Bước ngoặt mới của Syria khi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt
Bước ngoặt trong lịch sử Syria
Trong một động thái được đánh giá là mang tính lịch sử và quan trọng, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tuyên bố ý định dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Chính phủ Syria. Thông tin trên được ông Trump đưa ra tại Ả rập Xê út, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du kéo dài bốn ngày tới vùng Vịnh. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định của ông Trump về việc dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt đối với Syria không chỉ đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington, mà còn là một bước ngoặt có thể tái định hình ngoại giao Trung Đông, khôi phục lại hợp tác khu vực, mang đến cho Damascus cơ hội tái gia nhập cộng đồng quốc tế và tái thiết đất nước sau 14 năm nội chiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 đã có cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa. Cái bắt tay và cuộc trò chuyện kéo dài khoảng nửa giờ sau đó giữa ông chủ Nhà Trắng với người từng bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD vì cáo buộc liên quan đến các tổ chức khủng bố, đã gây chấn động dư luận.
Cuộc gặp diễn ra sau 6 tháng khi ông Sharaa dẫn đầu chiến dịch chớp nhoáng lật đổ cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào tháng 12 năm ngoái và tự xưng là người đứng đầu đất nước, qua đó chấm dứt 14 năm nội chiến tại Syria.
Ông Sharaa từng bị liệt vào danh sách các phần tử khủng bố toàn cầu được chỉ định đặc biệt của Mỹ vào năm 2013 vì lãnh đạo nhánh al Qaeda tại Syria là nhóm Mặt trận Al Nusra và bị cáo buộc tổ chức các vụ đánh bom liều chết trên khắp Syria. Là một người gốc Saudi Arabia, cựu tay súng này từng tham chiến chống quân đội Mỹ ở Iraq rồi chuyển sang Syria để lãnh đạo cuộc nổi dậy Hồi giáo lật đổ ông al-Assad.
Cuộc gặp với ông Trump, được chính quyền Syria mô tả là lịch sử, là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ và một tổng thống Syria gặp nhau sau 25 năm. Sự kiện này diễn ra trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump - chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Trước đó một ngày, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mỹ - Ả rập Xê út ở Riyadh, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã tồn tại nhiều thập kỷ đối với Syria. Đây được xem là một sự thay đổi chính sách lớn của Mỹ sau nhiều năm chiến sự ở quốc gia Trung Đông này.
“Syria đã phải hứng chịu đủ đau khổ, chiến tranh, giết chóc trong nhiều năm. Đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đã thực hiện những bước đầu tiên hướng tới việc khôi phục quan hệ bình thường giữa Mỹ và Syria lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Tôi sẽ ra lệnh chấm dứt lệnh trừng phạt đối với Syria để trao cho họ cơ hội đạt được sự vĩ đại”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Từ lâu, Syria đã bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vì cuộc nội chiến kéo dài, mối quan hệ thân cận với Iran và bị xếp vào danh sách “quốc gia bảo trợ khủng bố” từ năm 1979. Những biện pháp trừng phạt này khiến kinh tế Syria gần như tê liệt. Theo Liên hợp quốc, 90% người dân Syria hiện sống dưới mức nghèo khổ và sản lượng kinh tế của đất nước này chỉ bằng 1/4 so với mức trước nội chiến. Trong bối cảnh ấy, việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt là một chiến thắng quan trọng cho Chính phủ của ông Ahmed al-Sharaa.
“Dỡ bỏ lệnh trừng phạt là một quyết định lịch sử, dũng cảm đã làm giảm bớt nỗi đau khổ của người dân, giúp họ hồi sinh và đặt nền tảng cho sự ổn định trong khu vực. Syria cam kết cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng luật kinh tế và cung cấp các cơ sở cần thiết để cho phép vốn trong nước và nước ngoài đóng góp hiệu quả vào quá trình tái thiết và phát triển toàn diện”.
Tổng thống lâm thời Syria Ahmed Al-Sharaa
Với người dân Syria, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ có tác động tích cực giúp họ thoát khỏi trạng thái cô lập với thế giới bên ngoài, cũng như mang lại cơ hội hồi sinh cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Giới quan sát nhận định, sự thay đổi lãnh đạo tại Damascus đã tạo điều kiện cho bước ngoặt trong chính sách của Washington. Dù mới nắm quyền nhưng chính quyền mới tại Syria đã có nhiều động thái nhằm xích gần với phương Tây, trong đó có việc hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ để triệt phá mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), bắt giữ nhiều đối tượng chủ chốt và ngăn chặn nhiều âm mưu tấn công khủng bố vào Thủ đô Damascus. Bản thân lãnh đạo lâm thời Ahmed al-Sharaa cũng đã phát tín hiệu rõ ràng về mong muốn hàn gắn quan hệ với Washington thông qua việc đề xuất xây dựng một tòa tháp Trump tại Damascus và mở cửa cho các công ty dầu khí Mỹ khai thác tài nguyên tại Syria.
