Phường Vĩnh Tuy: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Vĩnh Tuy được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Vĩnh Tuy, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Mai Động (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai).

Lý do lấy tên phường Vĩnh Tuy bởi Vĩnh Tuy là một phường thuộc quận Hai Bà Trưng hiện nay; là địa danh nổi tiếng, có cầu Vĩnh Tuy, có khu đô thị cao cấp Times City, khu vực này bao gồm đầy đủ các chức năng có cả trung tâm thương mại, bệnh viện. Vì vậy, việc lựa chọn tên đơn vị hành chính mới là Vĩnh Tuy bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ và dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

 

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Vĩnh Tuy.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Vĩnh Tuy

Phường Vĩnh Tuy giáp các phường: Vĩnh Hưng, Tương Mai, Hai Bà Trưng, Hồng Hà, Bạch Mai, Lĩnh Nam của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,33 km²; quy mô dân số là 90.583 người.

Phường Vĩnh Tuy được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Vĩnh Tuy, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); Mai Động (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), trong đó:

  • Phường Thanh Lương (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,49 km²; Quy mô dân số: 23.311
  • Phường Vĩnh Tuy (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 1,27 km²; Quy mô dân số: 40.442
  • Phường Vĩnh Hưng (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,12 km²; Quy mô dân số: 1.010
  • Phường Mai Động (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,45 km²; Quy mô dân số: 25.820

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Vĩnh Tuy

Phường Vĩnh Tuy có vị trí cửa ngõ Đông Nam của nội đô Hà Nội, nằm dọc theo tuyến hành lang đường Vành đai 2 - cầu Vĩnh Tuy - đường Lĩnh Nam - Tam Trinh. Đây là khu vực đô thị hóa nhanh, kết nối trực tiếp với các quận trung tâm (Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) và các khu vực phát triển mạnh phía Nam và Đông Nam (Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm).

Với địa bàn rộng, dân cư đông và cơ cấu sử dụng đất đa dạng (đô thị, dân cư, thương mại, khu công trình công cộng, di tích...), phường đóng vai trò là đơn vị hành chính đô thị lõi và là vùng chuyển tiếp năng động giữa nội thành cũ và các khu vực đô thị hóa mới. Vĩnh Tuy là nơi giao thoa giữa không gian hiện đại và văn hóa làng truyền thống, hội tụ cả khu dân cư lịch sử (Mai Động, Vĩnh Tuy cổ, Vĩnh Hưng xưa...) và các khu chung cư, hạ tầng đô thị mới (Times City, Lạc Trung, Khu đô thị Vĩnh Tuy...).

Đặc điểm kinh tế phường Vĩnh Tuy

Phường Vĩnh Tuy có cơ cấu kinh tế đa dạng, trong đó thương mại - dịch vụ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục tăng trưởng mạnh, đặc biệt tại các trục đường huyết mạch như: Lĩnh Nam, Minh Khai, Tam Trinh, Vĩnh Tuy, Lạc Trung… Hệ thống cửa hàng, showroom, siêu thị, dịch vụ ăn uống, logistic, văn phòng cho thuê phát triển nhanh, phục vụ cả dân cư bản địa lẫn khu đô thị mới.

Sản xuất thủ công và nghề truyền thống vẫn hiện diện, đặc biệt ở khu vực Mai Động với đặc sản đậu mơ Mai Động nổi tiếng; các nghề thủ công như mộc, cơ khí dân dụng, chế biến thực phẩm thủ công cũng được duy trì tại Vĩnh Hưng, Thanh Lương.

Kinh tế hộ gia đình và kinh doanh cá thể phát triển ổn định, đặc biệt trong các ngành nghề nhỏ lẻ, vận tải, buôn bán, sản xuất tại gia, đóng góp lớn vào thu nhập và sinh kế địa phương.

Kể từ khi được nâng cấp từ xã lên phường vào năm 2004 (khu vực là vùng thuộc phường Vĩnh Hưng cũ) đã trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng và mạnh mẽ. Sự chuyển đổi từ mô hình cư trú nông thôn truyền thống sang không gian đô thị hiện đại đã làm thay đổi căn bản cấu trúc kinh tế - xã hội của địa phương. Dòng dân cư từ các tỉnh lân cận đổ về sinh sống, mua đất, xây dựng nhà ở, mở rộng kinh doanh dịch vụ đã tạo nên một cơ cấu dân cư và kinh tế đa dạng, năng động và tự chủ.

Hiện nay, trên địa bàn phường xuất hiện ngày càng nhiều khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cơ sở dịch vụ hậu cần (logistics), kho vận và mạng lưới giao thông nội đô được quy hoạch lại. Quá trình này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, mà còn góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao giá trị sử dụng đất và cải thiện đời sống cư dân. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý không gian, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng sống đô thị, đòi hỏi sự điều phối và quy hoạch bài bản từ chính quyền đô thị các cấp.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Vĩnh Tuy

Về văn hóa, phường Vĩnh Tuy có hệ thống di tích văn hóa - lịch sử phong phú và có giá trị, phân bố đều trên địa bàn, phản ánh đặc trưng của một vùng đất văn hiến lâu đời như: Di tích xếp hạng cấp Quốc gia: đình Mai Động (thờ tướng Tam Trinh, xếp hạng năm 1986); chùa Phúc Khánh, đình Đông Thiên, đền Đông Thiên (Vĩnh Hưng) - gắn với thánh Nha Cát Đại Vương, công chúa Nguyệt Nga và Phùng Hưng.

Di tích được xếp hạng cấp thành phố và địa phương: chùa Hộ Quốc, đình Hương Thể, chùa Hương Thể (Thanh Lương); đình Vĩnh Tuy Đoài, khu tưởng niệm nạn đói 1944 - 1945, nghĩa trang Hợp Thiện (Vĩnh Tuy); chùa Thiện Khánh, chùa Lạc Trung B, nhà thờ Trung Chí, nhà số 8 ngõ 120 phố Vĩnh Tuy...

Lễ hội truyền thống: Được tổ chức đều đặn tại các đình, đền và làng cổ như: Lễ hội đình Vĩnh Tuy Đoài (1/2 và 10/8 âm lịch); Lễ hội làng Vĩnh Hưng (1 - 2/2 âm lịch); Lễ hội đình Mai Động (4 - 6 Tết); Lễ hội đình Hương Thể, đình Lạc Trung (12/2 & 12/8 âm lịch)…

Các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, cờ tướng, chọi gà, đu quay, hát quan họ… vẫn được duy trì, cho thấy sức sống của không gian lễ hội đô thị gắn với làng cổ.

Về y tế, trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, có hệ thống các trạm y tế phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.

Về giáo dục, trên địa bàn có các trường phổ thông tiêu biểu như sau: Trường Tiểu học Lương Yên, phố Lãng Yên; Trường Tiểu học Minh Khai - Hai Bà Trưng, số 17 ngõ Trại Găng; Trường Tiểu học Ngô Quyền, số 271 Ngõ Quỳnh; Trường Tiểu học Vĩnh Tuy, cụm 2b Phường Vĩnh Tuy; Trường THCS Hai Bà Trưng, Thanh Lương; Trường THCS Minh Khai - Hai Bà Trưng, ngõ 84 phố Kim Ngưu; Trường THCS Lương Yên, ngõ 63 Lương Yên; Trường THCS Vĩnh Tuy, Vĩnh Tuy; Trường THCS Quỳnh Mai, tập thể Quỳnh Mai; Trường THPT Vinschool Times City, T35, T36, T37 Times City; Trường THPT Đông Kinh, số 18C Nguyễn Tam Trinh; Trường THPT Hồng Hà, số 780 Minh Khai; Trường THPT Mai Hắc Đế, số 29A ngõ Vĩnh Tuy.

● Trụ sở Đảng ủy phường Vĩnh Tuy: Số 25A ngõ 13 đường Lĩnh Nam

● Trụ sở UBND phường Vĩnh Tuy: Số 35 phố Vĩnh Tuy

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vĩnh Tuy: đồng chí Nguyễn Quang Trung

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy: đồng chí Vũ Văn Hoạt

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Tuy: đồng chí Dương Minh Đức.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời