Xã Gia Lâm: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Gia Lâm được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Dương Xá (thuộc huyện Gia Lâm); phần lớn diện tích tự nhiên, dân số của: thị trấn Trâu Quỳ, xã Kiêu Kỵ (thuộc huyện Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên, dân số phường Thạch Bàn (thuộc quận Long Biên); các xã: Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Sơn, Đa Tốn, Bát Tràng (thuộc huyện Gia Lâm).

Lý do lấy tên xã Gia Lâm bởi tên Gia Lâm có từ đời Lý, xưa gọi quận Gia Lâm là vùng đất rộng gồm toàn bộ Bắc Ninh, sau tên đó dùng để gọi phần đất thu lại còn một huyện. Tức là phía Nam Kinh Bắc giáp sông Hồng, bên dưới là huyện Văn Giang. Như vậy, tên gọi Gia Lâm có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa phù hợp với nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính mới và việc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Gia Lâm

Xã Gia Lâm giáp các phường Phúc Lợi, Long Biên và các xã: Bát Tràng, Thuận An, Phù Đổng của thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Xã Gia Lâm có diện tích tự nhiên là 25,72 km²; quy mô dân số là 90.498 người; trong đó:

  • Phường Thạch Bàn (Quận Long Biên): Diện tích: 0,78 km²; quy mô dân số: 106 người
  • Xã Cổ Bi (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 3,69 km²; quy mô dân số: 14.606 người
  • Thị trấn Trâu Quỳ (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 6,88 km²; quy mô dân số: 32.793 người
  • Xã Bát Tràng (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,01 km²; quy mô dân số: 0 người
  • Xã Kiêu Kỵ (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 5,88 km²; quy mô dân số: 14.328 người
  • Xã Phú Sơn (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 1,33 km²; quy mô dân số: 3.389 người
  • Xã Đa Tốn (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 2,20 km²; quy mô dân số: 10.104 người
  • Xã Dương Xá (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 4,95 km²; quy mô dân số: 15.172 người
Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Gia Lâm.

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Gia Lâm

Xã Gia Lâm tọa lạc tại khu vực phía Đông của Thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang giao thông quan trọng với các tuyến quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 8, đường sắt quốc gia và các trục giao thông hướng tâm như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy và đường Cổ Linh. Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện và vị trí tiếp giáp các trục phát triển chủ chốt của Thành phố, xã Gia Lâm hiện giữ vai trò là một trong những động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng không gian đô thị của Hà Nội theo hướng Đông.

Bên cạnh đó, địa phương có kết nối thuận lợi với các phường Phúc Lợi, Long Biên và các xã Bát Tràng, Phù Đổng, Thuận An, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, vận tải và tăng cường liên kết vùng.

 

Đặc điểm kinh tế xã Gia Lâm

Xã Gia Lâm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ưu tiên phát triển công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, đồng thời từng bước giảm tỷ trọng nông nghiệp. Các cụm công nghiệp và làng nghề phát triển mạnh mẽ, nổi bật với các ngành nghề truyền thống như sản xuất vàng quỳ ở Kiêu Kỵ, đồ gỗ mỹ nghệ tại Dương Xá, trồng hoa cây cảnh và các sản phẩm OCOP. 

Trên địa bàn có các khu, cụm công nghiệp lớn như: KCN Phú Thị, CCN: Dương Xá, Kiêu Kỵ, Trâu Quỳ, Cổ Bi, Phú Sơn, Đa Tốn thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo việc làm và thúc đẩy thu ngân sách địa phương.

Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa tại xã Gia Lâm diễn ra với tốc độ nhanh chóng, thể hiện qua sự hình thành và phát triển của hàng loạt khu đô thị mới như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Masteri Waterfront, Handhome BlueStar, Highway5 Residence, EuroWindow Twin Park, Gia Lâm Metropolitan, Oasis Cổ Bi,… Những khu đô thị kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về dân số và tỷ lệ dân cư đô thị.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Gia Lâm

Trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới, xã Gia Lâm vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo nên bản sắc riêng biệt trong tiến trình đô thị hóa. Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt, học tập và chăm sóc sức khỏe, đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng môi trường sống theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Sự nghiệp văn hóa - giáo dục trên địa bàn xã được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

Xã Gia Lâm sở hữu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc có giá trị, tiêu biểu như: chùa Bà Tấm (hay còn gọi là đền Ỷ Lan) tại xã Dương Xá - được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1996; chùa Đào Xuyên (Thánh Ân Tự) tại xã Đa Tốn - di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1990; đền Nghè tại xã Kiêu Kỵ - được xếp hạng di tích lịch sử và văn hóa cấp Quốc gia năm 1996; đình thôn Vàng tại xã Cổ Bi - được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995 ,… Những di sản này không chỉ phản ánh chiều sâu văn hóa của địa phương mà còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống và phát triển du lịch văn hóa.

Về giáo dục, trên địa bàn xã có 05 trường THCS (Cổ Bi, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đa Tốn); 05 trường tiểu học (Cổ Bi, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đa Tốn); 06 trường mầm non (Phú Sơn, Cổ Bi, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đa Tốn); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp được duy trì ổn định. Xã đạt chuẩn và giữ vững các tiêu chí phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Các trường xây dựng các mô hình giáo dục thể chất nhằm nâng cao thể lực, kỹ năng và sức bền cho học sinh.

Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt mức cao. Xã triển khai hiệu quả hệ thống quản lý sức khỏe điện tử, thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử. Những nỗ lực này góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu và đảm bảo quyền lợi y tế cho người dân. Hiện nay, xã có 05 trạm y tế (Cổ Bi, Trâu Quỳ, Kiêu Kỵ, Dương Xá và Đa Tốn), đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của nhân dân.  

● Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Gia Lâm: Số 01, phố Thuận An, xã Gia Lâm (địa chỉ cũ: số 01, phố Thuận An, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm)

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gia Lâm: đồng chí Nguyễn Việt Hà

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm: đồng chí Dương Viết Cường

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Gia Lâm: đồng chí Nguyễn Văn Hợi.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời