Quân sự

Xung đột quân sự tại biên giới Thái Lan - Campuchia

Giao tranh quân sự bùng phát vào ngày 24/7 dọc biên giới Thái Lan và Campuchia với các cuộc đấu pháo và đọ súng gây ra thương vong cho cả quân đội và dân thường. Cả hai bên đều cáo buộc nhau nổ súng trước, đẩy căng thẳng giữa hai nước lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Tường thuật trực tiếp

THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý:

•  Thương vong: Ít nhất 13 dân thường và 1 binh sĩ thiệt mạng, theo công bố của Quân độ Hoàng gia Thái Lan. Khoảng 40.000 dân thường Thái Lan từ 86 ngôi làng dọc biên giới đã được sơ tán đến nơi an toàn để tránh giao tranh. Phía Campuchia chưa công bố các con số thương vong ở thời điểm hiện tại.

•  Leo thang quân sự: Giao tranh nổ ra vào sáng sớm tại khu vực biên giới tranh chấp, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau đã nổ súng trước. Thái Lan xác nhận đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 sau khi cáo buộc Campuchia sử dụng vũ khí hạng nặng, bao gồm cả pháo phản lực BM-21. Campuchia cáo buộc lực lượng Thái Lan đã pháo kích vào lãnh thổ hai tỉnh Oddar Meanchey và Preah Vihear.

Quan hệ ngoại giao: Cả hai nước đều đã triệu hồi các nhà ngoại giao về nước. Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh đã ra thông báo kêu gọi công dân của mình rời khỏi Campuchia càng sớm càng tốt.

•  Tuyên bố chính thức: Bộ Quốc phòng Campuchia ra tuyên bố chính thức, lên án hành động mà họ gọi là "hành động xâm lược quân sự tàn bạo và liều lĩnh" từ phía Thái Lan. Trong khi đó quân đội Thái Lan cáo buộc Campuchia pháo kích vào các mục tiêu dân sự khiến dân thường thiệt mạng, khẳng định Thái Lan có quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, sau khi cáo buộc Campuchia tấn công vào các khu vực dân sự của Thái Lan.

23:00 (16:00 GMT)

Thái Lan công bố 14 người thiệt mạng, 46 người bị thương

Vào cuối ngày, Bộ Y tế Thái Lan đã cập nhật con số thương vong mới nhất sau một ngày giao tranh.

Theo ông Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn của Bộ, tổng cộng có ít nhất 14 người đã thiệt mạng, bao gồm 13 thường dân và 1 quân nhân. Số người bị thương được ghi nhận là 46 người, trong đó có 32 thường dân và 14 quân nhân.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin chính thức nào về con số thương vong được phía Campuchia công bố.

Đài PTTH Hà Nội
Người dân Thái Lan tìm nơi trú ẩn an toàn tại tỉnh Surin - đông bắc Thái Lan khi cuộc giao tranh nổ ra. Ảnh : Sunny Chittawil/AP


 

21:30 (14:30 GMT)

Thái Lan cáo buộc Campuchia phạm tội ác chiến tranh

Đáp lại những cáo buộc từ phía Campuchia, Thái Lan đã đưa ra một tuyên bố đanh thép, tố ngược lại rằng chính Campuchia đã phạm tội ác chiến tranh khi nhắm mục tiêu vào các cơ sở y tế và dân thường, bao gồm cả trẻ em.

Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan, ông Somsak Thepsuthin gọi các cuộc tấn công của lực lượng Campuchia vào Bệnh viện Phanom Dong Rak (tỉnh Surin) và các khu dân sự là một "cuộc tấn công vô nhân đạo".

Ông Somsak khẳng định hành động cố ý nổ súng vào cơ sở y tế là "hành động vượt quá ranh giới nhân đạo". Dẫn Điều 18 của Công ước Geneva lần thứ tư về việc bảo vệ bệnh viện dân sự, ông tuyên bố: "Do đó, hành động của Campuchia cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng và chắc chắn là tội ác chiến tranh."

Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan đặc biệt nhấn mạnh đến việc có trẻ em trong số những người thiệt mạng. "Hành vi làm hại trẻ em là hành vi đáng xấu hổ và hoàn toàn không thể tha thứ," ông nói.

Tuyên bố của Bộ Y tế Thái Lan yêu cầu những cá nhân ra lệnh và thực hiện các cuộc tấn công này phải "chịu trách nhiệm cá nhân về hành động tàn bạo này".

Thái Lan kêu gọi chính phủ Campuchia “ngay lập tức chấm dứt những tội ác chiến tranh này và quay trở lại tôn trọng các nguyên tắc chung sống hòa bình".

Đài PTTH Hà Nội
Các mảnh vỡ vương vãi tại Bệnh viện Phanom Dong Rak ở tỉnh Surin - nơi mà Thái Lan cho là đã hứng chịu đợt tấn công của Campuchia. Ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP


 

21:00 (14:00 GMT)

Campuchia cáo buộc Thái Lan xâm hại di sản thế giới – Đền Preah Vihear

Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ, cáo buộc quân đội Thái Lan đã gây ra "thiệt hại đáng kể" cho cả khu vực xung quanh và các công trình kiến trúc của Đền Preah Vihear, một di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Bộ này cho biết các cuộc pháo kích và không kích của lực lượng Thái Lan là "các cuộc tấn công bừa bãi", dẫn đến "sự phá hủy" ngôi đền. Các bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các bậc thang đá bị vỡ, tượng bị đổ và các bức tường có nhiều lỗ hổng.

Campuchia khẳng định Bangkok đã "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế", đặc biệt là Công ước Hague năm 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa. Bộ này nhấn mạnh rằng việc "cố ý nhắm mục tiêu và phá hủy" các di tích như vậy "có thể cấu thành tội ác chiến tranh".

Bộ Văn hóa Campuchia đã bày tỏ "lời lên án mạnh mẽ nhất đối với hành động xâm hại" của quân đội Thái Lan, gọi đây là một "thảm họa văn hóa và bi kịch đạo đức".

Phnom Penh yêu cầu Bangkok ngừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự và pháo kích vào ngôi đền cũng như khu vực xung quanh. Campuchia cho biết sẽ tiến hành đánh giá thiệt hại trước khi "theo đuổi công lý và bồi thường".

Trước đó, Bộ Quốc phòng Campuchia cũng đã cáo buộc một máy bay F-16 của Thái Lan thả hai quả bom xuống một con đường gần ngôi đền có từ thế kỷ 11 này vào buổi sáng.

Phía Thái Lan chưa có bình luận gì về cáo buộc này.

Đài PTTH Hà Nội
Hình ảnh do phía Campuchia công bố - khẳng định đền Preah Vihear bị hư hại vào ngày 24/7. Ảnh: Facebook/Đơn vị phát ngôn của Chính phủ Campuchia.

ĐỀN PREAH VIHEAR

Đền Preah Vihear không chỉ là một kiệt tác kiến trúc được ghi nhận là di sản thế giới Unesco mà còn là tâm điểm của những tranh chấp lịch sử và quân sự kéo dài giữa Thái Lan và Campuchia.

• Theo UNESCO, Preah Vihear là một ngôi đền Hindu giáo thờ thần Shiva, có niên đại từ thế kỷ 11. Với cấu trúc gồm một chuỗi các điện thờ nối với nhau bằng vỉa hè và cầu thang trên một trục dài 800 mét, ngôi đền được ca ngợi là một "kiệt tác xuất sắc" của kiến trúc Khmer.

• Trong nhiều năm qua, ngôi đền luôn là một điểm bất đồng chính giữa Bangkok và Phnom Penh. Năm 2008, căng thẳng bùng phát thành giao tranh đẫm máu sau khi Campuchia thành công trong việc đăng ký ngôi đền là Di sản Thế giới của UNESCO. Bạo lực leo thang đến đỉnh điểm vào năm 2011 với một trận đấu pháo kéo dài cả tuần.

• Sau cuộc giao tranh năm 2011, Campuchia đã đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Vào năm 2013, ICJ đã tái khẳng định phán quyết năm 1962, tuyên bố rằng toàn bộ mũi đất nơi ngôi đền tọa lạc thuộc về lãnh thổ Campuchia.

• Trong cuộc giao tranh ngày 24/7, Bộ Văn hóa Campuchia đã cáo buộc quân đội Thái Lan tấn công, gây ra "thiệt hại đáng kể" cho di sản thế giới này, một lần nữa đưa ngôi đền trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng.

20:00 (13:00 GMT)

Du lịch Thái Lan bắt đầu chịu tác động của xung đột

Cuộc giao tranh tại biên giới đã ngay lập tức gây ra những tác động tiêu cực đến ngành du lịch của Thái Lan, đặc biệt tại các tỉnh giáp ranh với Campuchia.

Bà Natreeya Taweewong, Thư ký thường trực Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan xác nhận một làn sóng hủy đặt phòng khách sạn tại khu vực biên giới như Sa Kaeo như Aranyaprathet, Ta Phraya và Khlong Hat đang diễn ra.

Bà cho biết lượng khách du lịch tại các khu vực này sụt giảm nghiêm trọng. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đưa ra khuyến cáo, kêu gọi du khách tránh xa các khu vực biên giới đang có bất ổn để đảm bảo an toàn.

Đài PTTH Hà Nội
Người dân trú ẩn tại các điểm sơ tán ở tỉnh Surin của Thái Lan. Ảnh: Pansira Kaewplung/Reuters


 

19:00 (12:00 GMT)

Các nước lên tiếng kêu gọi Thái Lan và Campuchia kiềm chế

Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, đồng thời kêu gọi cả hai bên hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm giải pháp hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia." Bà Hằng nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần "hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực" và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và trên tinh thần đoàn kết ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, ông Takeshi Iwaya, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" và kêu gọi cả hai bên thể hiện "sự kiềm chế tối đa". Ông khẳng định: "Mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia và Thái Lan có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc "rất quan ngại" và sẽ "tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy hòa bình và đối thoại". Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cũng đã ra khuyến cáo công dân nước này tránh xa các khu vực biên giới và "luôn cảnh giác".

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thái Lan đã phát đi cảnh báo an ninh, khuyến cáo công dân Mỹ ở gần khu vực biên giới nên tuân thủ hướng dẫn của chính quyền Thái Lan và theo dõi chặt chẽ tình hình sơ tán.


 

18:30 (11:30 GMT)

Cựu Thủ tướng Hun Sen bác tin đồn bỏ ra nước ngoài

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đăng tải một bài viết trên Facebook để chính thức bác bỏ các thông tin từ truyền thông Thái Lan cho rằng ông đã lên máy bay trốn ra nước ngoài trong bối cảnh xung đột tại khu vực biên giới.

Trong bài đăng, ông Hun Sen khẳng định ông đang ở Campuchia, phối hợp chặt chẽ với con trai mình là Thủ tướng Hun Manet, cùng Bộ trưởng Quốc phòng và các chỉ huy quân đội để "chống lại Thái Lan". Ông trấn an người dân: "Tôi không chạy trốn đến bất cứ đâu, vì vậy xin người dân đừng lo lắng."

Đài PTTH Hà Nội
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao đổi điện đàm khi cuộc đụng độ biên giới giữa Thái Lan và Campuchia diễn ra vào ngày 24/7. Ảnh: Facebook - Samdech Hun Sen


 

18:00 (11:00 GMT)

Thủ tướng Campuchia kêu gọi người dân kiềm chế không có hành động chống lại người dân Thái Lan

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã có một bài đăng trên Facebook, đưa ra lời kêu gọi tới người dân trong bối cảnh xung đột biên giới đang diễn ra. Ông kêu gọi người dân Campuchia "duy trì đạo đức, phẩm giá và kiềm chế phân biệt đối xử hoặc bất kỳ hành động nào" có thể gây ảnh hưởng đến đại sứ quán, các công ty và công dân Thái Lan đang sinh sống tại Campuchia. Lời nhắn tới người Campuchia tại Thái Lan: Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự lo ngại và đưa ra lời kêu gọi tới những người Campuchia đang ở Thái Lan. "Đối với những công dân Campuchia đang sinh sống, làm việc hoặc học tập tại Thái Lan, những người có thể đang chịu áp lực từ sự phân biệt đối xử và cần trở về Campuchia, xin hãy trở về đất nước chúng tôi," ông viết.

Trước đó, Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh - thủ đô Campuchia đã kêu gọi công dân rời khỏi đất nước này "càng sớm càng tốt" trừ khi họ có lý do cấp bách để ở lại.


 

17:45 (10:45 GMT)

Thái Lan xác nhận đợt không kích thứ hai bằng F-16

Thái Lan xác nhận đã tiến hành một đợt không kích thứ hai vào các vị trí của Quân đội Campuchia vào cuối buổi chiều.

Theo đó, bốn máy bay chiến đấu F-16 của Thái Lan đã thực hiện cuộc tấn công vào lúc 16:30. Mục tiêu của đợt không kích được cho là ở phía nam khu vực đền Ta Muen Thom, một trong những địa điểm mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền.

Đài PTTH Hà Nội
Hình ảnh được cho là quả bom gắn trên máy bay F-16 của Thái Lan khi tiến hành đợt không kích thứ hai vào 16h30 ngày 24/7


 

17:15 (10:15 GMT)

Campuchia và Thái Lan sơ tán dân ở khu vực biên giới

Tờ The Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn chính quyền tỉnh Oddar Meanchey – Campuchia cho biết khoảng 5.000 thường dân từ 12 ngôi làng có nguy cơ cao đã được sơ tán. Một số người dân đã tự di tản đến nhà người thân, trong khi những người khác được đưa đến các khu vực an toàn do chính quyền chỉ định. “Các điểm trú ẩn này được trang bị đầy đủ lều bạt, điện, nước sạch, nhà vệ sinh và có đội ngũ y tế túc trực cùng xe cứu thương sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp”, người phát ngôn này khẳng định.

Tờ The Nation đưa tin, người đứng đầu tỉnh Surin – Thái Lan, ông Chamnan Chuenta đã ra lệnh và hoàn tất việc sơ tán khẩn cấp người dân ở bốn huyện biên giới là Phanom Dong Rak, Kap Choeng, Buachet và Sangkha. Thống đốc xác nhận tất cả những người sơ tán đã được đưa đến các nơi trú ẩn an toàn do tỉnh thành lập và đang nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ ban đầu. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để có những thông báo tiếp theo.

Đài PTTH Hà Nội
Người dân ngồi trên thùng xe bán tải trên đường đến trung tâm sơ tán tại Ban Ta Miang, tỉnh Surin, Thái Lan. Ảnh: Kaikungwon Duanjumroon/EPA
Đài PTTH Hà Nội
Cảnh sát Thái Lan vận động người dân sơ tán khỏi khu vực xảy ra đụng độ. Ảnh: Kaikungwon Duanjumroon/EPA


 

16:45 (09:45 GMT)

Thái Lan ra điều kiện đàm phán, đưa vấn đề tới Liên hợp quốc

Giới chức cấp cao của Thái Lan đã đưa ra điều kiện để đàm phán, đồng thời thực hiện các bước để nêu vấn đề trước cộng đồng quốc tế.

Hãng tin Reuters dẫn lời Quyền Thủ tướng Thái Lan, ông Phumtham Wechayachai, cho biết giao tranh phải chấm dứt thì hai bên mới có thể tiến hành đàm phán. Tại một cuộc họp báo, ông Phumtham cáo buộc Campuchia đã bắn vũ khí hạng nặng vào Thái Lan mà không có mục tiêu cụ thể, gây ra thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng hai nước không có tuyên bố chiến tranh và các cuộc đụng độ chưa lan rộng ra nhiều tỉnh khác.

Theo tờ Khaosod của Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa đã đến trụ sở Liên hợp quốc tại New York trong ngày hôm nay để phản đối với cộng đồng quốc tế về điều mà Thái Lan gọi là "hành động nổ súng của Campuchia vào Thái Lan".

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chính thức kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Đài PTTH Hà Nội
Bản đồ khu vực xảy ra xung đột giữa Thái Lan và Campuchia


 

15:30 (08:30 GMT)

Thái Lan và Campuchia đóng cửa trường học dọc biên giới

Để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, Bộ Giáo dục Thái Lan đã ra thông báo chính thức về việc đóng cửa các trường học gần biên giới tại huyện Phanom Dong Rak, tỉnh Surin. Truyền thông địa phương cũng đưa tin về việc đóng cửa các trường học tại hai tỉnh khác bị ảnh hưởng là Sisaket và Buriram.

Giới chức Campuchia cũng xác nhận đã tiến hành sơ tán học sinh và giáo viên ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh để đảm bảo an toàn.

Đài PTTH Hà Nội
Người dân tại tỉnh Surin - Thái Lan trú ẩn để tránh cuộc đụng độ. Ảnh: Sunny Chittawil/AP

LẬP TRƯỜNG CỦA CÁC BÊN Ở THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI

THÁI LAN:

  • Về nguồn gốc xung đột: Quân đội Thái Lan cho biết giao tranh bắt đầu khi lực lượng của họ phát hiện một máy bay không người lái của Campuchia vào lúc 7:35 sáng, sau đó 6 binh sĩ Campuchia có vũ trang đã tiến đến hàng rào. Đến 8:20 sáng, lực lượng Campuchia đã nổ súng trước.
  • Về quân sự: Thái Lan thừa nhận đã triển khai 6 máy bay chiến đấu F-16 để không kích hai "mục tiêu quân sự trên mặt đất của Campuchia". Hành động này được mô tả là để đáp trả "cuộc tấn công có chủ đích vào dân thường" của Campuchia, cáo buộc đối phương đã bắn pháo phản lực BM-21 vào các khu dân cư.
  • Về thương vong: Bộ trưởng Y tế Thái Lan công bố có 11 thường dân (bao gồm một trẻ em) và 1 quân nhân đã thiệt mạng; 24 thường dân và 7 quân nhân khác bị thương.
  • Về ngoại giao: Người phát ngôn chính phủ cáo buộc Campuchia là "vô nhân đạo, tàn bạo và hiếu chiến". Quyền Thủ tướng Phumtham Wechayachai kêu gọi xử lý tình hình một cách cẩn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Thái Lan đã đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới và Đại sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh kêu gọi công dân rời khỏi Campuchia "càng sớm càng tốt".

 

CAMPUCHIA:

  • Về nguồn gốc xung đột: Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia khẳng định quân đội Thái Lan đã phát động một "cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng Campuchia" trước. Hành động của Campuchia chỉ là "thực hiện quyền tự vệ hợp pháp... để đẩy lùi cuộc xâm lược của Thái Lan".
  • Về quân sự: Campuchia cáo buộc máy bay chiến đấu của Thái Lan đã thả hai quả bom xuống một con đường trên lãnh thổ của mình. Bộ Quốc phòng "lên án mạnh mẽ hành động xâm lược quân sự tàn bạo và liều lĩnh" của Thái Lan. Bộ Ngoại giao gọi các cuộc không kích của Thái Lan là "vô cớ".
  • Về thương vong: Hiện chưa có thông tin chính thức nào về thương vong được phía Campuchia công bố.
  • Về ngoại giao: Thủ tướng Hun Manet đã chính thức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp để "ngăn chặn hành động xâm lược của Thái Lan". Campuchia kêu gọi Thái Lan rút quân và "kiềm chế mọi hành động khiêu khích có thể làm leo thang tình hình".

 

15:00 (08:00 GMT)

Campuchia kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn

Trong một động thái ngoại giao quan trọng, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chính thức kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bức thư gửi tới chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7, là đại diện của Pakistan tại Liên hợp quốc. Thủ tướng Hun Manet nêu rõ: "Xét đến những hành động xâm lược cực kỳ nghiêm trọng gần đây của Thái Lan, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình trong khu vực, tôi tha thiết yêu cầu ngài triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để ngăn chặn hành động của Thái Lan".

Đài PTTH Hà Nội
Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Trung tâm huấn luyện Hiến binh Hoàng gia ở tỉnh Kampong Chhnang Campuchia vào ngày 14 tháng 7. Ảnh: GettyImage

14:30 (07:30 GMT)

Thái Lan công bố 12 người thiệt mạng

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Thái Lan Somsak Thepsuthin cho biết, các cuộc tấn công từ phía Campuchia trong ngày đã khiến ít nhất 11 dân thường và 1 quân nhân Thái Lan thiệt mạng.

Trước đó, CNN dẫn nguồn tin từ quân đội Thái Lan cho biết một quả rocket do Campuchia phóng đã đánh trúng một trạm xăng đông đúc tại tỉnh Sisaket, khiến 6 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương.

Giới chức Thái Lan cũng cáo buộc quân đội Campuchia đã phóng hai quả pháo phản lực BM-21 vào Bệnh viện Phanom Dong Rak và một khu dân cư ở tỉnh Surin, khiến ba dân thường bị thương. Trước đó, Trưởng huyện Kantharalak cũng xác nhận với Đài PBS Thái Lan về việc một quả tên lửa đã bắn trúng một cửa hàng tiện lợi.

Đài PTTH Hà Nội
Bức ảnh do Quân đội Hoàng gia Thái Lan công bố ngày 24/7 cho thấy những vết máu trước một ngôi nhà bị hư hại do trúng rocket ở huyện Kap Choeng, tỉnh Surin, Thái Lan.

14:20 (07:20 GMT)

Thái Lan lên án Campuchia, khẳng định quyền tự vệ

Giới lãnh đạo và quân đội Thái Lan đã đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định quyền đáp trả của nước này trước các hành động từ phía Campuchia. Bà Paetongtarn Shinawatra (trong vai trò Thủ tướng bị đình chỉ và Bộ trưởng Văn hóa) khẳng định tình hình đã vượt quá giai đoạn có thể giải quyết thuần túy bằng ngoại giao, và hành động của Campuchia đã buộc Thái Lan "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả". Bà nhấn mạnh rằng việc Campuchia bị cáo buộc sử dụng vũ khí nhằm vào dân thường là hành động "không thể chấp nhận được" và cảnh báo: "Cuộc tấn công vào thường dân vô tội này sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án, và Thái Lan sẽ kiên định trong cách phản ứng". Mặc dù tuyên bố Thái Lan không loại trừ khả năng đáp trả quân sự, bà Paetongtarn cho biết vẫn ưu tiên nỗ lực ngoại giao để tránh đổ máu. Tuy nhiên, bà cũng nói rõ: "Chúng tôi có thể buộc phải làm những điều từng cố tránh trước đây."

Quân khu 2 Thái Lan cũng ra tuyên bố chính thức, khẳng định Thái Lan có quyền tự vệ chính đáng theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, sau khi cáo buộc Campuchia tấn công vào các khu vực dân sự của Thái Lan. Tuyên bố cam kết mọi hành động quân sự đáp trả (nếu có) sẽ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự và nỗ lực tránh làm hư hại các di sản văn hóa.

Campuchia không đưa ra bình luận về các phát ngôn này. Các kênh truyền thông Campuchia vẫn duy trì quan điểm rằng hành động của họ chỉ mang tính tự vệ.

Đài PTTH Hà Nội
Một người lính Campuchia chuẩn bị vũ khí ở khu vực Preah Vihear vào ngày 24/7. Ảnh: AFP

Đài PTTH Hà Nội
Xe bọc thép của Quân đội Hoàng gia Thái Lan trên một con đường ở tỉnh Chachoengsao vào ngày 24/7. Ảnh: Lillian Suwanrumpha / AFP

14:10 (07:10 GMT)

Thái Lan công bố 9 người thiệt mạng và 14 người bị thương

Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA) cập nhật con số thương vong đối với dân thường đã tăng lên 9 người (trong đó có một trẻ em 8 tuổi) và 14 người bị thương do pháo kích của Campuchia vào các khu dân cư tại nhiều tỉnh.

Đại tá Richa Suksuwanon, Phó phát ngôn viên Quân đội Hoàng gia Thái Lan, tuyên bố: "Quân đội Hoàng gia Thái Lan xin lên án hành động bạo lực nhắm vào các mục tiêu dân sự của phía Campuchia và sẵn sàng thực hiện các biện pháp quân sự để bảo vệ chủ quyền và người dân trước những hành động vô nhân đạo như vậy một cách cao nhất." Thông cáo của Quân đội Hoàng gia Thái Lan cho biết.

Phía Campuchia chưa có bình luận chính thức về con số thương vong dân sự do phía Thái Lan công bố.

Người dân tại tỉnh Surin - Thái Lan tìm nơi ẩn nấp

14:05 (07: 05 GMT)

Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng

Cựu Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen - người đã lãnh đạo đất nước trong gần bốn thập kỷ và hiện là Chủ tịch Thượng viện đã đưa ra một tuyên bố trên mạng xã hội, khẳng định hành động quân sự của nước này là bắt buộc: "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phản công". Đồng thời, ông kêu gọi người dân trong nước giữ bình tĩnh và tin tưởng vào chính phủ.

Ông viết: "Người dân Campuchia không nên hoảng sợ và tích trữ gạo cùng các hàng hóa khác hoặc bán hàng với giá cao... Xin hãy giữ bình tĩnh và tiếp tục công việc hàng ngày như thường lệ."

Ông cũng kêu gọi người dân "tin tưởng vào chính phủ và lực lượng vũ trang đang đứng ở tuyến đầu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ."

Đài PTTH Hà Nội
Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu trong chuyến thăm biên giới Campuchia - Thái Lan vào ngày 26/6

13:50 (06:50 GMT)

Thái Lan cáo buộc Campuchia nhắm vào các mục tiêu dân sự

Giới chức Thái Lan cáo buộc về việc Campuchia nhắm vào các khu vực dân sự, gây ra thương vong đáng kể. Cảnh sát Thái Lan thông báo ít nhất 8 người ở nước này đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trong ngày. Trưởng quận Kantharalak, tỉnh Sisaket, nói với đài truyền hình công cộng Thai PBS rằng một quả pháo phản lực đã bắn trúng một cửa hàng tiện lợi ở làng Ban Nam Yen, cách biên giới khoảng 20 km. Quân đội Thái Lan cũng cáo buộc lực lượng Campuchia đã bắn hai quả pháo phản lực BM-21 vào khu vực dân sự tại huyện Kap Choeng, tỉnh Surin, làm ba người bị thương. Bộ Ngoại giao Thái Lan ra tuyên bố khẳng định các cuộc tấn công của Campuchia vào khu vực dân sự, bao gồm cả Bệnh viện Phanom Dong Rak, vẫn tiếp diễn trong ngày. Người phát ngôn của Bộ cho biết: "Những hành động này đã gây ra thêm nhiều thương vong và mất mát cho người dân Thái Lan."

Trong khi đó Campuchia cáo buộc máy bay chiến đấu của Thái Lan đã xâm phạm không phận và tấn công lãnh thổ của mình. Theo tuyên bố từ phía Campuchia, một máy bay chiến đấu F-16 của Thái Lan đã thả hai quả bom xuống một con đường. Hiện chưa có thông tin chính thức về thương vong bên phía Campuchia được công bố.

Đài PTTH Hà Nội
Hình ảnh quân đội Thái Lan chia sẻ, khẳng định Campuchia tấn công vào khu vực dân sự của Thái Lan - Ảnh: X/THAI ROYAL ARMY

12:30 (05:30 GMT)

Campuchia tuyên bố giành lại quyền kiểm soát đền Ta Kwai

Truyền thông nhà nước Campuchia đưa tin quân đội nước này đã thành công trong việc đẩy lùi binh lính Thái Lan và tái lập quyền kiểm soát khu vực đền Ta Kwai (thuộc tỉnh Oddar Meanchey của Campuchia) vào khoảng 12:00 trưa. Hãng thông tấn Fresh News của Campuchia khẳng định: "Đến 12:00 trưa nay, quân đội Thái Lan đã rút hoàn toàn khỏi khu vực, nơi hiện đang nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Campuchia."

Phía Thái Lan chưa xác nhận thông tin mất quyền kiểm soát. Các báo cáo của Thái Lan vào cùng thời điểm vẫn mô tả giao tranh đang diễn ra tại nhiều điểm, bao gồm cả khu vực đền Ta Kwai.

Đài PTTH Hà Nội
Binh sĩ Thái Lan và Campuchia tại một ngôi đền Khmer cổ dọc biên giới tranh chấp Campuchia-Thái Lan ở tỉnh Oddar Meanchey vào tháng 3. Ảnh: GettyImage

12:00 (05:00 GMT)

Hai bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau

Bộ Quốc phòng Campuchia ra tuyên bố chính thức, cáo buộc Thái Lan đã thực hiện hành vi "xâm lược quân sự tàn bạo và bất hợp pháp" và sử dụng máy bay chiến đấu ném bom vào lãnh thổ Campuchia. Bà Maly Socheata, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia, nói: "Quân đội Thái Lan đã vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia bằng cách tiến hành một cuộc tấn công vũ trang... Để đáp trả, các lực lượng vũ trang Campuchia đã thực thi quyền tự vệ chính đáng của mình, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế", Thông cáo của Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết.

Thủ tướng Thái Lan trong một bài đăng trên mạng xã hội đã chỉ trích phía Campuchia: "Không có gì đáng ngạc nhiên! Nổ súng trước nhưng lại đóng vai nạn nhân. Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn."

Hình ảnh được cho là Campuchia đang khai hỏa nhắm vào các mục tiêu trên đất Thái Lan. Video: Reuters

11:30 (04:30 GMT)

Thái Lan triển khai máy bay F-16

Theo Thai PBS World, quân đội Thái Lan xác nhận đã sử dụng máy bay chiến đấu để không kích các vị trí quân sự của Campuchia, nhằm đáp trả điều mà phía Thái Lan cáo buộc là hành động pháo kích của Campuchia vào các mục tiêu dân sự.

Theo các nguồn tin quân sự Thái Lan, sáu máy bay chiến đấu F-16 đã được triển khai để ném bom vào sở chỉ huy tiền phương của các đơn vị Campuchia mà Thái Lan cho là chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bằng pháo binh vào dân thường. Tất cả máy bay được báo cáo đã trở về căn cứ an toàn.

Ngoài ra, quân đội Thái Lan cũng cho biết đã phá hủy một tuyến cáp treo của Campuchia tại khu vực núi Phu Makhua ở tỉnh Si Sa Ket.

Cùng thời điểm, một báo cáo từ tỉnh Si Sa Ket cho biết ba thường dân đã thiệt mạng và 14 người khác bị thương khi một quả đạn pháo bắn trúng cửa hàng tiện lợi tại một trạm xăng, cách biên giới khoảng 20km.

Đài PTTH Hà Nội
Vào lúc 11:30 sáng nay, máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hoàng gia Thái Lan đã thực hiện một hoạt động đáp trả, ném bom một căn cứ quân sự của Campuchia tại Chong Arn Ma. Ảnh: Thai PBS


10:45 (03:45 GMT)

Xung đột lan rộng ra nhiều khu vực

Giao tranh được xác nhận đã lan ra ít nhất 6 khu vực dọc biên giới, bao gồm các điểm nóng như đền Ta Muen Thom, đền Ta Kwai, Chong Bok, khu vực gần đền Preah Vihear, Chong An Ma và Chong Chom. Cả hai bên đều tăng cường lực lượng tại các điểm này.

Đài PTTH Hà Nội
Binh sĩ Campuchia nạp đạn cho bệ phóng pháo phản lực đa nòng BM-21 tại tỉnh Preah Vihear vào ngày 24-7 - Ảnh: AFP

09:50 (02:50 GMT)

Thái Lan báo cáo thương vong dân sự đầu tiên

Các báo cáo ban đầu từ hiện trường cho biết 3 dân thường Thái Lan ở tỉnh Surin đã bị thương do đạn pháo BM-21 của Campuchia bắn vào các khu dân cư. Campuchia chưa có bình luận về các báo cáo thương vong dân sự từ phía Thái Lan.

Đài PTTH Hà Nội
Hình ảnh quân đội Thái Lan chia sẻ, khẳng định Campuchia tấn công vào khu vực dân sự của Thái Lan - Ảnh: X/THAI ROYAL ARMY

08:20 (01:20 GMT)

Tiếng súng đầu tiên và những cáo buộc trái ngược

Quân đội Thái Lan tuyên bố họ đã buộc phải nổ súng đáp trả sau khi một đơn vị của Campuchia khai hỏa trước vào một tiền đồn của Thái Lan gần đền Ta Muen Thom. Theo báo cáo của Quân đội Hoàng gia Thái Lan: "Vào khoảng 08:20, quân đội Campuchia đã nổ súng từ một vị trí cách căn cứ của Thái Lan khoảng 200 mét về phía đông. Quân đội Thái Lan đã đáp trả cuộc tấn công."

Phía Campuchia bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của Thái Lan, khẳng định binh lính Thái Lan đã xâm nhập và tấn công trước. Bộ Quốc phòng Campuchia tuyên bố: "Thái Lan đã phát động cuộc đụng độ vũ trang và Campuchia đã hành động nghiêm ngặt trong giới hạn quyền tự vệ."

07:35 (00:35 GMT)

Thái Lan cảnh báo UAV và binh sĩ Campuchia tiến sát biên giới

Bangkok Post dẫn báo cáo cáo từ Lực lượng Đặc nhiệm Suranaree (Thái Lan) cho biết có dấu hiệu một máy bay không người lái (UAV) của Campuchia bay lượn trên khu vực đền Ta Muen Thom. Ngay sau đó, họ phát hiện 6 binh sĩ Campuchia được trang bị vũ khí, bao gồm cả súng phóng lựu RPG, tiến về phía hàng rào kẽm gai. Lực lượng Thái Lan đã phát tín hiệu cảnh báo.

Phía Campuchia không có bình luận về hoạt động của UAV hay việc điều quân vào thời điểm này.

Trước đó, Campuchia đã trục xuất đại sứ Thái Lan và triệu hồi các nhà ngoại giao về nước. Thái Lan đáp trả tương tự và đóng cửa một số cửa khẩu biên giới. Động thái này diễn ra sau một loạt căng thẳng kéo dài giữa hai nước trong thời gian gần đây.

BỐI CẢNH: CĂNG THẲNG NGOẠI GIAO GIỮA THÁI LAN VÀ CAMPUCHIA

Cuộc đụng độ quân sự ngày 24/7 là đỉnh điểm của nhiều tuần căng thẳng leo thang và các hành động trả đũa lẫn nhau giữa hai nước láng giềng.

  • Tháng 5/2025: Căng thẳng bắt đầu gia tăng sau khi các cuộc đụng độ quân sự ở biên giới khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Sự việc này đã châm ngòi cho một loạt các chỉ trích và biện pháp đáp trả, bao gồm việc đóng cửa các cửa khẩu biên giới và việc Campuchia chặn nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Thái Lan như nhiên liệu, rau quả.
  • Ngày 16/7: Ba binh sĩ Thái Lan bị thương do dẫm phải mìn trong khi tuần tra tại một khu vực biên giới tranh chấp.
  • Ngày 23/7: Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi một binh sĩ Thái Lan khác bị thương nặng, mất một chân, trong một vụ nổ mìn. Sự việc này đã dẫn đến những cáo buộc trái ngược nhau. Chính quyền Thái Lan đổ lỗi cho Campuchia đã gài mìn mới trong khu vực. Campuchia phủ nhận cáo buộc, cho rằng binh sĩ Thái Lan đã đi chệch khỏi các tuyến đường rừng đã được thỏa thuận và vô tình kích hoạt những quả mìn cũ còn sót lại từ các cuộc xung đột trước đây.
  • Trả đũa ngoại giao: Ngay sau vụ nổ mìn mới nhất, các hành động ngoại giao trả đũa đã diễn ra nhanh chóng. Đảng Pheu Thai cầm quyền của Thái Lan tuyên bố triệu hồi đại sứ tại Campuchia về nước và sẽ trục xuất đại sứ Campuchia khỏi Bangkok. Để đáp trả, Campuchia ngay lập tức tuyên bố sẽ rút toàn bộ các nhà ngoại giao của mình khỏi Thái Lan và yêu cầu tất cả các nhà ngoại giao Thái Lan phải rời khỏi Phnom Penh.

Hành động cắt đứt quan hệ ngoại giao này đã tạo tiền đề trực tiếp cho cuộc xung đột quân sự bùng phát chỉ một ngày sau đó.