Khi bác sĩ là nạn nhân của bạo lực, ai cứu người bệnh? | Hà Nội tin mỗi chiều
Gần đây, dư luận xôn xao khi có nhiều vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra. Vụ điều dưỡng tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ) bị chính người cha đang lo lắng cho con hành hung ngay trong phòng cấp cứu khẩn cấp; hình ảnh nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Nam Định giáng những cú đánh như trời giáng liên tiếp vào đầu khi đang làm nhiệm vụ.
Những vụ việc như vậy một lần nữa khiến dư luận bàng hoàng. Vấn đề không còn nằm ở một vài “cái tát nóng giận” mà nằm ở chỗ: tại sao bạo lực đối với nhân viên y tế lại xảy ra lặp đi lặp lại? Tại sao người làm nghề cứu người lại phải học cách tự bảo vệ mình trước? Chúng ta đã làm gì hoặc chưa làm gì để chặn đứng điều đó?
Theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%) và điều dưỡng (15%). Đáng nói, có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân (chiếm 60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Những con số cho thấy, đã đến lúc cần bật báo động đỏ cho vấn nạn “bạo hành nhân viên y tế”. Nhìn thẳng vào các vụ việc đau lòng này, tôi cho rằng có nhiều lý do khiến nhân viên y tế dễ trở thành đối tượng của bạo hành.
Thứ nhất, vì họ là người “trực diện” với sự giận dữ, hoảng loạn và bất lực của thân nhân bệnh nhân. Khi sự sống của người thân bị đe dọa, hoặc khi kỳ vọng chữa khỏi không được đáp ứng, cảm xúc dễ bùng nổ. Trong hoàn cảnh ấy, người mặc blouse trắng thường trở thành nơi trút giận đầu tiên và dễ nhất.
Thứ hai, vì hệ thống bảo vệ nhân viên y tế gần như không phát huy tác dụng trong một số tình huống. Nhiều bệnh viện thiếu lực lượng an ninh chuyên trách, thiếu quy trình phản ứng nhanh, thiếu cả những “hàng rào” vật lý và pháp lý. Khi bác sĩ bị hành hung, quy trình xử lý thường rơi vào kiểu “hòa giải nội bộ” hoặc chuyển sang các khung xử lý mơ hồ như “gây rối trật tự”. Điều này khiến hành vi bạo lực không bị răn đe, thậm chí còn được ngầm dung thứ.
Thứ ba, nghiêm trọng hơn, là sự lệch chuẩn trong cách xã hội nhìn nhận ngành y. Khi niềm tin bị xói mòn vì vài sai phạm cá biệt, vì những hình ảnh méo mó trên mạng xã hội thì sự tôn trọng dành cho người thầy thuốc cũng bị kéo tụt. Rất có thể, những nhân viên y tế đơn độc trong hành trình bảo vệ chính mình.
Khi trở thành nạn nhân của bạo lực, bất kỳ ai cũng mang những thương tổn cả về thể xác lẫn tinh thần. Thực tế, không có bác sĩ nào học cách chống đỡ cú đấm trong trường y cả. Họ học cách cứu người nhưng rồi lại phải mang theo nỗi lo bị đánh, bị chửi, bị đổ lỗi bất cứ lúc nào. “Khi bác sĩ sợ, họ sẽ không dám làm nghề. Không dám can thiệp chuyên sâu. Không dám giữ lại bệnh nhân nặng. Và khi ấy, người thiệt thòi cuối cùng lại chính là bệnh nhân” - Một bình luận rất đáng ngẫm trên các diễn đàn về câu chuyện này cho biết.
Tại Bệnh viện Bạch Mai - Bệnh viện đặc biệt lớn nhất cả nước, mỗi ngày cấp cứu cho khoảng 500 - 900 trường hợp đến từ khắp miền Bắc, với áp lực làm việc rất lớn. Vì vậy, bệnh viện luôn chú trọng kỹ năng giao tiếp, tăng cường an ninh để ngăn ngừa hành vi hành hung nhân viên y tế. PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh như vậy trên báo chí. Ông cũng cho biết, những năm qua, nhờ áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, bệnh viện gần như không còn ghi nhận tình trạng nhân viên y tế bị hành hung. Đây là kết quả của nỗ lực tạo dựng môi trường làm việc an toàn, giúp y bác sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, để duy trì kết quả này và phục vụ người dân tốt hơn, rất cần sự hợp tác từ cộng đồng. PGS Đào Xuân Cơ cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi mong người dân phối hợp với nhân viên y tế, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp”.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp bệnh nhân tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu. Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống. Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo ra sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh.
Nhà Phật dạy rằng, trong mỗi con người đều có hạt giống của từ bi và sân hận. Cái nào lớn lên là tùy vào sự lựa chọn của ta ở mỗi khoảnh khắc. Giữa nơi sinh – tử như bệnh viện, có lẽ không ai đủ sức mạnh nếu chỉ hành động một mình. Nhưng nếu ai cũng giữ được một chút bình tĩnh, một chút hiểu cho người khác thì điều đó đã là một sự bảo vệ.
Sự an toàn của người thầy thuốc không chỉ đến từ camera, hàng rào hay luật pháp. Nó đến từ cách xã hội nhìn họ, tin họ, và cùng đồng hành với họ trong những thời điểm khó khăn nhất. Khi bác sĩ được bảo vệ, bệnh nhân mới thực sự được cứu chữa bằng cả chuyên môn lẫn sự an tâm.
Chúng ta đã nói nhiều về việc phát triển một nền y tế hiện đại, công bằng và nhân văn. Nhưng trước hết, hãy bắt đầu từ điều rất nhỏ: giữ cho bệnh viện là nơi của chữa lành chứ không phải nơi phải căng lên để tự vệ.


HANOITV News | 09/05/2025
Tổng Bí thư dự Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Nga; Dự kiến còn 290.000 biên chế cấp tỉnh, xã sau sáp nhập; Giáo hoàng Leo XIV cử hành thánh lễ đầu tiên... là một số nội dung đáng chú ý trong Chương trình Thời sự 23h00 hôm nay.
Hai giờ sáng, khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ, ở làng Mạch Tràng, một ngày mới đã bắt đầu với những người làm bún.
Dự kiến bỏ Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao và cấp huyện từ 1/7; Chuyên án ma túy Quảng Ninh: bắt thêm 3 đối tượng; Bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy trên đường đi giao... là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin 141 hôm nay.
Ngày 9/5/2025 đánh dấu tròn 80 năm chiến thắng phát xít Đức – mốc son lịch sử làm nên bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc của người dân Liên Xô trước đây và người dân Nga ngày nay. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những xáo trộn địa chính trị sâu sắc, lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2025 không chỉ mang ý nghĩa tưởng niệm, mà còn gửi đi một thông điệp toàn cầu về quá khứ, vị thế hiện tại và khát vọng tương lai của nước Nga.
Hòa Minzy tri ân ngày của mẹ với MV 'Nếp nhà'; Thiều Bảo Trâm gây tranh cãi khi ra sản phẩm âm nhạc mới; Ngô Thanh Vân trở lại ấn tượng trong 'The Old Guard 2'; NTK Lê Thanh Hòa mở màn Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2025... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin Thế giới Showbiz hôm nay.
0