Tiếng chim thao thiết gọi mùa

Những bông đót khắp triền đồi từ xanh non đã chuyển sang màu nâu thẫm. Nắng ùa về sắc vàng thơm nồng hương cỏ lúa. Mùa xuân đương độ chín sau những náo nức hội làng. Đó cũng là mùa đồng quê được ướp thêm một dạng âm thanh làm đầy cảm xúc. Tiếng chim 'bắt cô trói cột'.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những dòng tự sự của Diệu Hiền.

“Bắt cô trói cột... Bắt cô trói cột” ngân vang lên suốt ngày suốt đêm không hề ngưng nghỉ. Tôi chưa từng thấy rõ hình dáng loài chim này ngoài đời bao giờ. Tôi cũng không biết tuổi thọ của chim “bắt cô” kéo dài bao nhiêu năm tháng. Tôi chỉ biết đã nghe tiếng chim này từ thời thơ ấu chăn bò, mót lúa đến bây giờ đã ngót nửa thế kỷ. Mỗi độ tháng Tư, khi cánh đồng làng lúa xanh trĩu dần qua màu vàng óng, tiếng chim khắc khoải quay về. Nghe tiếng chim vang vang đều đều “bắt cô trói cột” mà thương lạ. Người quê tôi kể nhiều sự tích về loài chim này. Nhưng dù là gì thì loài chim này vẫn là điều bí ẩn khó nắm bắt. Hình như đó là sự huyền diệu của tự nhiên muôn vật chợt đến chợt đi. Đến là kêu vang vọng đất trời. Đi là đi bặt tăm không dấu hiệu gì báo trước. Đến mùa năm sau lại trở về. Cũng vì thế mà tôi gọi “bắt cô trói cột” là chim báo mùa.

Loài Chim bắt cô trói cột. Ảnh: thienduongcacanh

“Bắt cô trói cột” có lẽ là loài chim di cư và đều đặn trở về với làng quê khi vụ chiêm vào mùa gặt. Thường cứ hoa gạo tàn là tiếng chim khắc khoải vang lên từ sáng đến tối, từ tối đến sáng. Tiếng chim rơi huyền diệu, tan loang rồi trỗi lên trong tịch lặng của đêm. Tôi nghe tiếng chim vang từ xa đến gần rồi lại xa. Hình như chim vừa bay vừa hót. Mà tiếng hót giữa mùa vui sao vẫn gợi điều gì thê thiết, xa xăm. Tiếng chim làm đầy ắp âm thanh làng quê vào mùa lúa chín.

Tiếng chim thường gợi cho tôi nhớ về ban mai tinh khiết, gợi cảm xúc ríu rít vui tươi như  sẻ nâu, chào mào, chim sâu, gõ kiến..... Mỗi loài chim góp cho bản hợp xướng cuộc đời một giai điệu, tiết tấu khác nhau, vui buồn có, rộn ràng, da diết cũng nhiều. Ba tôi gọi “bắt cô trói cột” là tiếng chim gác núi lời ca mỗi chiều. Tôi nghĩ đó là giai điệu thao thiết của ngày mùa nơi xóm nhỏ.

Chim bắt cô trói cột thường sống trong rừng, ở độ cao trên 3.600m. Ảnh: blogspot

Ai đó gọi bình yên là chiếc áo với nhiều họa tiết khác nhau, lúc sặc sỡ lúc trầm ngâm. Tiếng chim “bắt cô trói cột” đều đều vang vang nơi làng quê là “họa tiết trầm ngâm” góp thêm vẻ đẹp sâu lắng trên nền chiếc áo đa sắc của miền trung du vào mùa gặt.

Nhưng giờ đây, nhiều loại chim dường như đã không còn thấy nữa, như dồng dộc với chiếc tổ độc đáo treo khắp ngọn tre ngọn dừa; như chim cuốc với tiếng “khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ” trong thơ Nguyễn Khuyến chiều chiều vang vọng bờ tre góc phố… Tôi tự hỏi, một ngày nào đó liệu tiếng chim gọi mùa có còn vang lên mỗi mùa gặt hay lại chỉ còn trong ký ức của tôi?

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.

Theo thời gian, có người dần hiểu ra rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một người hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Cô bắt đầu học cách chấp nhận chính mình giữa một thế giới vô vàn những điều không hoàn hảo. Và cô nhận ra rằng: yêu thương bản thân chưa bao giờ là đủ.

Thời gian là thứ công bằng nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Nhưng có lẽ, điều đáng sợ nhất về thời gian không phải là nó cứ trôi đi mà chẳng chờ đợi ai, mà chính là việc nó có thể đưa mọi thứ vào lãng quên.

Năm nay thời tiết thật lạ kỳ. Giữa tháng Tư mà vẫn đợt gió mùa, trời trở lạnh. Cái rét nàng Bân chạm tới đầu hè…

Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.

Có người chạm khẽ Hà Nội lần đầu vào một mùa hạ nóng rực lúc vừa kết thúc năm ba đại học. Với tính cách thích là nhích, hành trang ngày ấy của cô ngoài ví tiền thì chỉ còn vỏn vẹn một mảnh nhiệt huyết xê dịch cháy bỏng. Trong tưởng tượng của cô sinh viên Sài Gòn khi đó, Hà Nội là một khái niệm lạ lẫm vô cùng.