Cơ hội và thách thức
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang mở ra kỳ vọng phục hồi cho nền kinh tế Syria sau 14 năm chìm trong nội chiến. Tuy nhiên, liệu việc gỡ bỏ các rào cản có thể diễn ra đủ nhanh, để công cuộc tái thiết quốc gia này đủ sức hấp dẫn các 'ông lớn' đầu tư toàn cầu hay không, vẫn còn là câu hỏi lớn.
Syria từng là một trong những quốc gia bị cô lập kinh tế nghiêm trọng nhất thế giới. Sau chiến tranh, cơ sở hạ tầng tan hoang, từ đường sá, bệnh viện đến mạng lưới điện, khiến việc cung cấp dịch vụ cơ bản trở nên cực kỳ khó khăn.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, Syria đã thiệt hại khoảng 800 tỷ USD do chiến tranh. Một báo cáo khác cho rằng, chi phí tái thiết sẽ cần từ 400 đến 600 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 1.000 tỷ USD.
Việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mở đường cho các tổ chức nhân đạo tăng tốc phân phối lương thực, thuốc men và hàng hóa thiết yếu. Cộng đồng người Syria ở nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng, với dòng kiều hối, các dự án cộng đồng và đội ngũ chuyên gia sẽ góp phần hồi sinh đất nước. Đồng thời, các nước láng giềng giàu có như Saudi Arabia, Qatar và UAE sẽ có thể đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và công nghiệp, góp phần ổn định khu vực.
“Chắc chắn, Syria sẽ không đơn độc. Ả rập Xê út và các đối tác quốc tế khác của chúng tôi sẽ đi đầu trong việc hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của Syria. Sẽ có những nỗ lực hỗ trợ một số khía cạnh nhất định, nhưng cũng có cả đầu tư vào hỗ trợ phát triển. Điều chúng tôi muốn thấy là Syria xây dựng một nền kinh tế bền vững và phát triển khả năng tự cung tự cấp. Tất cả những điều này đều có thể, chỉ cần một cú hích ngay bây giờ”.
Ông Faisal Bin Farhan Al-Saud - Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê út
Theo giới quan sát, việc đưa Syria trở lại cộng đồng quốc tế đang tiếp sức cho chính quyền non trẻ và tổng thống mới của Syria. Tuy vậy, diễn biến này cũng mở ra cơ hội mở rộng ảnh hưởng tại Syria và thu lợi cho các quốc gia Ả rập, vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là những nước từng hối thúc Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.
Chưa rõ liệu Mỹ và EU có trực tiếp đầu tư vào Syria hay không, nhưng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tái thiết. Liên hợp quốc và Ngân hàng thế giới (WB) cũng được kỳ vọng sẽ dẫn đầu các nỗ lực tài trợ cho nhà ở, y tế, giáo dục và hạ tầng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cho việc tái thiết Syria, để đất nước này trở thành nơi mà tất cả người Syria thuộc mọi tín ngưỡng, mọi sắc tộc và dân tộc thiểu số đều cảm thấy an toàn và được đại diện”.
Ông Stephane Dujarric, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc
Tuy vậy, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ bỏ trừng phạt mới chỉ là bước đầu tiên. Ông Trump nói rằng việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ mang lại cho Syria “một khởi đầu mới”, nhưng ông không đề cập đến thời điểm lệnh trừng phạt sẽ chính thức được dỡ bỏ và theo cơ chế nào. Trên thực tế, ông Trump có thể tự mình đình chỉ một số lệnh trừng phạt, nhưng một số lệnh trừng phạt khác cần được Quốc hội thông qua.
Tại Mỹ, một số nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cho rằng quyết định này là “vội vàng”, “thiếu minh bạch” và “không có sự tham vấn với Quốc hội”. Nhiều nhà phân tích cũng lo ngại việc hợp tác với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa - người trước đây được cho là có liên quan đến Tổ chức khủng bố Al-Qaeda, sẽ tiềm ẩn rủi ro trong dài hạn.
“Cả Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ cần phải thận trọng. Không thể đặt cược hoàn toàn vào một chế độ khi họ mới cầm quyền được 6 tháng. Không có gì đảm bảo họ sẽ duy trì quyền lực lâu dài. Syria đang trải qua một cuộc cách mạng sâu rộng, với một chính quyền mới đang cố gắng tái cấu trúc xã hội. Mọi thứ có thể thay đổi theo những cách không thể lường trước”.
Bà Rosemary Kelanic, Tổ chức ưu tiên quốc phòng
Sự mơ hồ về mặt pháp lý có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư và ngân hàng quốc tế, nhiều bên trong số đó từng áp dụng thái độ “chờ đợi và quan sát” khi Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Iran vào năm 2015.
Thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực
Việc Tổng thống Donald Trump quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria là một sự thay đổi quan trọng có thể định hình di sản của ông tại Trung Đông. Động thái này báo hiệu một cơ hội để đảm bảo chiến thắng lâu dài của Mỹ tại Syria thông qua việc ổn định khu vực, hạn chế ảnh hưởng của các đối thủ như Nga và Trung Quốc, mở ra các cơ hội kinh tế cho các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời thay đổi cán cân quyền lực tại khu vực.
Theo giới quan sát, các lệnh trừng phạt hiện tại đang làm suy yếu chính phủ mới của Syria. Nếu chúng vẫn được áp dụng, nền kinh tế Syria sẽ tiếp tục lao dốc không phanh, khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào Nga, Trung Quốc và Iran. Kinh tế suy yếu cũng sẽ mở ra cánh cửa cho chủ nghĩa cực đoan mới, bất ổn khu vực và sự trỗi dậy trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS).
Trong bối cảnh đó, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ cho phép các công ty Mỹ cạnh tranh với các công ty Trung Quốc để giành được các hợp đồng trong nỗ lực tái thiết trị giá 400 tỷ USD của Syria. Quyết định này sẽ tạo điều kiện để ông Trump tận dụng nguồn tài trợ của vùng Vịnh, tạo việc làm ở cả Syria và Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò duy trì ổn định của Washington tại khu vực.
“Tổng thống có thể đã tính toán rằng việc dỡ bỏ trừng phạt Syria sẽ không chỉ mang lại thiện chí cho vùng Vịnh mà còn giúp tạo điều kiện cho các thỏa thuận sinh lợi với các doanh nghiệp Mỹ và đầu tư quy mô lớn của vùng Vịnh, những mục tiêu dự kiến từ chuyến đi của ông”.
Ông Mona Yacoubian - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington, DC
Không chỉ vậy, một Syria thịnh vượng cũng sẽ giúp giảm dòng người tị nạn đến Mỹ, làm suy yếu các lực lượng Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đồng thời loại bỏ nguy cơ Syria trở thành mối đe dọa đối với Israel - một đồng minh của Mỹ tại khu vực.
Ngày 15/5, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Asaad al-Shibani và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã tiến hành họp ba bên để thảo luận về các bước cần thực hiện nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Syria.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã nêu ra các yêu cầu của Washington mà không nói rõ liệu chúng có phải là điều kiện để dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay không, bao gồm Syria phải trục xuất các chiến binh nước ngoài khỏi lãnh thổ của mình; trục xuất dân quân Palestine; hợp tác với Mỹ để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của ISIS; tiếp quản các trại giam giữ ISIS ở Syria; và tham gia Hiệp định Abraham, các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian nhằm bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Ả rập và Israel.
Mặc dù lời kêu gọi Syria tham gia Hiệp định Abraham đang đi xa hơn những yêu cầu trước đó của Mỹ, nhưng ông Trump thừa nhận, ông không mong đợi rằng Syria sẽ hành động ngay lập tức.
Trong bối cảnh ấy, Israel là quốc gia đang lo ngại nhất trước việc Mỹ thiết lập quan hệ với chính quyền Syria, bởi điều này đi ngược lại lợi ích của Tel Aviv. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các thành viên khác trong nội các đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những nguy cơ tiềm tàng của việc một cựu chiến binh thánh chiến nắm quyền kiểm soát chính phủ ở Damascus, lo ngại rằng sự kiện ngày 7/10/2023 khi các tay súng Hamas tấn công Israel.
Không lâu sau khi chính quyền của ông al-Assad bị lật đổ, Israel đã tiến hành chiến dịch trên bộ sâu chưa từng có vào Syria. Hàng trăm cuộc không kích được thực hiện nhằm vào kho vũ khí còn sót lại của ông al-Assad, đặc biệt là vũ khí hóa học, nhằm ngăn chúng rơi vào tay các nhóm vũ trang. Israel cũng kiểm soát Núi Hermon - đỉnh núi cao nhất của Syria, vị trí chiến lược có thể quan sát cả Israel, Liban và Syria.
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Trung Đông không chỉ có những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD và cơ hội tăng cường quan hệ ngoại giao mà còn là cơ hội để ông chủ Nhà Trắng chứng tỏ mình là một bậc thầy đàm phán. Tuy vậy, những quyết định đôi khi gây sốc của ông cũng đang tạo ra những xáo trộn trong bức tranh địa chính trị của khu vực.
Một nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Jusoor có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dự đoán, kinh tế Syria sẽ hồi phục mạnh mẽ nếu được dỡ bỏ trừng phạt. Sau hơn một thập kỷ chìm trong lửa đạn và đói nghèo, ánh sáng hy vọng đang le lói tại Syria. Tuy nhiên, việc khơi thông dòng vốn đầu tư và viện trợ sẽ chỉ là bước đầu. Tương lai của Syria vẫn còn phụ thuộc vào khả năng vượt qua những rào cản nội tại để xây dựng lại từ đống tro tàn.


Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện một kế hoạch di dời vĩnh viễn khoảng một triệu người Palestine từ Dải Gaza đến Libya, Hãng NBC News ngày 16/5 dẫn 5 nguồn tin cho biết.
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu khí Nga để gia tăng sức ép lên Moscow liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc.
Trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky, cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine lẽ ra đã có thể kết thúc nhanh chóng nếu Kiev chấp nhận đàm phán ngay từ đầu thay vì nghe theo các nước phương Tây và lựa chọn con đường quân sự.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa công bố một chiến dịch ném bom mới tại Dải Gaza nhằm đánh bại phong trào Hamas.
Nga và Ukraine ngày 16/5 đã công bố kết quả cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2022, diễn ra tại Cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
0