Ấn Độ khánh thành cơ sở sản xuất tên lửa BrahMos
Các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, nhà máy được thiết kế để sản xuất 80 - 100 tên lửa BrahMos mỗi năm, giúp Ấn Độ tăng cường kho dự trữ quốc phòng trong bối cảnh bất ổn biên giới.
Các quan chức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết thêm, cơ sở sản xuất này do Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh khánh thành và sẽ sản xuất một trong những tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới, với biến thể thu gọn nặng 1.290 kg, giảm hơn một nửa so với 2.900 kg ban đầu, có tầm bắn 290-400km, tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh (2,8 Mach). Việc giảm trọng lượng này cho phép các nền tảng như máy bay chiến đấu tăng khả năng mang tên lửa mới lên 3 chiếc thay vì chỉ 1 chiếc.

Ngoài đơn vị sản xuất, cơ sở thử nghiệm và tích hợp hàng không vũ trụ BrahMos cũng đã được đưa vào hoạt động. Cơ sở này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thử nghiệm và lắp ráp tên lửa, các quan chức Bộ Quốc phòng cho biết thêm.
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đơn vị sản xuất BrahMos ở Lucknow được xây dựng với chi phí 35 triệu USD và đã hoàn thành trong vòng ba năm rưỡi. Tên lửa BrahMos đã trở thành một phần quan trọng trong kho vũ khí của quân đội Ấn Độ. Nó được thiết kế để tấn công tầm xa, có độ chính xác cao vào các mục tiêu trên mặt đất và có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền, trên biển và dưới nước.
Ban đầu, tên lửa này có tầm bắn 290 km (180 dặm), nhưng các lần nâng cấp liên tục đã tăng tầm bắn và tăng cường khả năng chiến lược của nó.
Những diễn biến này diễn ra sau khi Nga và Ấn Độ ký một hiệp ước quốc phòng mới vào tháng 2 năm nay. Các quan chức Bộ Quốc phòng nước này cho biết, thỏa thuận mới này hợp lý hóa hậu cần và tăng cường hợp tác giữa lực lượng vũ trang của hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động và chiến dịch quân sự chung.
Hiện nay, khoảng 60% thiết bị quân sự của Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Theo sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" của Thủ tướng Narendra Modi, nước này cũng đang nỗ lực nội địa hóa ngành quốc phòng và đã đạt được thành công ở một số lĩnh vực với sự hỗ trợ từ các đơn vị tư nhân.
Nguồn gốc tên gọi BrahMos
Tên gọi BrahMos là sự kết hợp hài hòa giữa tên gọi của hai con sông biểu tượng của Nga và Ấn Độ - sông Brahmaputra, con sông lớn chảy qua Ấn Độ và Bangladesh và sông Moskva, chảy qua thủ đô nước Nga. Sự kết hợp này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa mà còn biểu thị hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng.
BrahMos Aerospace Private Limited, liên doanh giữa Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tổ hợp Khoa học - Sản xuất ngành Cơ khí/chế tạo máy (NPO Mashinostroeyenia) của Nga được thành lập vào năm 2005, đã đặt tên cho tên lửa này để tôn vinh mối quan hệ đối tác chiến lược.

Tên gọi BrahMos còn mang tính biểu tượng về sức mạnh và sự linh hoạt. Nếu như sông Brahmaputra nổi tiếng với dòng chảy mạnh mẽ và rộng lớn, thì sông Moskva lại gắn liền với sự bền vững và tầm quan trọng chiến lược.
Ngoài ra, tên lửa BrahMos được thiết kế để kết hợp tốc độ, độ chính xác và sức hủy diệt, trở thành một vũ khí đa năng có thể triển khai từ nhiều nền tảng như tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hoặc bệ phóng trên mặt đất.
Tính năng đặc biệt của tên lửa BrahMos
BrahMos là tên lửa hai tầng với động cơ tăng áp nhiên liệu rắn làm tầng đầu tiên giúp tên lửa đạt tốc độ siêu thanh rồi tách ra. Động cơ phản lực tĩnh lỏng hoặc tầng thứ hai sau đó đưa tên lửa gần hơn tới tốc độ Mach 3 trong giai đoạn bay hành trình. Công nghệ tàng hình và hệ thống dẫn đường với phần mềm nhúng tiên tiến cung cấp cho tên lửa các tính năng đặc biệt. Với tầm bắn tối đa 290km (và các phiên bản nâng cấp có thể đạt xa hơn), BrahMos có khả năng tấn công mục tiêu trên biển ở độ cao dưới 10m, giúp nó tránh radar đối phương.
Mẫu tên lửa phóng từ tàu được gắn đầu đạn 200 kg còn mẫu phóng từ máy bay (BrahMos A) có thể mang đầu đạn 300 kg. Hệ thống dẫn khí của tên lửa sẽ làm cho việc đốt cháy nhiên liệu lỏng của động cơ hiệu quả hơn khiến cho BrahMos có thể bay xa hơn các tên lửa khác có cùng kích cỡ đốt nhiên liệu một cách thông thường.
Với tốc độ cao BrahMos có thể dễ dàng đâm xuyên qua mục tiêu hơn các loại tên lửa hạng nhẹ bay dưới tốc độ âm thanh khác như tên lửa Tomahawk. Với trọng lượng gấp đôi và nhanh hơn bốn lần tên lửa Tomahawk, BrahMos có lực tác động mạnh hơn 32 lần tên lửa Tomahawk khi đâm vào mục tiêu. Tuy nhiên BrahMos sử dụng đầu đạn nặng chỉ bằng 3/5 tên lửa Tomahawk và tầm bay ngắn hơn nhiều vì thế chỉ thích hợp trong việc tác chiến nhanh và gần (trong tầm hoạt động của tên lửa).
Dù mục đích chính của BrahMos là tên lửa chống tàu nhưng nó cũng có thể dùng để đánh vào các mục tiêu cố định trên đất liền. Nó có thể được phóng thẳng đứng hay nghiêng và có thể bẻ một vòng 360 độ. BrahMos có thể phóng từ đất liền, trên tàu, trên không hay thậm chí bởi tàu ngầm hay bệ phóng dưới mặt nước. Mẫu phóng từ trên không có một bộ phận gia tốc nhỏ (để đẩy tên lửa bay cùng vận tốc với máy bay trước khi kích hoạt động cơ đẩy chính) và thêm một số đuôi định hướng để giữ ổn định trong khi phóng. BrahMos được thiết kế cơ bản có thể gắn trên Su-30MKI.
So với các tên lửa hành trình cận âm hiện đại, BrahMos có tốc độ cao hơn 3 lần, tầm bay xa hơn 2,5-3 lần, tầm tìm kiếm xa hơn 3-4 lần, động năng cao hơn 9 lần.
Tên lửa có cấu hình giống hệt nhau cho các bệ phóng trên đất liền, trên biển và dưới biển và sử dụng hộp phóng chuyên dụng TLC để vận chuyển, lưu trữ và phóng tên lửa.
Ý nghĩa chiến lược của tên lửa siêu thanh BrahMos
Tên lửa siêu thanh BrahMos không chỉ là một thành tựu kỹ thuật mà còn mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, BrahMos cung cấp cho Ấn Độ và các đồng minh một công cụ răn đe mạnh mẽ.

Sự hợp tác Nga - Ấn trong dự án này cũng củng cố mối quan hệ song phương, giúp cả hai quốc gia chia sẻ công nghệ, giảm chi phí phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí.
Ấn Độ cũng tích cực thúc đẩy xuất khẩu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos như một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường xuất khẩu quốc phòng và khẳng định vị thế là một bên quan trọng trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Một dấu mốc quan trọng trong nỗ lực này là thỏa thuận trị giá 375 triệu USD với Philippines vào tháng 1/2022, đánh dấu hợp đồng xuất khẩu quốc phòng lớn nhất của Ấn Độ cho đến nay.
Tương lai của dòng tên lửa hành trình siêu thanh này
Trong nhiều năm qua, Ấn Độ rất tích cực nâng cấp tên lửa BrahMos. Năm 2019, Ấn Độ đã thử nghiệm bản nâng cấp tăng tầm bắn lên 450km với hệ thống dẫn đường mới. Bản nâng cấp này được đánh giá không chỉ có tầm bắn lớn gấp rưỡi, mà còn cải thiện khả năng tấn công mục tiêu nhờ việc hoạt động tốt trong môi trường đối kháng điện tử mạnh. Cùng với đó, Ấn Độ còn đang lên kế hoạch phát triển tên lửa BrahMos thành vũ khí siêu vượt âm với tốc độ bay đạt Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), hứa hẹn sẽ đưa BrahMos vượt xa các đối thủ cạnh tranh, củng cố vị thế của nó như một trong những tên lửa hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, việc tích hợp BrahMos trên các nền tảng mới, như tàu ngầm Amur-950 của Nga, sẽ mở rộng phạm vi ứng dụng và tăng cường tính linh hoạt của tên lửa.


Thủ tướng Anh Keir Starmer ngày 12/5 đã công bố một loạt cải cách lớn đối với chính sách nhập cư của Vương quốc Anh, nhằm giảm bớt số lượng nhập cư ròng và khôi phục quyền kiểm soát biên giới quốc gia.
Nhóm vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng đã xung đột với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn bốn thập kỷ qua, đã quyết định tự giải thể và chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang.
Hàng trăm du khách đã đổ về khu nghỉ dưỡng Fuji Motosuko, Nhật Bản để tham dự Lễ hội hoa Fuji Shibazakura, còn được biết đến với tên gọi Lễ hội hoa dưới chân núi Phú Sĩ.
Ấn Độ vừa khánh thành một đơn vị sản xuất tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos tại tiểu bang Uttar Pradesh ở phía Bắc quốc gia này.
Ngày 11/5 theo giờ địa phương, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết họ sẽ thả một con tin người Mỹ gốc Israel bị bắt giữ ở Dải Gaza khi đang đàm phán trực tiếp với Mỹ về lệnh ngừng bắn cho vùng đất này.
Ngày 11/5 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ ký một sắc lệnh hành pháp để cắt giảm mạnh giá thuốc kê đơn tại Mỹ bằng cách điều chỉnh theo mức giá thấp nhất trên toàn cầu. Mức giảm ước tính lên tới 80% giá thuốc hiện tại.
0