Thư Bác Hồ gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1945
Trong bức thư này, bằng tình cảm ruột thịt, coi mình như người anh lớn, Bác Hồ ân cần khuyên bảo, căn dặn và khích lệ học sinh phải cố gắng tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành: “Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”, với mục đích sau này “gây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”. Đặc biệt, Bác đã đặt niềm tin và hy vọng rất lớn vào khả năng và vai trò to lớn của các em học sinh trong công cuộc kiến thiết nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
“Thư gửi cho các học sinh” là một tư liệu lịch sử, là di sản tinh thần vô giá không chỉ đối với ngành Giáo dục mà cho cả Đảng và Nhà nước ta; thể hiện tình cảm và tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt của Bác Hồ đối với sự nghiệp trồng người. Thực hiện lời dạy của Bác, 74 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, góp phần giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ học sinh trở thành những “người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”; đưa đất nước ta với hơn 90% người dân mù chữ năm 1945 thành một nước có nền giáo dục phát triển như hiện nay. Sự nghiệp giáo dục đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.
Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.
Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.
Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.
Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc.
Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.
Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.
Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Chào các em thân yêu
Hồ Chí Minh (Tháng 9/1945)


Chủ đề: Phân tích dạng bài Liên kết logic văn bản và Luyện tập. Giáo viên Nguyễn Lê Hồng Nhung -Trường THPT Chuyên Chu Văn An - Hà Nội.
Bộ GD&ĐT khẳng định thí sinh tự do học chương trình 2006 sẽ được tạo điều kiện tối đa để dự thi đúng nội dung đã học, đảm bảo công bằng và quyền lợi.
Lần đầu tiên Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khởi xướng dự án hướng nghiệp trực tiếp tại 19 tỉnh, thành phố nhằm cung cấp thông tin về các con đường an toàn, hợp pháp để sang Đức học tập và làm việc.
Chủ đề: Đại số tổ hợp, Xác suất. Giáo viên Nguyễn Bá Tuấn - Trường THPT Chuyên Chu Văn An.
Bộ GD&ĐT cho biết, tỷ lệ phân bố câu hỏi các cấp độ tư duy trong đề thi tốt nghiệp THPT: biết, hiểu, vận dụng là 4-3-3. Học sinh cần hiểu các kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn, vận dụng.
Với cấu trúc của đề thi minh họa và từ kết quả khảo sát học sinh lớp 12 tại các địa phương đã ghi nhận đề thi năm nay có tính phân hóa rõ rệt, đáp ứng mục tiêu vừa xét tốt nghiệp, vừa phục vụ tuyển sinh đại học.
0