Xã Mỹ Đức: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Mỹ Đức được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phù Lưu Tế, An Phú, Hợp Thanh, thị trấn Đại Nghĩa, Đại Hưng (huyện Mỹ Đức).
Mỹ Đức được đặt theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp). Tên gọi Mỹ Đức gắn liền với danh thắng 64 Hương Sơn đi vào thi ca, huyền thoại, Hồ Quan Sơn thơ mộng, dòng sông Đáy hiền hòa cùng hàng chục làng nghề, hàng trăm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Khu danh thắng Hương Sơn với quần thể hang động, núi sông và chùa chiền như: động Hương Tích, suối Yến, chùa Hương... là địa chỉ quen thuộc thường xuyên lui tới của người dân cả nước. Vì vậy, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Mỹ Đức có ý nghĩa quan trọng về lịch sử truyền thống và dễ nhận diện.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Mỹ Đức
Xã Mỹ Đức giáp các xã: Hòa Xá, Hương Sơn, Hồng Sơn của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích tự nhiên là 52,73 km2; quy mô dân số là 53.640 người.
Xã Mỹ Đức được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Phù Lưu Tế, An Phú, Hợp Thanh, thị trấn Đại Nghĩa, Đại Hưng (huyện Mỹ Đức), trong đó:
- Xã Phù Lưu Tế (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 6,71; Quy mô dân số: 9.459
- Thị trấn Đại Nghĩa (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 4,95; Quy mô dân số: 9.455
- Xã An Phú (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 22,84; Quy mô dân số: 10.178
- Xã Hợp Thanh (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 11,23; Quy mô dân số: 16.304
- Xã Đại Hưng (Huyện Mỹ Đức): Diện tích: 7,00; Quy mô dân số: 8.244
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Mỹ Đức
Mỹ Đức là xã thuần nông, nằm ở vùng ngoại thành phía Nam Hà Nội, giữ vai trò là cửa ngõ phía Tây Nam và phía Nam của Thủ đô, có tỷ lệ đô thị hóa thấp (không có hoạt động công nghiệp lớn, chỉ có các làng nghề đang phát triển).
Mỹ Đức sở hữu hệ thống di tích lịch sử lâu đời, cảnh quan thiên nhiên đa dạng với nhiều hang động, đầm sen, đầm súng trải rộng, trong đó có khu vực An Phú nổi bật với vẻ đẹp nguyên sơ. Đây là nền tảng thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa bản địa.
Dựa trên những lợi thế sẵn có, kinh tế địa phương đang từng bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân, hướng tới xây dựng Mỹ Đức theo hướng du lịch sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm.
Đặc điểm kinh tế xã Mỹ Đức
Xã Mỹ Đức nổi bật là trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ, nơi đây đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với sự phát triển của các dịch vụ thương mại, tài chính, viễn thông và thu hút đầu tư vào bất động sản, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Xã gần các trung tâm dân cư lớn, kết nối giao thông khá thuận lợi tạo điều kiện phát triển du lịch - dịch vụ; Mỹ Đức gần các thị trường tiêu thụ nông sản lớn, cự ly vận chuyển gần, nhu cầu đa dạng là điều kiện để Mỹ Đức phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Mỹ Đức có hệ thống giao thông đường thủy chủ yếu nằm trên tuyến sông Đáy, ngoài ra, sông Thanh Hà, Mỹ Hà và hệ thống kênh 7 xã tạo thành mạng lưới giao thông đường thuỷ khá thuận lợi cho các phương tiện vận tải nhỏ. Địa bàn xã có cảng Tế Tiêu có thể tiếp nhận các phương tiện vận tải trung bình, nếu đầu tư cải tạo sẽ thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy.
Mỹ Đức vẫn duy trì thế mạnh truyền thống nhưng đang có sự chuyển mình trong nông nghiệp với các sản phẩm đặc trưng như trồng dâu nuôi tằm, cùng với lúa và cây ăn quả. Mỹ Đức có chợ Sêu sầm uất, thúc đẩy thương mại địa phương. Mỹ Đức đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nông nghiệp chất lượng cao với sản phẩm sen An Phú đạt chuẩn OCOP, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch sinh thái gắn liền với cảnh quan thiên nhiên.
Mặc dù còn không ít khó khăn và hạn chế, nhưng Mỹ Đức đã có những tiến bộ nhất định trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là mô hình V-A-C, vườn đồi và sản xuất theo mô hình trang trại đang phát triển khá nhanh; xã Mỹ Đức định hướng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm, sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong tương lai, dần thu hẹp quy mô diện tích đất sản xuất nông - lâm nghiệp để chuyển sang các mục đích sử dụng khác (công nghiệp - TTCN, dịch vụ, du lịch,…).
