Lệnh ngừng bắn giữa Ấn Độ và Pakistan kéo dài bao lâu?
Động thái được kỳ vọng sẽ chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau thông báo, đã có báo cáo về các hành vi vi phạm từ cả hai bên, làm dấy lên câu hỏi: liệu lệnh ngừng bắn có thực sự mở đường cho hòa bình, hay chỉ là khoảng lặng tạm thời trước một vòng xoáy bạo lực mới?
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định lệnh ngừng bắn là kết quả của “một đêm dài đàm phán do Mỹ làm trung gian”, ca ngợi các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Pakistan vì đã “sử dụng lý lẽ thường tình và trí tuệ tuyệt vời”. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cùng ngày tuyên bố Ấn Độ và Pakistan không chỉ đồng ý ngừng bắn mà sẽ “bắt đầu đàm phán về nhiều vấn đề rộng lớn tại một địa điểm trung lập”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía Ấn Độ. Bộ Thông tin Ấn Độ khẳng định thỏa thuận được “thực hiện trực tiếp giữa hai nước”, và vẫn chưa có quyết định nào về các cuộc đàm phán tiếp theo. Ngược lại, Pakistan công khai cảm ơn Tổng thống Trump vì “vai trò lãnh đạo và chủ động vì hòa bình khu vực”.
Giáo sư Daniel Markey, Đại học Johns Hopkins cho biết: “Có thể thấy, Nhà Trắng muốn nhận một phần công trạng, rằng họ đã đưa Ấn Độ và Pakistan tiến gần hơn tới một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, tình hình có những phức tạp riêng. Phía Ấn Độ dường như muốn nhấn mạnh rằng đây là một thỏa thuận song phương, được hai bên tự giải quyết, không chịu sức ép từ bên ngoài. Quan điểm này phản ánh cách tiếp cận truyền thống của Ấn Độ. Là một cường quốc khu vực, New Dehli không muốn bị các thế lực bên ngoài chi phối trong quyết định ngừng bắn với Pakistan”.
Dù ai là người đứng sau lệnh ngừng bắn, thực tế giao tranh vẫn đầy bất ổn. Chỉ vài giờ sau thông báo, các vụ nổ đã vang lên ở Srinagar và Jammu. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri cáo buộc Pakistan đã vi phạm thỏa thuận, trong khi phía Islamabad lên tiếng phủ nhận và quy trách nhiệm trở lại cho New Delhi. Những lời cáo buộc qua lại cho thấy thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn rất mong manh, khi thiếu cơ chế giám sát hiệu quả hoặc lộ trình ngoại giao rõ ràng.
“Cả Ấn Độ và Pakistan đều có lý do để tìm kiếm một lệnh ngừng bắn, chủ yếu vì lo ngại nguy cơ leo thang ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một thỏa thuận hòa bình thực sự thì không bên nào thực sự mong muốn, vì điều đó đòi hỏi phải giải quyết tận gốc tranh chấp tại Kashmir và các vấn đề sâu xa hơn. Pakistan lo sợ bị Ấn Độ, quốc gia lớn mạnh hơn, áp đặt trật tự khu vực theo cách mà họ cho là bất ổn với mình. Ngược lại, Ấn Độ xem Pakistan là một láng giềng nguy hiểm, lâu nay là nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố, và không muốn sống chung với mối đe dọa đó. Những mâu thuẫn cơ bản này không thể được hóa giải chỉ bằng một lệnh ngừng bắn. Nó chỉ là sự tạm dừng trong một cuộc xung đột kéo dài và phức tạp hơn nhiều”, Giáo sư Daniel Markey chia sẻ thêm.
Đến sáng 11/5, giao tranh đã tạm lắng ở nhiều khu vực và điện được khôi phục ở phần lớn các thị trấn biên giới. Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa trước đó, bao gồm đình chỉ thị thực, ngừng trao đổi thương mại hay việc Ấn Độ tạm dừng Hiệp ước Nước sông Ấn vẫn chưa được đảo ngược. Những hành động này cho thấy các bên vẫn đang giữ “quân bài chiến lược” trong tay, sẵn sàng tái khởi động căng thẳng nếu cần thiết.
Cuộc xung đột kéo dài 4 tuần giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á để lại những hậu quả kinh tế nghiêm trọng. Với Ấn Độ, thiệt hại GDP do đình trệ sản xuất và vận tải được ước tính lên tới 150 tỷ USD. Về phía Pakistan, tổng thiệt hại có thể dao động từ 60-70 tỷ USD, do sụt giảm đầu tư, biến động tài chính và nguy cơ đổ vỡ các chương trình vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).


Các cuộc đàm phán mới giữa Iran và Mỹ nhằm tháo gỡ những bất đồng kéo dài liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran vừa kết thúc tại Oman vào ngày 11/5.
Thị trường tài chính toàn cầu đã khởi sắc sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc thông báo đạt được những tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại.
Tổng thống Vladimir Putin dường như cho thấy mong muốn thực sự của Nga trong việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ukraine khi đề xuất đàm phán trực tiếp với Kiev.
Một nhóm 49 người Nam Phi da trắng đã rời sân bay quốc tế O.R. Tambo ở Johannesburg để bay sang Mỹ vào rạng sáng ngày 11/5 theo giờ Việt Nam, đánh dấu đợt di cư đầu tiên theo chương trình tị nạn được khởi xướng dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong ngày 12/5 cho biết, cuộc đàm phán thương mại với Mỹ tại Thụy Sĩ đã diễn ra một cách thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng, đồng thời ghi nhận những tiến triển thực chất trong nhiều nội dung quan trọng.
Lực lượng Vũ trang Ấn Độ tuyên bố đã hoàn thành các mục tiêu quân sự quan trọng, sau loạt đòn tấn công nhằm vào các cơ sở bị cáo buộc là của khủng bố tại Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
0