ATACMS - tên lửa 610 mm đất đối đất chiến thuật với tầm bắn đến 300 km gồm các biến thể M39/M39A1, M48, M57/M57E1 và mới nhất là PrSM - tên lửa tấn công chính xác dẫn đường bằng GPS với tầm bắn đến 500 km. Tùy theo loại tên lửa được dùng mà ống phóng của HIMARS sẽ là loại 6 ống dùng cho các tên lửa M30/M31, 2 ống cho tên lửa PrSM hay 1 ống cho ATACMS.

Truyền thông phương Tây hồi tháng 5/2024 cho biết, Ukraine sở hữu 39 xe phóng đạn HIMARS, trong đó ít nhất 3 pháo đã bị phá hủy hoàn toàn, hai tổ hợp hư hỏng và phải chuyển về Mỹ để sửa chữa.

Quân đội Nga từ đó đến nay đã công bố nhiều video tập kích các khẩu đội HIMARS Ukraine, với hàng loạt hệ thống bị phá hủy hoàn toàn. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã mất tới 15 pháo HIMARS riêng trong chiến dịch tấn công tỉnh Kursk.

Tính năng của hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga

Tên lửa đạn đạo Iskander của Nga vốn đặt ra những thách thức lớn cho Ukraine kể từ khi bùng nổ xung đột và sau khi nâng cấp, cải thiện tầm bắn, nó đã trở thành cơn ác mộng đối với Ukraine.

Hồi đầu năm, hãng tin Spunik cho biết, Nga đang chuẩn bị triển khai phiên bản mới của tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander có tên gọi Iskander-1000 tới Ukraine.

Iskander-1000 được nâng cấp đáng kể so với các phiên bản cũ của hệ thống tên lửa Iskander, vốn là một trong những tên lửa cực lợi hại trong kho vũ khí của Nga. Nhìn bề ngoài, Iskander-1000 rất giống với các phiên bản trước đó với chiều dài 7,3 mét và đường kính 0,92 mét, trọng lượng phóng khoảng 3,8 tấn. Tuy nhiên, nó có một số cải tiến quan trọng về thiết kế để gia tăng tầm bắn và hiệu suất. Xét về tầm bắn, Iskander-1000 vượt trội hơn nhiều so với các mẫu khác của dòng Iskander, một phần nhờ việc tăng thể tích nhiên liệu rắn.

Một dàn phóng di động của Iskander-M. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Trong khi các phiên bản cũ của tên lửa Iskander, chẳng hạn như Iskander-M, có tầm bắn tối đa khoảng 500 km, thì Iskander-1000 có tầm bắn khoảng 1.000 km khi mang đầu đạn thông thường và lên đến 1.300 km khi mang đầu đạn hạt nhân đặc biệt. Tầm bắn mở rộng này đánh dấu bước tiến đáng kể trong năng lực chế tạo tên lửa chiến thuật của Nga, cho phép Iskander-1000 nhắm tới các địa điểm xa xôi và quan trọng về mặt chiến lược, vốn ngoài tầm với của các biến thể Iskander trước đây. Điều này cũng làm phức tạp thêm nỗ lực phòng thủ của Ukraine và NATO.

Việc tăng thể tích nhiên liệu rắn khoảng 10-15% giúp tăng hiệu suất động cơ và kéo dài thời gian bay của tên lửa. Ngoài ra, Iskander-1000 được cung cấp năng lượng bằng nhiên liệu octogen, cho phép nó đạt tốc độ từ 2.700 đến 3.100 mét mỗi giây, cải thiện đáng kể so với tốc độ của phiên bản Iskander 9M723-1/K5 vào khoảng 2.100 m/giây. Tốc độ này tương đương với tốc độ siêu thanh của tên lửa Kinzhal do Nga sản xuất.

Tương tự như các biến thể Iskander trước đó, Iskander-1000 có thể được trang bị nhiều loại đầu đạn, trong đó có đầu đạn hạt nhân với lượng nổ từ 10 đến 50 kiloton.

Ngoài ra nó cũng có thể sử dụng đầu đạn nổ mạnh, được thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu điểm như cơ sở quân sự, bệ phóng hoặc nhà kho, đầu đạn xuyên giáp dành cho các mục tiêu kiên cố như boongke và cơ sở ngầm và đầu đạn chùm dùng để nhắm mục tiêu diện rộng, chẳng hạn như nơi tập trung quân đội, thiết bị hoặc cơ sở hạ tầng. Đầu đạn chùm này có thể bao phủ diện tích lên tới 1 hécta, đảm bảo gây thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu lớn và tập trung. Khả năng mang nhiều đầu đạn khiến tên lửa trở thành vũ khí đáng gờm, có thể nhắm vào nhiều mục tiêu từ chiến thuật đến chiến lược, từ cơ sở hạ tầng đến tài sản quân sự.

NATO và Ukraine khó đánh chặn Iskander

Iskander-1000 bay theo quỹ đạo đạn đạo, đạt độ cao cực đại 120-130 km. Quỹ đạo cao này làm phức tạp đáng kể các nỗ lực đánh chặn của đối phương, vì các hệ thống chống tên lửa hiện tại hầu như không được trang bị để đánh chặn tên lửa ở độ cao như vậy.

Chẳng hạn, tên lửa phòng không SM-6 của NATO được triển khai tại Ba Lan, có khả năng kiểm soát khí động học hiệu quả ở độ cao lên đến 35 km, thấp hơn nhiều so với độ cao mà Iskander-1000 hoạt động. Còn các tên lửa đánh chặn như tên lửa SM-3 hay tên lửa của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) dựa vào hệ thống dẫn đường hồng ngoại, trở nên kém hiệu quả hơn ở độ cao trên 95-120 km.

Tên lửa cũng thể hiện khả năng cơ động đặc biệt ở cả giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của chuyến bay. Trong quá trình hạ xuống tầng bình lưu, tên lửa đạt tốc độ 1.600-1.900 m/giây, gần gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Khi đi vào tầng đối lưu, tốc độ của tên lửa giảm xuống còn khoảng 1.400-1.600 m/giây, khiến các hệ thống phòng thủ hiện tại khó có thể bắn hạ tên lửa trong giai đoạn bay cuối.

Hiện cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ tư, dù sau khi quay trở lại nhà Trắng nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nỗ lực triển khai các hoạt động đối thoại nhằm chấm dứt xung đột, nhưng đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể nào được ký kết.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đơn phương tuyên bố lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ, yêu cầu đình chỉ mọi hành động quân sự chống lại Ukraine từ nửa đêm ngày 7/5 đến nửa đêm ngày 10/5 và kêu gọi Kiev tham gia lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, ông Zelensky và các quan chức cấp cao khác của Ukraine đã bác bỏ đề xuất này, coi đây là "nỗ lực thao túng" của Nga.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ không còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong vai trò của Washington đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Romania là một phép thử quan trọng đối với làn sóng chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, nay đã xác định được hai ứng cử viên lọt vào vòng thứ hai.

Trong bối cảnh chính trị Hàn Quốc đang rơi vào giai đoạn bất ổn nghiêm trọng trước thềm bầu cử Tổng thống, quyền Tổng thống Lee Ju-ho đã kêu gọi đoàn kết và chung sống hòa bình nhân dịp Lễ Phật Đản, một trong những ngày lễ lớn tại quốc gia này.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và các cố vấn đã có những cuộc thảo luận về cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine trong những ngày gần đây, tuy nhiên không đề cập chi tiết cụ thể.

Trong cuộc họp nội các an ninh diễn ra vào ngày 4/5, Chính phủ Israel đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng quy mô chiến dịch tại Dải Gaza và thiết lập một khuôn khổ mới cho việc chuyển giao viện trợ nhân đạo.

Hai bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine đã bị phá hủy tại khu vực Kherson, truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết.