Những mùa bánh chưng của cha
Cha tôi có thói quen tính tuổi mình bằng những mùa bánh chưng. Ông nội tôi mất khi cha vừa bảy tuổi, chú lên năm và cô út lên ba. Vì thiếu người đàn ông trụ cột trong gia đình, cha tôi tập đứng dậy, tập lớn để đỡ đần bà nội và là điểm tựa cho hai người em. Thứ cha phải học đầu tiên là gói bánh chưng dâng lên bàn thờ tiên tổ mỗi dịp xuân về.
Cứ mỗi ba mươi Tết, cha ngồi gói bánh chưng và đếm tuổi mình. Bàn tay người tỉ mẩn từng cọng lá, từng dây lạt buộc bánh giống như một nghệ nhân thực sự. Bên ngoài xuân đang về. Gió xuân mơn man phả hơi lạnh dịu dàng để nâng đón những làn mưa xuân mỏng. Nó mỏng như những cánh hoa đào phô sắc hồng lả lướt bay rồi thả hồn xuống mặt đất để vẽ sắc xuân. Chúa xuân đang dìu hơi xuân đến với đất trời, với vạn vật.
Hồn Tết Việt sẽ không còn nếu như không có bánh chưng. Không hiểu xa xưa, Hoàng tử Lang Liêu tận thiện, tận hiếu đến mức nào mà được một đại giác giả truyền bí kíp làm bánh để dâng vua cha và được truyền ngôi báu? Để đến bây giờ người Việt vẫn tôn vinh và lưu giữ. Đó chẳng phải là tâm nguyện muôn đời của ông cha ta được hoài thai từ thời lập quốc đó sao?
Tôi ngồi ngắm cha gói bánh và nghĩ về một vị vua đã sáng tạo ra một vị bánh đặc biệt để dâng tiên tổ. Thực tế đây là loại sản vật được kết tinh tất cả trân cam mỹ vị trong cõi người này. Bên ngoài bọc lá dong xanh, sợi lạt giang trắng. Bên trong là gạo nếp, tượng trưng cho hạt ngọc của trời. Chính giữa là nhân, gồm đậu xanh, thịt lợn ba chỉ được ướp gia vị. Đó là một công trình sáng tạo tuyệt mỹ của quá khứ.
Công việc làm bánh cũng không hề đơn giản. Mẹ chờ phiên chợ giáp Tết để đi mua lá dong. Đây là loại lá từ miền rừng mà dưới xuôi không có. Mẹ phải dậy thật sớm để mua được những cuộn lá đẹp nhất. Nó phải to bản, còn nguyên, không bị rách thì gói mới đẹp.
Mẹ múc nước giếng lên, rửa từng chiếc lá nhẹ nhàng như người ta nâng niu báu vật. Rồi nhẹ nhàng phơi trên những chiếc nong bằng tre đặt trong nhà. Nói là phơi nhưng thực chất là hong cho ráo nước, cho bớt giòn để gói không bị rách.
Lạt buộc bánh chưng là những ống giang chở trên chiếc bè từ thượng nguồn về bán bên những triền sông, cũng có khi bán ở chợ. Cha chẻ ra, buộc lại trước vài ngày cho lạt mềm hơn, dẻo hơn, dễ buộc hơn.
Tối 29 Tết mẹ ngâm và đãi nếp, đãi đậu. Đậu xanh mẹ lấy chai thuỷ tinh cà ra cho vỡ hạt và cố không để nát. Rồi mẹ ngâm và đãi vỏ thật sạch. Công đoạn nào cũng công phu và tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì. Thịt lợn ba chỉ được cắt ra từng phần rồi tẩm ướp gia vị, muối, hạt tiêu…để chuẩn bị làm nhân.
Cha là nhân vật trung tâm của ngày hôm ấy. Cha đặt cái nong tre giữa gian bếp và bày tất cả những vật dụng làm bánh vào trong đó. Người như một vị nhạc trưởng đang vững vàng điều tiết một bản nhạc giao hưởng thật mỹ mãn. Chị em chúng tôi mỗi đứa một việc phụ giúp cha mẹ: giã thịt, bóc vỏ tôm, đánh trứng…để làm cua, nem, giò, chả…cho mâm cỗ ngày Tết. Tết rộn ràng và tất bật. Nhưng Tết gắn kết và yêu thương!
Cha thường hay đếm thời gian, kể về quá khứ. Hồi trẻ, cha là một người trai tuấn tú nhất làng. Ông nội tôi mất khi cha còn quá nhỏ, chưa kịp truyền dạy cho cha nhiều về lẽ sống, lẽ tồn sinh. Thế nên khi có con, cha luôn quý từng khoảnh khắc gần gũi bên con cái để dạy con cách làm, cách sống và cái lẽ ở đời. Và bên trong gian bếp ấm cúng của ngày cuối đông, khi cả gia đình quây quần, cha vừa gói bánh chưng vừa ôn chuyện cũ. Những công việc cha làm được lồng trong những câu chuyện nhân sinh: thâm trầm và sâu sắc lắm!
Những chiếc bánh chưng gói xong, xếp chồng lên nhau, thật đẹp, thật vuông vức. Và bao giờ cha cũng chừa lại một ít nếp, một ít đậu và thịt để gói vài cái bánh nhỏ cho con như thể đó là phần thưởng dành cho trẻ thơ nhân ngày lễ Tết. Cha gọi đó là bánh còn. Hồi đó tôi hãnh diện lắm. Cứ chờ mẹ luộc bánh xong để thưởng thức bánh còn và đánh giá tài nghệ của cha. Và tôi ru mình trong hạnh phúc bình dị của bầu trời tươi mát tuổi thơ tôi.
Việc luộc bánh cũng hết sức công phu. Mẹ dùng những cọng lá dong róc ra để lót dưới đáy nồi. Mẹ bảo làm vậy để lỡ có cạn nước thì bánh cũng không bị khét. Phải mất cả chục tiếng đồng hồ mới xong nồi bánh. Hồi ấy không có đồng hồ, mẹ phải thắp mấy tuần nhang để định giờ bánh chín. Anh trai tôi giúp mẹ nhóm bếp, chẻ củi và trông coi nồi bánh. Tôi thì ít khi đợi được bánh chín. Muốn ngủ là cứ ngủ. Chờ đến gần giao thừa, các chị gọi dậy xem thiên hạ đốt pháo, thưởng thức bánh còn và lắng nghe khoảnh khắc giao thừa rạo rực khắp không gian, lắng nhịp điệu của vũ trụ chuyển mình bước sang năm mới.
Mẹ chọn những cái bánh đẹp nhất bày lên mâm để cha dâng lên ban thờ. Mùi thơm của bánh mới chín cùng với hương trầm đã thiêng liêng hoá cái Tết cổ truyền và hướng con người tới những điều nguyện ước tốt lành.
Thế rồi, cha ngày một yếu đi. Cho đến một lần cha không thể gói bánh. Và đó cũng là cái năm cha không còn đếm tuổi mình. Đôi bàn tay cha không còn nâng niu những tấm lá dong xanh, những lá nếp thơm lừng… Và, những sợi giang trắng muốt dường như cũng chờ đợi được mềm dẻo mà nhớ thương một hồn người cao thượng.
Xuân đang về. Tôi lại nhớ bàn tay cha dệt bánh, quết giò. Tôi cảm ơn cái hạnh phúc bình dị được làm con của cha, một người cha với cái tâm thiện lành và cao cả. Tôi cảm ơn ân đức cao dày của tổ tiên hiện hữu trong tâm hồn, đạo đức và bóng dáng của cha.
Mỗi lần Tết, tôi lại về quê, vẫn như thấy cha ngồi giữa gian bếp gói bánh. Bên ngoài hoa đào đang lả lướt du xuân rồi nhuộm hồng mặt đất. Mưa xuân phủ mờ những làn khói nhang mỏng manh đang muốn dâng nhập vào cõi mênh mang, vô tận.
Cha ngồi đó đếm tuổi mình!
Bên cạnh là chồng bánh chưng xanh thơm lừng, trân cam mỹ vị!
Lê Nguyễn


Từ lâu, những buổi tập thể dục nhịp điệu buổi tối đã trở thành một nét quen thuộc của người dân Thủ đô. Không chỉ là cách để rèn luyện sức khỏe, đây còn là khoảng thời gian để mọi người tái tạo năng lượng, kết nối và tận hưởng không khí trong lành sau một ngày bận rộn.
Hội thảo khoa học quốc gia về Đại thắng mùa Xuân 1975; Hà Nội: GRDP Quý I/2025 tăng cao nhất trong 5 năm qua; Ứng dụng số hóa trong kinh doanh xăng, dầu trước ngày 30/4; DHL tạm dừng chuyển hàng toàn cầu trên 800 USD cho người tiêu dùng Mỹ;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình Thời sự 19h00 hôm nay.
Tàu điện, xe buýt hoạt động xuyên lễ 30/4; Ô tô trang bị túi khí bảo vệ người đi xe đạp; 5 mẫu sedan vẫn còn phiên bản số sàn giá rẻ; Pin xe điện có thể tự phun chất chữa cháy;... là những nội dung đáng chú ý trong Bản tin Tàu và Xe hôm nay.
Nhân dân đồng thuận với tên xã, phường mới sau hợp nhất; Sẽ có diễu binh, diễu hành nhân dịp Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Mỹ đặt thời hạn cho thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine;... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 18h30 hôm nay.
Trong một lần Lữ để tên địch chạy thoát khiến anh hối tiếc và tự trách bản thân mình, sự cố đó trở thành đề tài trêu đùa trong đơn vị nhưng cũng là chất xúc tác để những người lính trở nên thân thiết hơn. Họ chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện. Từ chuyện đánh giặc đến chuyện làng quê, tuổi thơ thậm chí cả những mối tình một thời. Giữa núi rừng cô quạnh, tiếng cười nói và những câu chuyện lính đời thường đã giúp họ giữ vững tinh thần kết nối tình đồng đội bền chặt.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo môi trường cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Niềm tự hào Hà Nội - động lực góp phần làm nên chiến thắng; Hà Nội duy trì các chỉ số đạt điểm số cao trong chuyển đổi số; Iran và Mỹ sẽ họp cấp chuyên gia về vấn đề hạt nhân vào tuần tới;... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
0