Xã Thiên Lộc: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Thiên Lộc được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Võng La; phần lớn diện tích tự nhiên, dân số các xã: Đại Mạch, Kim Chung, Kim Nỗ và một phần diện tích tự nhiên, dân số các xã: Tiền Phong (huyện Mê Linh), Hải Bối (huyện Đông Anh).
Lý do lấy tên xã mới là Thiên Lộc bởi Thiên Lộc mang ý nghĩa về những giá trị tốt đẹp, may mắn, tài lộc và sự phát triển. Việc lấy tên Thiên Lộc là tên làng, xã cổ và đã từng được sử dụng; có ý nghĩa lịch sử truyền thống văn hóa xưa; nơi hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển; gợi nhớ bản sắc văn hóa và thể hiện khát vọng về sự phát triển, giàu có, may mắn, thịnh vượng.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Thiên Lộc
Xã Thiên Lộc giáp các phường: Đông Ngạc, Thượng Cát, Phú Thượng và các xã: Vĩnh Thanh, Mê Linh, Phúc Thịnh của thành phố Hà Nội.
Xã Thiên Lộc có diện tích tự nhiên là 27,96 km²; quy mô dân số là 74.597 người; trong đó:
- Xã Hải Bối (Huyện Đông Anh): Diện tích: 0,04 km².
- Xã Kim Chung (Huyện Đông Anh): Diện tích: 7,43 km²; quy mô dân số: 26.025 người
- Xã Võng La (Huyện Đông Anh): Diện tích: 6,44 km²; quy mô dân số: 14.387 người
- Xã Kim Nỗ (Huyện Đông Anh): Diện tích: 5,67 km²; quy mô dân số: 17.204 người
- Xã Đại Mạch (Huyện Đông Anh): Diện tích: 8,33 km²; quy mô dân số: 16.981 người
- Xã Tiền Phong (Huyện Mê Linh): Diện tích: 0,05 km².

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Thiên Lộc.
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Thiên Lộc
Xã Thiên Lộc - hàm nghĩa “trời ban phúc”, có vị trí giáp sông Hồng, gần cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và kết nối thuận tiện với sân bay quốc tế Nội Bài, có điều kiện giao thông liên vùng thuận lợi. Xã tiếp cận nhanh với quốc lộ 23, đường Võ Nguyên Giáp, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài và các trục phát triển vùng qua huyện Mê Linh, tạo tiền đề vững chắc cho giao thương, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ và thúc đẩy đô thị hóa.
Nằm trong vành đai đô thị hóa tốc độ cao, xã Thiên Lộc có tiềm năng lớn trong việc phát triển các khu đô thị mới, cụm công nghiệp sạch và hạ tầng logistics hiện đại, đồng thời là một phần quan trọng trong chiến lược mở rộng không gian đô thị Hà Nội về phía Bắc.
Đặc điểm kinh tế xã Thiên Lộc
Cơ cấu kinh tế xã Thiên Lộc chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - thương mại dịch vụ, giảm dần vai trò của nông nghiệp, phù hợp với xu thế phát triển bền vững vùng ven đô.
Trên địa bàn xã có Khu công nghiệp Thăng Long - một trong những khu công nghiệp trọng điểm của Hà Nội, tập trung nhiều doanh nghiệp FDI. Khu công nghiệp này đã tạo ra nguồn việc làm ổn định, không chỉ cho người dân địa phương mà còn thu hút lao động từ các khu vực lân cận, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch lao động, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa.
Ngành dịch vụ phát triển mạnh, đặc biệt là các loại hình thương mại, vận tải, logistics, ăn uống, lưu trú và dịch vụ phục vụ đời sống người lao động trong khu công nghiệp.
Hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu dân sinh và sản xuất, góp phần thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
Xã Thiên Lộc nằm trong hành lang du lịch sông Hồng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ven sông, gắn với cảnh quan tự nhiên và các di tích văn hóa lịch sử đặc sắc.
Ngành nông nghiệp đang giảm dần về tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, tuy nhiên vẫn được duy trì theo hướng nông nghiệp đô thị, tập trung vào các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như trồng rau an toàn, hoa - cây cảnh, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chú trọng nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, phục vụ tiêu dùng địa phương và khu vực nội đô Hà Nội.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Thiên Lộc
Xã Thiên Lộc là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi hội tụ nhiều di sản quý báu được chính quyền và cộng đồng địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy. Các giá trị di sản nơi đây không chỉ phản ánh bề dày lịch sử của vùng đất ven đô mà còn góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển du lịch văn hóa và xây dựng bản sắc đô thị trong tương lai. Trên địa bàn xã có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và Thành phố, tiêu biểu như Chùa Chài (chùa Bạch Sam) - được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996; miếu Mạch Lũng - xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993; đình Đại Độ - được xếp hạng di tích cấp Thành phố năm 2006; đình làng thôn Bầu - được xếp hạng di tích cấp Thành phố năm 2009….
Bên cạnh hệ thống di tích văn hóa, xã Thiên Lộc còn có một số di tích cách mạng, di tích kháng chiến, nhà lưu niệm truyền thống - nơi từng ghi dấu hoạt động của các đồng chí Trung ương trong kháng chiến, góp phần tạo nên chiều sâu lịch sử - cách mạng của địa phương.
Về giáo dục, xã Thiên Lộc có hệ thống cơ sở giáo dục tương đối hoàn chỉnh, bao gồm: 06 trường tiểu học (Võng La, Đại Mạch, Kim Chung, Kim Nỗ, Tiền Phong), 04 trường THCS (Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Võng La) và 01 trường trung học phổ thông là THPT Bắc Thăng Long - một trong những cơ sở giáo dục chất lượng cao của khu vực. Hạ tầng giáo dục được đầu tư đồng bộ, nhiều trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân trong vùng đô thị hóa nhanh.
Về y tế, trên địa bàn xã có Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, các trạm y tế tại Kim Nỗ, Hải Bối, Võng La, Đại Mạch được chú trọng đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và triển khai hiệu quả các chương trình y tế dự phòng. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng sống của người dân.
● Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Thiên Lộc: Thôn Bầu, xã Thiên Lộc
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thiên Lộc: đồng chí Phạm Xuân Toàn
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc: đồng chí Nguyễn Hữu Dũng
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thiên Lộc: đồng chí Nguyễn Chiến Thắng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây