100 ngày nỗ lực thay đổi trật tự thế giới của ông Trump

Một Tổng thống Trump “mạnh dạn hơn, cực đoan hơn, quyết tâm hơn” trong 100 ngày đầu tiên của mình so với năm 2017, đó là những gì cả thế giới đã chứng kiến và phải thừa nhận.

100 ngày nỗ lực thay đổi trật tự thế giới

Ngày 30/4 đánh dấu 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Hơn ba tháng qua, thế giới đã chứng kiến một giai đoạn đầy kịch tính, gây nhiều tranh cãi sau một loạt các chính sách được ông Trump ráo riết thực thi ngay từ những giờ phút đầu tiên quay trở lại Nhà Trắng.

Tổng thống Trump đã triển khai chính sách nhập cư cứng rắn, thúc đẩy chương trình cắt giảm bộ máy liên bang cồng kềnh, cắt giảm viện trợ nước ngoài và rút Mỹ khỏi một loạt các tổ chức và hiệp định quốc tế. Ông đã phát động một cuộc chiến thuế quan toàn cầu chưa từng có, hạ thấp các đồng minh.

Chỉ trong vỏn vẹn 100 ngày, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành một chiến dịch không thể đoán trước làm xáo trộn một số phần của trật tự thế giới dựa trên luật lệ mà Washington đã chung tay xây dựng từ đống tro tàn của Thế chiến II.

Năm 2017, ông Donald Trump, với tư cách là một chính trị gia mới vào nghề đã phải vật lộn để thành lập một nội các gắn kết. Và thành tựu lớn nhất được ghi nhận trong những ngày đầu làm tổng thống của ông là đạt được tiến triển trong các sáng kiến táo bạo như bức tường biên giới phía Nam và cắt giảm chi tiêu liên bang. Nhưng 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 47 khác biệt hẳn so với 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ thứ 45, dù đó vẫn chỉ là một người.

Năm 2016, có thể nói ông Trump không nghĩ là mình sẽ giành chiến thắng, do đó đã không có nhiều sự chuẩn bị. Nhưng giờ, ông ấy và đội ngũ của mình đã có bốn năm để chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thực hiện những điều họ muốn làm.

Giáo sư Matthew Dallek - Đại học George Washington, Mỹ.

Chỉ trong vòng 100 ngày, Tổng thống Trump, với sự chuẩn bị tốt hơn, tự tin hơn, táo bạo hơn, đã tiên phong trong việc thực hiện những thay đổi về chính sách đối nội và đối ngoại song song, với cường độ, phạm vi và tác động vượt xa nhiệm kỳ đầu tiên của ông.

Ở trong nước, ông tập trung quyền lực vào cơ quan hành pháp. Với sự hỗ trợ của Bộ Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk đứng đầu, ông Trump đã cắt giảm các cơ quan chính phủ được Quốc hội ủy quyền, trong đó có Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, giải thể Bộ Giáo dục. Kết quả là, hơn 200 nghìn nhân viên liên bang Mỹ đã mất việc và một loạt khoản viện trợ quốc tế đã bị hủy bỏ trong quá trình ông Trump thực hiện mục tiêu cắt giảm 1 nghìn tỷ USD trong ngân sách liên bang trị giá 6,7 nghìn tỷ USD.

Đồng thời, ông Trump đã ban hành một loạt các sắc lệnh hành pháp quyết liệt nhất và triệt để nhất để siết chặt kiểm soát dòng người di cư ở biên giới phía Nam và trục xuất người di cư. Trong quá trình này ông Trump cũng không ngại tuyên chiến với hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, số người nhập cảnh trái phép vào Mỹ giảm nhưng vẫn thấp hơn so với những tháng cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.

Để tìm cách tái thiết nền kinh tế toàn cầu, ông Trump đã kích hoạt một cuộc chiến thương mại bằng cách tung ra một loạt các mức thuế quan, cả trên diện rộng và có mục tiêu. Theo quan điểm của ông, nước Mỹ đang bị lợi dụng và kết quả là phải chịu các thỏa thuận thương mại không công bằng.

Dựa trên sự thiếu tôn trọng mà Trung Quốc đã thể hiện đối với thị trường thế giới, tôi sẽ tăng thuế quan mà Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chủ nghĩa giao dịch của ông Trump không chỉ giới hạn ở thuế quan. Ông Trump đã huỷ hoại rất nhiều thành tựu cầm quyền nổi bật của nhiều người tiền nhiệm như về bình đẳng và đa dạng giới tính, về tự do báo chí và ngôn luận, về văn hoá và giáo dục cũng như về nâng cao vị thế, ảnh hưởng và vai trò quốc tế của nước Mỹ.

Nội bộ chính trường và xã hội bị phân hoá thêm sâu sắc. Sự tin cậy của đồng minh và đối tác vào các cam kết của phía Mỹ và vào tương lai ổn định bền vững của các mối quan hệ của Mỹ với họ bị suy giảm đáng kể. Những bằng chứng điển hình là quyết sách của ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên hợp quốc về khí hậu trái đất, Tổ chức Y tế thế giới hay Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc. Hay như việc ông Trump chấm dứt viện trợ nhân đạo và phát triển cho các nước trên thế giới, đe dọa làm gián đoạn nhiều mục tiêu phát triển toàn cầu trong tương lai; quan điểm chính sách của ông Trump về EU, NATO và Ukraine, về Panama, Canada và đảo Greenland cũng đã gây ra sự bất an sâu sắc cho các đối tác.

Đồng thời, ông đã đảo ngược chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến tranh kéo dài ba năm của Nga ở Ukraine và tham gia khởi động các cuộc đàm phán với Iran, và có thể sắp tới là Triều Tiên, vốn bị đóng băng sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2021.

100 ngày đầu tiên của ông Trump thực sự đã gây ra những gián đoạn. Nhiều người có thể cho rằng đây là một giai đoạn phá vỡ nhiều hơn là sửa chữa. Tôi nghĩ chúng ta sẽ nhớ giai đoạn này vì thực sự đây có lẽ là sự thay đổi lớn nhất mà chúng ta từng thấy ở nước Mỹ về cả chính phủ và vị thế trên toàn cầu.

Bà Carolyn Kissane - Trung tâm các vấn đề toàn cầu, Đại học New York, Mỹ.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng với cương lĩnh "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", trong đó ưu tiên "Nước Mỹ trên hết" để thúc đẩy các cải cách trong và ngoài nước. Sau 100 ngày đầu tiên cầm quyền, ông Trump đã chấm dứt sự tham gia của nước Mỹ vào toàn cầu hoá và thương mại tự do trên thế giới. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa thành công với nhiều mục tiêu: giảm ngay chi phí sinh hoạt thường nhật cho người dân ở Mỹ, đạt được thoả thuận thương mại mới với các đối tác kinh tế và thương mại, chấm dứt hai cuộc chiến ở Ukraine và Gaza. Cuộc chiến thương mại do ông phát động một cách quyết liệt cũng buộc phải “cài số lùi”.

Điểm sáng duy nhất là Mỹ và Iran đã đàm phán vừa gián tiếp vừa trực tiếp với nhau và đạt được tiến triển ban đầu rất đáng khích lệ về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran.

Nước Mỹ bất an với chính sách “khổ trước sướng sau”

Theo thống kê của hãng tin AP, ông Trump đã thực hiện xong 4 trong tổng số hơn 20 lời hứa với cử tri mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Ông Trump cũng đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp để hiện thực hóa các lời hứa khác với cử tri. Tuy nhiên, những sự thay đổi liên tục trong các quyết sách của ông chủ Nhà Trắng đang khiến ngay cả những người từng bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2024 cũng cảm thấy bất an.

Quyết định tăng thuế đối với Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump vào ngày 9/4 đã gây chấn động với ông Steve Egan, một chủ doanh nghiệp bán sản phẩm khuyến mại ở Tampa, Florida, vốn đang trong quá trình đặt hàng 5.000 con vịt cao su từ một nhà cung cấp Trung Quốc. Theo ông Egan, chỉ sau một đêm, giá của những con vịt đã tăng từ 29 lên 45 xu một con. Đơn hàng đó hiện đang bị tạm dừng cùng với các đơn hàng cho hàng nghìn mặt hàng khác.

Tôi đã bầu cho ông Trump và giờ tôi đang chật vật ứng phó hậu quả của chính sách thuế quan. So với quý I của năm ngoái, doanh thu cùng kỳ của chúng tôi trong năm nay giảm 70%.

Ông Steve Egan - Chủ doanh nghiệp tại Florida, Mỹ.

Hàng loạt biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump đối với các đối tác thương mại toàn cầu đã gây ra tác động lan tỏa trong vài tháng qua, ảnh hưởng đến sinh kế của vô số người Mỹ, bao gồm nhiều người, giống như ông Egan, đã bỏ phiếu cho ông Trump. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng, thuế quan có thể gây ra lạm phát, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ và khiến một gia đình trung bình ở nước này phải trả thêm hàng nghìn USD do giá cả tăng.

Với các quyết sách liên tục thay đổi của chính quyền Tổng thống Trump, các doanh nghiệp Mỹ cũng cảm thấy vô cùng khó khăn khi đưa ra quyết định đầu tư và quá trình này cũng sẽ kéo dài nhiều năm. Apple là một trong số những ví dụ điển hình, bởi sự phụ thuộc lớn của họ vào Trung Quốc.

Vì dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp từ lâu đã được xây dựng ở châu Á, nên thuế suất cao sẽ ảnh hưởng tới chi phí, tăng trưởng và đầu tư của họ. Với Apple, nếu bạn thích iPhone 3.500 USD, chúng ta nên sản xuất chúng tại Mỹ. Nếu bạn thích iPhone 1.000 USD, thì nên sản xuất chúng tại Trung Quốc. Đó là thực tế và đó là lý do tại sao cuộc chiến thuế quan lần này là điều ngớ ngẩn.

Ông Dan Ives - Giám đốc điều hành Công ty tài chính Wedbush Securities, Mỹ.

Ông Trump gọi “bức tường thuế quan” của ông là “bản tuyên ngôn độc lập về kinh tế” mà sẽ khiến Mỹ trở nên “tốt đẹp và giàu có”. Nói cách khác, ông đang cố gắng thuyết phục rằng, cử tri Mỹ rằng họ sẽ phải chịu khó khăn trong ngắn hạn nhưng sẽ thu được lợi ích lâu dài. Sự gián đoạn trong những tuần, những tháng qua đang đặt ra câu hỏi rằng liệu những khó khăn trước mắt có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì ông ám chỉ không? Và liệu những lợi ích về lâu dài có trở thành hiện thực?

Kết quả thăm dò mới được Đài CNN công bố cho thấy, 59% người Mỹ cho rằng các chính sách của ông Trump đã khiến nền kinh tế tệ đi. Còn theo dữ liệu trung bình từ các cuộc khảo sát của New York Times công bố hôm 24/4 vừa qua, tỷ lệ ủng hộ ông Trump hiện nay đã giảm xuống còn 45%, so với mức 52% được ghi nhận vào tuần đầu tiên sau khi ông nhậm chức. Đây là mức thấp thứ hai trong số các Tổng thống Mỹ sau Thế chiến II.

Thế giới thích nghi với Trump 2.0

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang hành động quyết liệt trên mọi mặt trận với hy vọng có thể tạo ra được những thay đổi mang tính hệ thống. Tuy nhiên, thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang trật tự đa cực, khi ngày càng có nhiều quốc gia có khả năng tác động đến các diễn biến toàn cầu. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã và đang hành động để thích nghi với những thay đổi trong ít nhất là hơn ba năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Trump.

Liên minh châu Âu, đồng minh lâu đời mà Tổng thống Trump đã chuẩn bị một loạt các mức thuế trả đũa nếu các cuộc đàm phán thất bại.

Một số quốc gia như Đức và Pháp đang xem xét chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, điều mà ông Trump đã yêu cầu. Nhưng điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc các quốc gia trên đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng của riêng họ và mua ít vũ khí hơn từ Mỹ.

Với quan hệ đồng minh lâu năm hiện đang căng thẳng, Canada đang tìm cách tăng cường các mối liên kết kinh tế và an ninh với châu Âu. Điều này diễn ra trong bối cảnh các hành động của Tổng thống Mỹ đã gây ra làn sóng dân tộc chủ nghĩa và thúc đẩy nhận thức ở Canada rằng Washington không còn là đối tác đáng tin cậy nữa.

Tổng thống Trump đã lặp lại những lời chỉ trích Canada. Ông ấy nói rằng ông ấy 'không muốn Canada tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ'. Vì vậy, tôi cũng sẽ nói rõ ràng: Đây là Canada - chúng tôi quyết định những gì sẽ xảy ra ở đây. Tuyên bố của ông Trump là một bằng chứng nữa cho thấy mối quan hệ cũ với nước Mỹ đã kết thúc và là bằng chứng cho thấy chúng ta cần vạch ra một con đường mới.

Thủ tướng Canada Mark Carney.

Hàn Quốc cũng bị lung lay bởi các chính sách của ông Trump, bao gồm cả lời đe dọa rút quân đội Mỹ đang đồn trú ở nước này. Tuy nhiên, Seoul đang cố gắng hợp tác với ông Trump trong vấn đề thuế quan cũng như duy trì liên minh mà họ coi là quan trọng chống lại mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng đang phòng ngừa rủi ro bằng cách vừa hợp tác kinh tế và thương mại song phương theo thoả thuận song phương với Mỹ, vừa tiếp tục tham gia toàn cầu hoá và thương mại tự do với phần còn lại của thế giới.

Ông Aaron David Miller, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ trong cả chính quyền Cộng hòa và Dân chủ cho biết, vẫn chưa quá muộn để ông Trump thay đổi hướng đi về chính sách đối ngoại, đặc biệt là nếu ông bắt đầu cảm thấy áp lực từ những người Cộng hòa khác đang lo lắng về rủi ro kinh tế khi họ tìm cách giữ quyền kiểm soát Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.

Chưa đầy 100 ngày ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã khiến cho các đồng minh của Mỹ khắp 5 châu trở nên bất an hơn bao giờ hết. Ông làm rung chuyển hệ thống kinh tế thương mại thế giới, đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa, giảm bớt vai trò thống trị của đồng USD. Ông Trump làm yếu đi “quyền lực mềm” của Mỹ, làm suy yếu nền tảng của Hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo, cấu trúc an ninh toàn cầu với Mỹ là trung tâm.

Một số nhà phân tích cho rằng, quan điểm “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump hoàn toàn có thể trở thành “Nước Mỹ đơn độc” nếu ông chủ Nhà Trắng không thay đổi hướng đi về chính sách đối ngoại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển một công ty sản xuất thuốc súng hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan an ninh hàng đầu Iran ở tỉnh Isfahan, miền Trung nước này vào ngày 29/4.

Các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza tại Thủ đô Cairo (Ai Cập) đang tiến gần tới bước đột phá quan trọng.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất ô tô để giảm tác động của thuế nhập khẩu đối với ngành này.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin ngày 29/4, vụ cháy xảy ra tại một nhà hàng ở Đông Bắc nước này đã khiến 22 người thiệt mạng.

Theo thống kê mới nhất, vụ nổ xảy ra ngày 26/4 gây cháy lớn tại cảng Shahid Rajaee ở miền Nam Iran đã khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, hơn 1.000 người bị thương, làm hư hại nhiều tài sản tại cảng và các khu vực lân cận. Hiện đám cháy đã được dập tắt song có nhiều đồn đoán về nguyên nhân gây ra vụ nổ khủng khiếp này.

Một số hãng hàng không quốc tế đã quyết định ngừng khai thác các chuyến bay tới Israel trước những bất ổn an ninh leo thang tại Trung Đông.