Bán đồ ăn ở chung cư
Những "căn bếp chung cư" là nơi vẫn có nhịp sống vừa gần gũi, vừa hiện đại, nơi người bán, người mua, người nấu, người giao hàng đều là những người hàng xóm thân quen và gắn kết với nhau.
Ở Hà Nội, những chung cư cao tầng giờ đây không chỉ là nơi để sống, mà còn là không gian của sự kết nối giữa con người, công nghệ và cả những bữa ăn mỗi ngày. Không cần mặt bằng, chẳng cần biển hiệu, chỉ một căn hộ nơi tầng cao, một gian bếp nhỏ, một chiếc điện thoại... vậy là đủ để có một bếp ăn phục vụ cư dân giữa lòng thành phố.
8h sáng, chị Nguyễn Thu Phương - một cư dân sống trong tòa chung cư tại phường Tây Mỗ bắt đầu ngày mới bằng việc mở điện thoại đăng bài, báo món ăn hôm nay lên nhóm cư dân. Ngày nào cũng vậy, sau khi đăng bài, căn bếp của chị bắt đầu hoạt động hết công suất.
"Ở chung cư nên nhà nào biết nhà đấy, không như nhà mặt đất, do đó thời điểm đầu mình bán không có khách. 2-3 tháng sau bắt đầu đông hơn, khách họ giới thiệu nhau và bắt đầu ổn định trong khoảng nửa năm nay", chị Phương cho hay.
10h sáng, khi cư dân bắt đầu tìm món ăn cho bữa trưa cũng là lúc đơn hàng dồn dập. Gian bếp không còn là nơi chỉ nấu ăn cho gia đình nhỏ, mà là nơi phục vụ hàng chục suất ăn cho cư dân trong toà nhà. Chị Phương chia sẻ, cần sắp xếp đồ đạc gọn gàng vì căn bếp khá nhỏ, nếu không sẽ bừa bộn và bất tiện khi làm việc.
Những món ăn chuẩn bị xong được đóng gọn gàng. Anh Quang sau khi hoàn tất phần chuẩn bị đồ ăn lại trở thành “shipper trong toà nhà”. Không cần ra ngoài đường, chỉ cần đi bộ qua hành lang, bấm thang máy hoặc chạy vội qua cầu thang thoát hiểm - những hộp cơm được chuyển đến từng căn hộ đúng giờ ăn trưa. Mô hình “quán ăn một toà nhà” cứ thế mà vận hành.
2h chiều, khi ca buổi trưa vừa hạ nhiệt, ca chiều lại bắt đầu ở một căn bếp khác trong chung cư. Căn hộ của gia đình anh Ngọc - chị Nga nhiều năm nay đã trở thành tiệm trà sữa phục vụ cư dân sống ở chung cư. Chỉ cần khách đặt món, anh chị lên đơn qua điện thoại, là những cốc trà sẽ đến tận tay khách hàng như mong muốn.
Chị Nguyễn Thu Nga (phường Tây Mỗ) chia sẻ: "Có thời điểm mình cũng bán được 200-300 cốc, nhưng giờ đã giảm, vì không có nhân sự. Gian bếp nhỏ nên mình cũng khó khăn khi nhận nhiều đơn. Bán ở chung cư được lợi nhiều vì không mất tiền quảng cáo, không mất tiền thuê nhân viên. Xuống sảnh hay đi đâu, ai cũng cầm cốc nước nhà mình nên vui lắm!"..
Chỉ trong một buổi chiều, hàng chục cốc trà mát lạnh được chuẩn bị, đóng gọn gàng, sẵn sàng lên đường, anh Ngọc cũng bắt đầu chuyến giao hàng quen thuộc. Đôi khi, những đơn hàng không chỉ gói gọn trong một toà nhà, anh cũng có những khi phải mang theo những túi trà nhỏ phía sau xe máy, len lỏi qua các toà bên cạnh giao từng ly trà cho những người hàng xóm.
Cứ hết đơn này lại đến đơn khác. Những bếp ăn gia đình ở chung cư nhờ thế mà vẫn luôn được duy trì như một lẽ tự nhiên trong những tòa nhà cao tầng ở Hà Nội - nơi ở đó vẫn có những nhịp sống vừa gần gũi, vừa hiện đại, nơi người bán, người mua, người nấu, người giao hàng… đều là những người hàng xóm thân quen và gắn kết với nhau.