Chiến sự ngày 28/4: Nga tuyên bố ngừng bắn 3 ngày
Nga đạt được bước tiến vững chắc ở Kharkov, Sumy
Hãng tin Tass của Nga dẫn nguồn tin từ Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Akhmat, Trung tướng Apty Alaudinov ngày 28/4 cho biết, quân đội Nga đã đạt được tốc độ tốt trong cuộc tiến công ở khu vực Sumy, bất chấp những nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm chuyển hướng họ đến các khu vực tiền tuyến khác. Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã báo cáo rằng, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát các khu Veselovka, Zhuravka và Basovka ở vùng Sumy.

Tại Kharkov, quân đội Nga cho biết đã giải phóng cộng đồng Kamenka. Bên cạnh đó, Bộ quốc phòng Nga cho biết, nhóm tác chiến phía Tây đã gây ra hơn 240 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy 6 kho đạn dược của đối phương. Trong khi đó, nhóm tác chiến phía Bắc đã gây ra 220 thương vong cho quân đội Ukraine và phá hủy 1 xe chiến đấu bọc thép, 16 xe cơ giới và 6 khẩu pháo tại khu vực tiền tuyến trong vòng 24 giờ qua.
Cũng trong ngày 28/4, Lực lượng phòng không Nga đã phá hủy 234 UAV của Ukraine, 3 quả bom thông minh JDAM.
Theo thông tin từ cả Nga và Ukraine, trong ngày 28/4, Nga đã phóng tổng cộng 150 máy bay không người lái và tên lửa vào Ukraine. Ở chiều ngược lại, lực lượng không quân Ukraine thông báo 57 chiếc máy bay không người lái của họ đã bị đánh chặn và 67 chiếc khác bị các phương tiện tác chiến điện tử của Nga vô hiệu hóa.
Tổng thống Nga Putin đơn phương tuyên bố ngừng bắn 3 ngày
Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/4 bất ngờ tuyên bố lực lượng Nga sẽ ngừng bắn nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng (9/5). Lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài từ ngày 8/5 đến ngày 11/5.

Hãng tin Sputnik trích tuyên bố từ Điện Kremlin cho biết, theo quyết định của Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin và dựa trên các cân nhắc nhân đạo, phía Nga tuyên bố ngừng bắn trong những ngày kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng (9/5). Theo đó, tất cả các hoạt động chiến đấu sẽ bị đình chỉ trong thời gian này. Nga cũng mong muốn Ukraine tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong trường hợp phía Ukraine vi phạm lệnh ngừng bắn, lực lượng vũ trang Nga sẽ đưa ra phản ứng tương xứng và hiệu quả.
Trước đó, hôm 19/4, Tổng thống Putin bất ngờ tuyên bố một "lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh", kéo dài 30 giờ, từ 18h tối 19/4 đến rạng sáng 21/4 (giờ Moscow). Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Ukraine đã vi phạm lệnh ngừng bắn này 4.900 lần thông qua việc tiếp tục tấn công các vị trí của Lực lượng vũ trang Nga, cũng như các cơ sở dân sự ở khu vực biên giới của Belgorod, Bryansk, Khu vực Kursk và Crimea. Quân đội Nga cũng cho biết, quân nhân Ukraine đã bắn hạ 90 máy bay không người lái trong thời gian ngừng bắn, bao gồm 8 máy bay bên ngoài khu vực hoạt động quân sự đặc biệt.
Ông Putin gửi thư cảm ơn Triều Tiên điều quân giúp Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/4 đã gửi lời cảm ơn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì đã triển khai quân đội để hỗ trợ Moscow trong cuộc chiến với Ukraine. Theo đó, Tổng thống Putin đã gửi lời cảm ơn đến "vai trò tích cực" của quân đội Triều Tiên trên chiến trường, đồng thời khẳng định rằng, việc triển khai quân đội là phù hợp với Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện mà hai nước Nga, Triều Tiên đã ký vào tháng 6 năm ngoái tại Bình Nhưỡng và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuyên bố của ông Putin được cập nhật trên trang web chính thức của Văn phòng Tổng thống Nga chỉ vài giờ sau khi Bình Nhưỡng chính thức xác nhận việc triển khai quân tới Nga và hỗ trợ giải phóng tỉnh Kursk bị Ukraine kiểm soát từ tháng 8 năm ngoái.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn tuyên bố từ Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra quyết định triển khai quân đội theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện mà ông đã ký với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2024. Theo KCNA, thắng lợi của trận chiến giải phóng khu vực Kursk cho thấy "mức độ chiến lược cao nhất của tình hữu nghị chiến đấu vững chắc" giữa Triều Tiên và Nga. Tuyên bố mới từ Ủy ban Quân sự trung ương Triều Tiên đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng xác nhận việc triển khai quân đến Nga.
Tuần trước, Nga cho biết lực lượng Ukraine đã bị trục xuất khỏi ngôi làng cuối cùng của Nga mà họ chiếm giữ ở Kursk, mặc dù Kiev đã phủ nhận tuyên bố này và cho biết quân đội của họ vẫn đang hoạt động ở Belgorod, một khu vực khác của Nga giáp với Ukraine.
Các quan chức Ukraine từng ước tính rằng, Triều Tiên đã gửi tổng cộng 14.000 quân tới Nga kể từ tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, cả Moscow và Bình Nhưỡng đều giữ im lặng về vấn đề này cho đến khi Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov chính thức xác nhận thông tin vào hôm 26/4. Những tuyên bố xác nhận thông tin trên làm dấy lên suy đoán rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sớm tới Nga để hội đàm với Tổng thống Putin nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ điện đàm
Hãng tin Tass của Nga ngày 28/4 đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio đã có cuộc điện đàm nhằm trao đổi về mối quan hệ song phương và khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine. Đây là động thái ngoại giao tiếp nối cuộc trò chuyện ngày 25/4 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm, hai nhà ngoại giao hàng đầu cùa Nga - Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các điều kiện để khởi động các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình ở Ukraine. Trước đó, trong ngày 27/4, phát biểu trên chương trình Meet the Press của NBC, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tiếp tục để ngỏ khả năng Washington từ bỏ các nỗ lực trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Ukraine. Theo ông Rubio, chính quyền Tổng thống Trump trong vài tuần tới sẽ xem xét khả năng hai bên có thể sớm đạt được thỏa thuận hòa bình.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẵn sàng đàm phán, bóng hiện không nằm ở sân của Nga mà ở sân của Ukraine, song Kiev chưa thể hiện thiện chí. Ông Lavrov cũng đồng thời nêu điều kiện bắt buộc để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua. Theo đó, "Việc quốc tế công nhận Crimea, Sevastopol, Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia là một phần của Nga là một điều bắt buộc. Tất cả các cam kết mà Kiev đảm nhận phải có tính ràng buộc về mặt pháp lý, bao gồm các cơ chế thực thi và phải là vĩnh viễn", Ngoại trưởng Nga nêu rõ.
Ông nhấn mạnh, Moscow cũng sẽ kiên quyết đòi hỏi những đảm bảo an ninh vững chắc để bảo vệ chính mình khỏi mọi mối đe dọa "xuất phát từ các hoạt động thù địch của NATO, Liên minh châu Âu và một số quốc gia thành viên của khối này dọc biên giới phía Tây Nga".
Chi tiêu quân sự toàn cầu cao nhất từ Chiến tranh Lạnh
Theo báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố, chi tiêu quân sự thế giới đạt 2,72 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tăng 9,4% so với năm 2023. Đây là mức tăng theo năm mạnh nhất kể từ ít nhất là khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho thấy, căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến chi tiêu quân sự tăng lên ở tất cả các khu vực trên thế giới, với mức tăng trưởng đặc biệt nhanh chóng ở cả châu Âu và Trung Đông. "Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng chi tiêu quân sự vào năm 2024", báo cáo cho biết. Cuộc chiến ở Ukraine và những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã khiến chi tiêu quân sự ở châu Âu (bao gồm cả Nga) tăng 17%, lên mức 639 tỷ USD, đẩy chi tiêu quân sự của châu Âu vượt quá mức được ghi nhận vào cuối Chiến tranh Lạnh.