Các mặt hàng chủ yếu là dệt, may công nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng.
Cơ cấu kinh tế của Mỹ Đức hiện đang có bước chuyển biến tích cực, từ kinh tế thuần nông, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nay đã có bước chuyển dịch lớn theo hướng phát triển lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ. Nhờ quá trình phát triển kinh tế diễn ra tích cực, thu nhập của người dân Mỹ Đức đã được cải thiện đáng kể, có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Mỹ Đức
Mỹ Đức có vị trí nằm ở khu vực phía Nam Thủ đô, tuy là vùng trũng nhưng trong lịch sử, đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là nơi phát triển và có những đóng góp đầu tiên trong nền văn minh sông Hồng (vùng đất này xưa kia thuộc không gian văn hóa Sơn Nam Thượng). Đặc biệt hơn, nơi đây đã từng ghi danh Lý Nam Đế (Lý Bí) giành chủ quyền và duy trì nhà nước Vạn Xuân đến tận sau này. Đây cũng chính là cơ sở để Lý Thái Tổ quyết định dựng kinh đô Thăng Long theo hướng tựa núi, nhìn sông. Là vùng cửa ngõ chính yếu, trấn giữ, bảo vệ an ninh cho Thăng Long - Hà Nội trong suốt nhiều thế kỷ, các cấp chính quyền và cư dân Sơn Nam Thượng luôn thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh trong việc triển khai các kế hoạch, chiến lược dựng xây, bảo vệ Tổ quốc.
Mỹ Đức mang đậm nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, luôn gìn giữ các giá trị truyền thống qua các ngôi đền cổ và đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn xã hiện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích lịch sử - văn hóa nổi bật: Di tích đền Quan Lạn - một ngôi đền cổ kính có niên đại hơn 700 năm, thờ Quan Vũ, mang đậm giá trị tâm linh và lịch sử. Đền là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng.
Khu di tích đền Đinh Tiên Hoàng Đế là một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, nơi thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) - người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đền không chỉ là một công trình kiến trúc cổ kính mà còn là trung tâm của Lễ hội đền Đinh Tiên Hoàng Đế diễn ra vào các ngày 11-12 tháng 10 âm lịch hàng năm. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách, với nhiều nghi thức truyền thống và hoạt động văn hóa, thể thao.
Đền Thượng Tiết là đền thờ Ngô Quyền, người có công đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Đền nằm trên gò đồi Long Cốt Sơn, là một di tích quan trọng ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đặc biệt, Làng Trinh Tiết thể hiện nét văn hóa làng xã truyền thống với những truyền thuyết về lòng thủy chung, son sắt.
Các di tích lịch sử này không chỉ là những công trình kiến trúc có giá trị mà còn là những bằng chứng sống động cho lịch sử, văn hóa và truyền thống của các địa phương, góp phần giáo dục thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội.
Mỹ Đức có Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao phục vụ tổ chức các sự kiện văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền...; có đầy đủ điểm bưu điện văn hóa; nhà văn hóa, đạt 100%, có nhiều khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh ở các điểm dân cư,...
Mạng lưới trường, lớp cơ bản ổn định, tiếp tục phát triển và có sự điều chỉnh phù hợp, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong đơn vị trường học được quan tâm, đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn. Một số trường học tiêu biểu: Trường Mầm non An Phú, Trường Mầm non Đại Nghĩa, Trường Mầm non Tế Tiêu, Trường Mầm non Đại Hưng, Trường Mầm non Phù Lưu Tế; Trường Tiểu học Đại Nghĩa, Trường Tiểu học Hợp Thanh, Trường Tiểu học Đại Hưng, Trường Tiểu học Phù Lưu Tế; Trường Tiểu học An Phú; Trường THCS Đại Hưng; Trường THCS Đại Nghĩa; Trường THCS An Phú; Trường TH và THCS Mỹ Đức, Trường THCS Hợp Thanh; Trường THPT Hợp Thanh, Trường THPT Mỹ Đức A,...
Trên địa bàn Mỹ Đức có bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, bệnh viện tâm thần và các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, các cơ sở y tế tư nhân cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
- Trụ sở Đảng ủy xã Mỹ Đức: số 6, phố Đại Đồng, xã Mỹ Đức
- Trụ sở UBND xã Mỹ Đức: số 2, phố Đại Đồng, xã Mỹ Đức
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Đức: đồng chí Đặng Văn Cảnh
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức: đồng chí Nguyễn Quang Đường.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây