Xã Ứng Thiên: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Ứng Thiên được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hoa Viên, Quảng Phú Cầu, Trường Thịnh, Liên Bạt (huyện Ứng Hòa).

Việc lựa chọn các tên gọi đơn vị hành chính mới mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa của quê hương, tên đơn vị hành chính chứa đựng thông tin dễ nhận diện, mang chiều sâu văn hóa, thể hiện quá trình hình thành, phát triển của địa phương giàu truyền thống cách mạng, văn hóa và nhân văn. Theo đó, “Ứng Thiên” gợi nhớ về Phủ Ứng Thiên xưa, một địa danh cổ kính, chứa đựng niềm tự hào về cội nguồn, về sự kết nối giữa truyền thống và hiện tại.

Đài PTTH Hà Nội
Trao quyết định cán bộ tại xã Ứng Thiên.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Ứng Thiên

Xã Ứng Thiên giáp các xã: Phượng Dực, Phúc Sơn, Vân Đình, Dân Hòa, Hòa Phú của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 38,40 km2; quy mô dân số là 53.962 người.

Xã Ứng Thiên được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Hoa Viên, Quảng Phú Cầu, Trường Thịnh, Liên Bạt (huyện Ứng Hòa)., trong đó:

  • Xã Hoa Viên (Huyện Ứng Hòa): Diện tích: 15,89; Quy mô dân số: 21.843
  • Xã Quảng Phú Cầu (Huyện Ứng Hòa): Diện tích: 8,59; Quy mô dân số: 14.793
  • Xã Trường Thịnh (Huyện Ứng Hòa): Diện tích: 5,81; Quy mô dân số: 8.242
  • Xã Liên Bạt (Huyện Ứng Hòa): Diện tích: 8,11; Quy mô dân số: 9.084

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Ứng Thiên

Ứng Thiên nằm ở phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Xã nằm gần trung tâm Hà Nội nên có lợi thế kết nối giao thông và phát triển kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

Ứng Thiên với làng nghề truyền thống đa dạng, hệ thống hạ tầng giao thông đang được đầu tư nâng cấp như quốc lộ 21B, đường tránh quốc lộ 21B, đang từng bước trở thành một khu vực phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển của các ngành nghề truyền thống.

Đặc điểm kinh tế xã Ứng Thiên

Kinh tế của Ứng Thiên chủ yếu dựa vào nông nghiệp với các sản phẩm chính như lúa, rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, xã còn phát triển các làng nghề thủ công truyền thống sản xuất mây tre đan như: rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng và tiểu thủ công nghiệp, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Ứng Thiên cũng đang từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời mở rộng các hoạt động dịch vụ, thương mại nhằm đa dạng hóa nguồn kinh tế. Những nỗ lực này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống của người dân và đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố.

Hạ tầng giao thông: Ứng Thiên có mạng lưới đường giao thông được bê tông hóa, trải nhựa, giúp kết nối các thôn, làng trong xã với quốc lộ, cao tốc, các tuyến giao thông chính khác của Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và phát triển kinh tế.

Do nằm gần trung tâm Hà Nội, xã có tuyến đường thuận tiện kết nối với các tuyến đường liên xã cũng được cải tạo, mở rộng nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, cũng như kết nối vùng kinh tế phát triển.

Ứng Thiên đang tích cực phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Việc phát triển các hoạt động thương mại - dịch vụ không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Ứng Thiên

Ứng Thiên có lịch sử văn hóa truyền thống với nhiều lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các vị thần làng. Người dân địa phương duy trì các phong tục tập quán, tổ chức lễ hội đình làng, lễ hội mùa xuân và lễ hội cầu mưa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian đặc sắc. Ứng Thiên còn phát triển các làng nghề truyền thống như làm hương, làm gốm, đan lát, giữ gìn nghề cổ truyền và tạo nguồn thu nhập cho người dân. 

Ứng Thiên còn nổi tiếng với làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu truyền thống. Nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu sản xuất chẻ tre, vót tăm, nhuộm chân hương, se hương, phơi khô và đóng gói đã giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế của địa phương. Nghề này đã có từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng phát triển.

Một số di tích lịch sử - văn hóa nổi bật được xếp hạng cấp Quốc gia như: đình Quảng Nguyên, chùa Quảng Nguyên, chùa Bầu Bỏi, đình Phú Lương, đình Bống Vũ, đình Trung Thịnh, đình Trường Yên, đền Thanh Sam, chùa Thanh Sam, nhà thờ Nguyễn Thượng Hiền, đình Tràng. 

Hệ thống nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã được xây dựng và nâng cấp, đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt cộng đồng. Người dân có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững, góp phần tạo nên một cộng đồng xã hội ổn định, phát triển và văn minh.

Đời sống xã hội tại Ứng Thiên ngày càng được cải thiện với hệ thống trường học đầy đủ các cấp học, một số trường tiêu biểu trên địa bàn: Trường Mầm non Liên Bạt, Trường Tiểu học Trường Thịnh, Trường Tiểu học Quảng Phú Cầu, Trường Tiểu học Liên Bạt; Trường THCS Quảng Phú Cầu, Trường THCS Trường Thịnh,...

Xã có hệ thống trạm y tế cơ sở được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ hiệu quả công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn xã.

  •  Trụ sở Đảng ủy xã Ứng Thiên: Thôn Miêng Thượng, xã Ứng Thiên
  •  UBND xã Ứng Thiên: Thôn Trung Thịnh, xã Ứng Thiên
  •  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ứng Thiên: Nguyễn Chí Viễn
  •  Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ứng Thiên: đồng chí Đỗ Năng Bình
  •  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ứng Thiên: đồng chí Vũ Văn Thanh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời