Bánh giò Hà Nội vào Sài Gòn
Chiều nay, Hường kể bạn nghe câu chuyện của Thùy Mỵ với món bánh giò Hà Nội ở Sài Gòn.
Hồi đó, tôi chỉ biết đến “bánh giò” qua những câu chuyện kể của ba. Ở nơi xa đó giữa xô bồ tấp nập, người dân tứ xứ đổ về nhiều lắm mà không quên đặc sản quê nhà. Họ đem đến Sài Gòn những sản vật quê hương để bày bán, quảng bá đến du khách gần xa. Và trong vô vàn những món ngon đó, ba tôi gặp bánh giò - một thứ quà quê mà người Hà Nội đã mang vào cho mảnh đất Sài Gòn.
Năm đó, ba đi ôn thi với giấc mộng làm bác sĩ. Ba ở chung với vài người bạn trong một căn nhà trọ nhỏ hẹp. Đêm là thời gian yên tĩnh để ba học bài thì tiếng rao “bánh giò đây” lại rấm rứt trong dạ, khiến ba cồn cào đói. Ba lại buông sách đứng lên đi tìm người bán bánh giò với những chiếc bánh nóng hôi hổi được bỏ trong thùng xốp phía sau xe. Bên trong lớp lá chuối là lớp bánh màu trắng đục, béo ngậy với mùi thơm đặc trưng. Nghe người bán bánh nói, người ta pha nước dùng gà và heo để hòa làm vỏ bánh. Nhân bánh thì dùng thịt bằm với nấm mèo cắt nhỏ, thêm chút gia vị cùng mấy quả trứng cút bóc vỏ trắng nõn nà, nằm gọn bên trong.

Ba tôi bảo ngày đó học bài khuya mà nghe tiếng rao "bánh giò đây" là phải chạy ra, mua một cái về ăn cho ấm bụng rồi mới học được tiếp. Sài Gòn về đêm nhiệt độ thường xuống thấp. Nó không lạnh như ở miền Bắc khi vào đông mà nhiệt độ thấp, gió từ biển lùa theo từng cơn, xuyên qua từng thớ vải khiến người ta không khỏi rùng mình, trong dạ thì nao nao. Người dân tứ xứ như ba khi vào Sài Gòn ngày đầu còn chưa quen thời tiết, nên cứ thấp thỏm nhìn đất trông mây. Sau cũng quen dần lại thấy Sài Gòn dễ thương. Sáng nắng chút xíu rồi bất chợt kéo mưa. Mưa như xả hơi nửa chừng rồi mưa ngưng, gió ào về theo nhiều hướng, lùa hết những oi bức của bụi bặm, ồn ào tấp nập sang một bên. Tiết trời sau mưa lại trở nên âm ẩm lành lạnh, dễ chịu vô cùng. Đêm mưa Sài Gòn mà có cái bánh giò nóng ăn khuya thì thấy ấm bụng lạ lùng.
Câu chuyện của ba cứ mãi trong tiềm thức của tôi cho tới ngày tôi lên Sài Gòn lập nghiệp. Một mình với những chuỗi ngày tăng ca, có hôm ca làm kết thúc lúc hai ba giờ sáng. Nhớ ba nhớ cả câu chuyện ba kể, lòng tôi bỗng dưng mong ngóng tiếng rao của người bán bánh giò vang lên ở đâu đó giữa phố phường. Sài Gòn với tôi là thành phố không ngủ, ban đêm người ta cũng đi chơi, có người bán buôn suốt cả ngày lẫn đêm. Hôm nào tan ca muộn mà nghe tiếng rao của người bán bánh giò, tự dưng tôi mừng quýnh. Bữa nào người ta bán hết hay gặp bữa tan ca muộn, không nghe thấy tiếng rao "bánh giò đây" lại nổi cơn buồn vô cớ.
Chú bán bánh giò bảo với tôi, bánh trông vậy mà không khó làm, quan trọng nhất vẫn là khâu trộn bột, khuấy bột làm vỏ bánh. Bột không được quá cứng vì sẽ bị khô không ngon. Khi dáo bột thì vừa phải, nếu chín quá thì mất đi độ ngon của bánh. Sống quá thì lại khó tạo hình, làm mãi thì quen. Chú làm theo kinh nghiệm, món bánh gia truyền từ đời ông bà nội đến ba má rồi đến đời chú, nay mai chú sẽ truyền cho con. Dù là sống ở nơi đất lạ quê người nhưng vẫn luôn gìn giữ cái hồn của Hà Nội - quê hương chú. Chú kể, từ thời mới vào Nam lập nghiệp, người trong này không biết tới bánh giò. Nhiều hôm bán ế, đành phải ăn bánh thay cơm. Bây giờ thì khác, bánh giò Hà Nội đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều người dân Sài Gòn, kể cả khách phương xa tới họ cũng thích. Hàng ngày chú bánh bán rất chạy, cảnh phải ăn bánh thay cơm không còn nữa.

Chú bảo có người góp ý nên điều chỉnh để món ăn hợp vị người Sài Gòn, nhưng chú cứ khăng khăng giữ nguyên hương vị xưa cũ. Có lẽ là để nhớ lại những ký ức thân quen đã qua bên món bánh bình dị, trong chái bếp khói bay cay xè mắt, trong vách nhà tranh đầm ấm yêu thương. Gắn bó với nghề qua bao thăng trầm, chú bảo sẽ không bao giờ bỏ nghề. Dù cuộc sống đã khá hơn xưa rất nhiều, nhưng chú sẽ giữ mãi nghề này giữa Sài Gòn hoa lệ.
Giờ tôi đã hiểu tại sao ngày ấy ba tôi lại thích ăn bánh giò tới vậy. Cái dẻo bùi của bột gạo, cái beo béo đặc trưng của bánh giò, chỉ đơn giản vậy, mà sao khiến người ta nhớ mãi. Hóa ra, ăn bánh không chỉ để no, mà còn thưởng thức tình quê trong từng chiếc bánh. Nỗi nhớ Hà Nội da diết được người bán bánh giò gói trong chiếc bánh ấy vẫn bừng lên ấm áp nơi thành phố trăm vạn ánh đèn hiu hắt về đêm./.


Không biết từ bao giờ, Hà Nội luôn có những cuộc hẹn với các loài hoa. Và cũng không biết từ bao giờ, có người yêu các loài hoa ấy như chính tình yêu đối với Hà Nội.
Theo thời gian, có người dần hiểu ra rằng sẽ không bao giờ có thể tìm thấy một người hoàn hảo trong mắt mọi người xung quanh. Cô bắt đầu học cách chấp nhận chính mình giữa một thế giới vô vàn những điều không hoàn hảo. Và cô nhận ra rằng: yêu thương bản thân chưa bao giờ là đủ.
Thời gian là thứ công bằng nhất mà cuộc sống ban tặng cho mỗi con người. Nhưng có lẽ, điều đáng sợ nhất về thời gian không phải là nó cứ trôi đi mà chẳng chờ đợi ai, mà chính là việc nó có thể đưa mọi thứ vào lãng quên.
Năm nay thời tiết thật lạ kỳ. Giữa tháng Tư mà vẫn đợt gió mùa, trời trở lạnh. Cái rét nàng Bân chạm tới đầu hè…
Tháng Tư chạm ngõ, mang theo những tia nắng đầu hạ vàng ươm như mật ong rót xuống từng tán cây. Nắng nhẹ nhàng, chưa gay gắt, chỉ đủ để hong khô những giọt sương còn vương trên lá, đủ để làm bừng sáng những con đường ngập tràn hoa cỏ.
Có người chạm khẽ Hà Nội lần đầu vào một mùa hạ nóng rực lúc vừa kết thúc năm ba đại học. Với tính cách thích là nhích, hành trang ngày ấy của cô ngoài ví tiền thì chỉ còn vỏn vẹn một mảnh nhiệt huyết xê dịch cháy bỏng. Trong tưởng tượng của cô sinh viên Sài Gòn khi đó, Hà Nội là một khái niệm lạ lẫm vô cùng.
0