Xã Vật Lại: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Vật Lại được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thái Hòa, Phú Sơn, Vật Lại, Đồng Thái, Phú Châu (huyện Ba Vì). Lý do lấy tên xã mới là Vật Lại: Vật Lại là một xã thuộc huyện Ba Vì.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) Vật Lại đã được chọn là làng điển hình của Sơn Tây, biểu tượng tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Sơn Tây. Được Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Quảng Oai tặng một thanh kiếm và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Vật Lại vừa đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương vừa mang truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Vật Lại.

Vị trí địa lý xã Vật Lại

Xã Vật Lại giáp các xã: Quảng Oai, Bất Bại, Cổ Đô, Minh Châu của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ.

Diện tích, dân số xã Vật Lại

Xã Vật Lại có diện tích tự nhiên là 51,75 km2; quy mô dân số là 58.579 người.

  • Xã Đồng Thái (Huyện Ba Vì): Diện tích: 8,27km2; Quy mô dân số: 10.596 người
  • Xã Phú Châu (Huyện Ba Vì): Diện tích: 9,88km2; Quy mô dân số: 12.082 người
  • Xã Phú Sơn (Huyện Ba Vì): Diện tích: 13,45km2; Quy mô dân số: 10.590 người
  • Xã Thái Hòa (Huyện Ba Vì): Diện tích: 5,70km2; Quy mô dân số: 9.766 người
  • Xã Vật Lại (Huyện Ba Vì): Diện tích: 14,45km2; Quy mô dân số: 15.545  người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Vật Lại

Xã Vật Lại nằm ở vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và trung du, có quỹ đất rộng, địa hình tương đối bằng phẳng, phù hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp nhẹ.

Đây là địa bàn tiếp giáp với quốc lộ 32 - tuyến giao thông nối liền Hà Nội với Phú Thọ, Lào Cai và các tuyến đường kết nối về các xã lân cận trong Hà Nội và vùng ven sông Đà. Lợi thế này giúp xã Vật Lại trở thành điểm trung chuyển nông sản, vật tư, hàng hóa và đóng vai trò cầu nối giao thương giữa miền núi và đồng bằng.

Xã Vật Lại là vùng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chăn nuôi gia súc - gia cầm quy mô hộ, kết hợp với làng nghề truyền thống, nổi bật là nghề làm đồ mộc, đan lát và rèn thủ công tại một số khu vực Vật Lại và Thái Hòa. Các khu vực như Phú Châu và Phú Sơn có tiềm năng phát triển trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản nhờ địa hình ven sông, đất đai màu mỡ.

Xã có nhiều di tích lịch sử, không gian văn hóa nổi tiếng được xếp hạng cấp Quốc gia, nổi bật như đền Trúc Lâm thờ đức Thánh Phùng Lân Hổ, đây là một trong những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn; đền Lác, đình Đồng Bảng ở khu vực Đồng Thái; đình Phú Hữu, chùa Phú Hữu ở khu vực Phú Sơn; đình Phú Xuyên, chùa Phú Xuyên[ Nghị quyết số 24/NQ- HĐND ngày 29/4/2025 (Phụ lục 1-c-Di sản văn hóa vật thể).] ở khu vực Phú Châu,…

Đặc điểm kinh tế xã Vật Lại

Là vùng kinh tế có tính chất đặc trưng nông nghiệp truyền thống kết hợp chuyển dịch dần sang mô hình kinh tế nông thôn đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển vùng trung du phía Tây của Hà Nội.

Vật Lại nổi bật với thế mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển tiểu thủ công nghiệp và tiềm năng hình thành chuỗi cung ứng nông sản cho khu vực nội thành và các tỉnh lân cận.

Xã có lợi thế về đất đai rộng, địa hình bằng phẳng, hệ thống thuỷ lợi khá hoàn chỉnh, thuận lợi cho canh tác cây lương thực, rau màu, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi quy mô hộ gia đình lẫn trang trại. Một số vùng như Phú Sơn, Thái Hòa có truyền thống sản xuất nông nghiệp bền vững và đang từng bước ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành các vùng chuyên canh theo hướng an toàn, hữu cơ.

Là địa bàn có nhiều làng nghề thủ công từ lâu đời. Trong đó, nổi bật nhất là nghề mộc dân dụng, nghề rèn thủ công, đan lát tre nứa, các sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ và xuất đi các vùng lân cận.

Một số cụm dân cư dọc tuyến giao thông chính như đường tỉnh lộ hoặc gần quốc lộ 32 đang hình thành các điểm buôn bán nhỏ, dịch vụ hậu cần nông nghiệp, cơ khí sửa chữa, tạo nên sức sống mới cho kinh tế địa phương.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Vật Lại

Trên địa bàn xã có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia như: đền Lác, đền Trúc Lâm được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 168-VH/QĐ ngày 02/3/1990, đình Đồng Bảng, đình Phú Hữu, chùa Phú Hữu…. Các lễ hội truyền thống, tiêu biểu trên địa bàn xã như: Lễ hội dân gian, tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, các đình chùa cổ kính như đình Vật Lại, chùa Vật Lại.

Người dân xã Vật Lại có truyền thống sống chan hòa, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, “Làng văn hóa - Gia đình văn hóa”. Các hoạt động cộng đồng như văn nghệ quần chúng, thể thao phong trào, thi nấu ăn, ngày hội đại đoàn kết dân tộc được tổ chức thường xuyên, tạo không khí sôi nổi và tăng tính gắn kết cộng đồng.

Các cơ sở y tế trên địa bàn: Trạm y tế ở các khu vực Đồng Thái, Phú Châu, Phú Sơn, Thái Hòa, Vật Lại là cơ sở y tế đảm nhiệm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Trạm thực hiện các dịch vụ như khám chữa bệnh thông thường, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống dịch bệnh và tư vấn sức khỏe cộng đồng cho người dân trên địa bàn xã. Ngoài ra, xã Vật Lại còn có cơ sở y tế khác như Bệnh viện Đa khoa Ba Vì. Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cho người dân Ba Vì và các vùng lân cận. 

Vật Lại sở hữu hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ và tương đối toàn diện, đáp ứng hiệu quả nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Trong đó, Trường Tiểu học Vật Lại là một trong những điểm sáng tiêu biểu, với cơ sở vật chất khang trang. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2000. Đội ngũ giáo viên của trường năng động, tâm huyết, nhiều người đạt giải cao trong các cuộc thi chuyên môn Thành phố.

Bên cạnh đó, Trường THCS Vật Lại - ngôi trường có lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển cũng là cơ sở giáo dục chủ lực, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, khẳng định vị thế trong khối THCS trên địa bàn. Hệ thống trường mầm non ở các khu vực Đồng Thái, Phú Châu, Phú Sơn, Thái Hòa, Vật Lại được phát triển khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ em trong khu vực, trường duy trì đội ngũ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của ngành giáo dục.

Đồng thời, Vật Lại cũng xuất hiện một số cơ sở tư thục chất lượng cao như Trường Mầm non Lương Thế Vinh, Trường Mầm non Bé Ngoan, đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng với cơ sở vật chất hiện đại và chương trình giáo dục linh hoạt.

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Vật Lại: Thôn Vật Lại 3, xã Vật Lại
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vật Lại: đồng chí Nguyễn Khắc Sự
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vật Lại: đồng chí Nguyễn Đức Anh
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vật Lại: đồng chí Nguyễn Quốc Huy.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

 

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời