Phường Kiến Hưng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Kiến Hưng được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Kiến Hưng, Phú La (thuộc quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Lương, Hà Cầu, Quang Trung (thuộc quận Hà Đông).

Lý do lấy tên phường mới là Kiến Hưng bởi phường Kiến Hưng có làng Đa Sỹ - một làng cổ nổi tiếng ở Hà Nội, làng quê có truyền thống hiếu học, giỏi nghề rèn. Trước đây làng có tên cổ là Huyền Khê, sau này được đổi thành Đa Sỹ vì có nhiều người đỗ tiến sĩ. Đa Sỹ có 11 tiến sĩ, trong đó có hai người là Trạng nguyên, một người là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Đa Sỹ còn nổi tiếng bởi nghề rèn, các sản phẩm rèn phục vụ sinh hoạt hàng ngày, sản xuất nông nghiệp, có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là phường Kiến Hưng không chỉ đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử mà còn cho thấy sự sáng tạo, ẩn sâu bên trong là khát khao đổi mới, không ngừng phát triển vươn lên; giúp dễ nhận diện và bảo đảm truyền thống văn hóa lịch sử.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Kiến Hưng.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Kiến Hưng

Phường Kiến Hưng giáp các phường: Thanh Liệt, Dương Nội, Phú Lương, Hà Đông, Yên Nghĩa và xã Đại Thanh của thành phố Hà Nội. Phường Kiến Hưng có diện tích tự nhiên là 6,65 km2; quy mô dân số là 70.833 người.

Phường Kiến Hưng được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Kiến Hưng, Phú La (thuộc quận Hà Đông); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Lương, Hà Cầu, Quang Trung (thuộc quận Hà Đông).

  • Phường Kiến Hưng (Quận Hà Đông) 3,84km2 38.004 Điều chỉnh từ phường Kiến Hưng (4,20 km2; 41.580 người)
  • Phường Phú La (Quận Hà Đông) 1,63 29.981 Điều chỉnh từ phường Phú La (1,76 km2; 33.435 người)
  • Phường Phú Lương (Quận Hà Đông) 0,51 858 Điều chỉnh từ phường Phú Lương (7,06 km2; 29.308 người)
  • Phường Hà Cầu (Quận Hà Đông) 0,65 1.502 Điều chỉnh từ phường Hà Cầu (1,45 km2; 24.457 người)
  • Phường Quang Trung (Quận Hà Đông) 0,02 488 Điều chỉnh từ phường Quang Trung (1,43 km2; 45.251 người)

 

Phường Kiến Hưng nằm tiếp giáp tuyến đường giao thông Quang Trung - Nguyễn Trãi, quốc lộ 6, quốc lộ 70, Phùng Hưng - Xa La, Cienco 5,... tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối với trung tâm nội đô và các khu vực phía Tây Hà Nội.

Với vị trí giáp ranh giữa khu đô thị cũ và các khu đô thị mới như KĐT Văn Phú, KĐT Xa La, KĐT Kiến Hưng, KĐT Mậu Lương, KĐT Thanh Hà,... phường có vai trò là điểm giao thoa giữa không gian đô thị truyền thống và hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển hài hòa về quy hoạch, thương mại, dịch vụ và đời sống dân sinh. 

Phường giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu trở thành đô thị phía Tây Thủ đô; là khu vực phát triển mở rộng nhằm giải tỏa áp lực dân cư cho khu vực nội đô; là nơi đón đầu các dự án nhà ở xã hội, khu đô thị mới như khu nhà chung cư CT6, khu chung cư thu nhập thấp, khu đô thị Kiến Hưng, Phú Lương, Mậu Lương, Thanh Hà,... và các cụm trường học - y tế. 

Đặc điểm kinh tế phường Kiến Hưng

Phường Kiến Hưng tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại, làng nghề, từng bước nâng cao mức sống của người dân.

Thương mại, dịch vụ, làng nghề tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế địa phương, với mức độ phát triển cao và ngày càng chuyên nghiệp hóa. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh mở rộng sản xuất kinh doanh - dịch vụ theo quy định của pháp luật nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Trên địa bàn phường có quốc lộ 70A, tuyến đường sắt Văn Điển - Hà Đông - Đông Anh; dự án đường trục phía nam Hà Nội và có dòng sông Nhuệ Giang chảy qua. Tiếp giáp các tuyến đường như Quang Trung, Phùng Hưng - Xa La - quốc lộ 70A,... trở thành trục thương mại quan trọng với mật độ kinh doanh cao, đóng góp đáng kể cho thu ngân sách địa phương.

Sự phát triển của các khu đô thị mới như khu nhà chung cư CT6, khu chung cư thu nhập thấp, khu đô thị Kiến Hưng, Phú Lương, Văn Phú kéo theo nhu cầu tiêu dùng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình dịch vụ hiện đại như dịch vụ logistics, thương mại điện tử, dịch vụ chăm sóc cá nhân và giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh. Ngoài ra, hoạt động thương mại - dịch vụ truyền thống tại các chợ dân sinh, khu phố kinh doanh lâu đời vẫn được duy trì, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Với lợi thế về hạ tầng và dân cư đông đúc, phường Kiến Hưng đang dần khẳng định vai trò là trung tâm dịch vụ - thương mại trọng điểm phía Tây Hà Nội.

Tại các khu dân cư truyền thống, một số ngành nghề thủ công như cơ khí nhỏ, sửa chữa điện dân dụng, sản xuất đồ gỗ, may mặc, và thực phẩm chế biến vẫn được duy trì, kết hợp cùng mô hình hộ gia đình kinh doanh tại nhà, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh phát triển theo hướng hiện đại, với các văn phòng đại diện, showroom, cửa hàng nhượng quyền thương hiệu và chuỗi dịch vụ tích hợp.

Ngoài ra, nhờ lợi thế vị trí kết nối liên vùng, phường thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực vận tải, thương mại điện tử và logistics đặt văn phòng, kho bãi, hoặc trung tâm điều phối tại địa bàn.

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Kiến Hưng

Về văn hóa - lịch sử: Phường Kiến Hưng là địa bàn giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp Thành phố và cấp Quốc gia có giá trị, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống và phát triển văn hóa đô thị.

Các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia: Chùa Lâm Dương Quán Đa Sỹ (được xếp hạng năm 1988 ), Miếu Đa Sỹ  (được xếp hạng năm 1988), Chùa Mậu Lương (được xếp hạng năm 1988), Miếu Mậu Lương (được xếp hạng năm 1988), Mộ, Nhà thờ Hoàng Trịnh Thanh và Từ chỉ họ Hoàng (được xếp hạng năm 2015), Đình Văn La (được xếp hạng năm 1988), Đình Văn Phú (được xếp hạng năm 1988), Chùa Văn Phú (được xếp hạng năm 1988), Đình Cầu Đơ (được xếp hạng năm 1985), Đình Hà Trì (được xếp hạng năm 1993), Miếu Hà Trì (được xếp hạng năm 1993), Chùa Hà Trì (được xếp hạng năm 1993) ,...

Làng Đa Sỹ - một làng cổ nổi tiếng ở Hà Nội, làng quê có truyền thống hiếu học, giỏi nghề rèn. Trước đây làng có tên cổ là Huyền Khê, sau này được đổi thành Đa Sỹ vì có nhiều người đỗ tiến sĩ. Đa Sỹ có 11 tiến sĩ, trong đó có hai người là trạng nguyên, một người là lưỡng quốc trạng nguyên. Đa Sỹ còn nổi tiếng bởi nghề rèn, các sản phẩm rèn phục vụ sinh hoạt hàng ngày, sản xuất nông nghiệp, có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2001, làng rèn Đa Sỹ đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống.

Miếu làng Mậu Lương là một di tích lịch sử cấp quốc gia, đã được Bộ Văn hóa (Nay thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng năm 1988. Miếu còn lưu giữ được nhiều vật quý như: kiệu bát cống, án thư, án gian, long ngai bài vị, hoành phi, câu đối… mang đường nét văn hóa thời Lê; một án gian chữ nhật, trang trí hổ phù, lưỡng long chầu nguyệt, chữ thọ… mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Hiện nay, phường Kiến Hưng có bốn cụm di tích được xếp hạng di tích lịch sử bao gồm chùa, miếu Đa Sỹ, chùa - miếu Mậu Lương, nhà thờ họ Hoàng, nhà thờ họ Trịnh.

Ngoài ra, Đình Văn La , đình Văn Phú thờ Thiết Du - vị tướng đã có công chiêu mộ hào kiệt đánh đuổi giặc Lương giúp Lý Bí dựng nên nhà nước Vạn Xuân thế kỉ thứ VI. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, phường Phú La đã góp sức người, sức của cùng dân tộc giành độc lập tự do cho non sông đất nước. Phú La (Văn Phú, Văn La) vinh dự cùng xã Văn Khê được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Ba. Một niềm tự hào lớn đối với phường Phú La là sáng mùng một Tết Bính Ngọ (1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm, chúc Tết cán bộ và nhân dân Văn Phú.

Phường Kiến Hưng từng nổi tiếng cả nước với "Đa Sỹ cố danh hương” đất khoa bảng và có nghề rèn truyền thống; với di tích lịch sử văn hóa thờ các Danh nhân văn hóa có công với nước như: Danh y Hoàng Đôn Hòa (thờ tại Miếu Đa Sỹ), Tràng Hoàng Thống tướng và Đô Hồ Thống tướng (thờ tại miếu Mậu Lương).

Phường Kiến Hưng sở hữu hệ thống trường lớp đồng bộ, đa dạng và chất lượng cao, có đầy đủ từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Nhiều trường đã đạt chuẩn quốc gia như: Trường Tiểu học và THCS Kiến Hưng; Trường Mầm non Kiến Hưng, Trường Mầm non Phú La, Trường THCS và THPT Marie Curie Văn Phú,… đội ngũ giáo viên được phân công công tác về các trường phần lớn có trình độ, tâm huyết với nghề, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ.

Hạ tầng trường lớp hiện đại được đầu tư xây dựng mới, mở rộng diện tích, trang bị phòng học chức năng, phòng tin học, phòng ngoại ngữ, sân chơi… đáp ứng mô hình giáo dục hiện đại. Trường tư thục và trung tâm giáo dục kỹ năng phát triển mạnh mẽ tại các khu đô thị như Văn Phú, Kiến Hưng, đáp ứng nhu cầu học chất lượng cao, học kỹ năng sống, ngoại ngữ, STEM... 

Phường Kiến Hưng gần các bệnh viện lớn như: Bệnh Viện Da Liễu Hà Đông (2D Nguyễn Viết Xuân); Bệnh Viện Y Học Cổ Truyền Hà Đông (Số 99 - Nguyễn Viết Xuân); Bệnh Viện Mắt Hà Đông (2D Nguyễn Viết Xuân); Bệnh Viện 103 (Km 3 - Đường 70 - Tân Triều ); Viện Bỏng Quốc gia (Tân Triều, Thanh Trì); Bệnh Viện Đa Khoa Quận Hà Đông (Số 2, Bế Văn Đàn).

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Kiến Hưng: Số 51, Tổ dân phố 8, phường Kiến Hưng (địa chỉ cũ: Số 51, Tổ dân phố 8, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) - Lô C3, Khu đô thị Văn Phú, phường Kiến Hưng (địa chỉ cũ: Lô C3, Khu đô thị Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông).
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Kiến Hưng: đồng chí Nguyễn Tiến Quyết.
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng: đồng chí Chu Mạnh Hà.
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Kiến Hưng: đồng chí Hoàng Thị Huyền Trang.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời