Nhiễm giun sán từ thú cưng

Cần chú ý tẩy giun định kỳ cho vật nuôi, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, rửa tay thường xuyên và không ăn rau sống, thịt sống để tránh nhiễm giun sán từ thú cưng.

Hàng chục nghìn người Việt hiện đang nhiễm giun đũa chó mèo từ thú cưng - loại ký sinh trùng có thể xâm nhập vào da, gan, não, phổi, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Giun sán từ thú cưng dễ lây sang người

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhân nhiễm ấu trùng sán dây chó ở phổi. Bệnh nhân này được đưa đến viện trong tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở. Sau khi chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tổn thương khá lớn ở phổi, phải chỉ định phẫu thuật nội soi lồng ngực để xử lý. Khi mổ đã phát hiện trong nang dịch của phổi có chứa các đầu sán. Xét nghiệm cho thấy đó là ấu trùng sán dây chó. Đây là một loại sán có vật chủ chính là chó và chúng ta thường bị lây qua các vật chủ trung gian.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Vi Hải, Chủ nhiệm Khoa ngoại lồng ngực - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Chúng ta có thể nhiễm trực tiếp từ ấu trùng của sán qua tiếp xúc với lông chó mèo hoặc chất thải chó mèo bị nhiễm bệnh. Nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm, sán có thể xuất hiện kén ở gan, ở phổi hay những cơ quan khác nguy hiểm hơn như não, tim".

Một bệnh nhi khác bị đau bụng kéo dài cả tuần mà không đỡ. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - cơ sở chuyên khoa điều trị ký sinh trùng thuộc Viện Sốt rét, sau khi được chụp chiếu và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhiễn giun và sán chó. Do nhiễm bệnh lâu ngày khiến bệnh nhân bị vàng da.

"Tuỳ thuộc vào mỗi loại ký sinh trùng mà sẽ có biểu hiện riêng. Khi thấy đau đầu hoặc co giật, nên kiểm tra và chụp chiếu tại các cơ sở ý tế. Một số ký sinh trùng có thể gây đau bụng và rối loạn tiêu hoá", Thạc sĩ, Bác sĩ Phùng Xuân Hách - Khoa điều trị Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho hay.

Nguồn lây truyền dịch bệnh từ vật nuôi sang người

Ăn chung, ngủ chung với thú cưng là thói quen trong suốt 7 năm qua của một bạn trẻ đang sống tại Hà Nội. Họ coi nhau như hai người bạn thân, thường xuyên thể hiện sự yêu quý và gắn bó. Nhưng không ai dám đảm bảo rằng sẽ không có nguy cơ nào dẫn đến sự lây nhiễm từ những chú chó xinh đẹp này, dù có được tắm rửa sạch sẽ đến đâu. 

Đa số những người nuôi thú cưng cho biết, việc ngủ chung với thú cưng thực sự giúp họ ngủ ngon. Chơi đùa và ôm hôn thú cưng giúp giải tỏa căng thẳng, mang lại cảm giác cân bằng cho cuộc sống. Đối với người yêu thú cưng, việc sinh hoạt và ngủ cùng chúng là hoàn toàn bình thường. Nhưng cần có những biện pháp phòng tránh hoặc khám sức khỏe và tiêm phòng định kỳ, vệ sinh thú cưng sạch sẽ, tránh những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.

Phòng ngừa lây nhiễm

Theo các chuyên gia y tế, một số bệnh từ chó mèo có thể lây sang con người, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu tiếp xúc gần mà không có biện pháp phòng tránh. Các bệnh thường gặp có thể kể đến như bệnh dại, nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn từ nước bọt, lông động vật gây dị ứng, hen suyễn…  

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa sốt rét kỹ sinh trùng - Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương cho biết: "Càng những con chó non thì sẽ càng nhiễm giun nhiều, thậm chí chỉ nuôi chó trong khoảng 3 tháng đã thấy chúng đi ngoài ra giun. Hàng ngày, những con giun này đẻ ra một lượng trứng lớn, phát tán ra môi trường, dù có xử lý nguồn phân chó mèo sạch sẽ đến đâu cũng không thể ngăn chặn giun, sán. Nhiều người có thói quen ôm hôn, ngủ chung với chó mèo thì nguy cơ ăn phải trứng sán càng cao".

Nhiều gia đình cho rằng, việc nuôi chó mèo trong nhà, không cho ra đường khó có thể khiến chúng bị nhiễm giun sán từ các vật nuôi khác hay từ cây cỏ, môi trường. Tuy nhiên đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Nhiều mẫu xét nghiệm phân thú cưng chỉ ra dù được nuôi trong nhà nhưng vật nuôi vẫn có thể nhiễm sán.

"Theo tôi, khó để tránh khỏi, vì có những gia đình ở chung cư cao tầng thỉnh thoảng mới cho chó ra ngoài đi dạo nhưng sau thời gian ngắn vật nuôi đã đi ngoài ra giun. Nhiều nhà nuôi rất cầu kỳ, sử dụng hoá chất để sử lý phân chó mèo, nhưng sự phát tán là không thể tránh khỏi. Cần định kỳ tẩy giun cho chó mèo, vệ sinh hàng ngày và quản lý nguồn phân phù hợp, vệ sinh bản thân, môi trường xung quanh để tránh nhiễm giun, sán từ chó mèo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng cho hay. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời