Quân sự

Xung đột quân sự Thái Lan – Campuchia bước sang ngày thứ hai

Giao tranh giữa quân đội Thái Lan và Campuchia tại khu vực biên giới bước sang ngày thứ hai với các vũ khí hạng nặng trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp khẩn vào chiều ngày 25/7 (theo giờ Mỹ).

Tường thuật trực tiếp

Tiếp tục cập nhật...

16:30 (09:30 GMT)

Thái Lan tuyên bố sẵn sàng đàm phán, giao tranh có dấu hiệu hạ nhiệt

Bộ Ngoại giao Thái Lan đã phát đi tín hiệu sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao với Campuchia để chấm dứt cuộc xung đột biên giới.

Hãng thông tấn AFP trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, ông Nikorndej Balankura, cho biết: "Chúng tôi sẵn sàng, nếu Campuchia muốn giải quyết vấn đề này thông qua các kênh ngoại giao, song phương, hoặc thậm chí thông qua Malaysia, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào."

Ông Nikorndej khẳng định đã có những dấu hiệu cho thấy giao tranh đang bắt đầu lắng dịu. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này hiện không muốn để một nước khác đứng ra làm trung gian giúp chấm dứt cuộc xung đột, nhấn mạnh rằng Campuchia cần chấm dứt các cuộc tấn công và giải quyết tình hình thông qua đàm phán song phương. "Tôi cho rằng hiện tại chúng tôi chưa cần đến bất kỳ sự hòa giải nào nhờ quốc gia thứ ba" - ông Nikorndej nói.

Phía Campuchia hiện chưa đưa ra bình luận về tuyên bố này của Thái Lan.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG NGÀY 25/7

Đài PTTH Hà Nội
Một đơn vị pháo binh cơ động của quân đội Thái Lan tại tỉnh Surin khai hỏa về phía Campuchia ngày 25/7. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters
Đài PTTH Hà Nội
Một bệ phóng pháo phản lực đa nòng BM-21 Grad của quân đội Campuchia đang di chuyển cách ngôi đền tranh chấp Ta Moan Thom ở tỉnh Oddar Meanchey (Campuchia) khoảng 40 km vào ngày 25/7. Ảnh: Soveit Yarn/Reuters
Đài PTTH Hà Nội
Một binh sĩ Thái Lan đứng gác ở tỉnh Surin vào ngày 25/7. Ảnh: Valeria Mongelli/Anadolu
Đài PTTH Hà Nội
Một nhà sư tại khu vực trú ẩn của tỉnh Surin - Thái Lan vào ngày 25/7. Ảnh: Valeria Mongelli/Anadolu
Đài PTTH Hà Nội
Người dân ở khu vực Mom Tei, tỉnh Preah Vihear - Campuchia sơ tán vào sáng 25/7. Ảnh: KHMER TIMES
Đài PTTH Hà Nội
Một người dân Thái Lan ngồi bên trong trung tâm sơ tán ở tỉnh Surin. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters


 

15:30 (08:30 GMT)

Thái Lan gửi thư lên Liên hợp quốc, cáo buộc Campuchia nổ súng trước

Phái đoàn thường trực của Thái Lan tại Liên hợp quốc đã gửi một lá thư chính thức tới cơ quan này, trình bày quan điểm của Bangkok về cuộc xung đột và cáo buộc "hành động quân sự của Campuchia" đã đe dọa "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan".

Theo nội dung bức thư được tờ báo Thairath của Thái Lan đăng tải, phía Thái Lan khẳng định vào ngày 24/7, quân đội Campuchia đã "nổ súng" trước vào một căn cứ quân sự của Thái Lan ở tỉnh Surin, khiến binh sĩ Thái Lan bị thương và buộc họ phải có hành động trả đũa.

Bức thư gọi các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Campuchia là "hành vi vi phạm rõ ràng" Hiến chương Liên hợp quốc. Thái Lan cũng lên án mạnh mẽ "các cuộc tấn công bừa bãi vào dân thường" của Campuchia, gây ra nhiều thương vong.

Cũng theo nội dung bức thư, Thái Lan khẳng định vẫn "kiên quyết cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình" và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực để Campuchia "nối lại các cuộc đàm phán một cách thiện chí".

Bức thư này là động thái đối trọng trực tiếp với việc Campuchia trước đó đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một "cuộc họp khẩn cấp" để ngăn chặn cái mà họ gọi là "hành động xâm lược của Thái Lan".

Phía Campuchia chưa đưa ra bình luận về nội dung bức thư này, tuy nhiên họ vẫn nhất quán với các luận điểm trước đó đã đưa ra.

Dự kiến vào chiều 25/7 theo giờ Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trước tình hình xung đột leo thang không có dấu hiệu dừng lại tại khu vực biên giới Thái Lan – Campuchia. Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, đã lên tiếng kêu gọi cả Thái Lan và Campuchia "hết sức kiềm chế" và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Đài PTTH Hà Nội
Xe quân sự di chuyển trên đường phố ở tỉnh Buriram - Thái Lan vào rạng sáng ngày 25/7. Ảnh: Athit Perawongmetha/Reuters

Đài PTTH Hà Nội
Một bệ phóng hỏa lực di động đang di chuyển ở tỉnh Oddar Meanchey - Campuchia, vào ngày 25/7. Ảnh: Heng Sinith/AP

5 NỘI DUNG CHÍNH TRONG BỨC THƯ MÀ THÁI LAN GỬI LHQ

1. Cáo buộc Campuchia gài mìn mới:

• Bức thư nêu cụ thể các sự cố vào ngày 16 và 23/7, khi binh sĩ Thái Lan dẫm phải mìn PMN-2 trong lãnh thổ Thái Lan.

• Thái Lan khẳng định đây là những quả mìn "mới được gài" và nhấn mạnh sự tương phản: Thái Lan đã phá hủy toàn bộ kho mìn chống bộ binh từ năm 2019 theo Công ước Cấm mìn, trong khi báo cáo mới nhất của Campuchia cho thấy họ vẫn giữ lại loại mìn PMN-2.

 2. Cáo buộc Campuchia nổ súng trước

• Thái Lan tường thuật rằng vào lúc 08:20 sáng ngày 24/7, binh sĩ Campuchia đã nổ súng vào một căn cứ quân sự của Thái Lan tại Ta Muen Thom (tỉnh Surin), làm hai quân nhân Thái Lan bị thương.

• Ngay sau đó, Campuchia đã tiến hành "các cuộc tấn công" vào lãnh thổ Thái Lan trên khắp bốn tỉnh: Buriram, Surin, Si Sa Ket và Ubon Ratchathani, gây ra cái chết cho dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, cáo buộc trong bức thư của Thái Lan cho biết.

3. Viện dẫn luật pháp quốc tế để tự vệ

• Thái Lan gọi các hành động của Campuchia là "vi phạm rõ ràng Điều 2(4) của Hiến chương Liên hợp quốc" (về cấm đe dọa hoặc sử dụng vũ lực).

• Thái Lan khẳng định hành động quân sự của mình là để thực hiện "quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 của Hiến chương", và các biện pháp này được giới hạn nghiêm ngặt, tương xứng và chỉ nhằm mục đích vô hiệu hóa mối đe dọa.

4. Cáo buộc Campuchia phạm tội ác chiến tranh

• Bức thư của Thái Lan "lên án mạnh mẽ" các cuộc tấn công của Campuchia vào dân thường và các cơ sở công cộng, đặc biệt là bệnh viện.

• Thái Lan viện dẫn Điều 18 của Công ước Geneva lần thứ nhất và Điều 19 của Công ước Geneva lần thứ tư (về bảo vệ bệnh viện và các đơn vị y tế), khẳng định hành động của Campuchia là vi phạm trắng trợn.

5. Kêu gọi đối thoại

• Thái Lan tái khẳng định cam kết giải quyết hòa bình và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc giục Campuchia "chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và nối lại đối thoại một cách thiện chí".

• Bức thư cũng tiết lộ rằng hai bên đã có lịch trình cho một cuộc họp của Ủy ban Biên giới chung (JBC) vào đầu tháng 9 năm 2025, cho thấy các kênh ngoại giao đã được lên kế hoạch trước khi xung đột nổ ra.

Phía Campuchia hiện chưa đưa ra bình luận gì về nội dung bức thư mà Thái Lan gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Đài PTTH Hà Nội
Đài PTTH Hà Nội
Bức thư mà Thái Lan gửi tới Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào chiều 25/7

15:00 (08:00 GMT)

Xung đột bắt đầu tác động tới kinh tế Thái Lan, đồng Bath giảm giá

Cuộc xung đột quân sự leo thang với Campuchia đã bắt đầu gây ra những tác động tiêu cực rõ rệt lên thị trường tài chính của Thái Lan.

Theo thông tin được tờ Bangkok Post trích dẫn, đồng Baht của Thái Lan đã giảm ít nhất 0,3%, xuống mức 32,29 Baht đổi 1 đô la Mỹ. Mức giảm này đã xóa đi một phần thành quả tăng trưởng hơn 6% mà đồng Baht đạt được từ đầu năm nhờ sự lạc quan về thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Sàn giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) cũng ghi nhận sắc đỏ, với chỉ số giảm 1,74% tính đến 13:30 (06:30 GMT) ngày 25/7

Sự sụt giảm này phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước tình hình bất ổn an ninh và nguy cơ xung đột kéo dài, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và các hoạt động thương mại qua biên giới.


 

14:30 (07:30 GMT)

Quân đội Thái Lan bác bỏ cáo buộc tấn công Đền Preah Vihear

Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã chính thức ra tuyên bố, phủ nhận các cáo buộc từ phía Campuchia cho rằng lực lượng của họ đã nhắm mục tiêu và gây thiệt hại cho Đền Preah Vihear, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Trong một thông cáo bằng tiếng Thái được đăng tải trên mạng xã hội X, quân đội Thái Lan khẳng định: "Lời cáo buộc của phía Campuchia rằng Đền Preah Vihear bị hư hại do cuộc tấn công của Thái Lan là không chính xác". Tuyên bố nêu rõ: "Quân đội Hoàng gia Thái Lan muốn tuyên bố rằng các hoạt động của lực lượng quân đội Thái Lan có mục tiêu là trả đũa quân đội Campuchia và không nhắm vào các khu vực dân sự hoặc bất kỳ địa điểm nào không liên quan đến hoạt động quân sự".

Lời bác bỏ này được đưa ra sau khi Campuchia lên án mạnh mẽ và cáo buộc các cuộc tấn công của Thái Lan đã gây ra "thiệt hại đáng kể" cho ngôi đền cổ, đồng thời cho rằng đây là hành động "có thể cấu thành tội ác chiến tranh".

ĐỀN PREAH VIHEAR

Đền Preah Vihear không chỉ là một kiệt tác kiến trúc được ghi nhận là di sản thế giới Unesco mà còn là tâm điểm của những tranh chấp lịch sử và quân sự kéo dài giữa Thái Lan và Campuchia.

• Theo UNESCO, Preah Vihear là một ngôi đền Hindu giáo thờ thần Shiva, có niên đại từ thế kỷ 11. Với cấu trúc gồm một chuỗi các điện thờ nối với nhau bằng vỉa hè và cầu thang trên một trục dài 800 mét, ngôi đền được ca ngợi là một "kiệt tác xuất sắc" của kiến trúc Khmer.

• Trong nhiều năm qua, ngôi đền luôn là một điểm bất đồng chính giữa Bangkok và Phnom Penh. Năm 2008, căng thẳng bùng phát thành giao tranh đẫm máu sau khi Campuchia thành công trong việc đăng ký ngôi đền là Di sản Thế giới của UNESCO. Bạo lực leo thang đến đỉnh điểm vào năm 2011 với một trận đấu pháo kéo dài cả tuần.

• Sau cuộc giao tranh năm 2011, Campuchia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Vào năm 2013, ICJ đã tái khẳng định phán quyết năm 1962, tuyên bố rằng toàn bộ mũi đất nơi ngôi đền tọa lạc thuộc về lãnh thổ Campuchia.

• Trong cuộc giao tranh ngày 24/7, Bộ Văn hóa Campuchia đã cáo buộc quân đội Thái Lan tấn công, gây ra "thiệt hại đáng kể" cho di sản thế giới này, một lần nữa đưa ngôi đền trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng.

Đài PTTH Hà Nội
Đền Preah Vihear


 

14:00 (07:00 GMT)

Thái Lan sơ tán hơn 100.000 dân tại khu vực biên giới

Chính phủ Thái Lan đã công bố con số cập nhật về quy mô sơ tán dân thường, cho thấy ít nhất 100.000 người đã phải di tản tại khu vực biên giới với Campuchia sau khi xung đột nổ ra.

Chính quyền Thái Lan đã thành lập 300 trung tâm sơ tán tập trung trên cả nước để tiếp nhận và hỗ trợ người dân. Các báo cáo từ hiện trường cho thấy người dân vẫn đang liên tục được đưa đến các khu tập trung. Các nhu cầu cấp thiết như thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế vẫn đang được chính quyền đáp ứng.

Theo Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng, ông Jirayu Huangsap, Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thống kê tất cả thiệt hại về người, tài sản và các trường hợp bị thương. Mục tiêu là để nhanh chóng triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp và kịp thời đến những người bị ảnh hưởng. Nguồn kinh phí ban đầu để thực hiện các biện pháp cứu trợ khẩn cấp sẽ được rút từ Quỹ của Văn phòng Thủ tướng.

Đài PTTH Hà Nội
Người dân Thái Lan tại một trung tâm sơ tán thuộc tỉnh Buriram. Ảnh: Prajoub Sukprom/Reuters.


 

13:00 (06:00 GMT)

Thái Lan cho biết xung đột đã mở rộng tới 12 khu vực

Hãng tin Reuters dẫn lời Chuẩn Đô đốc Surasant Kongsiri - người phát ngôn quân đội Thái Lan cho biết các cuộc đụng độ Thái Lan và Campuchia đã diễn ra tại 12 địa điểm dọc theo đường biên giới. Con số này tăng gấp đôi so với 6 địa điểm được báo cáo trong ngày 24/7.

Ông Surasant Kongsiri nhấn mạnh rằng quân đội Campuchia vẫn tiếp tục sử dụng các loại vũ khí hạng nặng.

Phía Campuchia chưa đưa ra phản hồi về việc quy mô xung đột đã được mở rộng trong sáng 25/7.

Đài PTTH Hà Nội
Xe tải quân sự Campuchia chở bệ phóng pháo phản lực BM-21 di chuyển tại tỉnh Oddar Meanchey vào ngày 25/7. Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP


 

12:45 (05:45 GMT)

Giao tranh dữ dội tại khu vực đền Ta Moan Thom

Tờ Khmer Times của Campuchia vừa đưa tin về một cuộc giao tranh dữ dội tại khu vực Đền Ta Moan Thom vào trưa ngày 25/7.

Campuchia cáo buộc quân đội Thái Lan đã mở một đợt tấn công lớn bằng cả pháo hạng nặng và bộ binh nhằm chiếm giữ các vị trí tại đây. Phía Campuchia cho biết quân đội của họ đã tổ chức phòng ngự chặt chẽ, sử dụng hỏa lực mạnh để đáp trả và đã thành công trong việc đẩy lùi đợt tấn công này.

Hiện chưa có bình luận hay xác nhận từ phía Thái Lan về diễn biến cụ thể của cuộc giao tranh này.

Đài PTTH Hà Nội
Đền Ta Moan Thom (Thái Lan gọi là Prasat Ta Muen Thom)

ĐỀN TA MOAN THOM

 Vị trí:

  • Đền Ta Moan Thom (theo cách gọi của Campuchia) hay Prasat Ta Muen Thom (theo cách gọi của Thái Lan) nằm trên dãy núi Dângrêk, ngay tại khu vực biên giới tranh chấp giữa tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia và tỉnh Surin của Thái Lan.
  • Đây là ngôi đền lớn nhất và quan trọng nhất trong một quần thể gồm ba ngôi đền Khmer cổ nằm gần nhau (bao gồm Ta Moan Thom, Ta Moan Tauch và Ta Moan). Quần thể này từng là một điểm dừng chân quan trọng trên tuyến đường cổ của Đế quốc Khmer, nối kinh đô Angkor với trung tâm hành chính Phimai (nay thuộc Thái Lan).
  • Ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11, mang đậm phong cách kiến trúc Khmer và ban đầu là một đền thờ Hindu giáo. Các di tích còn lại cho thấy công trình được xây dựng công phu bằng đá sa thạch và đá ong.
  • Đền được đánh giá là một trong những công trình tiêu biểu cho thời kỳ thịnh vượng của Đế quốc Khmer. Campuchia tuyên bố chủ quyền dựa trên di sản và biên giới lịch sử từ thời kỳ này. Các cuộc khai quật gần đây bên trong tháp chính đã phát hiện một "linga" tự nhiên (một khối đá tự nhiên mang hình tượng linga) mà ngôi đền được xây dựng xung quanh, một đặc điểm tâm linh độc đáo tương tự như tại Đền Vat Phou ở Lào.

Xung đột:

  • Tương tự Đền Preah Vihear, Ta Moan Thom là một điểm nóng trong tranh chấp biên giới kéo dài nhiều thập kỷ giữa hai nước. Việc phân định biên giới tại đây chưa hoàn thành, và cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền. Trước cuộc xung đột lần này, căng thẳng đã gia tăng khi binh sĩ Thái Lan ngăn cản du khách Campuchia hát quốc ca tại đây.
  • Cuộc xung đột ngày 24/7/2025 bùng phát bắt đầu từ khu vực Đền Ta Moan Thom. Theo tường thuật của Thái Lan, họ phát hiện một máy bay không người lái của Campuchia và sau đó binh sĩ Campuchia đã nổ súng trước. Trong khi đó Campuchia cáo buộc Thái Lan gây hấn trước.
  • Trong suốt hai ngày qua, khu vực này trở thành một trong những điểm giao tranh ác liệt nhất. Cả hai bên liên tục tổ chức các đợt tấn công và phản công bằng bộ binh và pháo hạng nặng để giành quyền kiểm soát.


 

12:15 (05:15 GMT)

Campuchia cáo buộc Thái Lan sử dụng bom, đạn chùm (cluster munitions)

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, bà Maly Socheata, lên án phía Thái Lan sử dụng bom, đạn chùm (cluster munitions) trong các cuộc tấn công vào lực lượng Campuchia tại khu vực di sản UNESCO, theo tờ Khmer Times của Campuchia.

Bà Socheata khẳng định hành động này vi phạm hiệp ước quốc tế về việc sử dụng vũ khí hủy diệt. Cơ quan Hành động Bom mìn và Hỗ trợ Nạn nhân Campuchia (CMAA) cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ, cho biết đã tìm thấy nhiều loại đạn con (submunitions) tại các khu vực bị tấn công, phù hợp với bom chùm bị cấm quốc tế.

Hiện phía Thái Lan chưa có bình luận về cáo buộc cụ thể này.

BỐI CẢNH PHÁP LÝ

  Công ước về bom, đạn chùm (CCM) năm 2008 cấm sử dụng, sản xuất và tàng trữ loại vũ khí này do khả năng gây sát thương trên diện rộng và mối nguy hiểm lâu dài cho dân thường.

Theo Landmine and Cluster Munition Monitor, cả Thái Lan và Campuchia đều chưa phải là quốc gia thành viên của Công ước này, dù trước đây đã bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, việc sử dụng loại vũ khí này vẫn bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì bản chất vô nhân đạo. 

Thái Lan hiện chưa có bình luận về các cáo buộc của Campuchia.


 

12:00 (05:00 GMT)

Bộ Ngoại giao Campuchia triệu tập họp khẩn

Để ứng phó với tình hình căng thẳng, Bộ Ngoại giao Campuchia đang tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với tất cả các đại sứ và đại diện ngoại giao đoàn tại thủ đô Phnom Penh, tờ Khmer Times vừa đưa tin.

Cuộc họp nhằm mục đích thảo luận về nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột, làm rõ bối cảnh lịch sử của các tranh chấp, thông báo về các sự cố gần đây đã làm leo thang căng thẳng cũng như quan điểm của phía Campuchia về các vấn đề này.

Phía Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích đối thoại và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng hơn nữa.

Đài PTTH Hà Nội
Bộ Ngoại giao Campuchia triệu tập cuộc họp khẩn cấp về căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia. Ảnh: Khmer Times.


 

11:40 (04:40 GMT)

Thái Lan bác tin đồn chiếm đền Preah Vihear

The Nation dẫn nguồn tin từ Quân đội Hoàng gia Thái Lan cho biết quân đội nước này đã lên tiếng bác bỏ các tin đồn lan truyền trên báo chí và mạng xã hội cho rằng lực lượng Thái Lan đã chiếm được Đền Preah Vihear.

Đại tá Ritcha Suksuwanon, Phó phát ngôn viên Quân đội Thái Lan khẳng định các hoạt động quân sự của Thái Lan chỉ giới hạn trong các hành động trả đũa, nhắm vào các mục tiêu quân sự của Campuchia và chỉ diễn ra tại những khu vực mà phía Thái Lan cáo buộc là đã bị lực lượng Campuchia xâm phạm trước.

Cũng theo Đại tá Ritcha Suksuwanon, mục tiêu của quân đội Thái Lan không phải là chiếm đóng các địa điểm văn hóa hay tranh chấp, mà chỉ thuần túy là phòng thủ quân sự và bảo vệ biên giới để đáp lại các hành động gây hấn.

Trước đó, Campuchia đã bác bỏ thông tin mà truyền thông Thái Lan cho rằng Quân đội Hoàng gia Thái Lan đã chiếm được Đền Preah Vihear và Chùa Wat Kaeo Sikha Khiri Svara vào sáng 25/7.

Đài PTTH Hà Nội
Quân đội Hoàng gia Thái Lan bác bỏ thông tin cho rằng họ đã chiếm được Đền Preah Vihear. Ảnh: The Nation


 

11:00 (04:00 GMT)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ họp khẩn vào chiều 25/7

Hãng thông tấn AFP đưa tin Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trước tình hình xung đột leo thang không có dấu hiệu dừng lại. Phiên họp sẽ diễn ra vào chiều ngày 25/7 (giờ New York) tại trụ sở Liên hợp quốc (tức khoảng 2h sáng ngày 26/7 theo giờ Việt Nam).

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, đã lên tiếng kêu gọi cả Thái Lan và Campuchia "hết sức kiềm chế" và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại.

Vào ngày 24/7, Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng đã gửi thư yêu cầu Hội đồng Bảo an can thiệp.

Đài PTTH Hà Nội
Pháo binh Thái Lan khai hỏa về phía Campuchia trong buổi sáng 25/7. Ảnh: Reuters.
Đài PTTH Hà Nội
Binh sĩ Campuchia di chuyển trên xe quân sự với súng phòng không tại tỉnh Oddar Meanchey ngày 25/7. Ảnh: AFP


09:30 (02:30 GMT)

Hỏa lực đang tập trung tại khu vực Chong Bok

Tờ The Nation của Thái đưa tin giao tranh với vũ khí hạng nặng đang diễn ra tại khu vực Đồi 408 và khu vực ngã ba biên giới Chong Bok.

Theo tường thuật của The Nation, vào sáng nay quân đội  Campuchia đã phát động một cuộc tấn công nhằm chiếm Đồi 469. Phía Campuchia được cho là đã sử dụng pháo binh và súng cối từ khu vực Chong Bok ở phía nam để bắn phá vào các vị trí của quân đội Thái Lan tại Đồi 408. Hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 được cho là đã khai hỏa từ Quận Chom Khsan (Campuchia), nhắm vào khu vực Sam Taek của Thái Lan.

Để đáp trả, quân đội Thái Lan cho biết đã sử dụng hỏa lực pháo binh 155mm để phản công. Mục tiêu của đợt bắn trả này là nhằm "ngăn chặn và vô hiệu hóa mối đe dọa pháo binh từ Campuchia".

"TAM GIÁC NGỌC LỤC BẢO" CHONG BOK

Vị trí địa lý:

Chong Bok là một khu vực đèo nằm ở ngã ba biên giới giữa ba nước: Thái Lan (tỉnh Ubon Ratchathani), Campuchia (tỉnh Preah Vihear), và Lào.

Do có vị trí chiến lược, khu vực còn được biết đến với tên gọi "Tam giác Ngọc lục bảo" (Emerald Triangle).

Khu vực này có địa hình chủ yếu là đồi núi rậm rạp, gây khó khăn cho việc phân định và cắm mốc biên giới rõ ràng, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp kéo dài.

Lịch sử xung đột:

Khu vực này, cùng với các ngôi đền cổ khác, cũng trở thành một trong những điểm nóng trong cuộc đối đầu quân sự giữa Thái Lan và Campuchia giai đoạn 2008-2011.

Trong cuộc xung đột bùng phát vào ngày 24/7/2025, Chong Bok được xác định là một trong sáu khu vực chính mà giao tranh đã lan rộng.

Các báo cáo từ cả Thái Lan và Campuchia đều xác nhận có các hoạt động quân sự, bao gồm các cuộc đọ súng và pháo kích, diễn ra tại khu vực này. Việc kiểm soát khu vực này có thể mang lại lợi thế về mặt quân sự, cho phép giám sát và khống chế các tuyến đường di chuyển quan trọng dọc theo biên giới.

Đài PTTH Hà Nội
Bản đồ khu vực Chong Bok


09:00 (02:00 GMT)

Thái Lan xác nhận các cuộc giao tranh diễn ra vào sáng nay tại khu vực biên giới

Vào khoảng 9h sáng, phía Thái Lan chính thức xác nhận các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra tại khu vực biên giới, The Nation (Thái Lan) đưa tin.

Theo một thông cáo của quân đội Thái Lan được hãng tin Reuters dẫn lại, lực lượng Campuchia đã "tiến hành các đợt pháo kích dữ dội bằng vũ khí hạng nặng – pháo phản lực BM-21". Phía Thái Lan cho biết đã đáp trả bằng "hỏa lực yểm trợ phù hợp với tình hình chiến thuật". CNN dẫn lời Đại tá Richa Sooksuwanon, phó phát ngôn viên quân đội Thái Lan cho biết giao tranh nổ ra lúc 4:30 sáng 25/7.

Quân đội Thái Lan cảnh báo rằng các cuộc đụng độ đang diễn ra tại hai địa điểm ở tỉnh Ubon Ratchathani và một địa điểm ở tỉnh Surin, đồng thời kêu gọi người dân tránh xa khu vực này.

Cuộc xung đột hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chuẩn bị họp khẩn theo yêu cầu của Campuchia nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.

Đài PTTH Hà Nội
Xe quân sự di chuyển ở tỉnh Buriram, Thái Lan ngày 25/7. Ảnh: Reuters

06:00 (23:00 GMT)

Campuchia tuyên bố đang kiểm soát các khu vực trọng điểm

Tính đến 6 giờ sáng ngày 25/7/2025, tình hình tại biên giới Thái Lan - Campuchia vẫn tiếp tục căng thẳng. Các cuộc đọ súng và pháo kích vẫn tiếp diễn vào ban đêm và rạng sáng, theo Khmer Times.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, bà Maly Socheata cho biết các cuộc pháo kích được ghi nhận tại nhiều khu vực vào lúc 2:00 sáng, 3:00 sáng (tại Preah Vihear-Phnom Khaing) và 5:00 sáng (tại khu vực Ta Krabey). Quân đội Campuchia tuyên bố vẫn đang kiểm soát hoàn toàn các chiến trường trọng điểm như Đền Ta Moan Thom, Đền Ta Krabey và khu vực Mom Tei.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, trong ngày 24/7, quân đội Thái Lan đã tiến hành tấn công vào 8 địa điểm bằng vũ khí hạng nặng và máy bay F-16. Tám địa điểm được liệt kê bao gồm: Đền Ta Moan Thom, Đền Ta Krabey, Phnom Trat, Veal Intri, Tathav, Phnom Khak, An Ses và Mom Bei.

Đài PTTH Hà Nội
Bà Maly Socheata - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia.

TÓM TẮT DIỄN BIẾN XUNG ĐỘT THÁI LAN - CAMPUCHIA NGÀY 24/7:

  • Xung đột bùng phát: Xung đột quân sự nổ ra vào sáng sớm 24/7 tại nhiều khu vực dọc biên giới, đặc biệt là khu vực đền Ta Muen Thom. Cả hai bên đều cáo buộc nhau nổ súng trước.
  • Leo thang quân sự: Cuộc đụng độ nhanh chóng leo thang từ súng bộ binh sang vũ khí hạng nặng. Campuchia bị cáo buộc sử dụng pháo phản lực BM-21 bắn vào lãnh thổ Thái Lan làm dân thường tử vong. Thái Lan xác nhận triển khai máy bay chiến đấu F-16 không kích các mục tiêu quân sự của Campuchia trong ít nhất hai đợt.
  • Thương vong: Thái Lan công bố con số thương vong cuối ngày là 14 người thiệt mạng (13 dân thường, 1 quân nhân) và 46 người bị thương (32 dân thường, 14 quân nhân). Campuchia: Không công bố con số thương vong chính thức.
  • Cáo buộc tội ác chiến tranh: Cả hai bên đều đưa ra những cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế nghiêm trọng nhất. Campuchia cáo buộc Thái Lan tấn công, gây "thiệt hại đáng kể" cho Đền Preah Vihear, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, và gọi đây là hành động "có thể cấu thành tội ác chiến tranh". Thái Lan cáo buộc Campuchia phạm "tội ác chiến tranh" khi cố tình pháo kích vào các mục tiêu dân sự, bao gồm bệnh viện và khu dân cư, gây ra cái chết cho cả trẻ em.
  • Sơ tán dân thường quy mô lớn: Hàng chục nghìn dân thường ở cả hai bên biên giới đã được sơ tán đến nơi an toàn. Ít nhất 40.000 người Thái Lan từ 4 huyện biên giới đã được sơ tán. Khoảng 5.000 Campuchia người từ 12 ngôi làng đã được di dời.
  • Phản ứng ngoại giao: Quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã đổ vỡ từ trước khi giao tranh nổ ra. Trong ngày 24/7, Campuchia kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp. Thái Lan cũng đưa vấn đề ra Liên hợp quốc tại New York để phản đối. Cộng đồng quốc tế (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ...) bày tỏ quan ngại sâu sắc, kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và giải quyết xung đột qua đối thoại.