Mỗi giây có một người tử vong vì viêm gan B

Viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan B được biết đến là "kẻ giết người thầm lặng" khi thường diễn biến âm thầm, rất khó được phát hiện sớm nếu không thăm khám định kỳ.

Phát hiện bị viêm gan B cách đây 4 năm, thế nhưng bệnh nhân Đào Anh Đại (tỉnh Phú Thọ) không điều trị. Sau đó, nghe theo lời mách bảo, anh tự cắt thuốc Nam về uống nhưng bệnh không đỡ, gần đây thấy có biểu hiện bất thường và mệt mỏi, anh mới đi khám và được chỉ định nhập viện với biến chứng xơ gan nặng.

Bệnh nhân Đào Anh Đại cho biết: “Tôi phát hiện viêm gan B được vài năm rồi, khi phát hiện về chỉ uống thuốc nam thôi, sau vài năm thấy nó bình thường. Gần đây, thấy người khó chịu thì tôi mới nhập viện".

Một bệnh nhân nữ 29 tuổi khác được phát hiện viêm gan B trong một lần làm xét nghiệm máu thai kỳ, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, khi phải đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con. Bệnh nhân nữ chia sẻ: “Đến thời gian kiểm tra định kỳ thai, tôi phải đi xét nghiệm tiểu đường nên tiện thể xét nghiệm hết tất cả, lúc ấy tôi đang bầu được 4 tháng và được các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh Sơn La kết luận là viêm gan B cấp. Vì thế, tôi chuyển lên bệnh viện Bạch Mai".

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Khoa Viêm gan vi rút, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Đứng trước một trường hợp phụ nữ có thai bị viêm gan B, chiến lược đưa ra điều trị là phải đảm bảo an toàn được cho cả mẹ và con. Cần phải xem xét có gây ra việc dọa đẻ non không? Khi có tình trạng chuyển dạ thì tình trạng suy gan cấp có ảnh hưởng đến cuộc chuyển dạ hay không? Khi con sinh ra trong giai đoạn này thì có nguy cơ lây từ mẹ không?”.

Đáng nói, hầu hết các bệnh nhân mắc viêm gan đều chỉ được phát hiện khi bệnh đã nặng, có biến chứng rõ ràng hoặc có đợt cấp, thậm chí nhiều người còn lầm tưởng đây là các bệnh lý khác. Các bác sĩ cho biết, viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ người mắc ung thư gan đứng thứ tư trên thế giới, với khoảng 40.000 trường hợp tử vong hàng năm vì căn bệnh này. Đáng nói, bệnh thường có những diễn biến và biểu hiện rất âm thầm, khó phát hiện, nên việc khám sàng lọc là rất quan trọng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Các bệnh nhân khi nhập viện đa số bị nhiễm viêm gan B nhưng không biết, chỉ đến khi bị các đợt suy gan cấp hoặc thậm chí có khối u rất lớn trong gan mới nhập viện; do đó khuyến cáo người dân nên đi khám định kỳ thường xuyên”.

Theo thống kê, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3.000 người tử vong liên quan đến bệnh gan và mỗi một giây có một người tử vong vì viêm gan B. Mặc dù là bệnh lý nguy hiểm, nhưng bệnh sẽ được điều trị khỏi nếu phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ. Để dự phòng bệnh, các bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân nên chủ động xét nghiệm kháng thể viêm gan để biết mình có cần phải tiêm vắc xin hay không, nên duy trì tiêm mũi nhắc lại 5 năm một lần để đảm bảo kháng thể phòng bệnh lâu dài. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời