Nga công bố chiến lược phát triển hải quân đến năm 2050
Chiến lược Hải quân mới của Nga nhấn mạnh năng lực kiểm soát và hiện diện quân sự thường trực ở các vùng biển chiến lược trên toàn cầu.
Nhân dịp Ngày Hải quân Nga 27/7 tổ chức tại St. Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin tham dự cuộc duyệt binh quy mô lớn trên sông Neva và tái khẳng định định hướng chiến lược phát triển lực lượng hải quân Nga đến năm 2050 - một trong những trụ cột then chốt nhằm củng cố vị thế cường quốc quân sự toàn cầu của Moscow.
Chiến lược Hải quân Nga mới nhấn mạnh chuyển dịch từ mô hình phòng thủ ven bờ truyền thống sang năng lực kiểm soát và hiện diện quân sự thường trực ở các vùng biển chiến lược trên toàn cầu. Nga xác định rõ 5 khu vực ưu tiên chiến lược: Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Nga sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình siêu thanh Tsirkon, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới Borei-A, tàu ngầm Knyaz Pozharsky, cùng sáu tàu ngầm hạt nhân đa năng lớp Yasen-M và hệ thống tác chiến điện tử. Ngoài ra, Nga cũng mở rộng hiện diện hải quân thông qua các thỏa thuận quân sự - kỹ thuật với các đối tác chiến lược như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và một số quốc gia ở châu Phi. Việc thiết lập các căn cứ hậu cần hải quân ở Syria, Sudan và dự kiến tại các quốc gia ven Ấn Độ Dương là một phần quan trọng của kế hoạch này.
Chiến lược hải quân mới của Nga cũng phản ánh nỗ lực đối trọng với sự hiện diện ngày càng tăng của NATO trên biển, đặc biệt tại khu vực Biển Đen, Baltic và Bắc Cực - nơi các lợi ích quân sự, năng lượng và địa chính trị đang giao thoa căng thẳng.