Nơi vỉa hè phố cổ

Một ngày mới ở Hà Nội thường được bắt đầu bằng những sôi động từ những vỉa hè trong phố.

Buổi sớm mùa hè. Ánh mặt trời xuyên qua tán lá, thả từng chùm hoa nắng xuống những căn nhà mặt phố còn đang ngái ngủ. Ở một góc ngã tư, vài người ghé xuống một gánh hàng xôi vỉa hè. Tiếng xe cộ, tiếng mua bán, tiếng chuyện trò. Một ngày mới ở Hà Nội thường được bắt đầu bằng những sôi động từ những vỉa hè trong phố.

Mỗi sớm mai, các hàng bán đồ ăn sáng luôn mở sớm nhất. Các tiệm kinh doanh mặt hàng khác rục rịch mở sau. Nhà phố cổ thường chật hẹp, nên tiệm nào cũng tranh thủ vỉa hè để bày hàng tràn ra phố, cả mấy chục năm nay. Người ta ngồi ăn trên phố, tập thể dục trên phố, đợi chờ nhau trên phố, đọc báo trên phố, nghỉ chân trên phố... Tất cả đều diễn ra trên những vỉa hè Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Hồng bán hoa gói trên vỉa hè phố Hàng Giấy đã nhiều năm nay. Chỉ một chiếc bàn nhỏ dựng sát gốc cây cổ thụ nơi góc đường, vài mẹt tre là đã có một tiệm hoa thơm ngát nơi góc phố. Người đi trên phố chỉ cần ghé lại là có thể mua hoa. Thậm chí, người ta vẫn ngồi trên xe máy, với tay vào chọn lựa. Đó là sự tiện lợi đặc quyền của những hàng quán vỉa hè trên phố cổ.

Không phải chỉ Hà Nội mới có vỉa hè và văn hóa vỉa hè, nhưng khi nhắc đến văn hóa vỉa hè, ta luôn nhớ đến một góc phố nào đó ở Hà Nội vô cùng thân thương, thơ mộng với những gánh hàng, những bàn, những ghế bày bán hàng mua, hàng ăn và tấp nập người đến xúm lại xung quanh. 

Văn hóa vỉa hè Hà Nội không đơn giản là sự mua bán tạm, nó liên quan mật thiết đến ẩm thực, không gian giao lưu, mưu sinh, thú ăn chơi bao đời nay của con người Hà Nội. Từ những quán cắt tóc, bơm vá xe vỉa hè đến những hàng trà đá, gánh hàng, quán ăn vỉa hè đơn sơ,... Tất cả làm nên một sắc màu tuy mộc mạc nhưng lại không thể thiếu của con người Hà Nội. 

Bà Nguyễn Thị Quyên (phố Hàng Ngang) chia sẻ: "Nhà tôi ở trên gác lại trong ngõ nên không nhìn được ra đường. Cứ 3h là tôi ra đường chơi, tắm nắng, ngắm đường phố. Nhiều người đi lại đông vui lắm!".

Vỉa hè không chỉ là nơi mua bán, ăn uống, gặp gỡ, chuyện trò… với giới trẻ, những vỉa hè thơ mộng đặc trưng Hà Nội còn được coi như phim trường chụp ảnh, góc sống ảo, hay là nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp lúc sang mùa.

Đối với khách du lịch nước ngoài, đời sống vỉa hè ở Hà Nội tạo nên một sức hấp dẫn thú vị bên cạnh yếu tố di sản kiến trúc hay những lễ hội. Việc đi bộ trên các vỉa hè hẹp, len lỏi giữa các sạp hàng hay đi qua những quán ăn vỉa hè khiến họ cảm nhận được mọi chi tiết với những cảm xúc đặc biệt.

"Khi đến Hà Nội, nơi đầu tiên tôi muốn đến là chợ đêm. Thật là một không gian sôi động, tôi không thể phân biệt được trong nhà, vỉa hè hay lòng đường vì hàng hóa được bày tràn lan, xung quanh tôi toàn là người. Họ đi lại nhộn nhịp, ăn uống, hát hò, trò chuyện. Thật thú vị!", vị du khách Ấn Độ nói với niềm cảm thán.

Vỉa hè là một bộ phận cấu thành nên hệ thống giao thông. Song đó là một bộ phận đặc biệt. Nói theo ngôn ngữ của các nhà quy hoạch, đó là “vùng đệm” giữa con đường và các công trình kiến trúc. "Vùng đệm” ấy là nơi diễn ra nhịp sống phố phường và sản sinh ra văn hóa vỉa hè. 

Vỉa hè Hà Nội tồn tại như một không gian văn hóa đặc thù. Không chỉ dựng nên sắc màu trực quan trong tổng thể diện mạo đô thị với những chức năng cơ bản nhất, vỉa hè còn là nơi diễn ra những hoạt động sinh kế, là không gian sinh hoạt cộng đồng của người Hà Nội.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời