Náo nức phiên chợ cuối năm
Ở ngoại thành Hà Nội, những phiên chợ hàng chục năm nay vẫn giữ được những nét độc đáo, mang đặc trưng riêng có của chợ phiên đồng bằng Bắc Bộ. Diễn ra đều đặn vào các tháng trong năm, nhưng chỉ có phiên chợ họp vào những ngày gần Tết Nguyên đán mới có không khí thật đặc biệt với những người dân trong vùng.
Sớm tinh mơ, những người dân quanh vùng đã đến chợ phiên Thanh Mai để trao đổi hàng hóa. Chợ thường họp 12 phiên/tháng vào các ngày có số đuôi 2, 3, 5, 7 âm lịch, nhưng phiên chợ lớn nhất vẫn là phiên chợ cuối năm. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân ăn Tết đều có ở đây.
Bà Phạm Thị Lĩnh đã bán lá dong ở chợ Thanh Mai hàng chục năm, và chưa phiên chợ Tết nào bà vắng mặt kể từ khi bắt đầu ra chợ bán. "Năm nay vì có trận bão lớn nên lá dong không được mùa, nhưng được giá", bà Lĩnh cho biết.
Sáng sớm ở ngoại thành, thời tiết có phần giá lạnh hơn các thời điểm khác trong ngày. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Lan vẫn dậy thật sớm để đi chợ phiên mua đồ chuẩn bị cho ngày Tết. Bà Lan chia sẻ: "Chợ Tết Thanh Mai chuyên bán các sản phẩm của nông dân ở các huyện lân cận. Chợ phiên cuối năm chẳng thiếu mặt hàng gì. Từ những nguyên liệu làm món ăn ngày Tết cho đến các đặc sản của địa phương, tất cả đều được người dân mang đến chợ bán từ sáng sớm".
Gắn bó với công việc bán chiếu nhiều năm, phiên chợ cuối năm cũng là dịp để những người bán chiếu như chị Nguyễn Thị Lệ có cơ hội đắt khách, bởi nhu cầu thay chiếu mới mỗi khi năm hết Tết đến của người dân khá cao.
7 giờ sáng, không khí chợ Thanh Mai đã sôi động hơn. Dù các sản phẩm nông sản có thể tìm thấy ở vườn nhà, nhưng người dân vẫn thích chờ đến chợ phiên mới đem đi bán. Từ những nải chuối quê dâng cúng tổ tiên đến những thẻ hương, vàng mã cúng giao thừa; những buồng cau trong vườn nhà, đến những ống giang được mua về để chẻ lạt gói bánh chưng. Chẳng thiếu gì ở phiên chợ quê mộc mạc này.
Năm nay, dù đào quất không được mùa bởi bão lũ tàn phá, nhưng Tết đến vẫn có nhiều sự lựa chọn cây cảnh cho người dân.
Trong cái rét ngọt của buổi sáng mùa đông, dù vẫn còn công việc bộn bề, nhưng nhiều người dân ở ngoại thành Hà Nội vẫn dậy thật sớm đi chợ phiên, một nét sinh hoạt truyền thống vẫn luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.


Điểm nhấn của Festival Phở Hà Nội năm nay, lần đầu tiên công nghệ AI Chatbot được đưa vào tư vấn nhằm nâng cao trải nghiệm của khách tham dự.
Nghề thổi thuỷ tinh ở Vạn Nhất đã trở thành một phần cuộc sống của người dân nơi đây. Họ quen tay, quen việc, quen cả tiếng lửa tí tách mỗi ngày.
Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội sống và làm việc, Thùy Linh - một bạn trẻ gen Z đã có nhiều trải nghiệm bất ngờ trên mảnh đất chữ S.
Tháng tư đến, Hà Nội lại chìm đắm trong sắc trắng tinh khôi của hoa loa kèn. Những bông hoa đơn giản mà thanh khiết, mang chút bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.
Mỗi năm, cứ đến tháng Tư, Hà Nội lại đón mùa hoa loa kèn như một lời nhắc rằng, dù cuộc sống có đổi thay, vẫn có những điều giản dị mà đẹp đẽ sẽ quay trở lại.
Trên khu vực phố cổ Hà Nội, hầu như các nhà mặt đường đều là các cửa hàng, cửa hiệu phục vụ khách du lịch trong và nước ngoài, trong đó nhiều cửa hàng luôn luôn đông khách, đắt hàng.
0