Chi tiêu quân sự của Nga ước tính đạt 149 tỷ USD vào năm 2024, tăng 38% so với năm 2023 và gấp đôi mức năm 2015. Con số này chiếm 7,1% GDP của Nga và 19% tổng chi tiêu của chính phủ. Tổng chi tiêu quân sự của Ukraine tăng 2,9% lên 64,7 tỷ USD, tương đương 43% chi tiêu của Nga. Với tỷ lệ chi tiêu quân sự chiếm 34% GDP, Ukraine là quốc gia gánh chịu gánh nặng quân sự lớn nhất vào năm 2024. Báo cáo đánh giá, Ukraine hiện đang phân bổ toàn bộ doanh thu thuế cho quân đội. Trong bối cảnh tài chính eo hẹp như vậy, Kiev sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục tăng chi tiêu quân sự. Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Mỹ tăng 5,7% lên 997 tỷ USD, chiếm 66% tổng chi tiêu của NATO và 37% chi tiêu quân sự thế giới vào năm 2024.
Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cảnh báo rằng, khi các chính phủ ngày càng ưu tiên an ninh quân sự, thường là gây tổn hại đến ngân sách cho các lĩnh vực khác, sẽ dẫn đến những đánh đổi về kinh tế và xã hội có thể có tác động đáng kể đến xã hội trong nhiều năm tới.


Cụ bà Anna, 101 tuổi, sống tại làng Nebbiuno, cách Milan (Italia) 70 km có thể là một trong những nữ bartender cao tuổi nhất thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/4 đã gửi lời cảm ơn đến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì đã cử quân đội giúp Nga giành lại khu vực Kursk từ lực lượng Ukraine.
Thành phố Daegu của Hàn Quốc đã ra lệnh sơ tán hơn 1.200 cư dân vào ngày 28/4 sau khi gió mạnh thổi bùng một đám cháy rừng, khiến giới chức buộc phải đóng cửa một tuyến đường trong khu vực để đảm bảo an toàn.
Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế căng thẳng, tránh ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và an ninh toàn cầu.
Hàng trăm người yêu xe đạp tại Thủ đô London, Anh, đã hội tụ để tham gia sự kiện đạp xe thường niên "Tweed Run" - một sự kiện đậm chất cổ điển.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 28/4 bất ngờ tuyên bố, lực lượng Nga sẽ tạm ngừng bắn nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng (9/5). Lệnh ngừng bắn kéo dài từ ngày 8/5 đến ngày 11/5.
0